Nghi gieo rắc Covid-19, người dân thiêu rụi trụ phát sóng 5G

Thứ Hai, 13 Tháng Tư 20203:00 CH(Xem: 5042)
Nghi gieo rắc Covid-19, người dân thiêu rụi trụ phát sóng 5G

Đây là hậu quả từ thuyết âm mưu công nghệ 5G gây ung thư và các loại bệnh khác được tuyên truyền nhiều năm nay. Sự việc xảy ra ở Anh.

Mặc dù tới nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh công nghệ 5G gây ung thư hay các loại bệnh khác, những bài viết theo thuyết âm mưu này vẫn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Vừa qua, chúng đã gây hậu quả nghiêm trọng ngoài đời thực.

Vào ngày 3/4, video về một trạm phát sóng 5G cao 20 m tại Birmingham, Anh bị đốt cháy đã được chia sẻ lên các nhóm phản đối 5G trên nhiều mạng xã hội. Facebook là nền tảng đầu tiên xóa những video này, sau đó nhiều mạng xã hội khác cũng xóa bỏ video.

Nghi gieo rac Covid-19, nguoi dan thieu rui tru phat song 5G hinh anh 1 5g_fire.jpg

Cột phát 5G bị cố tình phá họai. Ảnh: Cắt từ video.

Theo Android Authority, cảnh sát vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ cháy, nhưng các kỹ sư của nhà mạng EE sở hữu cột phát này cho biết đây là hành động cố tình phá hoại. Không lâu sau, một trụ 5G khác tại Merseyside lại bị đốt. Vụ cháy đã khiến cột và bảng điều khiển bị hư hỏng trước khi lực lượng cứu hỏa kịp dập tắt đám cháy.

Anh là một trong những nước mà trào lưu phản đối 5G rất mạnh. Các video thuyết âm mưu, cố gắng chứng minh công nghệ này gây hại tới sức khỏe với hàng triệu lượt xem khiến nhiều người tin tưởng và phản đối theo.

Theo BuzzFeed, nhiều kỹ sư làm việc tại các nhà mạng đã bị những nhóm phản đối 5G quấy nhiễu khi đang sửa hoặc lắp đặt cáp quang, vốn không liên quan đến 5G.

"Các anh biết thừa rằng lúc bật cột sóng này lên thì mọi người đều sẽ phải vào bệnh viện. Các anh không có con nhỏ, cha mẹ à? Mở cột sóng lên là họ chết hết đấy. Họ trả tiền cho các anh nhiều như thế nào mà có thể giết người hả", đoạn video được xem hàng triệu lần trên Twitter cho thấy một phụ nữ chất vấn nhóm kỹ sư của công ty Community Fibre đang sửa mạng. Công ty này chỉ cung cấp hạ tầng mạng, hiện không hề triển khai công nghệ nào liên quan đến 5G.

Nghi gieo rac Covid-19, nguoi dan thieu rui tru phat song 5G hinh anh 2 5g_fire_2.jpg

Tại Anh, phong trào phản đối 5G chủ yếu đến từ những video chia sẻ thuyết âm mưu trên mạng xã hội. Ảnh: Getty.

Tình hình căng thẳng khiến một số kỹ sư phải đăng tải lời phân trần trong các nhóm phản đối 5G trên Facebook, nhưng điều đó cũng không giúp được gì. Không chỉ là thiệt hại vật chất, đây còn là hành động nguy hiểm khi viễn thông là hạ tầng rất quan trọng giữa mùa dịch. Chính phủ Anh quy định các kỹ sư viễn thông thuộc nhóm quan trọng khi có dịch bệnh.

Các thuyết âm mưu về 5G không phải là xa lạ. Trước đó nhiều năm, thuyết âm mưu về việc sóng điện thoại gây hại sức khỏe, thậm chí ung thư đã lan tràn trên mạng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh rằng sóng điện thoại hay Wi-Fi hầu như không có hại. Rõ ràng 5G cũng không liên quan đến Covid-19, bởi các quốc gia còn chưa có công nghệ này như Nhật hay Iran vẫn chịu thiệt hại vì dịch bệnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn