Bóng đá nhìn bằng con mắt "cách mạng"

Thứ Ba, 17 Tháng Bảy 20185:10 SA(Xem: 6827)
Bóng đá nhìn bằng con mắt "cách mạng"

Xuân Thọ

Hồi trẻ tôi hiểu nhân loại được chia thành 3 thế giới: Thế giới thứ nhất gồm các nước tư bản phát triển, thế giới thứ hai gồm Liên Xô và các nước XHCN đông Âu đã công nghiệp hóa. Phần còn lại là thế giới thứ ba, hay còn gọi là các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong nhóm này và coi mình là ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngây thơ và hiếu thắng, thằng bé chỉ thích nước mình nằm mãi ở nhóm đó để luôn được vác cờ đi đầu.

Giờ đây tôi cũng chia bóng đá ra 3 thế giới. Thế giới thứ nhất gồm các nước châu Âu, chọi nhau với thế giới thứ hai là các nền bóng đá Nam Mỹ, tuy nghèo hơn, nhưng gấu hơn. Phần còn lại được tôi nhét vào thế giới thứ ba, những nước đang phát triển về bóng đá. Kể cả Úc và Mỹ, tuy trông như tây, nhưng đá cũng như ta . :-)

Giải World Cup năm nay đã cho thấy, tư tưởng về „Ba dòng thác cách mạng“ vẫn nóng hổi. Thế giới thứ ba đang đuổi sát hai thế giới kia. Điều này không chỉ thể hiện qua bóng đá, mà còn qua số lượng cổ động viên của các nước nghèo đến Nga để cổ vũ đội nhà.

Các đội Tunisia, Senegal, Marocco, Iran, Nigeria, Úc, v.v đã dạy cho các anh cả đỏ những bài học về sự khiêm tốn. Việc đội Nam Triều Tiên hạ gục xe tăng Đức hai bàn, bất chấp sự hơn trội về đẳng cấp và thể lực, là một minh chứng cho thắng lợi của phong trào „Giải phóng dân tộc“ trước các „ Đế quốc bóng đá“. :-)

Nhiều người phê phán đội Nhật đá câu giờ trong trận Ba-Lan. Họ quên mất rằng thành viên G7 này xét về bóng đá cũng chỉ là một nước đang phát triển như ta. Trong cuộc đối đầu với bọn „thực dân sân cỏ“, việc sử dụng „chiến tranh du kích“ để „bảo toàn lực lượng“ là một tấm gương sáng cho phong trào „cách mạng (bóng đá) thế giới“. Nghe đâu, thủ tướng Nhật Abe đã lên tiếng xin lỗi cho hành động của đội nhà, chứ không cố biện hộ đá câu giờ là „đúng quy trình“.

Điều đáng nói là nhiều kẻ luôn tìm cách “Bảo toàn lực lượng“, ẩn nấp trước mọi bất công, bất chính trong xã hội lại chê các cầu thủ Nhật không chịu „hy sinh“ để họ xem cho đã con mắt.

Những kẻ coi "Chủ nghĩa Xã hội là hết thời", qua World Cup 2018 đã tỉnh ngộ. Ngoài đội Ba-Lan bị „bọn xấu“ Công đoàn Đoàn kết lôi kéo, nước Nga, thành viên của Liên Bang Cộng Hòa XHCN Xô Viết một thời, Croatia, ra đời từ sự tan rã của Liên bang XHCN Nam Tư cùng các nước XHCN Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch và Island đã chứng minh sức sống mãnh liệt của lý tưởng XHCN (trên sân cỏ).

Đội Nga tuy yếu hơn Tây Ban Nha về kỹ thuật và chiến thuật, nhưng nhờ ý chí kiên quyết bảo vệ „An ninh chính trị“ ở tuyến sau, đã chứng minh sự đúng đắn của „đường lối quân sự công nông“. Thủ môn Akinfeev đã phát huy xứng đáng „truyền thống cách mạng“ của các bậc tiền bối Lew Yashin và Renat Dasayev.

Trong trận đấu mệt mỏi giữa hai quốc gia tý hon, nền bóng đá được thử lửa qua chiến tranh du kích Nam-Tư của Croatia đã chiến thắng đội cầu từ xứ XHCN phi bạo lực Đan-Mạch.

Berti Vogts, cựu huấn luyên trưởng đội tuyển Đức từ 1990-1998 là người đã đưa đội nhà đoạt chức địch châu Âu 1996. Trước khi vào giải này, ông đã cảnh báo: „Ngày nay không được coi đội nào là yếu, kể cả các nước nhỏ!“. Sau khi đội nhà bị loại, báo chí Đức đua nhau trích lời ông Vogts để chữa thẹn.

Người Đức bỗng ca lên: Mất mùa thì tại Bec-ti (Berti Vogts), được mùa thì tại thiên tài Jo-gi ! (Jogi = Joachim Löw).

Thất bại của đội Đức, theo tôi, đã bắt đầu từ khi đội FC-Köln nhà tôi bị cho xuống hạng một cách „đúng quy trình“. Bất công ở chỗ, trung tâm VAR (trọng tài video) đóng ngay tại trường Đại học Thể thao Đức (1), cách nhà tôi 300m. Hình ảnh từ các sân đều được truyền về đây. Mấy ông trọng tài điện tử, toàn ăn cơm Köln mòn mồm mà không chịu bênh đội nhà. :-)

Thực ra, Berti Vogts cũng chỉ nói đại. Ông ta không chịu nhìn sang Việt Nam. Ở đó có một nền bóng đá không chịu lớn.

Chắc họ cũng nghĩ như tôi hồi trẻ, thích ở lại dưới đó để luôn được nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng (bóng đá). :-)

Köln 02.07.2018

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn