Ai đang gặm miếng bánh tăng trưởng?

Thứ Ba, 17 Tháng Mười Một 20203:00 SA(Xem: 5509)
Ai đang gặm miếng bánh tăng trưởng?
giua-tam-bao-covid-19-adb-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2020-dat-48-15924474200842012596196-crop-1592447430374945804806

Tháng trước, Asiatimes có bài viết ca ngợi Việt Nam là “Kẻ Ngoại lệ” trong khu vực, khi không chỉ thành công trong chống dịch mà còn giữ vững được tăng trưởng kinh tế. 

Ngoài Trung Quốc, chỉ có Việt Nam là nền kinh tế lớn duy nhất ở Châu Á tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên khi xem xét, phân tích kỹ những số liệu kinh tế vĩ mô gần đây từ các cơ quan thống kê, nó lại hiện ra bức tranh không mấy sáng sủa.

Tốc độ tăng trưởng GDP 2.62% của quý 3 (và tính chung 3 quý là 2,12%) dù vẫn là ước mơ của nhiều quốc gia, nhưng nó chưa hẳn phản ảnh chính xác thực trạng của các doanh nghiệp cấu thành nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa. Động lực chính cho sự tăng trưởng này, nhìn chung đến từ mức xuất siêu kỷ lục từ đầu năm tới nay. Tính tới cuối tháng 10, xuất siêu đạt 18,72 tỉ USD, tương đương với cộng trực tiếp 5% vào tăng trưởng GDP cùng kỳ, phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI (chiếm hơn 64%).

Dùng vài phép toán đơn giản, sẽ thấy rằng các doanh nghiệp nội địa thực tế đang tăng trưởng âm từ đầu năm tới nay. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 8 tháng đầu năm tăng 71%, với 34.300 doanh nghiệp. Tại đầu tầu kinh tế TP HCM, tính tới cuối tháng 7, tổng số vốn của các doanh nghiệp đăng ký mới chỉ bằng 1/3 của các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Một cuộc suy giảm về cả lượng và chất của khối doanh nghiệp nội địa không còn là nguy cơ, nó đang thực sự xảy ra.

Tình trạng của các doanh nghiệp nội là rất bi đát, sự suy giảm gần như dìm ngành du lịch xuống số không, đã kéo theo một hiệu ứng rộng và sâu. 

Hàng tỉ USD đầu tư vào các khách sạn, resort cao cấp suốt hơn 3.000 km bờ biển, giờ trở thành những mồ chôn doanh nghiệp (và cả ngân hàng). Các doanh nghiệp nội địa, vốn phần lớn là vừa và nhỏ, có tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lớn, thực sự cần sự trợ giúp để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên giúp đỡ thế nào vẫn là một câu hỏi khó trả lời.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, từng đề xuất các chính sách hỗ trợ DN cần được ưu tiên ban hành nhanh chóng với các điều kiện phù hợp thực tế: “Thay vì tập trung vào hỗ trợ DN kiệt quệ, nên hướng đến giúp các đơn vị tiết giảm được dòng tiền chi ra. Qua đó để họ cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ được người lao động và tái cấu trúc DN”.

Ngoài ra, ông Bình kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm mạnh các khoản tiền liên quan đến phí, lãi suất, thuế. Điển hình như các loại tiền bảo hiểm, tiền thuê đất, lãi vay ngân hàng, phí công đoàn... Qua đó để DN có thêm nguồn tiền hoạt động, người lao động có thu nhập đảm bảo để từ đó thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng. 

Đây là những ý kiến xác đáng và thực tế, và cũng rất đúng với gói giải pháp của Chính phủ, cụ thể như ban hành một loạt các chính sách về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu cho hàng loạt lĩnh vực kinh tế, miễn phí môn bài đối với hợp tác xã, miễn thu một loạt dịch vụ chứng khoán, vv. Tất cả đều hướng tới giảm nghĩa vụ nộp ngân sách và cơ cấu lại thời gian trả nợ của các doanh nghiệp, rất hợp lý và sát nhu cầu thực tiễn.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều điều luật, văn bản gây tổn thương cho doanh nghiệp, trái với tinh thần của Chính phủ, thậm chí xung đột với các luật trước đó vẫn còn tồn tại, mà gần đây nhất chính là Nghị Định 20 Quy định về Quản lý thuế đối với Doanh nghiệp có Giao dịch liên kết (Ngày 5/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/NĐ-CP, về các quy định mới về giao dịch liên kết tại Việt Nam, Nghị định 132 sẽ thay thế Nghị định 20 về giá giao dịch liên kết ban hành vào năm 2017) đang gây nhiều tranh cãi cả trên báo chí lẫn nghị trường.

Nghị định 20 không chỉ sai với chiến lược của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp , mà về mặt kỹ thuật, nó cũng trái luật thuế TNDN hiện hành, trái với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, áp dụng với tất cả các doanh nghiệp không phân biệt, dẫn tới việc thu thuế 2 lần đối với các doanh nghiệp nội địa, mang tính chất đánh người nhà, chứ không phải để quản lý việc chuyển giá, trốn thuế đối với các doanh nghiệp liên kết như tinh thần của nó.

Để trở thành một nước công nghiệp phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần có một khối doanh nghiệp nội địa mạnh và cạnh tranh, xây dựng được các thương hiệu Việt vươn tầm thế giới. Các doanh nghiệp FDI vẫn đóng một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế trong trung hạn, nhất là giải quyết công ăn việc làm, đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý, tuy nhiên về dài hạn, Việt Nan cần phải tự đứng trên đôi chân của chính mình. 

Và những văn bản vô lý như Nghị định 20, đang góp thêm phần bức tử doanh nghiệp nội trong bối cảnh khó khăn chung.

Nền kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng trong nghịch cảnh là điều rất tốt, nhưng nếu nó chỉ là sự tăng trưởng kiểu xanh vỏ đỏ lòng, ẩn bên trong là sự suy tàn của doanh nghiệp nội địa và sự thâu tóm, bành trướng của doanh nghiệp ngoại, thì hệ quả về lâu dài sẽ là doanh nghiệp Việt phải bán mình cho nước ngoài với giá rẻ, người Việt sẽ mất chủ quyền kinh tế, sẽ không phải là kẻ được hái quả ngọt cuối cùng của quá trình phát triển, chẳng khác gì các quốc gia thất bại khác trong khu vực Đông Nam Á.

Toàn cầu hoá không xoá đi quốc tịch của các doanh nghiệp, bỏ hàng rào thuế quan không làm mất đi biên giới các quốc gia. Tăng trưởng kinh tế của một đất nước trăm triệu dân không thể chỉ dựa vào báo cáo tài chính và sản lượng xuất cảng của Samsung. Nền kinh tế như một thửa ruộng tốt, khi cho cả người nhà lẫn người ngoài cày cấy, gieo trồng, thì tối thiểu hãy áp mức tô thuế công bằng, để hoa lợi chia đều cho tất cả. 

Vì cuối cùng, người gắn bó với mảnh ruộng đó kể cả khi nó đã bạc màu, kém chất, thì chắc chắn chỉ có thể là những con người sinh ra ở tại đó, chứ không phải người đi thuê mượn. Triết lý quản trị quốc gia, nghe thì phức tạp, nhưng thực ra cũng chỉ giản dị vậy, mà thôi.

Nguyễn Thị Thảo

(FB Nguyễn Thị Thảo)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 24 Tháng Bảy 20217:56 CH
Thứ Năm, 22 Tháng Bảy 20211:00 CH