Nhân sỹ kêu gọi chính phủ không giữ im lặng trước tin đồn sức khỏe ông Trọng ( Còn mấy cha " Nhân sĩ Hải Ngoại" nưã... )

Thứ Ba, 23 Tháng Tư 20196:00 CH(Xem: 5404)
Nhân sỹ kêu gọi chính phủ không giữ im lặng trước tin đồn sức khỏe ông Trọng ( Còn mấy cha " Nhân sĩ Hải Ngoại" nưã... )
voatiengviet.com

Nhân sỹ kêu gọi chính phủ không giữ im lặng trước tin đồn sức khỏe ông Trọng

VOA Tiếng Việt

Một nhóm các nhân sỹ kêu gọi chính phủ Việt Nam đưa ra phản ứng trước các tin đồn về bệnh tình của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong “Lời kêu gọi cảnh giác” gửi đến nhân dân cả nước và các nhà lãnh đạo.

Trong bức thư ngỏ có tựa đề “Lời kêu gọi cảnh giác” đề ngày 19/4, nhóm nhân sỹ được biết tiếng, gồm Huỳnh Tấn Mẫn, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu và Giáo sư Tương Lai, cho rằng mọi người dân Việt Nam trong những ngày qua đang “hết sức lo lắng theo dõi những tin đồn lan rất nhanh, rất rộng về bệnh tình của người lãnh đạo cao nhất đang đảm đương trọng trách Tổng bí thư của Đảng và Chủ tịch nước.”

Các thông tin từ mạng xã hội và các trang báo điện tử từ bên ngoài Việt Nam hôm 14/4 cho biết ông Trọng bị “xuất huyết não” và phải nhập viện ở Kiên Giang khi đang đi thăm tỉnh này.

Cho đến lúc này, chính phủ Việt Nam vẫn chưa lên tiếng phủ nhận hay khẳng định các thông tin trên và ông Trọng cũng chưa xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 14/4.

Các báo trong nước không đưa bất cứ thông tin nào về tình hình sức khỏe của ông Trọng, nhưng cho biết ông Trọng đã gửi điện mừng nhân dịp ông Kim Jong Un được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ CHDCND Triều Tiên và sau đó gửi điện chia buồn tới Tổng thống Sri Lanka về các vụ đánh bom chết chóc xảy ra hôm Chủ nhật Lễ Phục sinh.

“Cả bộ máy truyền thông từ trung ương đến địa phương đều giữ một sự im lặng quá khó hiểu, nếu chưa muốn nói là vô trách nhiệm với dân,” các nhân sỹ viết trong lời kêu gọi được chia sẻ rộng rãi trên Facebook trong những ngày qua.

Giáo sư Tương Lai, người đồng ký tên vào bức thư, nói với VOA rằng dư luận Việt Nam, từ thành phố đến nông thôn, đều nghĩ rằng “những tin đồn về ông Trọng bị trọng bệnh là đúng.”

Nguyên viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nói “những tin đồn đó đều logic cả chứ không phải là không có cơ sở” khi đưa ra ví dụ về việc ông Trọng đã không đón tiếp đoàn nghị sỹ Mỹ do TNS Patrick Leahy dẫn đầu.

Như VOA đã đưa tin, ông Trọng tuần trước đã không đón tiếp phái đoàn TNS Mỹ đến thăm Việt Nam như lịch trình được công bố bởi ông Leahy hôm 12/4.

Những đồn đoán “có cơ sở” đó đã dẫn tới những phán đoán gây hoang mang trong xã hội trong khi chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ im lặng, theo TS Tương Lai, người từng là một thành viên trong Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Ai sẽ thay thế đây? Người đó sẽ là thế nào? Có tiếp tục là những người mà Trung Quốc đã nắm thóp được như là Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Phú Trọng trong hai nhiệm kỳ vừa qua không? Nỗi lo của người ta là ở chỗ ấy.”

Sự tiếp nối chính trị là một quá trình hỗn độn và có khả năng bị mất ổn định ở Việt Nam, theo nhận định của Asia Times trong một bài viết ra ngày 22/4 với tiêu đề “Người đứng đầu Việt Nam (Nguyễn Phú) Trọng đang trong những giờ cuối của cuộc đời?”

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer trong một bài viết ra hôm 22/4, nếu TBT Trọng bị bệnh nặng (hoặc không hoàn toàn bình phục để làm việc toàn thời gian), Việt Nam vẫn có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kế nhiệm bằng cách bỏ đi việc kiêm nhiệm hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước và bổ nhiệm một người “trông coi” tạm thời cho mỗi chức vụ.

Tình hình sức khỏe của các lãnh đạo cao nhất nhà nước Việt Nam được coi là “bí mật quốc gia” theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được thông qua vào tháng 11 năm ngoái.

GS Tương Lai cho rằng việc bảo vệ bí mật quốc gia thông tin sức khỏe của các lãnh đạo là “lố bịch” và “phản dân chủ.”

Trong Lời Kêu gọi cảnh giác, các nhân sỹ cho rằng: “Càng bưng bít thông tin, càng gây thêm sự nhiễu loạn trong tâm trạng xã hội, đẩy tới sự mất lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân với đảng cầm quyền và nhà nước vẫn tự xung là của dân, do dân và vì dân vốn đã bị khủng hoảng trầm trọng nay càng dày thêm sự đổ vỡ trong nghi ngờ và phẫn nộ.”

Giải thích về lời kêu gọi cảnh giác đối với nhân dân, GS Tương Lai nói “khi một ghế quyền lực bị bỏ trống thì tình hình dễ biến động và bên ngoài sẽ kéo vào.”

“Chính đây là thời cơ cho các thế lực ngoại bang sát nách biến những toan tính bẩn thỉu bằng những hành động bất ngờ và thâm hiểm,” theo Lời kêu gọi cảnh giác của 4 nhân sỹ.

Theo TS Tương Lai, “thế lực ngoại bang sát nách” ở đây không ngoài ai khác mà là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam, tức Trung Quốc. Ông cho biết lời kêu gọi trên nằm để người dân cảnh giác với việc đó cũng như thức tỉnh lòng yêu nước của người dân trong hoàn cảnh này.

GS Thayer của Đại học New South Wales, cũng là một chuyên gia về Việt Nam, cho rằng TBT Trọng được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời tới thăm Washington trong năm nay và đó là vì sao chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm dập tắt các tin đồn và thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Trọng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn