Người Hàn sục sôi trong chiến dịch tẩy chay Nhật ( Chỉ có dân VC là chẳng cần tẩy chay ai cả )

Thứ Sáu, 02 Tháng Tám 20197:35 SA(Xem: 6212)
Người Hàn sục sôi trong chiến dịch tẩy chay Nhật ( Chỉ có dân VC là chẳng cần tẩy chay ai cả )

Lee Kyung Eon và bạn chấp nhận trả 135 USD tiền phạt hủy vé máy bay, vì không muốn đi du lịch tới Nhật, quốc gia đang bị đông đảo người Hàn tẩy chay.

Lee Kyung Eon trả lời phỏng vấn ở Bundang, Hàn Quốc hôm 30/7. Ảnh: AP.

Lee Kyung Eon trả lời phỏng vấn ở Bundang, Hàn Quốc hôm 30/7. Ảnh: AP.

Lee Hyung Eon và bạn quyết định tham gia chiến dịch tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Nhật Bản ở Hàn Quốc, khi tranh chấp thương mại giữa hai nước leo thang.

"Chúng tôi không muốn làm việc gì đem lại lợi ích cho Nhật Bản cả, dù chỉ là việc nhỏ", Lee, 26 tuổi, nhân viên văn phòng ở thành phố Budang, phía nam Seoul, nói hôm 1/8. "Nhiều người đã khen ngợi hành động của chúng tôi".

Làn sóng tẩy chay Nhật Bản đang lan rộng ở Hàn Quốc từ ngày 1/7, khi Tokyo tuyên bố thắt chặt xuất khẩu ba loại hóa chất được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc. Làn sóng tẩy chay có thể tồi tệ hơn khi Nhật Bản dự kiến mở rộng danh sách hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu khác, bằng cách đưa Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia được ưu đãi thương mại.

Biểu tình chống Nhật đã nổ ra tại Hàn Quốc. Dù chưa có hành vi bạo lực xảy ra, hai người đàn ông Hàn Quốc trong độ tuổi 70 đã tự thiêu để phản đối Nhật.

Seoul cáo buộc Tokyo thắt chặt xuất khẩu nhằm trả đũa phán quyết năm ngoái của tòa án địa phương, khi yêu cầu hai công ty Nhật bồi thường cho những người Hàn bị cưỡng bức lao động trong thời gian 1910- 1945, thời kỳ Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Nhật bác bỏ cáo buộc, cho hay họ thực hiện hành động này vì những lo ngại về an ninh quốc gia.

Một số người đặt câu hỏi liệu chiến dịch tẩy chay nhằm vào hàng hóa và dịch vụ có thực sự gây tổn thương cho kinh tế Nhật Bản hay không, bởi đa số các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật là linh kiện sử dụng trong các sản phẩm tivi, điện thoại thông minh, chất bán dẫn mà Hàn Quốc xuất khẩu ra nước ngoài. Họ lo ngại chiến dịch tẩy chay làm trầm trọng thêm sự thù địch, khi nó có thể châm ngòi cho biện pháp trả đũa từ Nhật Bản.

Nhưng một số người khác cho rằng chiến dịch đã cho thấy sự phẫn nộ mà nhiều người Hàn Quốc chịu đựng lâu nay đối với quốc gia từng xâm chiếm quê hương mình. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 80% người Hàn Quốc không muốn mua hàng hóa Nhật Bản.

Người Hàn Quốc bày tỏ tức giận trên Instagram và những mạng xã hội khác, đăng video hủy vé máy bay đi Nhật, chia sẻ thông tin về các công ty Nhật hoạt động ở Hàn Quốc và bày tỏ ủng hộ với chiến dịch tẩy chay.

Phản đối hàng hóa Nhật Bản trước cổng đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Ảnh: AP.

Một cuộc biểu tình phản đối hàng hóa Nhật trước cổng đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Ảnh: AP.

HanaTour, công ty du lịch lớn nhất Hàn Quốc, cho biết lượng khách đặt tour tới Nhật đã giảm từ 1.000 - 1.200 người vào tháng trước xuống còn 400-500 người trong tháng 7. Các công ty du lịch khác cũng chứng kiến lượng tour tới Nhật Bản sụt giảm. Năm ngoái, Nhật Bản là điểm đến yêu thích nhất của người Hàn Quốc, với khoảng 7,5 triệu khách tới nước này.

Tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, sản phẩm Nhật được bày bán phổ biến nhất tại Hàn Quốc là bia cũng bị tẩy chay. E-mart, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, cho hay doanh số bán bia Nhật Bản từ ngày 1 tới ngày 24/7 đã giảm 38% so với tháng trước. Hàng chục nghìn siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc đã ngừng bán bia và các sản phẩm Nhật Bản.

Hải quan Hàn Quốc cho hay lượng ôtô Nhật Bản nhập khẩu từ ngày 1/7 tới 20/7 ước tính đạt 46 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Fast Retailing Co., công ty điều hành Uniqlo, hãng thời trang nổi tiếng Nhật Bản, tuần trước công khai xin lỗi vì chỉ trích chiến dịch tẩy chay ở Hàn Quốc.

"Dù không có hàng Nhật, vẫn có nhiều thứ để bán. Khách hàng cũng không thực sự tìm kiếm sản phẩm của Nhật", Dan Kil-su, chủ siêu thị Heemang ở Seoul, người đã bỏ tất cả sản phẩm của Nhật khỏi kệ hàng từ ngày 5/7, nói.

Chon Jong Lee, khách quen của cửa hàng, ủng hộ hành động của Dan. "Tôi cho rằng mình có cảm xúc chống Nhật mạnh hơn những người khác. Tôi thực sự không thích họ", Chon nói.

Dù nhiều cuộc tẩy chay hàng Nhật trước đây không kéo dài, một số người cho rằng làn sóng lần này có thể biến thành khủng hoảng vì Nhật dự kiến tiếp tục giới hạn xuất khẩu các mặt hàng mới tới Hàn Quốc.

"Tẩy chay không giúp ích cho giải quyết xung đột, dù nhiều người cảm thấy hả hê khi trút giận lên các công ty Nhật", Lee Sanghu, chuyên gia phân tích Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, nói. "Nếu cảm xúc của người dân ở cả hai quốc gia xấu đi, tình huống có thể vượt tầm kiểm soát".

Lee Myon-woo, chuyên gia Học viện Sejong gần Seoul, cho rằng tẩy chay có gây ảnh hưởng rất ít tới kinh tế Nhật. Số lượng khách du lịch Hàn Quốc tới Nhật có thể thấp đi, nhưng thay vào đó là khách Trung Quốc và nhiều nước khác.

Một số người lo ngại việc tẩy chay sẽ làm suy yếu chính nền kinh tế Hàn Quốc vì các công ty Nhật rút về nước khiến người Hàn mất việc làm, trong khi thiệt hại về du lịch khi người Hàn Quốc hạn chế sang Nhật là không đáng kể.

Ahn Kyung-su, nghiên cứu viên ở Seoul, định tới Tokyo cuối tuần này nghỉ hè, đã gọi chiến dịch tẩy chay là lỗi thời và phi logic. "Đài truyền hình của chúng ta đa phần sử dụng camera Nhật Bản. Phải chăng chúng ta cũng nên ngừng xem các chương trình đó?" Ahn nói.

Ở Nhật Bản, người dân vẫn thể hiện thái độ bình thường với Hàn Quốc. Nhóm nhạc K-pop BTS đã tổ chức 4 nhạc hội tại Nhật trong tháng này, thu hút 210.000 người tới xem.

Ở Shin-Okubo, một khu phố Hàn tại trung tâm Tokyo, việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Nhiều người Nhật vẫn tới tìm mua băng đĩa nhạc, đồ ăn, mỹ phẩm và nhiều mặt hàng khác của Hàn Quốc.

Misaki Toguchi, 14 tuổi, học sinh trung học ở Saitama, phía bắc Tokyo, cho hay lòng yêu mến với nhóm nhạc BTS và K-pop của cô sẽ không lay chuyển, bất chấp tin tức về tranh chấp thương mại. "Sẽ chẳng có gì thay đổi hết, tôi vẫn rất yêu mến Hàn Quốc", Toguchi nói.

"Tranh chấp là việc của quan chức cấp cao. Tôi cho rằng nó không có tác động nào tới người bình thường như chúng tôi", Keiko Katsumata, nhân viên bán thời gian ở khu phố Hàn cùng bạn, nói.

Hai nước có mối tương quan chặt chẽ về văn hóa. Nhiều người Hàn thích ăn tối trong nhà hàng Nhật, xem phim hoạt hình Nhật và du lịch Nhật.

Dan Kil-su, chủ siêu thị Heemang ở Seoul, trả lời phỏng vấn hôm 30/7. Ảnh: AP.

Dan Kil-su, chủ siêu thị Heemang ở Seoul, trả lời phỏng vấn hôm 30/7. Ảnh: AP.

Trò chuyện trước một tấm bảng lớn với dòng chữ "chúng tôi không bán hàng Nhật" treo tại cửa hàng Heemang ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Dan cho hay gia đình anh đã hủy chuyến nghỉ hè tới núi Phú Sĩ tuần này. "Nhưng thực tế, Nhật Bản là quốc gia tôi rất muốn đến thăm".

Lee Kyong Eon quyết định đi cùng bạn tới Đài Loan chơi vào tháng 8, thay vì đi Miyhazaki, Nhật Bản. Cô cho hay rất thích uống bia Asahi, ăn sushi, mì soba và ẩm thực Nhật. Lee từng đi Nhật hai lần.

Cô thừa nhận tình cảm với Nhật lúc lên lúc xuống, bởi có ấn tượng tốt sau chuyến đi tới Osaka và Fukuoka trước khi phong trào tẩy chay Nhật Bản bùng lên. "Giờ thì mức độ căm ghét của tôi với Nhật Bản đang ở mức cao nhất", Lee nói.

Hồng Hạnh (Theo AP
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn