Vợ Ba Lan buộc xa chồng VN: 'Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà' ( Nên sang Mỹ, tìm cột đèn )

Thứ Năm, 25 Tháng Sáu 20201:14 SA(Xem: 6085)
Vợ Ba Lan buộc xa chồng VN: 'Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà' ( Nên sang Mỹ, tìm cột đèn )
bbc.com

Vợ Ba Lan buộc xa chồng VN: 'Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà'

Bùi Thư BBC News Tiếng Việt

Gia đình chị Sandra Kosmala. Bản quyền hình ảnh Sandra Kosmala
Image caption Gia đình chị Sandra Kosmala chia tay nhau ở sân bay Nội Bài hồi tháng 3/2020.

Sandra Kosmala, người mẹ trẻ Ba Lan đang mang thai 7 tháng, sống và làm việc tại Việt Nam gần 10 năm, cưới chồng người Việt Nam và sinh con mang quốc tịch Việt Nam đang cầu cứu Đại sứ quán cho cô về đoàn tụ với chồng và sinh con tại Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều cặp vợ chồng hay gia đình phải tạm sống xa nhau trong tình cảnh không biết đến bao giờ mới có thể đoàn tụ. Sandra và chồng cô, anh Nguyễn Thế Hoàng là một trong những cặp gia đình như vậy.

'Con quốc tịch Việt Nam được về, mẹ thì không'

Nói tiếng Việt rõ ràng với gương mặt ngoại quốc, câu chuyện về tình cảnh của Sandra trên trang Facebook cá nhân thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhiều bình luận cổ vũ và ủng hộ Sandra và chúc cô mau được về đoàn tụ với chồng ở Việt Nam.

Sandra kể với BBC Tiếng Việt hôm 15/6:

"Hiện tai ba mẹ con tôi đang ở nhà ông bà ngoại ở Poznan, Ba Lan. Trước dịch Covid-19 bùng phát ở Châu Âu, tức là vào đầu tháng Ba, tôi bay về nhà ngoại để Lila thăm ông bà lầu đầu tiên. Vì lúc đó ở Việt Nam đóng các trường học, tôi nghỉ việc ở nhà. Đầu tháng Ba tôi mang bầu 11 tuần rồi nên tôi quyết định bay về Ba Lan chơi một tháng, rồi tháng Tư về nhà và đi khám thai tiếp.

"Lúc khi bắt đầu dịch, Sandra cũng định về cùng con nhưng thời điểm đó về sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày nên chồng và gia đình khuyên cứ chờ thêm, khi nào dỡ bỏ cách ly rồi về. Bây giờ thì khó khăn hơn rồi", chị bộc bạch.

"Rất không may, sau một tuần ở nhà ông bà, Ba Lan đóng cửa biên giới, sau đó Việt Nam cũng làm như thế. Hiện tại tôi mang bầu 26 tuần và vẫn không thể về Việt Nam với chồng. Mỗi chuyến bay về Việt Nam chỉ cho công dân Việt Nam, không cho phép tôi lên máy bay. Lila có quyền về nhưng không thể tự bay được mà tôi không có quốc tịch Việt Nam nên phải ở lại. Tôi hiểu và tôn trọng văn hoá Việt Nam. Vậy tại sao bị cấm về nhà?".

"Khi biết chính phủ Việt Nam có những chuyến bay cho người Việt Nam trở về nước, tôi cũng đăng ký cho Lila vì bé mang quốc tịch Việt Nam. Nhưng không có chuyến bay thẳng từ Ba Lan về Việt Nam mà chỉ có chuyến bay từ Hà Lan. Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan cũng có gọi điện thoại hỏi Lila có bay được không. Nhưng tôi bảo bé chỉ hai tuổi, cần có mẹ bay cùng và mẹ cũng đang mang bầu. Lúc đó, Đại sứ quán bảo chưa có điều kiện cho hai mẹ con về được vì Lila có quốc tịch Việt Nam thì về được, còn tôi thì không nên họ bảo thôi", chị Sandra kể lại sự việc.

Theo lời kể của Sandra, phía Đại sứ quán cũng biết hoàn cảnh của cô: "Sau 1-2 tuần, họ liên lạc lại, bảo tôi cứ gửi photo hộ chiếu, thẻ tạm trú và những giấy tờ liên quan như giấy đăng ký ‎kết hôn, giấy khai sinh. Tôi cũng gửi hết theo yêu cầu nhưng tới giờ vẫn biệt tăm. Họ cũng muốn giúp đỡ nhưng vì chính sách nên không làm được gì".

Hiện tại, visa của Sandra vẫn còn thời hạn đến tháng 4/2021. Về phía chồng Sandra, anh cũng cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để báo cáo về trường hợp vợ mình nhưng cũng gặp khó khăn.

"Phía Đại sứ quán Việt Nam chưa có thông báo thêm gì nhưng tôi đã mua vé máy bay của Emirates về Việt Nam vào đầu tháng Sáu để bay vào tháng Bảy. Nhưng sau một tuần, vé lại bị hủy và được thông báo là không có chuyến bay. Trên trang web của hãng cũng không chuyến bay nào vào tháng Bảy, chỉ có chuyến vào tháng Tám".

'Tôi mong được về Việt Nam'

Ban đầu, gia đình Sandra có kế hoạch hè này cả nhà cùng về Ba Lan chơi để cho bé được gặp ông bà. Nhưng rồi dịch ập đến. Sau tết, các trường học vẫn đóng cửa.

"Tôi nghĩ có thể năm học mới sẽ kéo dài đến tháng Bảy thì cả nhà sẽ không sang Ba Lan được như dự kiến. Chồng tôi bảo ba mẹ con cứ về trước, vì tháng Ba các trường học chưa mở lại nên Lila được nghỉ ở nhà, cũng không làm gì nên quyết định về thăm ông bà ngoại".

Sandra cho biết, sau khi thủ tục hộ chiếu của con gái hoàn thành, đã đủ điều kiện sang Ba Lan thì visa của chồng vẫn chưa xong. Vì vậy, chỉ có ba mẹ con bay qua Ba Lan thăm ông bà ngoại vào đầu tháng Ba.

"Lúc đó tôi hơi lo một tí vì xa nhau hơn một tháng sợ cả nhà nhớ nhau nhưng rồi nghĩ chỉ có một tháng sẽ vượt qua được. Nhưng đâu ngờ cả nhà phải xa nhau đến nay hơn ba tháng. Bây giờ tôi rất buồn, rất nhớ chồng, ngày nào cũng nghĩ cách làm thế nào để về được. Chồng tôi ở Việt Nam ở một mình với bố chồng thôi thì cũng buồn lắm, tôi có con bên cạnh cũng đỡ", chị tâm tình.

Hiện tại, Sandra được dự sinh vào 23/9. Cô mong muốn trở về Việt Nam để sinh đứa con thứ hai: "Vì đã chọn Việt Nam là nhà, việc sinh con ở Việt Nam sẽ dễ dàng làm thủ tục giấy tờ hơn. Với lại, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của gia đình nhiều hơn vì bố mẹ tôi ở Ba Lan vẫn đang đi làm, chưa về hưu".

Bản quyền hình ảnh Sandra Komala
Image caption Sandra mong chính phủ Việt Nam cho ba mẹ cô về Việt Nam để đoàn tụ với chồng và sinh con tại Việt Nam.

Hỏi về mong ước lúc này, Sandra nói rõ ràng và rành mạch bằng tiếng Việt với chất giọng Hà Nội: "Tôi mong muốn xin được về Việt Nam. Tôi mong chính phủ Việt Nam cho phép tôi nhập cảnh để về với chồng mình. Các chi phí vé máy bay hay cách ly tập trung tôi đều chịu, chỉ mong cho gia đình đoàn tụ. Tôi cũng hỏi nhiều người về trải nghiệm ở khu cách ly, họ đều phản ứng tích cực, bạn bè tôi người nước ngoài còn khen không nghĩ Việt Nam lại làm tốt như vậy".

"Tôi biết còn rất nhiều người Việt Nam bị kẹt tại nước ngoài có nguyện vọng về nước. Nhiều người mất việc làm, hết hạn visa,... nên tôi làm clip để chia sẻ cho mọi người biết hoàn cảnh của mình và những người khác, hi vọng chính phủ sớm có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ những người như tôi được về nước, đoàn tụ với gia đình".

"Đây không phải tình cảnh riêng của gia đình tôi nhưng tôi xin phép cho mình được về Việt Nam. Tôi mong muốn chính phủ có thể linh động trong chính sách với trường hợp của tôi. Về Việt Nam mà bị cách ly, tôi cũng chịu. Nếu chỉ cần 14 ngày mà được ở với gia đình, với chồng thì tôi cũng chịu được", Sandra bộc bạch.

Virus corona: Tôi bỏ lại gia đình ở Trung Quốc

Nhật ký Vũ Hán: nhìn người thân chết đi mà không được chữa trị

Virus corona: Tôi bỏ lại gia đình ở Trung Quốc

Sandra cho biết chị đã đăng ký gói thai sản ở Việt Nam và mong muốn sẽ có chồng bên cạnh khi hạ sinh đứa thứ hai: "Lần đầu mang bầu, hai vợ chồng đều phải tự tìm bác sĩ để khám nên cũng gặp nhiều khó khăn. Sau khi đẻ đứa đầu, vợ chồng tôi quyết định sẽ đăng ký‎ gói thai sản cho chắn chắc".

"Bây giờ, tôi mang thai 26 tuần vẫn được lên máy bay nên sẽ về nước được. Nếu kéo dài lâu, tôi sẽ phải ở lại Ba Lan sinh con. Nếu được về vào đầu tháng Tám, tôi vẫn bay được. Nhưng lúc đó bụng cũng khá to nên sẽ phải có giấy tờ từ bác sĩ cho phép. Nếu kéo dài đến giữa tháng Tám thì là quá muộn, đành phải chấp nhận sinh con ở Ba Lan", chị khẩn nài.

'Tìm khắp thế giới, chúng tôi tìm thấy nhau'

Việc ở xa nhau mà không biết được bao giờ mới gặp lại không phải là điều dễ dàng đối với những cặp vợ chồng, những cặp đôi đang yêu nhau.

Ba Lan và Việt Nam lệch nhau 5 tiếng đồng hồ. Sandra và chồng chị phải thường xuyên giữ liên lạc qua Zalo, sắp xếp thời gian để gọi video cho nhau: "Tôi đi đâu, làm gì với Lila cũng chụp ảnh, quay video gửi chồng nhưng tất nhiên rất khác việc ở bên nhau. Một tuần sau khi tôi qua, Ba Lan bắt đầu thực hiện cách ly xã hội, đóng cửa biên giới, thực sự không nghĩ sẽ kéo dài như vậy".

Sandra cho biết, chuyện tình của hai vợ chồng chị êm đềm, không gặp những khó khăn hay va vấp về văn hóa: "Càng ở xa nhau, tôi càng thấy tình cảm mạnh mẽ. Khi gặp chồng mình, chúng tôi yêu nhau rất nhanh và quyết định cưới cũng rất nhanh. Chúng tôi nói với nhau, tìm khắp cả thế giới, cuối cùng tìm thấy nhau là đủ rồi".

Bản quyền hình ảnh Sandra Kosmala
Image caption Bé Lila cùng bố ở Việt Nam.

Nở một nụ cười rất tươi khi nói về gia đình mình, chị lý giải vì sao muốn về Việt Nam sinh con: "Thời điểm sinh Lila, chồng tôi cũng đỡ đần rất nhiều, có khi canh bé để cho mẹ ngủ một tí. Cuối tuần thì cả nhà cùng với nhau đi chơi".

"Sau khi sinh, dì của chồng có sang khoảng 2-3 tuần để giúp đỡ dọn dẹp, nấu cơm cho tôi. Ở Việt Nam có dịch vụ thuê người tắm cho em bé, cũng nhờ đó mà vợ chồng biết tắm cho con. Mẹ cho con bú còn bố cho con tắm", Sandra nhớ lại.

"Chồng tôi rất dễ tính, tôi cũng hiểu văn hóa Việt Nam nên không có nhiều khác biệt hay khó khăn. Tôi cũng biết nấu vài món Việt Nam. Nếu có thể có song tịch, tôi cũng muốn nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải có chồng là người Việt Nam thì sẽ được nhập tịch".

Dù về mặt giấy tờ, Sandra vẫn là người Ba Lan nhưng bản thân chị vẫn xem mình như là người Việt Nam: "Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ quyết định ở Việt Nam là đúng đắn nhất. Tôi không tưởng tượng được nếu không phải ở Việt Nam thì ở đâu. Tôi đã ăn gần 10 cái tết ở Việt Nam rồi, tôi là người Việt Nam rồi. Tôi cũng biết ăn bún đậu mắm tôm nữa".

Từ Việt Nam, anh Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ lo lắng cho vợ với BBC News Tiếng Việt:

"Tình hình dịch bệnh trong nước đã bớt căng thẳng, các hoạt động xã hội, lao động sản xuất đang từng bước hoạt động trở lại. Nhưng qua các kênh thông tin báo chí, truyền hình, tôi biết còn rất nhiều trường hợp khó khăn do bị mắc kẹt tại nước ngoài. Tôi đang rất lo lắng cho vợ đang mang thai và con gái, tôi mong muốn vợ tôi được hỗ trợ để có thể về nhà, đoàn tụ, và sinh con tại Việt Nam".

Ở tuổi Lila, cô bé đã bắt đầu học tiếng. Bé nói với mẹ bằng tiếng Ba Lan, nói chuyện với vô bằng tiếng Việt. Xa bố hơn ba tháng, Lila đã bắt đầu nói tiếng Ba Lan nhiều hơn. Sandra kể, mỗi lần video với bố, Lila rất hay hát líu lo và nhảy cho bố xem.

"Mỗi lần hỏi bố đâu, Lila lại chỉ ra ngoài cửa sổ ngoài xa xa và nói bập bẹ, bố ở xa xa, bố ở ngoài máy bay".

"Không biết bao giờ, chúng tôi mới được đoàn tụ", Sandra thổ lộ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn