Toilet Tình yêu ( Vào đảng Cộng sản cũng vậy )

Thứ Năm, 07 Tháng Hai 20195:00 CH(Xem: 5733)
Toilet Tình yêu ( Vào đảng Cộng sản cũng vậy )
Toilet Tình yêu
 toilet-paper-hihoa-dep
Tôi từng có thói quen sưu tầm danh ngôn về tình yêu. Không biết vì thích, vì thấy hay, thấy tràn trề sức sống hay vì giấc mơ tình yêu, vì nỗi khát khao đi tìm cái gọi là sự thăng hoa của tâm hồn và xúc cảm. Một thời gian dài tôi thường hì hụi ghi chép, sau đó lại mê man ngồi đọc đi đọc lại những lời hay, ý đẹp về tình yêu.


Tôi cóp nhặt, tôi đọc, tôi tưởng tượng mãi mà tình yêu như phép màu kỳ diệu, như trăng sao lóng lánh giữa màn đêm vời vợi, như ánh dương sáng bừng nơi biển cả... vẫn ở tận đâu đâu. Tôi buồn lắm, mong lắm nhưng lòng vẫn tự nhủ phải quyết tìm cho được cái mà ai cũng tự cho rằng: tình tôi đẹp nhất, hay nhất, lãng mạn nhất hoặc... bi hài nhất. Cuốn sổ “danh ngôn” của tôi vì thế vẫn cứ đầy lên và chắc chắn tôi vẫn sẽ tiếp tục “thu lượm” nếu không có người tự nhiên sổ toẹt vào đấy dòng chữ: Hôn nhân là một cái toilet - đóng mở ngoặc - Toilet hay đúng hơn là cái hố xí -  khiến tôi bàng hoàng cáu giận.

Tôi tức tốc tìm cho được người đã ác tâm “đi bậy” trong “vườn hoa” của tôi. Đời nào tôi chịu để “cuốn sổ tình yêu” của tôi bảng lảng “bốc mùi” hôi như thế! Tôi căm ghét hình ảnh cái nhà xí đang lởn vởn trong “vườn yêu” tôi kỳ cụi trang hoàng. Tôi trừng mắt và lên mặt giận hờn con người sao thô thiển đến thế!... Nhưng vô ích. Sau tất cả tôi vẫn phải nhận lại một câu thô kệch mà sắc lẹm, rằng: Cứ nghĩ mà coi, hôn nhân giống như cái toilet. Người ở ngoài toilet (tựa lúc đang yêu) thì cuống quýt muốn vào (không vào không... nhịn được), người vào rồi (tựa lúc đã thành hôn), giải quyết “nhu cầu” xong rồi lại muốn ra thật nhanh (chả ai muốn ngửi cái mùi ấy). Vậy nên giờ còn yêu được thì cứ yêu đi, yêu nhiều vào kẻo khi lấy rồi không còn cơ hội nhấm nháp thứ hương vị ngọt ngào ấy nữa đâu! Tôi à lên một tiếng rồi quay bước đi ra, trong đầu buộc phải nghĩ đến cái nhà vệ sinh mà ngày nào tôi cũng ra vào đó một vài lần.

Tội nghiệp cho tôi. Một tình yêu lung linh sắc màu chưa thấy, giờ đã lại phải ngồi đây, phải khư khư cầm trên tay những lời yêu chất chồng mà lòng thì vẩn vơ nghĩ về cái toilet. Một cái toilet tình yêu nghe sao mà đắng đót. Nhưng sao con người cứ nhất thiết phải “chui” vào đó. Là bởi vì theo lẽ tự nhiên, vì nhu cầu tất yếu hay vì ai cũng biết quy luật nhưng không có nghĩa là có thể thoát được quy luật. Phải chăng đó chính là một trong những bi kịch lớn nhất của con người. Đói khát có thể không còn, chiến tranh có thể không còn nhưng hạnh phúc và đau đớn trong tình yêu thì mãi mãi còn khi con người còn sống trên trần gian. Tại sao khi yêu người ta có thể say đắm đến mức không thể rời nhau? nhưng khi lấy nhau rồi nhiều người lại tìm mọi cách để “xa” nhau. Phải chăng con người đã quá lý tưởng hoá tình yêu? hay phải chăng bản chất tình yêu là rất đẹp nhưng cái “toilet tình yêu” không phải ai cũng biết làm cho nó luôn sạch đẹp, tinh tươm? Nếu nói hôn nhân là cái toilet thì cái đó là do mình làm nên, mình sử dụng, mình lau chùi và cọ rửa hàng ngày. Bẩn hay sạch là do mình, ngửi được hay không cũng là của mình, hà cớ làm sao cứ phải kêu than rằng: cái nhà tôi sao “khó chịu” quá chừng, ước gì được sang nhà hàng xóm “đi nhờ” một lần cho “mát mẻ”!

Phản đối “giả thuyết” này của tôi trước tiên là các chị em học vấn trung bình, nghề nghiệp nhàng nhàng, tuổi chưa đến 40, gia đình tàm tạm đủ, nghĩa là không giàu nhưng cũng không quá nghèo. Họ đồng thanh nhao lên, 5/6 người có mặt đều cho rằng tôi chưa bước vào hôn nhân nên chưa thể hiểu “phạm trù toilet” khó chịu tới mức nào. Người thì cau có nói: “Đi thì chớ chứ cứ về đến nhà nhìn thấy chồng tôi chỉ muốn phát sốt lên!” Vì sao ư? Vì “hắn” cứ nằm chềnh ềnh đọc báo, xem tivi, thản nhiên nhìn vợ đầu tắt mặt tối vừa lo cơm nước, lo dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con nhỏ. Ăn xong rồi cũng lại chỉ có mình cặm cụi rửa bát, giặt đồ, trông con và ru con ngủ... Nói chung là không sao “ngửi” được. Đến đây các chị đều đồng thanh: "Ừ. Đúng rồi đấy. Sao cái “lũ ấy” lười thế không biết! Chỉ được cái ham chơi, bia bọt, nhậu nhẹt là tài! Mình có nói đến khàn cổ “nó” cũng vẫn cứ ì ra như thế!” Bổ sung thêm - một chị chừng 35 tuổi  làu bàu: “ Đây có hôm còn sắp điên, muốn đập phá cho giải nhiệt. Ai lại nhờ “nó” đi đón con (dùng con làm “vũ khí”) để “bắt nó” về nhà sớm, nhưng đưa con về đến nhà “nó” lại tót đi luôn. Không những thế lại còn “đi bù” thêm đúng số thời gian đã phải đi đón con nữa. Đúng là bó tay - bó cả người. Chả còn gì để nói.”...

Cứ thế, người nọ “bổ sung” cho người kia, câu chuyện ngày một “cao trào”, đến mức tôi phải lên tiếng chen ngang nhằm “hạ hoả”.

- Thôi nào, nói chuyện gì hay hay chả nói, cứ nói xấu chồng mãi mà không chán à. Em ấy à, em thấy đàn ông đáng yêu lắm. Đang mong mãi chả có anh nào rước đi đây này.

- Úi dào! Chỉ được cái mạnh mồm thôi. Cứ thử lấy đi xem có sợ phát khiếp không - một chị lớn tiếng. Tôi giờ chỉ mong có cô nào rước chồng tôi đi cho rồi. Khổ nỗi chả ai thèm cơ, rao mãi là “lấy một- tặng một” mà chưa thoát được đây này. Ngày xưa nói “ba trăm một mụ đàn bà”, nay phải đổi lại thành “ba hào một mớ đàn ông Việt Nam” mới đúng. Sao mà “hãm” thế không biết!

Chao ôi! Tôi đúng là đã chạm vào “ngòi nổ” mất rồi. Nhưng dẫu sao thì lúc ở trong vùng “khẩu khí” ấy tôi mới cảm nhận được phần nào cái “triết lý toilet” tuy phũ phàng, chua chát nhưng không hẳn là sai. Có hai người, thêm con cái, thêm cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng “ghé” vào một “toilet”, làm gì mà không... quá tải. Nếu chẳng may rơi vào cảnh quá “chật chội” hay “bức bối” thì người tìm cách “mở cửa toilet” cho... “thoát khí” đầu tiên đa phần lại là các ông chồng. Bi kịch chính là từ đây. Một người thì ra sức sửa sang, “lau chùi” và “dọn dẹp”, trong khi đối phương cứ thản nhiên làm bừa, “phóng uế”. Và, thường bị “giam cầm” trong cái toilet “cửa đóng then cài” ấy đa phần là phụ nữ nên thỉnh thoảng phát “sốt” cũng đúng thôi.  

- Đã thế sao không tìm cách “mở cửa toilet” tìm đường ra. Không “ngửi” được nữa thì “ngồi” trong đó làm gì, cố chịu đựng làm gì cho khổ (nghĩa là ly dị ấy mà). Hoặc là thỉnh thoảng tự cho phép mình “đi bậy” một hôm cho “thoáng mát” (là ngoại tình, là đi “cặp bồ” ấy), tội gì cứ ngồi trong ấy “bịt mũi” nhăn nhó. Tôi “đề xuất” ý tưởng này với các bà, các chị “nhỉnh” hơn một chút - là người có học vấn, có việc làm ổn định, có đôi chút địa vị trong xã hội, tiền bạc tạm gọi là dư dả, chồng con cũng “tươm tươm”- đáng mặt đàn ông... biết kiếm tiền. Đa phần câu trả lời là: Con cái tựa như chiếc “ổ khoá” to đùng, nếu đủ dũng khí “phá khoá” thì khỏi phải bàn! Nhưng làm thế chỉ khổ mình, khổ con chứ đàn ông ấy à, sắm vợ mới càng trẻ khoẻ, xinh tươi. Với lại “thằng nào” chả giống thằng nào. Được thứ nọ hỏng thứ kia. Thằng kiếm ra nhiều tiền thì ra ngoài gái gú, bồ bịch lăng nhăng, về nhà lại hách dịch như bố già. Thằng kiếm được vừa vừa thì suốt ngày lê la ở hàng bia, về đến nhà là ngủ. Còn loại thứ ba - loại không kiếm ra tiền ấy à, loại này không thèm nói... Thôi thì cứ “khuất mắt trông coi”, “nó” đi đâu, làm gì bên ngoài kệ xác “nó”, miễn sao về nhà không quá tệ là được rồi.

- Thế còn chuyện “đi bậy” thì sao? Chẳng lẽ đàn ông “hoa lá cành” được mà chị em ta thỉnh thoảng không tự “thưởng” cho mình chút ít phong lưu?

- Tôi ấy à, tôi cũng muốn thế lắm nhưng người thích mình thì mình không thích họ, người mình thích thì lại đâu có thích mình. Tưởng yêu bây giờ mà dễ à! Có nằm mơ cũng chả kiếm nổi “tình yêu thực sự” nữa đâu, bồ bịch lăng nhăng vài bữa lại phát chán. Thôi thì cứ “ngoại tình” trong tư tưởng vậy, một chị khoảng 40 tuổi nói. Đây có hôm đang nằm mơ gặp lại người yêu cũ thì bị chồng đánh thức, bực mình nhắm mắt vào định... mơ tiếp thì không sao mơ được nữa. Tiếc đến ngẩn ngơ mà chả bao giờ gặp lại giấc mơ như thế nữa.

- Tôi cũng vậy, có hôm tôi mơ được một anh đẹp trai lái xe đưa mẹ con tôi đi chơi. Đang lúc sung sướng hạnh phúc nhất, tưởng anh ta đưa mình đi đâu thì tự dưng... rẽ vào ngõ nhà mình. Tỉnh giấc thấy chồng nằm “phưỡn bụng” (bụng to vì uống nhiều bia) cạnh mình. Thế là đi toi giấc mơ đẹp - một chị khác thêm vào. Ôi trời! Mà có yêu đến mấy thì bao nhiêu năm nhìn cái mặt nhau cũng phát chán, cũng... thối um cả lên. Yêu đương cái nỗi gì!

À, còn có cách khác nữa, nghĩa là “dựng” một cái toilet không có cửa (hôn nhân không giá thú - sống chung, sống thử) ấy. Như thế vừa “thoáng  khí”, lại vừa dễ “vào”, dễ “ra”... Tôi nghĩ thế nhưng chỉ dừng lại trong đầu, không dám ti toe thêm nửa lời vì thừa biết mình sẽ thua. Thua là đúng bởi tôi đoán dẫu có “phát sốt, phát rét”, có nổi điên nổi khùng hay bực mình so sánh hôn nhân như một cái toilet thì các chị cũng vẫn luôn nghĩ về nó với đầy đủ cảm giác khó và dễ chịu nhất. Và, ai dù có thường xuyên bực bội hay đã từng “ngộp thở” trong cái toilet ấy thì ở góc sâu tâm hồn vẫn cảm thấy cần thiết có một cái “toilet” để vào đó - chốt cửa lại - thấy an toàn, yên tâm và có thể làm những việc mà nếu ở ngoài sẽ rất khó thực hiện.

Hà Thương
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn