Tại sao nhân loại say mê đọc truyện?

Thứ Hai, 18 Tháng Sáu 20182:00 SA(Xem: 6044)
Tại sao nhân loại say mê đọc truyện?
bbc.com
David Robson BBC Culture

Other Bản quyền hình ảnh Other

Nhà vua khôi ngô tuấn tú được ban cho sức mạnh siêu nhiên, nhưng tính ngạo mạn khiến ngài làm đảo lộn mọi thứ trong vương quốc.

Một chàng lãng du thách đấu với vua. Kết thúc trận tỷ thí, nhà vua bị quở phạt, hai chàng nhanh chóng trở thành chiến hữu, cùng nhau bắt đầu một loạt những cuộc phiêu lưu mạo hiểm trên khắp vương quốc.

Thuyết tiến hóa văn học

Việc câu chuyện này vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay bản thân nó đã là điều kỳ diệu. Đó là sử thi Gilgamesh vốn được khắc trên những tấm bảng Babylon cổ khoảng 4.000 năm trước, khiến nó trở thành tác phẩm văn học lớn cổ xưa nhất vẫn còn lưu giữ được.

Chúng ta có thể cho rằng vào thời đó câu chuyện hết sức được ưa chuộng do có phiên bản khác kể lại sử thi này được tìm thấy vào thiên niên kỷ sau đó.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là việc câu chuyện này vẫn tiếp tục được đọc và thưởng thức vào ngày nay. Nhiều yếu tố cơ bản của câu chuyện, trong đó có tình huynh đệ nhiệt thành, vẫn xuất hiện trong nhiều câu chuyện được sáng tác từ đó tới nay và được nhiều người đọc.

Những đặc điểm chung đó giờ đây là mối quan tâm chính của những học giả chuyên về 'thuyết tiến hóa trong văn học' vốn đặt câu hỏi chính xác là điều gì làm nên một câu chuyện hay và những lý do tiến hóa khiến cho một số câu chuyện kể - từ trường ca Odyssey của Homer cho đến Harry Potter - có sức cuốn hút quần chúng đến như vậy.

Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn về việc kể chuyện từng tồn tại trước khi chữ viết ra đời, nhưng chúng ta có thể cho rằng truyện kể đã có vai trò trung tâm trong đời sống con người từ hàng ngàn năm qua. Các bức tranh khắc trên hang động ở những địa điểm như Chauvet và Lascaux ở Pháp từ khoảng 30.000 năm trước dường như khắc họa những cảnh sống động mà có lẽ đằng sau đó là những câu chuyện kể truyền miệng.

"Nếu nhìn khắp hang động, ta sẽ thấy một dãy nhiều hình ảnh khác nhau và dường như thường có một câu chuyện kể liên quan đến chuyến đi săn," ông Daniel Kruger tại Đại học Michigan nói - những câu chuyện có lẽ chứa đựng những bài học quan trọng cho cả tộc người. Một số câu chuyện từ Kỷ Băng hà thậm chí vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Đưa ra những bài học

Ngày nay, con người không còn quần tụ quanh những đống lửa trại, nhưng một người trưởng thành trung bình được cho là bỏ ra ít nhất 6% thời gian thức trong ngày để đắm chìm trong những câu chuyện tưởng tượng trên những màn hình khác nhau.

Bản quyền hình ảnh The Trustees of the British Museum
Image caption Sử thi Gilgamesh là một dẫn chứng từ văn học cổ đại

Nhìn từ quan điểm tiến hóa thì đó là rất nhiều thời gian và sức lực bị phí phạm vào việc chỉ đơn thuần là tìm sự trốn tránh, nhưng các nhà tâm lý và các nhà lý luận văn học ngày nay đã tìm thấy nhiều lợi ích tiềm năng của việc nghiện đọc truyện.


Ý tưởng chung mà họ đưa ra là đọc truyện là một dạng thức của trò chơi nhận thức giúp rèn luyện trí óc, cho phép chúng ta mô phỏng thế giới xung quanh và tưởng tượng ra các chiến lược khác nhau, nhất là trong các tình huống xã hội.

"Nó giúp cho chúng ta hiểu về người khác và là cách luyện tập sự thấu cảm và lý thuyết trí óc," Giáo sư Joseph Carroll ở Đại học Missouri ở St Louis giải thích.

Để đưa ra bằng chứng cho giả thiết này, các hình ảnh quét não cho thấy việc đọc hay nghe kể truyện kích hoạt nhiều khu vực khác nhau của vỏ não vốn được biết đến là có liên quan đến quá trình xử lý xã hội và cảm xúc, và chúng ta càng đọc truyện nhiều thì chúng ta càng dễ dàng cảm thông với người khác.

Điều hết sức quan trọng là các nhà tâm lý học tiến hóa tin rằng những mối bận tâm thời tiền sử của chúng ta vẫn tiếp tục định hình những dạng câu chuyện mà chúng ta thưởng thức ngày nay.

Khi nhân loại tiến hóa để sống trong những xã hội lớn hơn, chúng ta cần phải học cách hợp tác với nhau thay vì là lợi dụng người khác tức là lấy đi quá nhiều mà đóng góp chẳng có bao nhiêu, hay những cá nhân hống hách lợi dụng quyền thế của mình mà gây hại cho cộng đồng của họ.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Năng lực kể chuyện của chúng ta - những câu chuyện mà chúng ta kể - do đó đã phát triển thành một cách thức để truyền đạt những quy ước xã hội đúng đắn.

"Bài học rút ra là phải chống lại sự chuyên chế và bản thân mình không trở thành kẻ chuyên chế," Kruger nói.

'Hãy bỏ bớt cái tôi'

Theo những cách kiến giải này, nhiều nghiên cứu khác nhau đã nhận thấy hợp tác là chủ đề cốt lõi trong những câu chuyện được nhiều người biết đến trên khắp thế giới.


Nhà nhân chủng học Daniel Smith tại Đại học University College London mới đây đã đến tìm hiểu 18 cộng đồng săn bắt hái lượm ở Philippines. Ông phát hiện ra rằng 80% các câu chuyện kể của họ đều có liên quan đến việc quyết định đạo đức và những tình huống xã hội khó xử (tương phản với những câu chuyện về thế giới tự nhiên).

Điều quan trọng là điều này sau đó đã chuyển thành hành vi của họ trong cuộc sống thực tế; cộng đồng nào bỏ ra nhiều công sức nhất vào việc kể chuyện cũng tỏ ra là cộng đồng hợp tác nhất trong công việc thí nghiệm khác nhau - đúng như những gì mà lý thuyết tiến hóa đã giải thích.

Bản quyền hình ảnh Paulo Sayeg

Sử thi Gilgamesh là một dẫn chứng từ văn học cổ đại. Vào đầu câu chuyện, Vua Gilgamesh dường như là vị anh hùng hoàn hảo xét về sức mạnh thể lực và lòng can đảm.

Tuy nhiên, ông cũng là một nhà độc tài kiêu căng, lạm dụng quyền lực. Quốc vương lấy quyền lãnh chúa để ăn nằm với bất kỳ người phụ nữ nào mà ngài mơ tưởng, và chỉ khi bị kẻ lạ mặt Enkidu thách thức thì cuối cùng nhà vua mới học được giá trị của sự hợp tác và tình bạn.


Thông điệp gửi đến khán giả là rất mạnh mẽ và rõ ràng: ngay cả một vị vua anh hùng còn phải tôn trọng người khác thì chúng ta cũng phải như vậy.

Trong cuốn sách 'Nguồn gốc Truyện kể' của mình, Giáo sư Brian Boyd tại Đại học Auckland đã mô tả việc những chủ đề này được thể hiện ra sao trong Trường ca Odyssey của Homer.

Khi nàng Penelope chờ đợi Odysseus quay lại, những kẻ theo đuổi nàng đã ăn dầm nằm dề cả ngày tại nhà của nàng. Khi chàng Odysseus cuối cùng cũng trở lại trong bộ dạng một kẻ ăn xin bần hàn, họ miễn cưỡng phải cho chàng trú ẩn (trong chính căn nhà của chàng!). Cuối cùng họ đã bị trừng trị đích đáng khi Odysseus tháo vỏ ngụy trang và trả thù một cách đẫm máu.

Bạn có thể cho rằng sự quan tâm của chúng ta đối với việc hợp tác có lẽ đã giảm đi với chủ nghĩa cá nhân ngày càng mạnh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, nhưng Kruger và Carroll đã nhận thấy rằng những chủ đề này vẫn rất phổ biến trong một số những tiểu thuyết được ưa chuộng nhất ở Anh từ thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20.

Bằng chứng từ văn học cổ điển

Khi yêu cầu một nhóm độc giả đánh giá các nhân vật chính trong hơn 200 cuốn tiểu thuyết (bắt đầu với tác giả Jane Austen và kết thúc với tác giả EM Forster), các nhà nghiên cứu này đã nhận thấy khiếm khuyết chính của những nhân vật phản diện đa phần là do muốn thống trị xã hội mà họ gây tổn thương cho người khác hay lạm dụng quyền lực mà họ đang có, trong khi những nhân vật chính dường như ít có tính cá nhân và ít tham vọng hơn.

Hãy xem tác phẩm 'Tự hào và Định kiến' của Jane Austen. Tiểu thư Bingley nham hiểm và quỷ quyệt muốn nâng địa vị mình lên bằng cách lấy lòng ông Darcy giàu có nhưng kiêu căng, và tìm cách mai mối cho anh trai của cô với em gái của Darcy trong khi vẫn khinh thường bất cứ ai có địa vị xã hội thấp kém hơn.

Trái lại, nữ nhân vật chính Elizabeth Bennett, chẳng mấy quan tâm đến việc leo lên các nấc thang xã hội bằng cách này, và thậm chí còn từ chối ông Darcy khi ông cầu hôn lần đầu tiên.

Trong khi đó, 'Hội chợ Phù hoa' của William Thackeray, lại nổi tiếng là đánh vào kỳ vọng của chúng ta vào nhân vật chính diện bằng cách đặt cô Becky Sharp tham vọng một cách tàn nhẫn ở trung tâm của tiểu thuyết, trong khi cô bạn Amelia đáng mến hơn (nhưng cũng tẻ nhạt hơn) của cô chỉ là nhân vật phụ. Như cách nói của chính Thackeray thì đó là 'tiểu thuyết không có anh hùng' nhưng trên phương diện tiến hóa thì việc Becky bị trừng trị đích đáng - khi rốt cuộc cô bị xã hội xung quanh ruồng bỏ - vẫn cho thấy một cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai có mong muốn đặt mình lên trên người khác.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tiểu thuyết gia Ian McEwan là một trong những tiếng nói lừng lẫy nhất trên giới văn đàn ủng hộ lý thuyết tiến hóa trong văn học. Ông lập luận rằng nhiều yếu tố trong tiểu thuyết có thể được tìm thấy trong những mưu tính của họ hàng linh trưởng của chúng ta.

"Nếu chúng ta đọc qua những bản ghi chép về sự quan sát không can thiệp mang tính hệ thống của đàn khỉ bonobo," ông viết trong tác một tập những bài luận về chủ đề này, 'Động vật Văn học', chúng ta có thể nhìn thấy tất cả những chủ đề chính của văn học Anh trong thế kỷ 19 được tái hiện: liên minh hình thành và tan rã, những cá nhân vươn lên trong khi kẻ khác ngã xuống, âm mưu được ấp ủ, trả thù, lòng biết ơn, lòng tự hào bị tổn thương, tán tỉnh thành công và thất bại và nỗi đau khi mất người thân.

McEwan lập luận rằng chúng ta nên tôn vinh những xu hướng đã tiến hóa này như là nguồn gốc tạo nên sức mạnh của tiểu thuyết xuyên không gian và thời gian. "Chúng ta sẽ không thể thưởng thức văn học từ một thời đại cách xa thời đại của chúng ta, hay của một nền văn hóa khác biệt sâu sắc với nền văn hóa của chúng ta trừ phi chúng ta chia sẻ những cơ sở cảm xúc chung, những quan niệm chung với tác giả," ông nói thêm.

Bằng cách vận dụng những quan niệm chung đó, câu chuyện như Sử thi Gilgamesh vẫn còn mới mẻ như thể nó mới vừa được sáng tác hôm qua, và thông điệp vượt thời gian của nó về tình bạn trung thành vẫn là một bài học cho tất cả chúng ta, 4.000 năm sau khi tác giả lần đầu tiên đặt bút lên bảng.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn