Phúc Niểng lại dùng từ ‘chống giặc’ để kêu gọi chặn suy thoái kinh tế!

Thứ Tư, 11 Tháng Mười Một 20206:00 SA(Xem: 3024)
Phúc Niểng lại dùng từ ‘chống giặc’ để kêu gọi chặn suy thoái kinh tế!
rfa.org

Thủ tướng Việt Nam lại dùng từ ‘chống giặc’ để kêu gọi chặn suy thoái kinh tế!

RFA

Mới đây tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ‘chống suy thoái như chống giặc’.

Mục tiêu không rõ ràng?

Vào tháng 10 năm 2020, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại trình Quốc hội mục tiêu GDP năm 2021 tăng 6%; CPI bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng 4,8%...

Trước đó, vào cuối tháng 4 năm 2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới 2020. IMF đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 là 2,7%, chỉ số giá tiêu dùng CPI dự báo là 3,2%.

Khi đó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố không chấp nhận mức tăng trưởng chỉ 2,7% trong năm 2020 theo như dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Liệu có mâu thuẫn hay không khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu kinh tế quá cao, rồi trong thời gian ngắn lại yêu cầu ‘chống suy thoái như chống giặc’?

Trong bối cảnh COVID-19 như vậy, tốc độ tăng trưởng năm nay đạt trên 2%, đấy là biểu hiện suy thoái rồi. Cho nên nếu muốn đạt tốc độ tăng trưởng GDP mong muốn thì phải chống suy thoái.
-PGS. TS. Ngô Trí Long

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 11 năm 2020, liên quan vấn đề này:

“Trong bối cảnh COVID-19 như vậy, tốc độ tăng trưởng năm nay đạt trên 2%, đấy là biểu hiện suy thoái rồi. Cho nên nếu muốn đạt tốc độ tăng trưởng GDP mong muốn thì phải chống suy thoái. Chứ không phải sau khi đặt mục tiêu rồi, bây giờ chống suy thoái là mâu thuẫn. Vì trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế đang suy thoái, mà để đạt mục tiêu thì phải chống suy thoái.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nếu muốn biết đạt mục tiêu hay không phải xét theo bối cảnh. Khi người ta đặt ra mục tiêu thì người ta nghĩ là sẽ đạt được mục tiêu đó, nhưng với điều kiện phải kiểm soát được yếu tố dịch bệnh, đấy là yếu tố quan trọng trong điều kiện bình thường mới. Theo ông, tất nhiên chính phủ đưa ra mục tiêu là có căn cứ cơ sở của nó, nhưng cái đấy cũng không đơn giản vì trong bối cảnh vừa khôi phục phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh là một thách thức không nhỏ.

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 11 năm 2020, liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết:

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 27/10/2020.

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 27/10/2020. AFP

icon-zoom

“Hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, chưa biết sẽ như thế nào, cho nên các chỉ tiêu, thể hiện tinh thần phấn đấu. Tôi nghĩ đề ra như vậy rất là hoan nghênh, nhưng khả năng thực hiện thì cần phải huy động tối đa nguồn lực trong nước. Chứ trong tình hình hiện nay, tôi không nghĩ đầu tư nước ngoài có thể tăng như chúng ta mong muốn. Mặc dù có thông tin đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc, và có thể chuyển sang nước khác như Việt Nam hoặc Ấn Độ. Nhưng theo tôi hiểu, họ không rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc, họ vẫn giữ các dự án ở đó, họ chỉ giảm một số, hoặc chuyển một số sang nước khác thôi. Chứ TQ là một thị trường lớn, tôi không nghĩ có nhà đầu tư nào lại bỏ thị trường lớn đó để chuyển sang một nước khác như Việt Nam, bé hơn rất nhiều.”

Nên coi chỉ tiêu tăng trưởng là hướng dẫn

Việc coi tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa GDP như chỉ tiêu mang tính pháp lệnh, theo chế độ kinh tế tập trung, theo nhiều chuyên gia ngày càng trở nên bất cập và không hiệu quả.

Vì sao lại như vậy? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích:

“Việc đề ra tăng trưởng GDP là một trong những kế tục của thời kỳ kinh tế hóa tập trung. Bây giờ thì sang kinh tế thị trường và có hội nhập quốc tế rất sâu rộng, thì chỉ tiêu tăng trưởng đó chỉ nên coi có tính chất hướng dẫn, chứ không nên coi là chỉ tiêu có tính chất pháp lệnh bắt buộc phải theo. Bởi vì kinh tế Việt Nam thì hiện nay xuất nhập khẩu đã tăng hơn 200% GDP, cho nên phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới, và kinh tế thế giới thăng trầm như thế nào thì Việt Nam không thể kiểm soát được.”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khi trả lời RFA cho rằng, mặc dù Chính phủ mong muốn đạt được mức tăng trưởng cao hơn, nhưng năm nay cho thấy Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân theo bà do nền kinh tế Việt Nam tăng trường dựa rất nhiều vào FDI và xuất khẩu, nhưng xuất khẩu hiện nay khó và FDI cũng không thu hút được nhiều như trước. Bà nói tiếp:

Bây giờ thì sang kinh tế thị trường và có hội nhập quốc tế rất sâu rộng, thì chỉ tiêu tăng trưởng đó chỉ nên coi có tính chất hướng dẫn, chứ không nên coi là chỉ tiêu có tính chất pháp lệnh bắt buộc phải theo.
-TS. Lê Đăng Doanh

“Tôi e là tất cả những nhân tố đó sẽ làm tăng trưởng năm nay khó hơn nhiều. Tôi thấy Chính phủ thường đưa ra một mức để mọi người cùng cố gắng để đạt được. Tuy nhiên, đạt được hay không do nhiều nhân tố, chứ không phải cứ cố gắng là được, vì Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài. Một trong những nhân tố giúp Việt Nam tăng trưởng những năm vừa qua là cầu nội địa cũng tương đối khá. Nhưng năm nay tiêu dùng nội địa đang bị ảnh hưởng rất lớn, vì hầu hết người tiêu dùng qua dịch gặp khó khăn, nhất là người lao động.”

Dù báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố Việt Nam là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN 5, bốn nước còn lại gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Hẳn nhiên IMF có cơ sở để đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long vẫn cảnh báo:

“Nền kinh tế Việt Nam hiện nay tuy tăng trưởng dương so với các nước hiện nay tăng trưởng âm hoặc đang suy thoái rất mạnh. Nhưng tất nhiên không thể chủ quan, ru ngủ trên vòng nguyệt quế, đó là cảnh báo. Vì thực chất còn nhiều khó khăn phía trước, và ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam là chưa vững chắc, vẫn có tụt hậu, năng suất lao động còn thấp, chính vì vậy phải tập trung coi trọng những vấn đề đó.”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trước hết phải cân đối ngân sách và kiểm soát rất chặt chẽ chi tiêu. Ngoài ra theo ông, trong tình hình hiện nay phải đề cao tinh thần tiết kiệm và kỷ luật ngân sách rất cao. Điểm thứ hai theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần thực hiện là cải cách bộ máy nhà nước, để giảm chi tiêu, chi phí về thời gian và tiền bạc đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể được thành lập và hoạt động. Ông nói tiếp:

“Điểm cuối cùng, phải vận dụng nhanh và toàn diện kinh tế số, thương mại điện tử, cũng như là vận dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của nhà nước, cũng như doanh nghiệp. Muốn làm việc đó thì nhà nước phải hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực, bồi dưỡng người dân, kể cả nông dân cũng cần tiếp cận kinh tế số, với thương mại điện tử và vận dụng vào trong nông nghiệp.”

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, nếu chính phủ muốn tăng trưởng tốt, thì như nhiều khuyến nghị, chính phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn, để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại bình thường sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bà Phạm Chi Lan mong muốn, ngoài cứu những doanh nghiệp sống dở chết dở, chính phủ cần phải nghĩ đến đường dài, để doanh nghiệp vượt lên trong điều kiện hiện nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn