Mất con, đôi chim cánh cụt nổi điên giết chết đồng loại

Thứ Sáu, 09 Tháng Mười 20209:00 SA(Xem: 3454)
Mất con, đôi chim cánh cụt nổi điên giết chết đồng loại

chim-canh-cut

Chim cánh cụt trong vườn thú Dresden, Đức. (Ảnh: Zoo Dresden).

Đôi chim cánh cụt Humboldt thực hiện một hành vi chưa từng có trong vườn thú Dresden ở Saxony, Đức, hôm 21/5. Trước đó, các nhân viên vô cùng mừng rỡ khi phát hiện ba cặp chim cánh cụt đang ấp trứng. Hai cặp đã ấp thành công và bắt đầu nuôi dưỡng 4 con non.

Tuy nhiên, quả trứng của cặp còn lại không nở được. Khi chắc chắn nó đã hỏng, các nhân viên mang cả tổ và trứng đi. Điều này khiến chim bố mẹ nổi giận. Khi các nhân viên rời khỏi đó, chúng tấn công một đôi chim đã ấp trứng thành công, đuổi đối phương khỏi tổ và giết hai con non. Các con non đều đang phát triển tốt, nặng 300g và 500g.

Hai con chim cánh cụt nhỏ bị giết chết trong vườn thú.


Hai con chim cánh cụt nhỏ bị giết chết trong vườn thú. (Ảnh: Zoo Dresden).

4 ngày sau, chúng tiếp tục tấn công đôi chim còn lại. Lần này, đôi chim cố gắng bảo vệ đàn con và chết sau cuộc tấn công dữ dội. Nhờ sự hy sinh đó, các nhân viên có đủ thời gian can thiệp và giải cứu hai con non. Tuy nhiên, giờ chúng trở thành mồ côi bố mẹ và cần người chăm sóc. Mỗi con non nặng hơn một kg, đã biết ăn cá và được dự đoán sẽ phát triển tốt.

Nhân viên vườn thú rất sốc trước hành vi của đôi chim cánh cụt mất con. “Quả trứng không được thụ tinh thành công. Khi quá thời hạn nở rất lâu, chúng tôi quyết định bỏ quả trứng đi vì chắc chắn nó đã hỏng và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chim cánh cụt”, Karl Heinz Ukena, quản lý vườn thú, giải thích.

“Ngoài tự nhiên cũng chưa ghi nhận trường hợp nào chim cánh cụt hành động như vậy”, Ukena bổ sung. Trong tương lai, vườn thú sẽ không loại bỏ ngay trứng hỏng mà để lại lâu hơn hoặc thay thế bằng một quả trứng nhân tạo cùng kích cỡ và màu sắc.

Sự việc là tổn thất đáng buồn với chim cánh cụt Humboldt, loài vật được xếp loại sắp nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Do biến đổi khí hậu và môi trường sống thu hẹp, trên thế giới chỉ còn khoảng 32.000 con trưởng thành.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn