Công chúa Dubai: Tôi bị cầm tù

Thứ Tư, 17 Tháng Hai 202110:00 SA(Xem: 5408)
Công chúa Dubai: Tôi bị cầm tù

Trong các video ghi hình bí mật, công chúa Dubai Latifa cho biết cô bị giam giữ tại “một biệt thự giống như nhà tù” và không có trợ giúp y tế nào.

Công chúa Latifa bint Mohammed al-Maktoum là con gái thứ hai của ông Mohammed bin Rashid al-Maktoum, Tiểu vương Dubai kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Lần cuối Latifa xuất hiện trước công chúng là vào tháng 3/2018, khi cô thực hiện chuyến đào tẩu bất thành khỏi Dubai.

Hôm 16/2, BBC công bố nhiều đoạn ghi hình bí mật trong chương trình Công chúa mất tích. Trong đó, Latifa cho biết cô bị giam giữ ở “một biệt thự giống như nhà tù” và không có sự trợ giúp y tế.

“Tôi là con tin. Biệt thự này đã biến thành nhà tù. Tất cả cửa sổ đều đóng kín. Tôi không thể mở bất kỳ cửa sổ nào. Tôi ở một mình, bị biệt giam. Tôi không được trợ giúp y tế, không bị xét xử, không bị buộc tội, không gì cả”, công chúa Latifa chia sẻ trong đoạn phim.

Công chúa bị giam giữ

Năm 2018, công chúa Latifa từng cố chạy trốn khỏi cuộc sống xa hoa nhưng bị kiểm soát gắt gao ở Dubai. Với sự giúp đỡ của cựu sĩ quan người Pháp Herve Jaubert và nữ võ sư người Phần Lan Tiina Jauhiainen, công chúa đến được vùng biển ngoài khơi Ấn Độ.

Song chỉ vài ngày sau, con thuyền chở Latifa bất ngờ bị một nhóm vũ trang đột kích. Nhóm này được cho là lực lượng đặc nhiệm của UAE.

Kể từ đó, Latifa chưa từng xuất hiện trước công chúng. Bạn bè cho hay công chúa cắt đứt liên lạc hoàn toàn với họ.

Cong chua Dubai anh 1

Công chúa Latifa và nữ võ sư người Phần Lan Tiina Jauhiainen. Ảnh: BBC.

Trong chương trình của BBC phát ngày 16/2, đài này công bố loạt video ghi hình bí mật. Trong đó, công chúa Latifa xuất hiện và khẳng định cô bị giam giữ tại “một biệt thự giống như nhà tù”.

BBC cho biết người bạn thân Tiina Jauhiainen tìm cách đưa điện thoại cho Latifa. Nhờ đó, cô có thể tự quay lại để “miêu tả cuộc sống bị giam cầm”.

“BBC đã xác minh tình trạng bị giam giữ của công chúa Latifa. Cô ấy đang bị 30 cảnh vệ thay phiên canh gác nghiêm ngặt. Biệt thự chỉ cách bãi biển vài mét và không rõ công chúa Latifa còn ở bên trong hay không”, thông cáo của BBC cho hay.

Trong một video, Latifa nói cô chịu cảnh giam cầm đã hơn một năm: “Mỗi ngày, tôi đều lo lắng cho sự an toàn của mình. Cảnh vệ đe dọa rằng tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy Mặt Trời nữa. Tôi không được an toàn khi ở đây”.

Người bạn thân Tiina Jauhiainen cho biết: “Latifa trông khá nhợt nhạt, cô ấy không được sưởi nắng trong một thời gian dài. Về cơ bản, cô ấy chỉ được di chuyển giữa phòng riêng và nhà bếp”.

Đằng sau cuộc sống vương giả

Trước làn sóng dư luận về tung tích của Latifa, chính phủ UAE hồi cuối năm 2018 công bố những bức ảnh chụp công chúa Dubai trò chuyện với Ủy viên Nhân quyền Liên Hợp Quốc Mary Robinson.

Sau chuyến thăm, bà Robinson trấn an dư luận rằng công chúa Latifa đang nhận được sự chăm sóc cần thiết. Bà nói cô chỉ "gặp rắc rối" và "hối hận" vì cố gắng chạy trốn khỏi Dubai.

Phát biểu này của bà Robinson vấp phải nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền.

Cong chua Dubai anh 2

Công chúa Dubai và Ủy viên Nhân quyền Liên Hợp Quốc Mary Robinson. Ảnh: BBC.

Song, trong tập phim tài liệu mới phát sóng của đài BBC, bà Robinson đã thay đổi quan điểm. Bà kể lại cuộc gặp hồi năm 2018: “Cả tôi và người bạn tốt, công chúa Haya, đều hiểu lầm sự việc. Haya giải thích rằng Latifa bị rối loạn lưỡng cực nghiêm trọng”.

Theo bà Robinson, những người giam giữ công chúa Latifa lập luận rất thuyết phục: “Chúng tôi không muốn Latifa trải qua chấn thương nào nữa”.

Do đó, bà Robinson không muốn trò chuyện và khiến Latifa bị tổn thương, làm hỏng không khí của buổi tiệc trưa hôm đó.

Công chúa Jordan Haya bint al-Hussein là vợ cũ của Tiểu vương Mohammed bin Rashid al-Maktoum. Công chúa Haya từng cùng hai người con chạy trốn khỏi Dubai để đến London (Anh) vào năm 2019. Bà là người vợ thứ sáu của tiểu vương Dubai, song không phải là mẹ ruột của công chúa Latifa.

Năm 2019, thẩm phán Andrew McFarlane của Tòa án Tối cao London cáo buộc Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid al-Maktoum tiến hành "chiến dịch đe dọa" nhắm vào công chúa Haya, đồng thời ba lần tổ chức các cuộc bắt cóc con gái là hai công chúa Shamsa và Latifa.

"Đối với cả Shamsa và Latifa, việc gia đình người cha giam giữ họ là hành động tước quyền tự do", tòa án cho biết.

Cong chua Dubai anh 3

Tiểu vương Dubai và công chúa Haya. Ảnh: AFP.

Ở thời điểm này, Tiểu vương Mohammed chỉ trích bản án là nhận định một chiều. "Vụ việc này liên quan đến những vấn đề cá nhân, liên quan đến con cái chúng tôi. Chúng tôi kháng nghị để bảo vệ lợi ích và phúc lợi cho các công chúa”, ông cho biết trong một tuyên bố.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn