Một cách đọc Nho Lâm Ngoại Sử- 士在道統和世權之間的科舉橋樑上 (《儒林外史》讀後感)

Thứ Ba, 17 Tháng Bảy 20185:00 SA(Xem: 6303)
Một cách đọc Nho Lâm Ngoại Sử- 士在道統和世權之間的科舉橋樑上 (《儒林外史》讀後感)
nghiencuulichsu.com

Sĩ nhân trên chiếc cầu khoa cử bắc giữa Đạo Thống và Thế Quyền- Một cách đọc Nho Lâm Ngoại Sử- 士在道統和世權之間的科舉橋樑上 (《儒林外史》讀後感)


image002

Lê Thời Tân

1.“Đạo”và “Thế”- cuộc gian díu đôi co lịch sử

Nho Lâm Ngoại Sử bản dịch tiếng Việt Chuyện Làng Nho (tất cả các đoạn dẫn tác phẩm trong bài này đều dẫn dịch từ [2] Nho Lâm Ngoại Sử, Tân thế giới xuất bản xã, 2000; Số trang đối ứng bản dịch ở đây thống nhất dẫn theo bản dịch tiếng Việt [3] [4] Chuyện Làng Nho, Nxb.Văn Học 2001; “Đạo” và “Thế” ở đây nói đầy đủ là “đạo thống” (道統) và “thế quyền” (世權) có thể được hiểu – dùng thuật ngữ ngày nay là – “ý thức hệ/chủ nghĩa” và “thể chế/chính quyền”. Tránh dẫn giải dài dòng về nhận thức chủ đề cuốn tiểu thuyết trong trường kì tiếp nhận, bài viết xin tập trung vào vấn đề quan tâm. Ý kiến cho rằng Nho Lâm Ngoại Sử là cuốn tiểu thuyết tố cáo chế độ khoa cử bát cổ (八股取士) đã trở nên rất phổ biến. Thế nhưng chả nhẽ một cuốn sách 56 hồi viết bằng cả cuộc đời chỉ để chứng minh điều mà ngay tự thời đó đã không ít người nhận thấy: “Quan lại mà chế độ khoa cử bát cổ chọn luyện nên hoặc tham lam bạo ngược hoặc dung tục vô đạo”, “Chế độ khoa cử bát cổ làm cho nho lâm hư ngụy tham lam, đạo đức suy đồi, nhân cách méo mó, tâm hồn đê tiện đi” [1]. Có thể văn bát cổ cử nghiệp đã thái hóa thành một thứ cặn bã văn hóa và nền khoa cử thu gọn tất cả sự phong phú của học vấn và tâm hồn nhân cách vào trong mấy mươi hàng văn tứ lục công thức sáo rỗng không còn xứng là cơ chế tuyển chọn và đào tạo hiền tài. Thế nhưng vấn đề cần được đặt ra là sự thực thì kẻ thống trị có thực sự cần chọn hiền tài hay không? Khoa cử bát cổ là cơ chế tuyển hiền hay chỉ là công cụ nô dịch? Vả chăng, những nho nhân chân tài thực học có chí kinh bang tế thế lẽ nào lại không đối phó nổi thể chế khoa cử đã trình thức hóa đến độ trở thành công thức đó? Thực tế thì trong Nho Lâm Ngoại Sử, ngoài tiểu thư họ Lỗ (dù biết rõ không thể đi thi) chuyên tâm tập luyện văn bát cổ, cậu thiếu niên Khuông Siêu Nhân một dạo cần mẫn đọc sách ôn thi chép bài văn mẫu của thầy tú Mã Nhị ra, còn có nho nhân nào thực sự nấu sử sôi kinh? Viết tốt hay viết dở với chuyện thi đậu hay không cũng chẳng có quan hệ tất yếu gì với nhau. Đọc chuyện Chu Tiến chấm bài thi của Phạm Tiến là đủ biết điều đó. Điều quan trọng trong cử nghiệp như nhiều nhân vật đã chỉ ra là phải biết vận dụng tổng hợp nhiều tri thức bên ngoài trường thi mới hòng đối phó nổi các kì khảo thí. Ngoài ra chuyện đó ra thì chỉ còn hai chữ may rủi nữa mà thôi. Thực tế tự sự các câu chuyện lều chõng của các nhân vật trong tiểu thuyết chỉ rõ điều đó.

Miêu tả khoa cử bát cổ trong Nho Lâm Ngoại Sử làm cho độc giả từng bước ngộ ra một điều là – kẻ thực sự đang chơi trò chơi khoa cử như miếng mồi dụ dỗ nô dịch trí thức nho nhân chính là kẻ thống trị. Vượt lên sự miêu tả chính xác chế độ khoa cử bát cổ, tác giả Nho Lâm Ngoại Sử đã tiến đến chỗ phủ định việc dùng chế độ đó như một công cụ nô dịch cả một giai tầng dẫn đến sự suy đồi của nhân cách và bại vong của cả nền văn hóa. Trong thực tế lịch sử văn minh Trung Hoa, thời Minh trên đại thể đã đi xuống dốc… (Một trong số ít thành tựu văn hóa nổi bật nhất của thời đại này có lẽ chỉ là tiểu thuyết. Một phần nguyên nhân xuất phát từ chỗ tiểu thuyết so với các lĩnh vực tinh thần khác phần nào đó đã thoát được ít nhiều sự độc đoán và nô dịch trực tiếp của chính trị. Trong thời buổi đó, tiểu thuyết đã trở thành kẻ “ẩn cư” trong nền văn hóa. Hoặc ta cũng có thể dùng từ thời thượng ngày nay là “ngoại biên” để chỉ thân phận của tiểu thuyết lúc đó. Đối với chính thống mà nói, tiểu thuyết khác chi thân phận  nhân vật Vương Miện – hồi 1 hoặc hình tượng “tứ khách” – hồi 55 giạt rìa đời sống chính trị xã hội). Thực ra, câu chuyện chính trong thời đại quân chủ hỏi còn gì lớn hơn được chuyện quan hệ giữa Đạo thống và Thế quyền. Quan hệ đó kể từ sau thời Tùy Đường, đã có thêm một tình tiết quan trọng – chế độ khoa cử. Chính khoa cử đã giữ vai trò kết nối trong thực tế giữa Đạo thống (học thuyết tư tưởng nền tảng) và Thế quyền (hoàng triều vương pháp). Đến thời Minh, khâm định khoa cử dùng văn bát cổ được bắt đầu. Mãn Thanh lật Minh trùng diễn vở kịch “ngoại tộc” cai trị thiên hạ nhưng vẫn tiếp tục theo dùng khoa cử bát cổ văn. Khác biệt lịch sử lớn nhất giữa hai thời Minh và Thanh nhau có lẽ chính là ở chỗ người Mãn thay thế địa vị thống trị truyền thống của dân tộc Hán. Không ngại so sánh bản thân Ngô Kính Tử với nhân vật đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết của ông – Vương Miện. Vương chính là bước từ buổi ngụy triều (Nguyên Mông) sang thời dân Hán khôi phục chính thống còn Ngô Kính Tử thì lại ở vào lúc quyền thống trị giang san của người Hán rơi vào tay ngoại tộc Mãn Thanh. Lịch sử lại trùng diễn những khúc quanh mà câu chuyện giằng co giữa Đạo và Thế vẫn còn đó. Vẫn là văn tự ngục, trò diễn tiến hiền chiêu tài, chiến tranh với man mọi, vinh thân phì gia nhờ xuất thân khoa cử bát cổ (khởi từ đầu Minh duy trì trong suốt thời Thanh) – loanh quanh từng ấy đề tài. Tầm cao trong quan sát lịch sử cũng như chiều sâu trong phản tư trọn nền văn hóa và tầm rộng của việc bao quát sinh hoạt của cả một giai tầng nho nhân – tất cả những điều đó đã khiến cho tiểu thuyết của Ngô Kính Tử có được một hệ đề tài-chủ đề riêng. Nhận xét tiểu thuyết này mượn chuyện đời Minh phúng dụ thời Thanh (đề tài), tố cáo chế độ khoa cử thối nát và biến thái của nho lâm, phê phán công danh phú quý (chủ đề – tư tưởng)… đều chỉ là những cách nói phiến diện, không tránh được có phần đơn giản hóa vấn đề trong phân tích đề tài-chủ đề của Nho Lâm Ngoại Sử.

Chúng tôi cho rằng nội hàm văn hóa lớn nhất của Nho Lâm Ngoại Sử chính là việc đề cập trực diện mối quan hệ giữa giữa Đạo và Thế, giữa chính quyền và sĩ nhân khoa cử. Thực ra, mối quan hệ này là cả một câu chuyện lớn của nền văn hóa Hán và lịch sử dân tộc Trung Hoa. Vấn đề là cho đến thời Minh và Thanh, do chỗ khâm định khoa cử bát cổ mà quan hệ đó lại càng phải được chú ý một cách đặc biệt hơn. Nho Lâm Ngoại Sử là bộ tiểu thuyết đầu tiên mà cũng có thể bộ tiểu thuyết vĩ đại duy nhất của văn học cổ điển Trung Quốc đã thành công trong việc thức nhận và phô bày mối quan hệ siêu thời đó. Nổi lên hàng đầu trong cái thế giới nghệ thuật mà nhà văn dày công tạo dựng đương nhiên là nỗi bối rối bàng hoàng cùng cuộc đọa lạc chán chường của giai tầng trí thức trong chế độ khoa cử bát cổ. Nhưng đó chưa phải là tất cả những điều mà tác giả muốn giãi bày. Mũi nhọn phê phán của tác giả đã đâm xuyên thâu qua các hiện trạng chế độ khoa cử và bi kịch của giai tầng “có chữ” (độc thư nhân – người có học) chạm thấu đến nốt thắt tật bệnh trong mối quan hệ giữa một bên là quyền lực và một bên là văn hóa. Thực tế lịch sử cho thấy, thiên tử – hiện thân toàn vẹn nhất của “Thế Quyền” ngay từ lúc giành thiên hạ cho đến lúc an tọa ngai vàng coi sóc muôn dân đều phải luôn luôn thông qua một sự diễn giải “Đại Đạo” đặng biện minh cho tính chính đáng của nền cai trị mới. Tối cao của thế quyền phải làm cho bách tính tin tưởng mình là đại biểu duy nhất của đại nghiệp phụng thiên thừa vận còn những thần tử chịu ơn vua ăn lộc nước kia là những sĩ đại phu giúp triều đình thực hành Đại Đạo chớ không phải là nô bộc của thế quyền. Nô bộc thực sự ấy là đông đảo những công nông thương kia. Nói cách khác, trong quá trình đấng quân vương thống nhất Đạo thống và Thế quyền lại với nhau, khoa cử là một trong những công cụ có vai trò quan trọng hàng đầu. Đây có khi cũng là điểm mà Âu châu trung đại nên “học tập” Trung Quốc. Trung Quốc đặc biệt từ thời Minh, đi đôi với việc chính quyền trung ương tập quyền ngày càng chuyên chế thì toàn bộ nền học thuật cũng từng bước nhất nguyên hóa. Từ thời đại Khổng Tử qua Hán, Đường, Tống đến Minh Thanh, giai tầng sĩ – đội ngũ thực hiện Đạo thống ngày một thái hóa đi dưới uy quyền chuyên chế. Từ chỗ như tuồng nửa thầy nửa bạn của quân vương đi đến chỗ trở thành trung thần rồi thành ra nô tài. Trong quá trình chuyên chế không ngừng đó, Đạo cũng từng bước bị nhất nguyên hóa, kinh viện giáo điều và hình thức hóa để cuối cùng biến thành mấy bộ kinh thư vừa đủ dùng cho khoa cử bát cổ. Tranh bìa bản dịch tiếng Việt Chuyện làng Nho (Nxb.Văn Học, 2001) vẽ cảnh một nho nhân còng lưng kéo chiếc xe có chở sách. Cứ như trần thuật trong tiểu thuyết thì sách học đi thi (kinh sách – bản chú giải đã được chỉ định, các tập văn quyển mẫu tương tự “bộ đề – bài làm mẫu” ngày nay) cũng chả nhiều! Nói nôm na là triều đình cũng đã tạo điều kiện “khoanh vùng” cho cái học đi thi của sĩ nhân rồi!

Thi cử có kì (Hương, Hội, Đình thí), trong lúc “văn tự ngục” lúc nào cũng có thể xử. Trước sự dụ dỗ và uy hiếp và sắp đặt của thế quyền, khoa cử cuối cùng cũng đã trở thành chiếc cầu độc mộc thông đường từ Đạo thống sang Thế quyền. Tài hiền có tiếng được vời ra làm quan bị coi là ngầm “đi tắt” đường danh lợi.  Xuất thân “chính đồ”, đi “chính lộ” ấy là chỉ đường hoàng chen chân qua được chiếc cầu khoa cử. Bi kịch là ở chỗ, không phải nho nhân nào cũng đứng cao hơn hoàn cảnh để nhìn thông thấy tỏ được cái gọi là “chính nghiệp” – học để đi thi đậu ra làm quan. Chu Hy thao thao bàn chuyện cách vật trí tri nhưng phải đến thời đại Ngũ Tứ, sĩ nhân mới thực sự biết trí tri cách-vật là gì! Đối với đông đảo sĩ nhân, lịch sử dường như chỉ là một chuỗi dài của các triều đại nối tiếp nhau gìn giữ sự nhất thống giang sơn thiên hạ. Rất ít người thức nhận phản tư trở lại sự thay đổi trong quan hệ giữa Đạo thống và Thế quyền. Đằng sau những trần thuật tản mạn các câu chuyện rải rác trong tiểu thuyết, Ngô Kính Tử rõ ràng luôn có ý thức nhấn mạnh sự khác biệt lịch sử xưa nay. Phân biệt “xưa-nay” đó rõ ràng là liên quan trực tiếp đến nhận thức về quan hệ giữa Đạo thống và Thế quyền. Thử đọc lại hồi 39 của tiểu thuyết này. Tại hồi này tác giả để nhân vật Quách Hiếu Tử trên đường đi tìm cha khuyên một hiệp khách từ bỏ những nghĩa cử kiểu Kinh Kha hay Nhiếp Chính ngày xưa: “Ngày nay so thế nào được với thời Xuân Thu, Chiến Quốc… … Ngày nay là lúc bốn biển một nhà.” (hồi 39) [2 tr.428; 3 tr.202]. Không ngại hiểu chữ “nhà” trong thành ngữ “bốn biển một nhà” này chính là “đế thất”. Từ một góc độ nào đó cũng không ngại cắt nghĩa thành “học thuyết được độc tôn”. Một chỗ khác, cũng trong tình tiết bàn luận thời thế xưa nay, tác giả để cho nhân vật Mã Thuần Thượng khuyên một thư sinh trẻ tuổi: “Ngày nay nếu Khổng Phu Tử sống lại thì ngài cũng phải học để đi thi, quyết không giảng những là “Nói ít điều sai, làm ít điều phải thẹn” (ngôn quả vưu, hành quả hối). Vì sao? Vì nếu ngài cứ lo “nói ít điều sai, làm ít điều phải thẹn” thì ai cho ngài làm quan và đạo của Khổng Tử cũng không được nữa” (hồi 13, nguyên văn: 就是夫子在而今,也要念文章、做举业,断不讲那‘言寡尤行寡悔’的话。何也?就日日讲究‘言寡尤行寡悔’,那个给你官做?孔子的道也就不行了) [2 tr.162; 4 tr.255]. Khổng Tử sinh thời bôn ba đôn đáo chuyện thực hiện học thuyết của mình. Vậy mà, thế quyền ai kẻ chấp nhận ngài? Câu nói ví mình là “chó nhà có tang 喪家之狗” (xem Khổng tử Thế gia trong Sử Kí 《史記·孔子世家》) chính là một sự khái quát khá lâm li cảnh huống của một kẻ thủa hãy còn chưa được phong thành “vạn thế sư biểu”.[1]  Lẽ nào cái kết luận “Khổng Tử mà sống thời nay cũng phải ôn luyện theo sách văn mẫu mà đi thi” (就是夫子在而今也要念文章做举业) mà ông tú họ Mã (đương thời tú tài mới chỉ là “chứng chỉ” mở đường cử nghiệp, muốn được bổ làm quan ít ra phải tiếp tục thi đậu cử nhân) hồ đồ tuyên bố đó lại không phải là một sự khái quát thực chất của mối quan hệ Đạo thống và Thế quyền hay sao? Thực ta không biết Khổng Tử nếu sống lại thì có thi đậu hay không nhưng điều chắc chắn là đấng sư biểu đã không biết học thuyết của mình có ngày được “độc tôn” (orthodoxy) và từng đoạn nhỏ mươi chữ trích từ sách của ngài thì trở thành đề thi tuyển “cán bộ” trong hàng trăm năm!

Lịch sử Trung Hoa từ Xuân Thu Chiến Quốc qua Tần sang Hán-Ngụy, Lục Triều rồi Minh Thanh phản ánh quá trình chính trị đi từ tập quyền đến độc tài khiến cho văn hóa đi từ đa nguyên đi đến chỗ độc tôn nhất gia độc đạo (một chủ nghĩa duy nhất đúng). Mặc dù không là một tôn giáo nhưng trên thực tế ta hoàn toàn có thể gọi đạo Nho là quốc giáo của Trung Hoa quân chủ. Thần quyền khi được tôn lên trên thế quyền như Âu châu trung cổ là một chuyện. Ngược lại như Nho giáo bị hòa lẫn vào trong thế quyền ở Trung Hoa lại là một chuyện khác. Dưới chế độ khoa cử, gần như phần đa trí thức Trung Hoa đều là nho sĩ. Trọn vẹn cả nền văn hóa phong kiến lấy Nho học làm đề tài chính, trong lúc bản thân đề tài này lại lấy kinh học làm trung tâm. Kinh học đã trở thành một học thuyết tổng hợp bao gồm trong nó chính trị xã hội học, sử học cho chí triết học. Từ triều đại này sang triều đại khác tất cả đều củng cố cho thống trị tập quyền của mình dựa vào việc giải thích và phát huy cái gọi là kinh học đó. Tống Nho hấp thu Phật giáo để triết học hóa kinh học. Vào đầu đời Minh việc dùng nghĩa lí luận chứng luân thường của Tống Nho đã trở thành học thuyết quan phương và là tư tưởng thống trị của vương triều. Đến đời Hồng Trị Chính Đức, học thuyết Vương Dương Minh đem lại chút thanh tân cho nền lí học đã trở nên xơ cứng. Nhưng trong điều kiện văn hóa tập quyền rốt cuộc nó lại đi vào cực đoan, trống rỗng trở thành một thứ báo hại quốc gia. Điều đáng suy nghĩ là sang đến thời Thanh, tập đoàn thống trị lại một lần nữa đề cao Trình-Chu. Lí học vẫn là vũ khí tư tưởng tốt nhất phục vụ cho việc củng cố nền thống trị tập quyền. Trong tình hình đó, khoa cử chính là chiếc cầu mà thiên tử đã khéo léo bắc nối giữa chính trị và văn hóa nói chung. Hãy hình dung cảnh tượng ùn tắc bên này cầu là đông đảo sĩ tử nho nhân bạch diện thư sinh toàn thiên hạ, trong lúc bên kia cầu thấp thoáng dưới tàn vàng lọng tía các đại nhân đại biểu cho thế quyền (thực tế thế quyền bao gồm tối cao hoàng quyền và tập đoàn quan lại với số lượng có hạn). Trường minh đăng Khổng-Mạnh treo cao trên cầu soi bước chính đồ cho nho nhân. Sĩ nhân – những người quẩy trên vai gánh nặng văn hóa buộc phải chen chân trên cầu khoa cử. Bởi vì khoa cử tức thi đậu làm quan để nắm quyền đồng nghĩa với công danh phú quý. Thành ra cái giai tầng đảm đương sự nghiệp văn hóa giáo dục của dân tộc – nho sĩ rốt cuộc đã bị trói buộc hoàn toàn vào vòng khoa hoạn.

Một số thơ văn của chính tác giả tiểu thuyết để đời Nho Lâm Ngoại Sử cho thấy Ngô Kính Tử rất tôn sùng cái gọi là phong độ Ngụy-Tấn. Có thể lí giải được điều đó nếu ta chú ý đến một thực tế là vào thời Ngụy Tấn, Đạo thống còn chưa hoàn toàn bị Thế quyền khống chế. Văn nhân Ngụy Tấn còn có thể giữ được trên những mức độ nào đó sự độc lập chính trị và tư tưởng (Đào Uyên Minh là một đại biểu vĩ đại). Đối với văn nhân Ngụy-Tấn, thiên nhiên nhiều khi còn quan trọng hơn danh giáo. Cái gọi là phong độ Ngụy-Tấn bao hàm trong nó cảm giác ưu việt và lòng tự tôn của văn nhân trong tính cách là một quần thể xã hội. Thực tế thì dưới thời Ngụy-Tấn, cái quan hệ giữa sĩ và thế quyền chuyên chế hẵng còn chưa bị khóa chặt bởi khoa cử. “Đến thời Ngô Kính Tử, cùng với sức khống chế to lớn và sự củng cố địa vị của lí học, văn nhân trên đại thể đã hoàn toàn mất đi động lực và nhuệ khí trong việc giữ độc lập nhân cách quần thể và sức đối kháng hoàng quyền” [5 tr.4, 12]. Nho Lâm Ngoại Sử kể chuyện Đỗ Thiếu Khanh khi chú giải Kinh Thi thường vẫn muốn thoát ra khỏi sự chuyên chế văn hóa đơn nhất. Nhân vật này nói “Chu Hy cũng là một nhà”. Nói rõ ràng hơn, Đỗ Thiếu Khanh muốn nới lỏng một chút quan hệ giữa văn hóa, học thuật và chính trị cùng triết học kinh viện. Theo sự lí giải của Đỗ Thiếu Khanh, Chu Hy bản thân cũng chỉ xem cách hiểu kinh điển của mình như một trong nhiều cách khác của chư nho. Độc tôn bình chú của Chu Hy là cái “nông cạn hẹp hòi” (nguyên văn cố lậu) của người đời sau, “không liên quan đến Chu Tử”. Đỗ Thiếu Khanh quả đã nhận ra sự thực lịch sử xã hội. Trên thực tế, một bậc tiên phong đề xướng học thuyết của mình nếu không được quan phương hóa bởi lực lượng chính trị cụ thể thì mãi chẳng bao giờ trở thành (vạn thế) “sư biểu”. Một học thuyết muốn trở thành “kinh”, thế tất phải được chú giải theo quan điểm của nhà thống trị. Mà nhiều khi kẻ lập thuyết cũng đâu nghĩ đến và đâu biết chuyện lí luận của mình lại thành khuôn vàng thước ngọc duy nhất đúng, duy nhất tốt cho hậu nhân xã hội mới! Khi tư duy văn hóa đã xơ cứng còn nhà đương cục thì đã thành công trong việc thần thoại hóa, quyền uy hóa một học thuyết nhất định thì những kẻ sĩ còn nhận thức được sự thực của vấn đề như Đỗ Thiếu Khanh không phải là nhiều (Ý kiến phổ biến cho rằng đây cũng là nhân vật có tính cách tự truyện nhất của tác giả bộ tiểu thuyết). Mà kẻ biết sự thực đó rồi lại công khai nói ra lại càng ít nữa! Đại bộ phận các nhân vật trong Nho Lâm bạc đầu học thuộc kinh sách, mòn tay áo viết văn bát cổ thời gian cơm áo đâu mà dám đòi ngồi chú giải hay phản tư lại kinh sách!

  1. Kẹt gữa giằng co Đạo-Thế: thân phận Kẻ Sĩ

Nói một cách khái quát, Nho Lâm Ngoại Sử là cuốn tiểu thuyết dành để trình bày và cắt nghĩa mối quan hệ giữa chính quyền và văn hóa. Toàn bộ hệ thống hình tượng nhân vật Nho Lâm Ngoại Sử xoay trở trong cái vòng khoa cử bát cổ + chế độ đặc cách tuyển cử “hiền tài” (trưng tịch) + khủng bố văn tự ngục. Ba mắt xích đó biểu lộ tập trung mối quan hệ giữa thế quyền và trí thức nho nhân. Một chuỗi dài tên tuổi các nho nhân từ thầy trò Chu Tiến, Phạm Tiến, anh em Lâu Bổng, Lâu Tán, cha con họ Thang, hai quan Biên Tu và Thị Độc họ Lỗ họ Cao, nho sĩ trẻ tuổi Khuông Siêu Nhân, Ngưu Phố Lang, các danh sĩ Đỗ Thận Khanh, Trang Thiệu Quang, Đỗ Thiếu Khanh cho đến các thầy đồ Mã Nhị, Dương Chấp Trung, Vương Ngọc Huy cùng những là các nhà thơ Trần Tư Nguyễn, Đinh Ngôn Chí… đủ hợp thành một quần thể “liệt truyện nho nhân”. Tất cả đều được tác giả tiểu thuyết miêu tả như là những con người nhờ vào chữ để mưu cuộc nhân sinh cụ thể. Tầng lớp Sĩ – “độc thư nhân 讀書人” sống nhờ sách đó phân biệt với hạng Nông sống nhờ cày ruộng! Thực tế khoa cử giúp không ít kẻ vốn là nông thành ra sĩ. Rồi thì sau khi thi đậu, quan trường lại khiến không ít sĩ quy điền làm nông! Chỉ có điều nông thành sĩ dường là ân điển nhà nước mà sĩ thành nông lại là chuyện cá nhân giận đời. Tình hình vừa giống lại vừa khác với Trung Hoa thời hiện đại – thời của liên minh công nông và cách mạng văn hóa. Học bổ túc và “hạ phóng下放” là những cuộc vận động đại quy mô! Luận Ngữ có câu 仕而優則學,學而優則仕 Sĩ nhi ưu tắc học, Học nhi ưu tắc sĩ (論語 thiên 子張). Câu đó tồn tại nhiều cách chú dịch. Cách hiểu phổ thông nhất là “làm quan giỏi thì đi học, học mà giỏi thì ra làm quan”. Lời Thầy dạy chả sai! Tiện thể xin nói rõ, trong Hán ngữ chữ “sĩ” với nghĩa “làm quan – sĩ hoạn” và chữ “sĩ” trong “sĩ nông công thương” đồng âm. “Sĩ nhân” (士人) thời hiện đại tiếng Hán gọi là 知識份子 (âm Hán Việt “tri thức phần tử”; trong tiếng Hán hiện đại từ “phần tử” này thường dùng kết hợp với các từ “phản động”, “giai cấp tư sản” để cấu tạo nên cụm danh từ xác định “loại/hạng/kiểu người”), nếu chỉ số đông có thể dùng từ 知 識 界 (âm Hán Việt “tri thức giới”). Trong lúc đó tiếng Việt của ta có từ “trí thức” (intellectuals, gọi gọn “trí” – chẳng hạn trong cụm từ “trí phú địa hào…”) bên cạnh từ “tri thức” (knowledge/знания) – chẳng hạn trong cách nói “Không có sách thì không có tri thức, …”.

            Thực tế lịch sử cho thấy trong một xã hội mà tập quyền chủ nghĩa đã đạt tới đỉnh cao, tất cả đều dễ dàng bị chính trị hóa và đạo đức hóa. Bản thân đạo đức dưới chế độ quân chủ cũng đã sớm bị chính trị hóa. Khổng học ngay từ đầu đã không muốn chia tách đạo đức và chính trị, không muốn tách rời một đấng quân tử với một bề tôi giỏi. Thế nhưng đây cũng chỉ là lí tưởng. Trên thực tế, ách cai trị quân quyền đã mượn triết học và chính trị Khổng giáo để đảm bảo đặc quyền quý tộc chóp bu. Việc đó đương nhiên gắn liền với chuyên chế, lừa dối và mua chuộc. Hậu quả là triết học bị kinh viện hóa, học thuật bị từ chương hóa, khoa cử bát cổ hóa, giáo dục biến thành học gạo. Trong tình hình đó, trí thức đương nhiên phải là nạn nhân trực tiếp và văn hóa dân tộc là kẻ chịu thiệt. Không được sự chấp nhận của Thế, làm sao Đạo có thể được thi hành giữa đời? Nho Lâm Ngoại Sử  có chi tiết thầy đồ kiêm nhà soạn tài liệu ôn thi khoa cử bát cổ Mã Thuần Thượng giảng cho một cậu công tử con nhà rằng Khổng Tử nếu sống đời nay thì cũng phải lều chõng lo đường cử nghiệp. Mã nói không đi thi thì “Ai cho Khổng Tử làm quan? Đạo của Khổng Tử thế là cũng không được rồi!” Chi tiết này ngoài việc bộc lộ tính cách hủ lậu của chính người nói – một ông đồ gàn cùng ý vị phê phán khoa cử bát cổ ra lẽ nào lại không phản ánh một điều gì đó sâu xa hơn liên quan đến mối quan hệ giữa Đạo thống và Thế quyền?  Không biết Khổng Tử có ngờ được ngày Đạo của mình được Thế quyền độc tôn chính thống hóa. Nhưng giả dụ ông sống lại tham gia khoa cử viết các bài luận về những nội dung mà thế quyền cho phép diễn giải ra từ học thuyết của ông thì không biết ông có đậu ra làm được quan hay không? “Trị quốc bình thiên hạ” là giấc mơ của nho giả trong khi “cùng tắc độc thiện kì thân” cũng chỉ là một mộng tưởng mà thôi. Trên thực tế hiện thực những nguyên tắc xử thế và phương châm nhân sinh của nho gia như “tu thân tề gia, trị quốc bình thiên hạ” và “đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc độc thiện kì thân” đều bị chia cắt thành hai nửa đối lập. Kẻ “trị quốc bình thiên hạ” không chắc đã là “tu  thân tề gia” cũng như người “đạt tắc kiêm tế thiên hạ” khi cùng cũng khó mà “độc thiện kì thân”. Trong Trung Quốc Tự Sự Học (中国叙事学Chinese Narrative, Bắc Kinh đại học Xuất bản xã, 1996 và 1998), Andrew H.Plaks nêu vấn đề mà ông gọi là bút pháp irony (phản phúng – tạm dịch “mỉa ngầm”) của các danh tác trong tiểu thuyết Minh – Thanh. Ông viết hẳn một chương với một loạt các mục: Tây Du Kí西遊記 – “bất chính kì tâm bất thành kì ý  不正其心不誠其意”, Kim Bình Mai金瓶梅 – “Bất tu kì thân bất tề kì gia不修其身不齊其家”, Thủy Hử Truyện水滸傳 – “Bất trị kì quốc不治其國”, Tam Quốc Diễn Nghĩa三國演義 – “bất bình thiên hạ不平天下”. Theo tinh thần của Plaks, chúng tôi cũng xin mạo muội bổ sung: Nho Lâm Ngoại Sử – “bất học kì đạo不學其道”. “Bất học kì đạo” bởi vì “đạo” thực sự không dính dáng gì với thi đậu làm quan. Và làm quan cũng chẳng phải để thi hành đạo nữa.

Tác giả Nho Lâm Ngoại Sử khéo léo hé mở chủ đề chính của tiểu thuyết ngay từ hồi giáo đầu qua việc tạo dựng cuộc trò chuyện về thiên văn giữa hai nhân vật Vương Miện với già Tần: “Già xem, Quan Sách phạm vào Văn Xương, văn nhân thời đại gặp nguy ách”. Không nên đơn giản hóa ý nghĩa của tình tiết này như là một sự ám thị tình trạng ngục văn tự thời Thanh. Thuộc vào hồi truyện có tính cách giáo đầu (Thuyết tiết tử phu trần đại nghĩa, Thác danh lưu ẩn quát toàn văn – nhan đề hồi mở đầu) cho toàn tiểu thuyết, chi tiết đó phải được hiểu như là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa chính quyền và trí thức. Nếu nói Sử Kí là bộ chính sử đầu tiên trên thế giới có đối tượng trần thuật là cả một quốc gia (Ý của Phan Ngọc trong Lời giới thiệu cho bản dịch Sử Kí. Chúng tôi muốn được nhắc đến Phan Ngọc ở đây vì chính ông cũng là dịch giả của Nho Lâm Ngoại Sử) [6 tr.15] thì cũng không ngại nói rằng Nho Lâm Ngoại Sử chính là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của quốc gia đó đã dành trọn sự trần thuật của mình cho giai tầng sĩ. Cái giai tầng đã mắc kẹt giữa giằng co giữa Đạo Thống và Thế Quyền, trì trật chen chúc trên chiếc cầu khoa cử trong trường kì lịch sử.                                                                                      

            Thiên Tân 2004-2008 Hà Nội


Chú thích:

[1] Về hình tượng này và cũng liên quan đến một phần tư tưởng bài viết này không ngại xem thêm chẳng hạn – Liu Xiaobo, 2012, “Yesterday’s Stray Dog Becomes Today’s Guard Dog” trong No Enemies, No Hatred: Selected Essays and Poems, Václav Havel đề tựa, Perry Link, Tienchi Martin-Liao và Liu Xia biên tập. Cambridge, MA: Harvard University Press. Bản Trung văn 昨日丧家狗 今日看门狗 – 透视当下中国的“孔子热” (Tạc nhật táng gia cẩu, kim nhật khan môn cẩu, thấu thị đương hạ Trung Quốc đích “Khổng Tử nhiệt”), http://boxun.com/hero/2007/liuxb/63_1.shtml

Tài liệu tham khảo

[1] 徐明安“论《儒林外史》对传统文化的继承批判和超越”《明清小说研究》1999年1期.

[2] 吴敬梓《儒林外史》新世界出版社出版 2000.

[3]Phan Võ-Nhữ Thành dịch, Chuyện Làng Nho, Tập 2, Nxb.Văn Học, 2001.

[4] Phan Võ-Nhữ Thành dịch, Chuyện Làng Nho, Tập 1, Nxb.Văn Học, 2001.

[5] 宁稼雨从《世说新语》到《儒林外史”《明清小说研究》1997年第1期.

[6] Phan Ngọc dịch,  Sử Kí, Nxb.Văn Học, 1988.

[7] 黎时宾 (Thoitan Le)《儒林外史》新诠(博士论文导师陈洪教授)南开大学文学院中文系5/2004.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn