Chuyện thật: Ai là tác giả của Bình Ngô Đại Cáo?

Thứ Ba, 04 Tháng Tám 20208:00 SA(Xem: 5263)
Chuyện thật: Ai là tác giả của Bình Ngô Đại Cáo?

Chu Mộng Long

3-8-2020

Nhớ cách đây đã lâu, sau giờ dạy luyện thi tôi gặp một “đàn anh văn nghệ sĩ Bình Định”. Ông ta là một lãnh đạo của tỉnh, nhưng lại là một nhạc sĩ, nhà thơ, cũng đã xuất bản mấy tập thơ, nhạc.

Đang uống nước, ông ta hất hàm hỏi tôi:

– Mày dạy văn có biết ai là tác giả Bình Ngô đại cáo không?

Tôi trố mắt nhìn ông. Tôi không trả lời ngay vì thấy cái câu hỏi ấy có vẻ khiêu khích. Đứa trẻ con học xong lớp 7 cũng biết là của Nguyễn Trãi, sao một giảng viên đại học như tôi phải trả lời cái câu hỏi ấy? Thấy tôi trố mắt, ông ta nói:

– Mày sẽ nói là của Nguyễn Trãi chứ gì? Tao nói cho mày biết, các giáo sư, tiến sĩ soạn sách giáo khoa ngu lâu, dốt bền mới ghi tên tác giả là Nguyễn Trãi…

Nghe ông nói như vậy thì tôi mới cắt lời:

– Không phải chỉ sách giáo khoa hiện hành. Sử sách cổ cũng ghi của Nguyễn Trãi. Nay tôi mới nghe là của người khác. Có lẽ ý bác là của Lê Lợi?

Ông ta vuốt mấy sợi tóc loe hoe trên vầng trán hòi, rung đùi và vỗ vai tôi đánh bộp mấy cái:

– Chú mày thông minh đấy! Chỉ có đứa ngu mới không biết, ngay câu mở đầu: “Đại thiên hành hóa, hoàng thượng nhược viết” đã nhận ra là của ai. Chẳng lẽ Nguyễn Trãi là hoàng thượng?

Tôi bật cười, cái cười không làm vừa ý ông ta lắm. Biết vậy nhưng vẫn cười và cãi:

– Ắt Lê Lợi là hoàng thượng. Nhưng Lê Lợi xuất thân như cái anh tù trưởng thổ dân ở vùng núi. Trong Đại Việt sử ký toàn thư và sau này trong Nghìn xưa văn hiến, các sử gia miêu tả trước khi gặp Nguyễn Trãi, ông ta còn ăn sống nuốt tươi, thô lỗ, hiếu sát. Tầm đấy tâm đấy sao có thể viết nổi áng thiên cổ hùng văn như Bình Ngô đại cáo?

Nghe đến đấy thì mặt ông ta đanh lại và nhìn tôi bằng đôi mắt khinh bỉ, cứ như Mao Trạch Đông nhìn cục phân ra trí thức. Ông ta nói như lãnh đạo huấn thị cho cán bộ cấp dưới:

– Nói như vậy là thiếu lập trường quan điểm giai cấp. Tao nói cho mày biết, tao làm lãnh đạo nhiều năm, đám thư ký của tao viết gì đều phải có sự chỉ đạo tư tưởng của tao. Vậy cái tư tưởng của tao với cái đứa chắp bút viết theo chỉ đạo, cái nào quan trọng? Khi tao đọc trước các cuộc họp, người ta nói bài diễn văn đó là của tao hay của đứa thư ký?

Tôi ồ lên một tiếng và đáp lời luôn:

– Hiển nhiên người ta sẽ bảo là của bác. Vậy là ngày xưa, sử sách coi vua không ra gì, mọi áng văn đều ghi tên tác giả cho thằng thư ký. Nhưng đó là những áng văn hay, cho thằng thư ký nó thơm lây một chút. Còn ngày nay toàn những áng văn dở, mà có khi thằng thư ký thả bom thúi vào trong đó nên mới nhất định phải ghi tên tác giả là lãnh đạo.

Đến lượt ông ta trố mắt. Tôi phải vuốt mắt ông bằng giải thích ngọt ngào:

– Là bởi lãnh đạo hay nổ bom, làm sao biết có bom thúi, nên cứ đọc oang oang. May mà những loại diễn văn ghi tên lãnh đạo đó không ai nghe, không ai đọc. Chứ nhỡ mà người ta nghe kỹ và đọc lại rồi phát hiện ra bom thúi trong đó thì lãnh đạo lại đổ tội cho thằng thư ký. Bác đã bị lần nào chưa?

Ông ta không trả lời câu hỏi của tôi mà nhìn bằng con mắt thù địch rồi bỏ đi. Hôm sau nghe giám đốc trung tâm luyện thi nói rằng tôi xấc xược và hỏi thăm tôi là thằng nào…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn