'Vì sao tôi không muốn có con' ( Không cần, người Việt đang đẻ nhiều lắm, xin về nuôi đi )

Thứ Bảy, 18 Tháng Tám 20185:03 SA(Xem: 7267)
'Vì sao tôi không muốn có con' ( Không cần, người Việt đang đẻ nhiều lắm, xin về nuôi đi )
bbc.com
Simon Maybin BBC Thế giới vụ, Seoul

Jang Yun-hwa
Image caption Cô Jang Yun-hwa

Ngày càng có nhiều phụ nữ Hàn Quốc không muốn kết hôn, có con và thậm chí có quan hệ với đàn ông.

Với tỷ lệ sinh nở thấp nhất thế giới, dân số nước này bắt đầu giảm, trừ khi sẽ có thay đổi.

"Tôi không có dự định có con, không bao giờ," Jang Yun-hwa, 24 tuổi, nói khi chúng tôi chuyện trò trong một quán cà phê sành điệu ở trung tâm Seoul.


"Tôi không muốn phải đau đớn khi sinh con. Và có con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi."

Cũng như nhiều người trẻ tuổi trong thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt ở Hàn Quốc, Yun-hwa, họa sỹ vẽ tranh hoạt hình trên mạng, phải rất nỗ lực để đạt được vị trí cô đang có, và không muốn bỏ phí tất cả công sức của mình.

"Thay vì có một gia đình thì tôi muốn được độc lập và sống một mình và đạt được các giấc mơ của tôi," cô nói.

Yun-hwa không phải là phụ nữ trẻ Hàn Quốc duy nhất coi sự nghiệp và gia đình là hai chuyện độc lập với nhau.

Ở Hàn Quốc, có những điều luật được ban hành để ngăn việc phụ nữ bị phân biệt đối xử do mang thai, hay chỉ vì họ ở trong độ tuổi mang thai - nhưng trên thực tế, theo các nghiệp đoàn, các điều luật này không được thực thi.

Câu chuyện của Choi Moon-jeong, sống ở khu ngoại ô phía tây Seoul, là một ví dụ điển hình về tình trạng này.

Khi cô báo cho sếp biết cô đang mang thai, cô thực sự bị sốc vì phản ứng của ông.

"Sếp tôi nói, 'Khi cô sinh con, con cô sẽ là ưu tiên hàng đầu của cô và công ty sẽ đứng thứ hai, vậy cô có thể vẫn làm việc được không?" Moon-jeong kể.

"Và ông ấy cứ hỏi đi hỏi lại như vậy."

Choi Moon-jeong today
Image caption Cô Choi Moon-jeong ngày nay

Moon-jeong lúc đó đang làm kế toán chuyên về thuế.

Vào lúc sắp trở nên bận rộn nhất năm, sếp cô giao cho cô nhiều việc hơn nữa - và khi cô phàn nàn, ông nói cô thiếu tận tâm với công việc. Cuối cùng căng thẳng lên tới mức đỉnh điểm.

"Ông ta quát tôi. Tôi đang ngồi trên ghế, và vì chịu quá nhiều stress, người tôi bắt đầu co thắt và tôi không thể mở được mắt ra," Moon-jeong kể tiếp, gương mặt thân thiện có nốt tàn nhan của cô nhăn lại.

"Đồng nghiệp của tôi gọi xe cấp cứu và tôi được đưa tới bệnh viện."

Tại bệnh viện, các bác sỹ cho cô biết stress đã khiến cô có các dấu hiệu sảy thai.


Khi Moon-jeong đi làm trở lại sau một tuần nằm viện và giữ được thai nhi, cô cảm thấy sếp đã làm tất cả ông có thể để buộc cô phải thôi việc.

Cô nói những chuyện như thế không phải là hiếm.

"Tôi nghĩ có nhiều trường hợp phụ nữ rất lo lắng khi họ có thai và họ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi công bố họ có bầu," cô kể.

"Nhiều người tôi quen không có con và dự định sẽ không có con".

Văn hóa làm việc chăm chỉ, nhiều giờ và cống hiến hết mình cho công việc được cho là đã mang đến sự chuyển mình kỳ diệu của Hàn Quốc trong 50 năm qua, từ một nước đang phát triển trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng Yun-hwa nói vai trò của phụ nữ trong sự chuyển mình này dường như không được đếm xỉa tới.

"Thành công về kinh tế của Hàn Quốc còn phụ thuộc rất nhiều vào các công nhân nhà máy với mức lương thấp, mà số đông là phụ nữ," cô nói.

"Và còn phải nói tới sự chăm lo mà phụ nữ dành cho gia đình của họ để đàn ông có thể đi làm và tập trung vào công việc."

Ngày nay, phụ nữ đang ngày càng làm nhiều việc do đàn ông đảm nhiệm trước đây - ở các vị trí quản lý cũng như trong các lĩnh vực chuyên môn. Nhưng mặc dù có thay đổi nhanh về kinh tế và xã hội, quan điểm về giới chuyển biến rất chậm.


"Ở nước này, phụ nữ được trông đợi là những người cổ vũ cho đàn ông," Yun-hwa nói.

Hơn thế nữa, theo cô, ở Hàn Quốc có xu hướng người phụ nữ đã lập gia đình phải đóng vai trò chăm sóc gia đình chồng.

"Có rất nhiều ví dụ, chẳng hạn một phụ nữ có việc làm, khi cô lấy chồng và có con, thì việc nuôi dạy con cái sẽ gần như hoàn toàn là trách nhiệm của cô. Và cô cũng được yêu cầu chăm sóc bố mẹ chồng nếu họ ốm đau."

Một người đàn ông Hàn Quốc trung bình dành 45 phút một ngày cho những công việc không được trả lương như chăm con, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Phụ nữ dành gấp năm lần thời gian cho những công việc đó.

"Tính cách của tôi không hợp với vai trò hỗ trợ kiểu ấy," Yun-hwa nói. "Tôi rất bận rộn với cuộc sống của riêng mình."

Image caption Jang Yun-hwa

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở chỗ cô không muốn lấy chồng. Cô thậm chí còn không muốn có bạn trai. Một lý do là rủi ro bị trở thành nạn nhân của tình dục trả thù, điều mà cô nói là một "vấn đề lớn" ở Hàn Quốc. Cô còn lo ngại về bạo lực gia đình nữa.

Viện Tội phạm học Hàn Quốc công bố kết quả một cuộc thăm dò năm ngoái cho thấy 80% đàn ông được hỏi thừa nhận họ đã có hành động thô bạo với bạn tình.

Khi tôi hỏi Yun-hwa đàn ông Hàn Quốc nghĩ thế nào về phụ nữ, cô cho tôi câu trả lời một từ: "Nô lệ."

Có thể thấy rõ điều này đã gây ra tình trạng thiếu trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc. Tỷ lệ kết hôn ở nước này hiện đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay - 5,5 trên 1000 người, so với 9,2 hồi 1970 - và rất ít trẻ em được sinh ra ngoài vòng giá thú.

Chỉ Singapore, Hong Kong và Moldova có tỷ lệ sinh sản (số trẻ em bình quân trên một phụ nữ) thấp bằng Hàn Quốc. Tất cả bốn quốc gia này đều ở mức 1,2, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong khi tỷ lệ thay thế - tức là tỷ lệ cần thiết để dân số một nước duy trì ở mức hiện tại - là 2,1.

Một nhân tố khác khiến mọi người trì hoãn chuyện lập gia đình là lý do kinh tế.

Mặc dù giáo dục công là miễn phí, tính cạnh tranh cao trong trường học khiến phụ huynh phải chi thêm tiền cho con cái học thêm để theo kịp bạn bè.

Tất cả các yếu tố này cùng kết hợp để tạo ra một hiện tượng xã hội mới ở Hàn Quốc: Thế hệ Sampo. Từ "sampo" có nghĩa là từ bỏ ba điều - quan hệ, hôn nhân và con cái.

Độc lập một cách phá lệ, Yun-hwa nói cô chưa từ bỏ ba điều đó - cô chỉ lựa chọn không theo đuổi chúng mà thôi. Cô không nói rõ cô có định sống độc thân mãi, hay sẽ có quan hệ với phụ nữ không.

Hỏi chuyện những người Hàn Quốc từ thế hệ lớn tuổi hơn về tỷ lệ sinh con thấp, tôi thấy có sự tương phản rõ rệt về quan điểm. Họ coi những người như Yun-hwa là cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ.

Tôi bắt đầu nói chuyện với hai phụ nữ ở độ tuổi 60 đang thư giãn trong công viên cạnh con sông chảy qua trung tâm Seoul.

Một bà nói với tôi bà có ba người con gái ở độ tuổi ngoài 40, nhưng không cô nào có con.

"Tôi cố gắng dạy cho chúng lòng yêu nước và nghĩa vụ với đất nước, và tất nhiên tôi rất muốn chúng có con để duy trì nòi giống," bà nói. "Nhưng chúng quyết định không làm như vậy."

"Phải thấy mình có nghĩa vụ với đất nước chứ," bà bạn chen lời. "Chúng tôi rất lo lắng về tỷ lệ sinh con thấp ở đây."

Yun-hwa và những người cùng trang lứa với cô, những người sinh ra trong một thế giới toàn cầu, không bị thuyết phục bởi những lập luận đó.

Khi tôi đặt vấn đề rằng nếu cô và những người cùng thế hệ không có con, văn hóa của đất nước Hàn Quốc sẽ chết, cô nói với tôi đã đến lúc văn hóa trọng nam khinh nữ phải chết.

"Must die [phải chết]," cô trả lời bằng tiếng Anh. "Must die!"

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn