Quốc tế kêu gọi chính phủ Nhật rút khỏi dự án nhiệt điện than ở Việt Nam ( Nhật đang giúp VN ? hahaha )

Thứ Hai, 01 Tháng Hai 20215:00 CH(Xem: 4562)
Quốc tế kêu gọi chính phủ Nhật rút khỏi dự án nhiệt điện than ở Việt Nam ( Nhật đang giúp VN ? hahaha )
voatiengviet.com

Quốc tế kêu gọi chính phủ Nhật rút khỏi dự án nhiệt điện than ở Việt Nam

VOA Tiếng Việt

Hơn một trăm tổ chức quốc tế vừa lên tiếng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản và các công ty tham gia cung cấp tài chính xây dựng một nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam rút khỏi dự án mà họ cho là sẽ gây ra hại tới môi trường.

Trong bức thỉnh nguyện thư gửi tới Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cùng các bộ trưởng và CEO của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở New York công bố hôm 25/1, 128 tổ chức từ 39 quốc gia kêu gọi Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) rút lại quyết định cung cấp tài chính cho dự án Nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng 2 ở Việt Nam. Các tổ chức đồng ký tên cũng kêu gọi các công ty tham gia rút khỏi dự án này trước lo ngại về sự xung đột với các hành động chống biến đổi khí hậu.

Ngân hàng JBIC của Nhật Bản hôm 28/12/2020 ký một thoả thuận cho vay lên tới khoảng 636 triệu USD cho dự án Vũng Áng 2 ở miền Trung Việt Nam. Các tổ chức tài chính khu vực tư nhân được cho là sẽ tham gia đồng tài trợ bao gồm một số ngân hàng và tập đoàn tài chính của Nhật. Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc cũng được cho là sẽ đầu tư vào dự án đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và gây bất đồng trong nội bộ chính phủ Nhật Bản, theo Business Times.

Như VOA từng đưa tin, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiến hành với dự án nhiệt điện than này ở Việt Nam, bất chấp những tranh cãi và áp lực của giới đầu tư, và sẽ cung cấp khoản tiền vay tổng cộng lên tới gần 1,8 tỷ USD dù cả hai nước đều đưa ra những cam kết đầy tham vọng sẽ đáp ứng mục tiêu không tạo thêm carbon ngay trên lãnh thổ của mình.

Vũng Áng 2 đã trở thành mục tiêu của chỉ trích của quốc tế, khiến dự án này nảy sinh nhiều vấn đề.

“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ quyết định của JBIC trong việc hỗ trợ dự án này mặc dù trên thực tế JBIC chưa tho thấy trách nhiệm giải trình đối với nhiều mối lo ngại đã được nêu lên, bao gồm sự xung đột của dự án đối với các biện pháp chống biến đổi khí hậu và sự thiếu sót trong đánh giá tác động môi trường,” theo thỉnh nguyện thư mà HRW đồng tham gia ký tên.

Nhật Bản đã ký Thỏa thuận Paris, trong đó yêu cầu các quốc gia tham gia ký kết nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu các nhà máy nhiệt điện than mới được xây dựng, theo các tổ chức cho biết trong thỉnh nguyện thư.

“Việc tiếp tục dự án Vũng Áng 2 là không thể chấp nhận được, xét trong bối cảnh không thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 độ C trừ khi việc sản xuất nhiệt điện than bị loại bỏ trên toàn thế giới vào năm 2040, bao gồm cả việc ngừng hoạt động các nhà máy điện than hiện có,” thỉnh nguyện thư viết.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1 độ C, theo 128 tổ chức trong đó có SCODE và 350 Vietnam – 2 tổ chức lên quan đến môi trường ở Việt Nam.

Vào tháng 10 năm 2020, trong vòng một tháng, bốn cơn bão đã tấn công miền Trung Việt Nam, nơi dự kiến đặt địa điểm Vũng Áng 2, gây ra thiệt hại đáng kể. Theo thỉnh nguyện thư, khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng trên toàn thế giới, việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện than mới gây ra rủi ro lớn hơn không chỉ cho người dân Việt Nam mà cho tất cả mọi người trên thế giới, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương ở phía nam bán cầu.

Được biết, nồng độ khí thải gây ô nhiễm không khí từ nhiệt điện Vũng Áng 2 sẽ cao hơn nhiều lần so với phát thải từ các nhà máy điện xây dựng ở Nhật Bản. Phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch được trích dẫn trong thỉnh nguyện thư cho thấy lượng phát thải dự kiến từ nhà máy này, nếu được xây dựng, sẽ cao hơn tiêu chuẩn của Nhật Bản từ 5-10 lần.

Một sự cố ô nhiễm môi trường lớn đã xảy ra gần địa điểm quy hoạch của Vũng Áng 2. Việc xả thải các chất ô nhiễm từ nhà máy thép do Công ty thép Formosa của Đài Loang ở Hà Tĩnh hồi năm 2016 đã khiến hàng trăm tấn cá chết và gây ra thảm hoạ môi trường biển ở miền Trung Việt Nam mà các chuyên gia cho rằng sẽ mất cả thế kỷ để phục hồi.

Theo nguồn tin Tạp chí Năng lượng Việt Nam, điện than là nguồn năng lượng giá rẻ nên được sử dụng phổ biến tại các nước đang phát triển. Khoảng 5% nguồn vốn vay ODA năm 2018 của Chính phủ Nhật Bản (1.370,5 tỷ yên, tương đương khoảng 13,22 triệu USD) được dành cho các dự án điện than, trong đó các dự án tập trung tại khu vực châu Á như Việt Nam và Bangladesh.

Hiện hợp đồng thuê đất cho dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh và chủ đầu tư ký tắt ngày 19/3/2020 và đang được thảo luận giữa chủ đầu tư, tư vấn luật của Bộ Công thương và bên cho vay. Theo kế hoạch, tổ 1 của dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 sẽ được đưa vào vận hành thương mại trong quý 3 năm 2025 và tổ máy 2 sẽ được vận hành thương mại vào năm tiếp theo.

“Chính phủ Nhật Bản nên lắng nghe một cách chân thành những tiếng nói của công dân kêu gọi hành động vì khí hậu và từ bỏ sử dụng than, cũng như rút lại sự ủng hộ cộng đồng đối với dự án Vũng Áng 2,” các tổ chức kêu gọi trong bức thư.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn