Đêm đi hát Ả đào độc nhất vô nhị khiến người thiên cổ cũng nhỏm dậy

Thứ Bảy, 30 Tháng Sáu 20186:00 CH(Xem: 5340)
Đêm đi hát Ả đào độc nhất vô nhị khiến người thiên cổ cũng nhỏm dậy

Trong khi Nguyễn Tuân sành sỏi, Nhất Linh, Thạch Lam lần đầu thưởng nhạc cũng tinh tế, đêm Ả đào đó còn sự tham gia của những giai nhân tài năng bậc nhất.

Trong cuốn Đốt lò hương cũ, tác giả Đinh Hùng kể về một lần cả nhóm văn nhân cao hứng rủ nhau đi hát Ả đảo, cho thấy sự tinh tế và những nét cầu kỳ của nghệ thuật nay đã mai một. Được sự đồng ý của Như Books - đơn vị phát hành sách - Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Tiệc rượu chầu hôm đó tại nhà Thạch Lam ngẫu nhiên mà đông vui...

Giữa chầu rượu, không rõ ai đã khởi xướng ra cái việc “Đi hát Ả Đào”? Tửu hứng đang bốc cao ngùn ngụt, tất cả đều hưởng ứng liền. Hoan nghênh rầm rĩ nhất vẫn là Khái Hưng, tuy rượu uống ít nhất mà say nhiều hơn cả. Mới 9 giờ tối. Mọi người rầm rộ kéo nhau ra đường.

Thạch Lam cùng Huyền Kiêu không quên xách theo cả hai vò Mai quế Lộ mới cạn hết một phần. Nhưng khi đã nhẩy lên 4 chiếc xe kéo, cả bọn mới lao xao hỏi nhau: Đi đâu? Đi đâu? Và chẳng ai quyết định được cái việc giản dị ấy.

Từ sự cao hứng tới chầu hát đặc biệt

Các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn, mặc dầu từng thâu tóm được cả cuộc đời trong vũ trụ tiểu thuyết - kể cả Thạch Lam, tác giả Hà Nội băm sáu phố phường, vốn tỏ ra thông thạo từ việc ăn đến việc chơi của Hà Thành thanh lịch, vậy mà đối với cái việc “Đi hát Ả Đào” thì chẳng có ai có vẻ từng trải: Nhất Linh, Khái Hưng và Trần Tiêu cùng nhìn nhau lắc đầu và quay sang nhìn Thạch Lam để hỏi ý kiến.

Nhưng tác giả Hà Nội băm sáu phố phường xem chừng cũng không biết rõ Xóm Yên Hoa chính thức ở phố Khâm Thiên hay phường Vạn Thái? Và không biết băm sáu phố cố đô, phố nào cũng có những Ả đào đàn ngọt, hát hay, đủ cả thanh lẫn sắc?

Dem di hat A dao doc nhat vo nhi khien nguoi thien co cung nhom day hinh anh 1
Sách Đốt lò hương cũ của Đinh Hùng kể về một lần nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng một số văn nhân đi hát Ả đào.

Rút cục, bọn tiểu quỷ chúng tôi đành phải gánh vác vai trò lãnh đạo, và quyết định: Thẳng tiến xuống Ngã tư Sở, đóng đô tại nhà cô đào Sen tức Bạch Liên, nổi tiếng ngâm thơ, hát vặt đều sành, lại thêm tỳ bà rất mực tài hoa, nhan sắc tuy chẳng nghiêng thành nhưng vốn thuộc loài “tình chủng” nên khóe mắt nụ cười cũng đã từng khiến nhiều người chết mệt.

Xe vừa ngừng lại đầu đường Ngã tư Sở, chúng tôi chưa kịp nhớ lại phương hướng, địa bàn dẫn tới nhà quen, liền bị bao vây tứ phía bởi cả một bầy “nữ lâu la” nhởn nhơ tựa những cánh bướm sặc sỡ, nhất định cản đường lùa chúng tôi về hướng khác. Còn đang lúng túng chưa biết đánh tháo cách nào, chợt một tiếng cười “hí hí” nổi lên, rồi một giọng nói lớn tiếp liền, ỡm ờ mà trịch thượng:

- Chà! Cơn gió lớn nào thổi chư vị tới đây thế? Các cô ả này giãn ra cho người lớn người ta đi việc quan chứ! Vô duyên tệ!

Chúng tôi cùng reo lên:

- Nguyễn Tuân!

Phải rồi. Anh chàng Nguyễn Tuân, thổ công của làng Hồng Phấn, ngẫu nhiên ở đâu lù lù dẫn xác tới. May quá! Anh chàng liền can thiệp mở đường cho bọn tôi tới nhà Đào Sen. Một mình Nguyễn Tuân, ở nơi Hàng Viện, quả có bản lĩnh hơn cả bảy tám người chúng tôi họp lại.

Có lời giới thiệu của Nguyễn, chúng tôi được nữ chủ nhân biệt đãi khác thường. Và hôm đó chúng tôi đã được dự một chầu hát độc nhất vô nhị trong đời. Một chầu hát gồm đủ mặt các danh kỹ đương thời, các danh kỹ hầu hết đều thuộc hàng “hoa bậc chị” của cả 4 xóm yên hoa sầm uất nhất vùng ngoại thành họp lại: Khâm Thiên, Vạn Thái, Vinh Hồ, Ngã Tư Sở.

Các danh kỹ chẳng những được khách làng chơi sành điệu một thời hâm mộ, mà giáo phường bậc nhất từng đã ghi tên, mà tên tuổi sau này khả dĩ xứng đáng lưu truyền trong Bình Khang, Ca Phả…

Không hiểu Đào Sen mật gởi điện tín đi từ bao giờ, mà Làng Hoa phút chốc đều đã hay tin: Cái tin cả bầy văn tinh tối nay tụ họp tại nhà Bạch Liên với những tên tuổi như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam (cố nhiên không kể bọn tiểu quỷ, tên tuổi không mấy lừng lẫy, mà “thành tích thưởng hoa” cũng chưa có gì bảo đảm…), cái “tin văn nghệ” đặc biệt ấy đủ kích thích tính tò mò của chị em; và từ bốn xóm yên hoa, các giai nhân hồng phấn đã tìm đến hội ngộ cùng danh sĩ. Nguyễn Tuân nghiễm nhiên đóng vai ông Tơ, giới thiệu và se giây liên lạc giữa hai họ… đồng hương, nghĩa là cùng nòi “Tình Chủng”.

Đám danh kỹ đàn chị tối đó gồm có:

Hai chị em Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm (hai giọng ca đệ nhất thời danh), dì Trưởng Bẩy (một đào hát đã nhiều tuổi mà giọng hát vẫn còn độc đáo), Bích Thạch Hồn (một danh kỹ hát rất khuôn và có nghệ thuật pha trà tuyệt xảo). Hồ Vạn Thái (giỏi chữ Nho, nổi tiếng với những bài Tương Tiến TửuTiền Hậu Xích Bích Phú), Phúc Hậu (một đào hát từng là tình nhân của Đoàn Phú Tứ), cùng một tài năng đang lên mà tôi không còn nhớ tên.

Chỉ biết trong một chầu hát mà có tới những sáu danh kỹ thượng thặng như vậy thì - theo lời Nguyễn Tuân - tiếng sóc phách của họ đủ khiến cho người nằm thiên cổ phải tung nắp ván thiên ngồi nhỏm dậy…

Chu Thị Năm bắt đầu hát, và Nguyễn Tuân cầm chầu. Trong khi đó tôi để ý thấy anh Nhất Linh nghe hết sức chăm chú, đầu gật gù, tay gõ khe khẽ theo cung đàn, nhịp phách. Thạch Lam thì ngồi rất nghiêm chỉnh giữa sập, cặp mắt lim dim, tay vẫn ôm vò rượu. Ai muốn uống, anh liền đưa cả vò cho mà tu, cũng như chính anh từ nãy vẫn tự chuốc rượu theo lối đó.

Sau Nguyễn Tuân, đến lượt Khái Hưng đánh trống. Chúng tôi đều không ngờ tác giả Hồn Bướm Mơ Tiên đã biết sử dụng roi chầu để thưởng thức điệu hát Đào Nương từ bao giờ, vì lúc nãy, khi mới xuất hành, mọi người hỏi nhau “Đi đâu?”, thì anh chẳng có ý kiến gì, tỏ rằng anh cũng rất ít kinh nghiệm về môn “nghệ thuật du hý” đó.

Giờ đây, Khái Hưng đón lấy trống và roi chầu ở tay Nguyễn Tuân một cách rất thành thạo. Với một dáng điệu ra phết lạc phách giang hồ, anh ngồi vắt chân chữ ngũ rất gọn (rung đùi cẩn thận), tay cầm roi chầu đúng kiểu phong lưu tài tử, và đều nghiêng nghiêng, anh đánh liền một hơi cả ba khở trống: Sơ cổ, Tòng cổ, Trung cổ - tiếng trống ròn tan, dõng dạc - khiến đào với kép đang dừng phách, buông đàn để uống rượu, hút thuốc lào, bỗng giựt mình sửa lại điệu ngồi cho tề chỉnh.

 Và Nguyễn Tuân khoái trí, vỗ đùi la lên: - Hay quá! Hay quá! Không ngờ trống anh chàng “Nửa Chừng Xuân” này nghe hào hùng đáo để! Có điều hơi lảo đảo một chút. Ngửi tiếng “tom” cuối cùng thấy có mùi rượu đấy!...

Khái Hưng vẫn ngồi chững, múa roi chầu điểm thêm hai tiếng Thôi Cổ (trống giục) khá đường hoàng. Nhưng, tới khi đào nương khởi sự cất tiếng hát, anh giáng liền hai tiếng Song Châu thực sát phạt, tiếp theo một tiếng thưởng “chát” vào tang trống - và anh thưởng cao hứng quá, đến nỗi chiếc trống văng từ trên giường xuống dưới sàn gác, lăn long lóc vào gầm bàn.

Đồng thời Khái Hưng cũng nhào đầu lăn cù theo, một tay vẫn nắm roi chầu, một tay còn cố níu lại cái trống. Rút cục, anh cũng chui luôn vào gầm bàn, và ngồi lù lù ngay trong đó, anh ngả đầu ngáy khò khò lập tức.

Các đào nương xúm vào định lôi anh ra, nhưng Tường Bách và Huyền Kiêu xua tay ngăn lại, để rồi cả hai chàng cũng ôm vò rượu… chui vào gầm bàn nốt, đánh thức Khái Hưng dậy cho kì được, đoạn bộ ba cứ ngồi lì dưới gậm bàn mà chén chú, chén anh!

Trên giường, kép vẫn đàn, đào nương vẫn hát. Và Nguyễn Tuân lại đánh trống. Tiếng trống của Nguyễn Tuân cũng say ngất ngưỡng. Dứt bài hát thứ nhì, nữ chủ nhân Bạch Lên đẩy trống tới trước mặt Nhất Linh, đích thân dạo phách, và nói:

- Xin lời ông anh nghe hát ạ!... (“Nghe hát” đây tức là đánh trống, cầm chầu). Chị em chúng tôi xưa nay vẫn hâm mộ các ông văn sĩ Đời Mưa Gió với Nửa Chừng Xuân nay mới được gặp mặt, thực là: “Hữu tình ta lại gặp ta, chớ nề… “tom chát” mới là tri âm”… Chỗ này, Đào Sen ngân Kiều Lẩy).

Nguyễn Tuân cười “hí hí”, đỡ lời Nhất Linh:

- Trời ơi! Câu Kiều Lẩy “đắc địa” quá! Đành rằng “nhập gia tùy tục”: Cái lệ nơi hàng viện là có người tấu nhạc tất phải có người thẩm âm, nhưng ông bạn của tôi đây từng đi Tây về, vốn chỉ quen nghe nhạc “ma-đờ-lông”, thổi kèn clarinette và đánh trống “cà rinh” mà thôi… Vậy xin miễn cho ông bạn tôi cái việc cầm chầu theo lề thói giáo phường rắc rối nhà ta!

Nguyễn đã cố ý pha vị hoạt kê vào câu nói đỡ đòn hộ Nhất Linh, vì Nguyễn biết chắc Nhất Linh, mặc dầu được gọi là “tai” nhưng cái tai của tác giả Đoạn Tuyệt từng du học lâu ngày ở Pháp, chỉ để nghe âm nhạc Tây phương, nghe điệu kèn clarinette, hẳn là Nhất Linh không thể nghe sành điệu hát Ca Trù, đàn đáy và phách Ả đào.

Mà nghe đã không sành điệu thì còn múa may roi chầu làm sao? Chẳng những không đáp ứng được tình ý của chị em hồng phấn, mà còn để lại tiếng cười giễu cợt, như hai câu truyền tụng trong một bài hát nói ngày xưa đã giễu:

"Nghề xướng hát roi chầu làm chuẩn đích,
Trống làm sao, mà khúc khích chị em cười?..."

Dem di hat A dao doc nhat vo nhi khien nguoi thien co cung nhom day hinh anh 2
Hình ảnh hát Ả đào trong tranh của Bùi Trọng Dự.

Nhưng, chị em chưa kịp cười, và Nguyễn Tuân cũng chưa kịp ngạc nhiên, anh Nhất Linh đã điềm nhiên cầm lấy roi chầu, kéo trống lại gần, tặc lưỡi nói:

- Cảm ơn chị Bạch Liên đã muốn tôi đóng vai Tử Kỳ. Vậy, tuy là tai trâu vốn chỉ quen với âm nhạc pha-lang-sa, tôi cũng xin nghe chị hát. Và xin thú thực, tôi đánh trống theo quy tắc thẩm âm nhạc điệu Tây phương đấy nhé!

Thế rồi Nhất Linh đánh trống. Anh lắng nghe từng lời ca, từng tiếng đàn, từng nhịp phách. Bạn bè đều biết đây là lần đầu tiên anh đánh trống Ả đào. Nhưng chính Nguyễn Tuân, và cả kép đàn, cả đào hát đều công nhận rằng anh đánh rất đúng. Đặc biệt, anh điểm tiếng trống rất đúng khổ phách.

Chầu của anh có thể gọi là gọn và chỉnh. Tuy anh chẳng hiểu thế nào là khổ sòng, khổ rãi, thế nào là dựng, là dồn, chỗ nào xuyên mau, xuyên thưa, thế nào là đàn khuôn phép, thế nào là đàn hàng hoa?... Nhưng anh cứ luận theo ý nhạc Âu tây, và giữ đúng thì, đúng nhịp như một tay trống đánh nhịp jazz…

Và không ngờ - thực không ai ngờ - Nhất Linh đã đánh trống cô đầu bằng cả cái trực giác của một kẻ nghệ sĩ gần như linh cảm xuất thần với nhạc, vì đã thắm tiết nhịp từ dòng máu, từ bản năng.

Đám danh kỹ có mặt thảy đều tin rằng không phải tối đó là lần đầu tiên Nhất Linh cầm tới roi chầu. Dầu sao, xem chừng cả bọn đều nổi hứng vì không khí có vẻ là lạ, khác những chầu hát thường lệ.

Thạch Lam thẩm âm

Tới lượt một danh kỹ khác, Bích Thạch Hồn, tình nguyện hát một bài Gửi Thư tặng Thạch Lam và cố nhiên mời Thạch Lam cầm chầu. Nhà văn tác giả Hà Nội băm sáu phố phường có vẻ phong nhã tài tử nhất trong bọn, từ nãy vẫn ôm vò rượu ngồi rung đùi ở trên sập, thỉnh thoảng tợp một hơi rượu, mắt vẫn lim dim hình như lắng hết tinh thần và tiếng nhạc, và chưa có vẻ say chút nào.

Chợt nghe lời mời - rất lịch sự và cũng rất ngọt - của người ca nữ vừa nhắc đến tên mình, anh mở choàng mắt, gật đầu cười:

- Xin nghe! Xin lắng nghe bằng cả tai lẫn… đầu và ngực! (Anh muốn nói trí óc và trái tim).

Và Thạch Lam cũng đỡ lấy trống cùng roi chầu rất đạt, không hề ngần ngại. Lại thêm một lần nữa để anh chàng Nguyễn Tuân trợn mắt lẩm bẩm.

- A! Được lắm! Các danh sĩ tối nay nhập điệu cả! Cái trống nhà này rồi “khước” lắm đấy nhé!...

Tuy nhiên, tôi không khỏi băn khoăn hộ Thạch Lam. Vì tôi biết anh cũng như Nhất Linh, chưa hề đánh trống Ả đào bao giờ, và đây cũng là lần đầu tiên Thạch Lam cầm tới roi chầu. Nhất Linh còn am hiểu nhạc lý Tây phương, chứ Thạch Lam thì, từ khi tôi quen anh, tôi chưa hề thấy anh tỏ ra thạo về âm nhạc, dù là tây, ta hay tầu…

Vậy mà Thạch Lam cứ bình tĩnh, đĩnh đạc như thường. Anh cũng ngồi nhập điệu như mọi người thạo trống vẫn ngồi. Nhìn cái dáng cầm roi chầu của anh, nghe tiếng “tom” anh điểm, tiếng “chát” anh thưởng không ai có thể ngờ rằng anh mới nhập môn trong cái nghề chơi thanh lịch mà hết sức cầu kỳ này.

Chính Thạch Lam mới thực là thẩm âm bằng linh giác - và anh lĩnh hội cái phần tinh túy, cái Hồn của Nghệ thuật xét ra còn “thần” hơn Nhất Linh, vì sự thực anh không ý thức nhạc luật như Nhất Linh, nghĩa là anh hoàn toàn không nhờ tới trí tuệ để hiểu nhạc, mà anh chỉ cảm nhạc bằng rung động thuần khiết.

Sau này, phê bình “ngón chầu” của Thạch Lam tối đó, Nguyễn Tuân - kẻ có đầy đủ thẩm quyền để phê phán - để nói những lời rất đứng đắn như sau:

- Nhất Linh lần đầu tiên đánh trống cô đầu khả dĩ gọi là đúng, là không trật nhịp phách, kể đã thần tình lắm rồi. Nhưng Thạch Lam lần đầu tiên cầm chầu có thể gọi là hay! Tuy đôi chỗ không nhập khuôn khổ, nhưng lại có những chỗ thoát. Chầu đã có “ngón”, như vậy là đã có bản sắc riêng đấy. Tuyệt nhất là những tiếng trống “lạc nhạn” không học mà nên. Trường hợp này chẳng những thần tình, mà phải công nhận là “thần”! Xuất thần, hay là có thần… cũng không hiểu nữa!

Trích sách "Đốt lò hương cũ"

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn