Chuyện Nguyễn Tuân và những đứa con của mình

Thứ Ba, 26 Tháng Sáu 201810:00 SA(Xem: 4960)
Chuyện Nguyễn Tuân và những đứa con của mình

Văn Biển

Nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh chụp cuối năm 1979, đầu năm 1980. Nguồn: Internet

Người ta kể chuyện một đêm nọ, Nguyễn Tuân đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ se sẽ nhưng cấp bách. Ai tới vào giờ này nhỉ. Bạn bè biết ông không bao giờ tiếp ai mà không có hẹn. Tiếng gõ vẫn tiếp tục. Không dừng được, ông hé cửa nhìn ra. Trời đất không phải người hay ma quỷ. Mà những đứa con yêu quý một thời mang nặng đẻ đau của ông. Không phải như những cái thai của các bà mẹ cứ đủ 9 tháng 10 ngày là lọt lòng chào đời. Mà có cái phải hàng vài năm hoặc hàng chục năm trời.

Ông nhìn quanh quất ngoài đường. Giờ này không còn ai nữa. Những người quét rác khuya, những xe phở, lục tào xá đã về nhà từ lâu. Bên ngoài gió rét căm căm. Lòng thương con đã thắng nỗi sợ trong lòng người bố. Ông mở hé cửa cho từng đứa lọt vào. Này là thằng “Chùa Đàn”. Này là “Tùy bút Nguyễn Tuân”, này là “Chém treo ngành”, này là “Vang bóng một thời”. Nhiều lắm… lớn bé một bầy, thậm chí ông không nhớ hết tên.

Khi tất cả đã ngồi quanh bàn. Không khí trở nên im lặng nghiêm trọng. Ông rụt rè hỏi: Lúc bọn con tới có ai nhìn thấy không?

Ai là sao hả bố? Sao bố lại hỏi thế? “Bọn trẻ” nhao nhao hỏi.

Ý bố muốn nói bọn mật thám, phòng nhì hở bố. Bây giờ làm gì còn bọn chúng nữa.

Ý bố muốn nói… tuyên huấn, tuyên giáo đó. Họ còn đáng sợ hơn bọn phòng nhì của Pháp.

Nhưng bố có phải là phản động đâu. Tất cả chẳng phải là đồng chí, đồng rận của bố à? Mà bọn con sinh ra, trừ những đứa em mới sinh sau này, đều là trước 45 cả. Tại sao bố phải từ chúng con. Hôm nay bọn con tới đây trước là thăm bố, sau là để hỏi cho rõ chuyện đó.

Nhà văn cảm thấy run run: Chẳng lẽ chúng nó định mở “phiên tòa” ngay đây. Nhưng chắc chẳng làm gì có chuyện đó. Tất cả là những đứa con yêu quý ông rút ruột đẻ ra. Có điều chúng nó chưa hiểu. Đành phải thú thật với chúng nó.

Bố sợ…

Chúng con có làm hại ai đâu. Chúng con đã làm bố nổi tiếng ít ra cũng một thời. Nói thật, nếu không có bọn con thì ai biết được Nguyễn Tuân là ông bà nào. Tại sao bố lại từ bỏ bọn con.

Bố thề không từ bỏ đứa nào cả. Một chữ, một câu cũng không? Bề ngoài bố làm thế là để được sống. Bố còn tồn tại đến bây giờ là do bố biết sợ.

Bố nổi tiếng nghênh ngang, ngông cuồng mà không bằng bác Nguyên Hồng. Bác ấy cảm thấy tình hình không ổn bèn vứt bỏ tất cả, lếch thếch dắt vợ con kéo lên rừng, không phải để làm lại cuộc Cách mạng, mà để tự do viết, tự do sống khổ, sống sở sau khi thốt ra một câu để đời: “Tao đếch chơi với bọn chúng nó”. Đúng là chất của bác ấy.

Ừ, bố không bằng bác ấy. Bố chỉ được cái ngông thôi. Cái ngông được “hệ thống” cho phép. Bố có lỗi với các con, bố nói lại, đó chỉ là bên ngoài thôi.

Thời Tây bố không sợ thằng nào, thời nay sao bố nhát thế, bố lại là đồng chí với họ?

Dài dòng lắm các con ạ… Mà lúc đó đâu phải chỉ có bố từ bỏ các con. Bác Hoài Thanh cũng từ bỏ “Thi nhân Việt Nam” – đứa con độc nhất của mình. Nhiều nhà văn khác cũng làm những động tác giả như vậy. Còn cố nặn, cố vẽ thêm những tội lỗi không đáng có để chứng tỏ sự xám hối chân thật của mình. Còn một động tác nữa cũng quan trọng không kém. Hồi đó mỗi nhà văn lớn, nhỏ muốn chứng minh cho Đảng thấy được sự vững vàng về tư tưởng đều cố nặn ra một bài viết đánh đồng chí, đồng nghiệp của mình. Một sự tra tấn tinh thần và thể xác khủng khiếp. Chưa có nước nào, thời nào nhà văn hèn nhát như vậy.

Sao bố không làm như bác Hữu Loan bẻ bút về quê làm thuê kiếm sống, và nhiều người khác nữa?

Thú thật với các con bố không có cái gan đó. Cách sống ngông nghênh của bố đã biến bố trở thành tù nhân của chính mình… Không dám viết, không dám nói. Tóm lại là cái ngông nghênh của một anh hèn. Bố có câu nói nổi tiếng: “Tôi sống được là nhờ biết sợ” và câu nói này của nhà thơ Lê Đạt: “Sợ không dám làm người”. Câu đó còn khủng khiếp hơn.

Có tiếng gà gáy ở nhà bên. Bọn trẻ đứng dậy: Vậy là tụi con hiểu rồi. Vâng, bố không thể làm khác được. Khi đàn con kéo ra khỏi phòng, nhà văn ngấp nghé nhìn ra cửa xem tụi nó ra có ai trông thấy không…”.

***

Nhà báo trẻ thốt lên: Câu chuyện quá hay và… lạ, hiếm thấy trong văn học thế giới.

Mình khác với ông Nguyễn Tuân, ông từ bỏ những đứa con, dầu chỉ là động tác giả. Ngược lại những “đứa con” từ bỏ mình trước và sau khi chết. Chẳng phải đợi tới lúc chế độ này kết thúc đâu. Cậu có biết Dương Tường nói về mình như thế nào không? Trong Khải có hai con người, một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ.

Theo anh nhận xét đó có đúng không?

Mình muốn nhắn với Dương Tường nhận xét của cậu chỉ đúng một nửa. Cuộc tranh chấp giữa hai gã ấy đã ngã ngũ từ lúc mình còn trên kia, lúc cận kề cái chết.

Nhà báo trẻ chợt hỏi: Anh có nhận xét gì về hai “gã” đó không?

Gã thứ nhất cho mình cuộc sống, miếng cơm, chút danh vọng hảo. Nhưng rồi lại “giết chết” luôn nhà văn. Nói như nhà thơ họ Chế: “Muốn nuôi thân xác phải bán linh hồn” nói chính xác hơn là phải bán rẻ linh hồn. Còn gã thứ hai thì trả lại cho nhà văn chút danh dự khi không còn trên cõi đời. Âu đó cũng là niềm an ủi.

Nhà báo sau một hồi suy nghĩ: Kể về hèn thì hầu như người cầm bút dưới thời Cộng sản phần lớn đều hèn. Nhưng nói như nhà thơ Lê Đạt: “Nguyễn Khải là một thằng hèn đáng trọng”.

Mình nghĩ đó là sự rộng lượng của nhà thơ, ông ấy an ủi vong linh mình.

Đảng hay những người lãnh đạo của Đảng có cái tài làm cho mọi người trở nên hèn từ người dân cho tới trí thức. Vì yếu hèn mới dễ sai khiến hơn nhưng họ không hiểu rằng làm như thế dân tộc, đất nước yếu đi.

Sau một lát, nhà báo trẻ chợt hỏi: Mấy chục năm cầm bút anh hiểu phương pháp hiện thực Xã hội chủ nghĩa là gì? Và anh đánh giá nó như thế nào? Nó có phải là rào cản, là nguyên nhân vì sao cả suốt mấy chục năm văn học nghệ thuật Việt Nam không có những tác phẩm đỉnh cao.

Câu hỏi thú vị đấy, mình sẽ trả lời bằng một mẩu truyện ngắn đọc được lúc còn trên đó, khi nó còn dưới dạng bản thảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn