Sinh viên Việt Nam du học Mỹ không muốn về ( Lạ kià, cái cột đèn Mỹ mà còn muốn về nưã mà...? )

Thứ Năm, 09 Tháng Bảy 20202:00 SA(Xem: 6106)
Sinh viên Việt Nam du học Mỹ không muốn về ( Lạ kià, cái cột đèn Mỹ mà còn muốn về nưã mà...? )

GARDEN GROVE, California (NV) – “Tin mới nhất của Cơ Quan Di Trú Liên Bang thật bất ngờ. Tôi không thể tưởng tượng được chuyện này lại có thể xảy ra được,” cô Thư Võ, du học sinh Việt Nam đang ở tại Garden Grove, chia sẻ.

Tin mới mà cô vừa đề cập là những sinh viên ngoại quốc đang theo học tại Mỹ phải trở về nước nếu trường chỉ còn giảng dạy trực tuyến, theo thông báo của Cơ Quan Di Trú Liên Bang đưa ra hôm Thứ Hai, 6 Tháng Bảy.

Lệnh này sẽ ảnh hưởng đến hàng chục ngàn sinh viên Việt Nam đang theo đuổi các chương trình đại học ở Mỹ hoặc tham gia những khóa huấn luyện tu nghiệp, cũng như các chương trình đào tạo nghề nghiệp.

Vì COVID-19 tiếp tục lây lan, các trường đại học trên toàn quốc hiện đang chuyển sang giảng dạy trực tuyến ngày càng nhiều.

Không muốn về sau 10 năm du học 

Cô Thư đang học nửa năm đầu trong chương trình cao học kéo dài hai năm tại đại học Nobel University, Buena Park.

Cô nói: “Vì trong đại dịch nên trường cho sinh viên học online để tránh bệnh dịch, chứ trước tới nay chúng tôi học trực tiếp tại trường.”

Phải trở về Việt Nam sau 10 năm du học có thể sẽ là một chuyện rất khó khăn cho cô Thư.

Cô nói: “Tôi qua đây năm 20 tuổi, khi mà tuổi đời vừa đủ để mà hấp thụ những nếp sống mới, những thói quen mới trong một nền văn hóa hoàn toàn mới. Với cách sống mới mẻ, khác hẳn với lối sống ở Việt Nam như vậy, nếu phải trở về bây giờ, tôi nghĩ tôi sẽ bị hụt hẫng rất nhiều.”

“Tôi nghĩ, nếu phải về Việt Nam, tôi đoán tôi sẽ phải mất ít nhất là hai năm để hội nhập với cách sinh hoạt bên đó. Dù sao đi nữa, tôi đã sống tại Việt Nam 20 năm rồi nên dù có khó khăn đến đâu đi nữa, tôi cũng vượt qua được,” cô cười. “ Nhưng chắc chắn là sẽ không dễ dàng chút nào.”

Chưa có thời gian để mường tượng kỹ lưỡng những trở ngại văn hóa cũng như cách sinh hoạt mình sẽ gặp phải ở Việt Nam, cô chỉ nghĩ ngay đến một việc rất đơn giản. “Xếp hàng. Người mình trong nước không có thói quen xếp hàng. Tôi thì sợ nhất chuyện chen lấn. Rất ư là kém văn hóa.”

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến giờ, cô chưa về nước lần nào nên không thể biết chắc 100% rằng người mình trong nước còn giữ thói quen khó gây thiện cảm này nữa.

Suy nghĩ thêm về viễn cảnh không vui khi phải về nước, cô thêm: “Phải về Việt Nam khi tôi chưa học xong chương trình cao học thì thật là không công bằng cho tôi. Bao nhiêu tiền của và công sức, tôi đều dồn vào mảnh bằng này mà chả lẽ bây giờ phải mất tất cả sao.”

Nỗi lo âu khi phải về Việt Nam của cô Thư không nằm trong lãnh vực tài chánh. “Tôi không lo là khó tìm việc làm ở Việt Nam vì cha mẹ tôi quen biết nhiều, có thể giúp tôi xin việc trong nhà ‘bank’ hay dạy Anh văn trại các trung tâm sinh ngữ một cách dễ dàng,” cô cho hay.

DP-Hoc-online-phai-ve-nuoc-2
Email trấn an sinh viên của đại học Nobel University. (Hình: Thư Võ cung cấp)

Nỗi lo âu khi phải về Việt Nam của cô Thư là phải bỏ lại bạn bè ở Mỹ.

Cô chia sẻ: “Trong suốt 10 năm nay, tôi có hai người bạn chí thân, thân như chị em ruột thịt. Chúng tôi chia sẻ với nhau tất cả, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.”

Cô nhỏ giọng: “Chưa xa nhau bao giờ nên tôi chưa thể cảm nhận được nỗi buồn nếu không được gặp các bạn hằng ngày, hay không được ‘text’ nhau hàng giờ nhưng tôi biết là tôi sẽ buồn lắm.”

Nhìn mông lung vào xe cộ ngược xuôi ngoài đường vài giây, cô sực nhớ: “Mà làm sao mà ép tụi tôi về được. Mỹ chưa có máy bay đi Việt Nam, và Việt Nam chưa có chính sách đón người ở ngoại quốc về.”

Và cái khó khăn trước mắt của cô là làm sao mà ra khỏi Mỹ được. “Đó là chưa nói, có ai đền tiền học phí cho tôi không,” cô thắc mắc.

Chính sách dở của Mỹ 

Một sinh viên du học khác là anh Leon Đặng Quang Quốc Long, ở Riverside, cũng lo ngại sẽ gặp những trở ngại tương tự như cô Thư nếu phải lên đường về nước.

Anh không muốn cho biết tên đại học anh đang theo học.

Anh nói: “Tôi ở đây tám năm rồi và còn một năm nữa là xong chương trình ‘E.E.’ (electronic engineering), kỹ sư điện tử. Bây giờ, tự nhiên bắt tôi về nước, ai bồi thường học phí cho tôi? Đâu phải tôi tự ý thôi học đâu.”

DP-Hoc-online-phai-ve-nuoc-3
Một sinh viên đeo khẩu trang để chống lại COVID-19 khi anh rời khỏi khuôn viên trường đại học UCLA ở Westwood, California, hôm 6 Tháng Ba, 2020. Từ Tháng Ba đến nay, hầu hết các trường học ở Mỹ đều chuyển sang học online để tránh bệnh dịch. (Hình minh họa: Mark Ralston/AFP via Getty Images)

Trong một năm nữa, anh Leon dự định sẽ xong mảnh bằng thứ nhì rồi học thêm bằng tiến sĩ cùng ngành. Bằng cao học thứ nhất anh lấy năm 2017 là kỹ sư cơ khí (mechanic engineering).

“Tôi sẽ không đi đâu cả nếu tôi không được bồi hoàn học phí từ mùa đầu tiên cho chương trình ‘E.E,’” anh khẳng định.

Anh thở dài: “Tôi muốn học xong tiến sĩ thì còn có tương lai được nghiên cứu hay làm giáo sư đại học chứ mảnh bằng cao học thời buổi này thì còn kém đi buôn.”

Anh nhận định: “Cảnh sát di trú (ICE) quyết định dở quá. Làm vậy mất hết uy tín của Mỹ. Phải nhớ rằng sinh viên đến đây học không chỉ đem tiền đến cho Mỹ mà quan trọng hơn, những sinh viên này sẽ là những người cổ súy cho Mỹ, chính sách Mỹ, phong cách suy nghĩ Mỹ, lối hành xử Mỹ suốt đời họ ngay trên quê hương họ.”

“Sinh viên đến Mỹ du học sẽ là đại biểu cho Mỹ ở khắp nơi trên thế giới. Mỹ không nên làm mất lòng họ,” anh kết.

Trở lại trường hợp cô Thư Võ, cô vẫn còn hy vọng rằng sẽ có thể có đổi thay trong chính sách đối với du học sinh hoặc các trường có thể mở ra một lối thoát.

Cô nói: “Thứ nhất, chính sách của Cơ Quan Di Trú chỉ áp dụng vào mùa ‘Fall,’ mà bây giờ mới đầu mùa ‘Summer.’ Còn nhiều thời gian mà. Và thứ nhì, đại học Nobel University là trường tư, chuyên dạy sinh viên du học. Họ sẽ tìm ra một biện pháp hữu hiệu để giúp sinh viên chứ.”

Thống kê của tổ chức Education Data cho biết, có hơn 1.1 triệu sinh viên ngoại quốc theo học tại Hoa Kỳ năm 2019.

Trong năm 2018, các sinh viên ngoại quốc trả $45 tỷ để ghi danh tại các đại học đường Hoa Kỳ.

Thống kê cũng cho thấy niên khóa 2017-2018, có 24,325 du học sinh Việt Nam tại Mỹ. [qd]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn