“Thư trong tù” của cố lãnh tụ Mandela : Ngọn lửa tình yêu và hy vọng ( Nhật Ký Trong Tù cuả HCM như cái..."Cụ Hồ". )

Thứ Sáu, 20 Tháng Bảy 20184:00 SA(Xem: 5294)
“Thư trong tù” của cố lãnh tụ Mandela : Ngọn lửa tình yêu và hy vọng ( Nhật Ký Trong Tù cuả HCM như cái..."Cụ Hồ". )
“Thư trong tù” của cố lãnh tụ Mandela : Ngọn lửa tình yêu và hy vọng
 
Trang bìa tuyển tập « Thư trong tù của Nelson Mandela ».Editions Robert Laffont

Ra mắt tập thư trong tù của cố lãnh tụ Nam Phi Mandela, nhà tranh đấu bất bạo động chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Nam Phi kỉ niệm 100 năm ngày sinh Mandela cùng dịp một thế kỷ kết thúc Thế chiến thứ nhất. Vụ giải cứu đội bóng Thái Lan phơi bày mặt trái của xã hội. Lính cứu hỏa Pháp đấu bóng với thanh niên ngoại ô, trước chung kết World Cup. Ba nghệ sĩ Pháp « đoạt giải Nobel nghệ thuật ». Lần đầu tiên từ gần 10 năm nay, Hội Đồng Bảo An thảo luận về khí hậu nóng lên và nguy cơ gia tăng chiến tranh. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Năm 2018 là một năm đặc biệt với Nam Phi. Ít hôm nữa, ngày 18/07/2018, là dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà tranh đấu chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc Nelson Mandela và một nhà tranh đấu nổi tiếng chống apartheid khác, bà Albertina Sisulu. Đây cũng chính là dịp kỉ niệm tròn một thế kỉ Đại chiến thứ nhất kết thúc. Nhiều binh sĩ Nam Phi đã hy sinh tại Pháp trong các trận chiến dữ dội tại vùng biên giới Pháp-Bỉ. Chủ nhật tuần trước, 07/07, tại khu rừng Delville, tỉnh Somme, nơi hàng ngàn chiến binh Nam Phi nằm lại, một nghi lễ đã được tổ chức để vinh danh những con người quên mình cho tự do.

Lữ đoàn số 1 và Mandela : Hai cuộc chiến vì tự do

Phóng sự của phóng viên RFI Bruno Faure tại khu đài tưởng niệm Nam Phi, rừng Delville :

« Tiếng kèn gọi hồn tử sĩ theo nhạc điệu Nam Phi được cử lên tại đài tưởng niệm trong khu rừng Delville, nơi lữ đoàn bộ binh số một Nam Phi - chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Anh - gần như bị xóa sổ trong trận chiến năm nào. Đại diện cho nước Pháp, ông Bernard Musset, lãnh đạo địa phương, phát biểu :

‘‘Sự hy sinh ấy gợi nên ở chúng ta lòng ngưỡng mộ và niềm biết ơn vô bờ bến. Nelson Mandela từng nói : Con người dũng cảm không phải là người không biết sợ, mà là người biết chiến thắng nỗi sợ’’.

Cũng chính ông quận trưởng đã nhận được từ đoàn Nam Phi món quà tặng, một bức tượng bán thân cố tổng thống Mandela.

Về phần mình, bộ trưởng Văn Hóa Nam Phi cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa sự hy sinh của những người lính trong Thế chiến 1914-1918 và cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bà Marcia Olifant, bộ trưởng Văn Hóa, là thành viên của phái đoàn Nam Phi hùng hậu, đến Pháp nhân dịp này. Bà chia sẻ : ‘‘Nhớ đến những người đã hi sinh vì tự do là điều rất quan trọng. Đây cũng chính là điều mà Nelson Mandela và Albertina Sisulu đã làm.

delville_wood_national_memorial-3Đài tượng niệm binh sĩ Nam Phi tại rừng Delville, tỉnh Somme, Pháp.© Wikipedia

Cách nay 4 năm, vào lúc khởi đầu cuộc kỷ niệm Thế chiến thứ nhất tròn một thế kỉ, đương kim tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa, từng là cánh tay phải của Nelson Mandela, đã đến đây chủ trì lễ khâm liệm chiến binh Nam Phi da đen đầu tiên hy sinh tại Pháp trong Thế chiến, để nơi đây mãi mãi trở thành biểu tượng cho xứ sở Cầu Vồng ».

Tiếng lòng của con người bất khuất

Nhân dịp 100 năm ngày sinh của nhà tranh đấu chống chủ nghĩa apartheid, một sưu tập hơn 225 bức thư trong tù của Nelson Mandela, trong đó đa số lần đầu tiên ra mắt, được công bố đồng loạt trong tuần này, bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hà Lan, tiếng Ý. Bản dịch tiếng Pháp « Các bức thư trong tù » (Les Lettres de prison de Nelson Mandela), do nhà xuất bản Robert Laffont ấn hành, ra mắt hôm thứ Năm, 12/07.

Mandela qua đời đã 5 năm, nhưng công chúng còn biết rất ít về đời sống bên trong của nhà chính trị kỳ lạ này. Bộ tuyển tập này, kết quả của hơn 10 năm để làm việc của nhà nghiên cứu Sahm Venter, giúp công chúng đến với một Mandela thầm kín, với tiếng lòng của nhà tranh đấu bất khuất, ngọn hải đăng cho cuộc chiến vì nền dân chủ Nam Phi.

Trong 27 năm tù đày đằng đẵng, chính xác là 10.052 ngày, thư từ gần như là cách duy nhất để ông liên lạc với bên ngoài. Những năm đầu tiên, ông chỉ được phép gửi hoặc nhận 6 tháng một lần, mỗi bức không quá 500 chữ. Tất cả thư từ ông gửi ra đều bị kiểm duyệt chặt, rất nhiều bức bị giữ lại, không bao giờ đến tay người nhận.

Bất chấp các giới hạn ngặt nghèo, Mandela đã tận dụng những cơ hội ấy để chuyển đến gia đình, đến các con, các cháu sau đó, cho người vợ Winnie, cho bè bạn, ngọn lửa của tình yêu và niềm tin. Những lá thư của tổng thống Nam Phi tương lai ắt hẳn cũng góp phần đánh thức nhân tính của không ít con người trong bộ máy cầm quyền.

Trong lá thư gửi Winnie ngày 23/06/1969, Mandela viết : « Thứ quý giá nhất mà tôi có ở đây, đó là lá thứ mà em viết cho tôi hôm 20/12/1962, ít ngày sau khi tôi bị kết án lần đầu tiên. Suốt 6 năm rưỡi sau đó, tôi đã đọc đi đọc lại nó. Với tôi, những tình cảm trong đó vẫn tha thiết và tươi mới như cái ngày tôi nhận được thư ». Khi viết lá thư này, Mandela đã trông đợi được gặp lại Winnie, sau hơn 6 tháng cách mặt, thế nhưng Winnie bất ngờ bị bắt.

mandela_femme_filleMandela cùng Winnie, người vợ thứ hai và con. Ảnh chụp trước khi ông bị bỏ tù.Ảnh chụp màn hình

Ông viết tiếp : « Phần lớn mọi người không biết là con người bằng xương bằng thịt của em với tôi không có ý nghĩa gì cả, nếu như những lý tưởng mà vì nó em đã hy sinh cuộc đời mình, không trở thành hiện thực. Tôi hiểu, sống với hy vọng là một điều tuyệt diệu. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi được chung sống cùng nhau, em thương yêu, cuộc sống của đôi ta đã luôn tràn đầy hy vọng… Trong những năm tháng kinh khủng và tàn bạo này, tôi đã càng yêu em hơn bao giờ hết… Không gì quý giá hơn là được tham gia vào cuộc vận động lịch sử của một đất nước.

Chính những hạt kim cương nằm trong bức thư ấy khiến tôi một lần nữa cảm thấy ngây ngất, sau khi đọc thư ngày 17/05 (tức ngày mà Nelson Mandela biết Winnie bị bắt)… Những giá trị bất tử của xã hội và tư tưởng không thể nào được tạo nên bởi những con người thờ ơ hay chống lại với những khát vọng thực sự của một dân tộc…. Không có một thế giới mới nào có thể sinh thành, nhờ ở những người khoanh tay đứng ở bên lề, thế giới ấy chỉ xuất hiện nhờ những ai dấn thân nơi đấu trường, áo quần tơi tả vì bão tố, thân thể bầm dập vì tranh đấu ».

Trả lời RFI, nhà văn Jean Guiloineau, cũng là dịch giả tuyển tập thư trong tù Mandela nhận xét : « Chúng ta phát hiện ra một con người hoàn toàn tự do. Ông ấy hiểu rằng chân lý thuộc về ông ấy. Cuộc đời của Mandela trước khi ông vào tù đã là một cuộc sống nằm ngoài hệ thống xã hội kỳ thị chủng tộc. Trong các bức thư ông ấy viết, chúng ta nhận ra điều này. Thế giới của ông ấy gồm các nhà trí thức. Bạn bè ông ấy là các luật sư, bác sĩ, các giảng viên đại học. Một cộng đồng những con người hiện đại sống bên trong một xã hội Nam Phi lạc hậu với Lịch sử ».

27 năm tù đày đằng đẵng không khuất phục được Mandela. Thư từ đã trở thành vũ khí tranh đấu của nhà lãnh đạo tương lai. Bằng lời lẽ, người cha tương lai của quốc gia Nam Phi dân chủ đã đóng góp phần quyết định, hạ bệ chế độ apartheid, đặt nền móng cho một xã hội đa văn hóa, công bằng, mà ông hy vọng sẽ sớm ra đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn