Tấp nập ra vào quán ‘cà phê phòng the’ ở Sài Gòn

Thứ Ba, 26 Tháng Mười Hai 20176:00 SA(Xem: 6160)
Tấp nập ra vào quán ‘cà phê phòng the’ ở Sài Gòn

Các nhân viên ăn mặc “mát mẻ” hút khách.

Quán cà phê chỉ dành cho các cặp tình nhân

Địa chỉ có tiếng trong loại hình kinh doanh cà phê độc đáo này phải nhắc đến khu vực cư xá Thanh Đa, phường 27, 28, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Thực ra, đây từng được ví như thiên đường cà phê đèn mờ sẵn sàng phục vụ thực khách từ A – Z. Chính những hệ lụy, bất ổn mà nó gây ra khiến chính quyền địa phương mạnh tay vào cuộc.

Theo thời gian, nhiều quán cà phê làm ăn “đen tối” bị xóa sổ hoặc buộc phải chuyển đổi sang việc kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, không vì thế mà làng cà phê Thanh Đa trở nên vắng khách. Những địa chỉ kinh doanh tại đây luôn biết cách tạo điểm nhấn đặc biệt nhằm câu khách hàng. Dịch vụ cà phê “giường” độc đáo mới đây thêm một lần nữa chứng minh cho khả năng biến ảo của những người kinh doanh trong khu vực.

Từ cư xá Thanh Đa, chúng tôi chạy xe dọc hướng bờ sông Sài Gòn liền bắt gặp ngay hàng chục quán cà phê với đủ phong cách khác nhau. Từ những địa điểm kinh doanh nhỏ, mờ ảo sau ánh đèn màu nhấp nháy, đến những cơ sở hào nhoáng, sang trọng. Nổi bật nhất trong làng cà phê Thanh Đa phải kể đến hai địa điểm T.T.B.S và R.G…

Những quán cà phê này đều có khuôn viên rất rộng, thoáng mát, với những hàng cây được cắt tỉa khéo léo, uốn lượn. Bàn ghế trong quán được bài trí bắt mắt, với bàn kính, ghế đệm sang trọng. Người ta chia quán thành nhiều khu vực khác nhau, từ phòng VIP máy lạnh dành cho dân văn phòng, đến khu sân vườn thoáng đãng dành cho những ai muốn tìm cảm giác gần gũi thiên nhiên. Độc đáo nhất phải kể đến những “buồng” cà phê để cho nam nữ thanh niên ngồi tình tự.

Người ta gọi đây là khu sung sướng, khu tình nhân, bất khả xâm phạm. Theo ghi nhận, những “buồng” cà phê thường được đặt thành dãy kéo dài, hướng ra bờ sông thơ mộng. Mỗi buồng như thế cách nhau khoảng 1 m, đủ để nhưng âm thanh yêu đương từ bên này khó lọt qua bên kia. Trong buồng chủ quán sắp xếp những chiếc giường nhỏ sẵn sàng phục vụ thượng đế.

Giường được đặt trong ô hình vuông rộng khoảng 4 m2. Một chiếc bàn gỗ và hai cái ghế nệm vuông làm giường để các cặp tình nhân có không gian gần gũi. Xung quanh được bao phủ bởi lớp mùng mỏng màu trắng hoặc tím, hồng đủ loại. Dù đây chỉ là lớp vải mỏng nhưng dưới ánh đèn mờ ảo người ngoài khó có thể biết thực khách bên trong đang làm những gì.

Theo quan sát, những vị chủ quán cố tình bài trí “buồng” cà phê như một phòng ngủ của những cặp tân lang, tân nương. Nhờ những căn buồng đầy riêng tư như thế mà mỗi ngày các quán cà phê ở khu Thanh Đa thu hút đông đảo các cặp tình nhân tìm đến.

Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn mờ ảo, trong tiếng nhạc trữ tình dập dìu, những đôi trai gái lại nắm tay nhau tìm đến điểm lý tưởng của riêng mình. Như một quy định bất thành văn, tất cả nhân viên phục vụ quán không được phép bén mảng đến khi khách tâm sự. Nhân viên chỉ xuất hiện lúc các bạn trẻ gọi nước hoặc gọi tính tiền.

Tâm sự với chúng tôi về việc chọn cà phề “buồng” làm nơi trò chuyện, anh Tuấn, sinh viên một trường đại học cho biết: “Ở thành phố không còn nhiều không gian cho người trẻ như bọn em hẹn hò. Như các anh thấy vào công viên, khu giải trí đều bắt gặp tệ nạn xấu. Thà mình bỏ ít tiền vào quán ngồi nó an toàn. Chúng em vào đây nhưng luôn suy nghĩ trong sáng. Em cảm thấy đây thực sự là không gian lý tưởng”.

Đồng quan điểm đó một tài xế xe ôm thường chở khách đến quán cà phê R.G cho chúng tôi biết: “Những thiên đường cà phê này chỉ dành cho bọn trẻ yêu nhau. Ngày nào tôi chẳng chở ba bốn cặp vào đây. Người lớn tuổi vào quán chứng kiến cảnh tượng đó cũng ái ngại nên ít người ghé lắm. Ở TP HCM, bây giờ những quán cà phê riêng tư kiểu thế này thiếu gì”. Những góc khuất…

Chúng tôi đem thắc mắc về những hệ lụy có thể phát sinh sau các “buồng” cà phê này, anh Huy, quản lý quán T.T cười bảo: “Chúng tôi kinh doanh đàng hoàng, việc làm buồng như thế đúng thật là để thu hút các cặp tình nhân. Song các bạn trẻ vào đây tâm sự chứ làm gì có chuyện này chuyện nọ. Chúng tôi cam kết trong quán cà phê không để xảy ra bất cứ hoạt động mờ ám nào. Các bạn trẻ bây giờ cần phải có không gian riêng tư, chúng tôi thấu hiểu điều đó, không lẽ làm thế này là phạm pháp”.

Theo tìm hiểu, rất nhiều bạn trẻ cùng đồng thuận với ý kiến mà người quản lý nêu ra. Thế nhưng việc dễ dàng có một không gian riêng như “buồng” cà phê rất dễ khiến các cặp tình nhân buông thả, đánh mất mình. Hơn nữa, những quán cà phê buồng này vô tình trở thành “bãi đáp” cho các cô gái làm nghề “buôn phấn bán hoa”.

Trên thực tế, tất cả các quán cà phê “buồng” đều không thể phân loại được đâu là những cặp tình nhân, đâu là những chuyến “bay” chớp nhoáng. Là người có thâm niên chạy xe ôm trên khu vực cư xá Thanh Đa và nắm rất rõ quy luật hoạt động của gái bán hoa, anh Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: “Nhiều gái mại dâm nắm rõ không gian ở buồng cà phê nên đồng ý dẫn khách vào. Tại đây họ có thể “làm việc”, còn mức độ tới đâu thì tôi chịu. Thực tế nếu so giá của 2 ly nước với tiền thuê khách sạn, nhà nghỉ rẻ hơn nhiều. Có buồng cà phê, cả gái bán dâm lẫn khách làng chơi đều cảm thấy có lợi. Thú thật, tôi chạy xe ở đây đã lâu nên biết chuyện gái mại dâm trà trộn vào quán nhiều lắm. Chủ quán cà phê có thể biết nhưng làm sao cấm cản. Bản thôi tôi cũng chẳng muốn nói ra, mình làm ăn cũng phải giữ cái nghề để kiếm cơm chứ”.

Theo tìm hiểu, trong quán, bao giờ cũng nhiều nhân viên nữ chân dài, ăn mặc “tươi mát”, ỡm ờ đón khách. Nếu như khách uống cà phê một mình có nhu cầu “tâm sự” họ sẵn sàng đáp ứng.

Anh Tâm bảo: “Nhân viên trò chuyện chủ yếu để xin tiền bo, mà dân vào đây đều biết “luật” nên có gọi nhân viên tới họ sẵn sàng trả tiền thôi. Nếu quá trình trò chuyện đôi bên cảm thấy hợp nhau họ có thể “tăng suất” thêm. Nhiều quán cà phê như thế không cho nhân viên nữ trực tiếp phục vụ khách. Chắc họ sợ việc gặp kiểm tra đột xuất này nọ.

Nhưng theo tôi biết, các nhân viên nữ nếu gặp khách hàng tiềm năng sẵn sàng xin nghỉ việc để “lo” cho một vị khách duy nhất”. Chính những biến tướng trong quán cà phê buồng gây nên trở ngại lớn cho công tác quản lý. Việc quán cà phê, nhân viên, thậm chí gái bán hoa luôn biết cách chủ động để kiểm soát tình hình khiến cơ quan chức năng khó nhận ra đâu là quán cà phê hoạt động bình thường, đâu là quán “đèn mờ”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền cho biết: “Việc các cặp đôi yêu nhau, cần tìm không gian riêng tư tâm sự là điều bình thường. Có thể thấy loại hình kinh doanh này là sự nắm bắt đúng xu thế, sáng tạo của chủ cơ sở. Tất nhiên, vấn đề cà phê “buồng” chắc chắn sẽ làm phát sinh những bất cập. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc tìm hiểu những hoạt động bí mật sau “buồng” cà phê, để có thể đưa ra giải pháp ngăn cản kịp thời”.

Theo Zing

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn