Vì sao giới nhà giàu TQ đổ tiền mua tranh Picasso?

Thứ Bảy, 02 Tháng Sáu 20186:00 CH(Xem: 5340)
Vì sao giới nhà giàu TQ đổ tiền mua tranh Picasso?

Pablo Picasso không chỉ là cái tên nổi tiếng ở phương Tây. Thiên tài người Tây Ban Nha này từ lâu đã được yêu chuộng ở phương Đông, và sự đam mê của công chúng với những triển lãm hấp dẫn chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt.

Du khách châu Á đổ xô tới bảo tàng phương Tây để trầm trồ thán phục tác phẩm nghệ thuật của ông.

Những bức tranh trị giá hàng triệu đô la của danh họa này đã trở thành một trong những tài sản đáng mơ ước nhất trong giới sưu tầm giàu có ở châu Á trong vài năm gần đây.


Ở nơi đây, danh tiếng của nhiều họa sĩ phương Tây khác không thể nào bì kịp với Picasso. Với châu Á, Picasso đơn thuần là đại diện cho toàn bộ nền nghệ thuật phương Tây.

Các bức tranh chân dung lập thể của ông với màu sắc đậm nét của khuôn mặt bị biến dạng, cấu trúc tranh hỗn loạn có vẻ rất ít tương đồng với quan điểm về cái đẹp trong nghệ thuật truyền thống châu Á. Nhưng tình yêu của người châu Á dành cho Picasso đã đạt tới mức si mê.

Tại sao một họa sĩ Tây Ban Nha sống từ hơn một thế kỷ trước lại nổi tiếng trong bối cảnh văn hóa hoàn toàn khác biệt như vậy?

Người ta có thể ngay lập tức nhắc đến giá trị tài sản của tranh Picasso để lý giải nguyên nhân, đặc biệt là trong xã hội châu Á vốn cực kỳ quan tâm đến tiền tài.

Các nhà sưu tập ở khu vực này, mà dẫn đầu là tầng lớp siêu giàu Trung Quốc và các đại gia từ Hong Kong, Đài Loan, tỏ ra đặc biệt yêu thích tác phẩm của Picasso, nhất là những bức tranh được đánh giá có giá trị cao nhất trong vài năm vừa qua.

Bức Femme assise, robe bleue (Người phụ nữ ngồi mặc áo choàng xanh) vẽ từ năm 1939 đã được bán trong một phiên đấu giá của nhà Christie's ở New York với giá 45 triệu đô la Mỹ vào năm 2017.

Một người khác mua bức Buste de femme (Femme à la résille) (Bầu ngực phụ nữ/Người phụ nữ đội lưới tóc) (1938) với giá 67,4 triệu đô la Mỹ trong phiên đấu giá của nhà Christie's ở New York vào năm 2015.

Trước đó, năm 2012, Tập đoàn Dalian Wanda ở Trung Quốc mua bức Claude et Paloma (1950) với giá 28,2 triệu đô la Mỹ, cũng trong phiên đấu giá tại nhà Christie's ở New York.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tác phẩm Busta de Femme từ năm 1960 được bán trong phiên đấu giá ở Nhật năm 2005 với giá 1,6 triệu đô la Mỹ - và giá thị trường của bức tranh này liên tục tăng kể từ đó

Tiềm năng thị trường được xác nhận khi những tác phẩm của danh họa được trưng bày ở vị trí tâm điểm của Tháng Nghệ thuật Hong Kong hồi tháng Ba, khi Art Basel và hàng loạt các buổi khai mạc phòng tranh và các phiên đấu giá diễn ra cùng lúc.


Nhà đấu giá Sotheby's đưa một bức tranh của Picasso, bức Juan-les-Pins (1924), đến Hong Kong trong phiên đấu giá buổi tối lần đầu tiên vào ngày 31/3, không giống như thường lệ là họ sẽ bán các kiệt tác phương Tây ở New York hay London.

Bản quyền hình ảnh Sotheby's
Image caption Một triển lãm của nhà đấu giá Sotheby's ở Hong Kong trưng bày các tác phẩm của Picasso, như bức tranh Maya With the Boat (1938), kế bên tranh của George Condo

Sự kiện trùng với cuộc trưng bày và bán tranh của nhà đấu giá với chủ đề Face-Off: Picasso/Condo (Lộ Diện: Picasso/Condo).


Tại đây, 20 bức tranh của Picasso được đặt cạnh tác phẩm của họa sĩ George Condo, và là cuộc trưng bày tác phẩm của Picasso lớn nhất trong thành phố kể từ sau đợt triển lãm lưu động hồi 2012.

Khi đó, bộ sưu tập từ Bảo tàng Quốc gia Paris về Picasso đã được trưng bày ở Bảo tàng Di sản Hong Kong, sau đó tới Thượng Hải và Thành Đô.

Bảy trong số tác phẩm của Picasso trong triển lãm là mượn từ các bộ sưu tập cá nhân ở Hong Kong, Trung Hoa Đại lục và Đài Loan, trong đó có bức Femme à l'oiseau (Người phụ nữ ngồi với chú chim) (1939) của Quỹ Yageo ở Đài Loan, và bức Femme assise, robe bleue.

Món hàng giá trị

Jonathan Wong, giám đốc Phòng tranh S|2 của nhà đấu giá Sotheby's tại Hong Kong, cho biết đam mê của giới sưu tập Trung Quốc khiến tranh của Picasso tăng giá chỉ mới xuất hiện từ ba đến năm năm trước đây, và Picasso là cái tên mà mọi người muốn sở hữu.

Hiệu ứng thương hiệu từ tên của Picasso có thể là câu trả lời cho thị trường nghệ thuật tương tự như túi xách hiệu Birkin, và theo Wong, tính linh hoạt trong tác phẩm của Picasso, từ tranh vẽ đến tượng điêu khắc và gốm, khiến người mua có thêm nhiều lựa chọn.

Nhưng ngoài tiền ra, thì Wong cho biết "đời sống phong phú của Picasso thật hòa hợp với cách lãng mạn hóa của người Trung Quốc về lối sống của họa sĩ tài danh."

Bản quyền hình ảnh Sotheby's
Image caption Cuộc trưng bày của nhà đấu giá Sotheby's từ 16-31/3 - đây là lần thứ hai trong thập niên vừa qua tác phẩm Cậu bé và chiếc ống điếu của Picasso được trưng bày ở Hong Kong

Sinh năm 1881, Picasso nổi tiếng không chỉ vì liên tục sáng tạo lại cách thể hiện nghệ thuật của mình trong nhiều giai đoạn khác nhau mà còn nổi tiếng về nhiều mối tình lãng mạn với phụ nữ.


Ông có bốn đứa con với ba người phụ nữ, gồm Olga Khokhlova và Françoise Gilot, hai người từng là vợ ông, và Marie-Therese Walter. Thiên tình sử của ông với nhiếp ảnh gia và họa sĩ Dora Maar cũng được người đời ghi chép kỹ lưỡng.

Lối sống phóng khoáng của Picasso khá tương đồng với những học giả Trung Hoa cổ đại nổi tiếng như họa sỹ và nhà thơ Đường Dần (1470-1524) thời Minh, người nổi tiếng với tác phẩm thơ ca và tranh thủy mặc có ba bà vợ. Họa sĩ Trung Quốc hiện đại tên Trương Đại Thiên (1899-1983), từng gặp gỡ Picasso ở Nice năm 1956, cũng có tính cách tương tự.

Tài năng và nổi tiếng không kém gì Picasso, họa sĩ Trương Đại Thiên là tên tuổi lớn nhất trong nghệ thuật Trung Hoa hiện đại. Ông không chỉ thừa hưởng tinh hoa trong tranh phong cảnh truyền thống Trung Hoa mà còn sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ trong các bức tranh vảy mực đậm nét và tranh chân dung phụ nữ. Ông cũng nổi tiếng vì nhiều mối tình và có đến bốn người vợ.

Bản quyền hình ảnh Sotheby's
Image caption Họa sĩ đương đại George Condo, với tác phẩm khá tương đồng với tranh của Picasso, đang tìm kiếm người mua ở Châu Á - bức "Công chúa" của ông được trưng bày tại triển lãm của Sotheby's

Nhưng ngoài những chi tiết lãng mạn trong tiểu sử, yếu tố mỹ học trong tranh của Picasso rất nổi tiếng với người Trung Quốc - nổi tiếng hơn rất nhiều so với những tên tuổi quan trọng khác trong hội họa phương Tây như Claude Monet và Vincent van Gogh.

Wong nói tranh chân dung của Picasso thể hiện Trung Quốc hiện đại, vì tranh chân dung đóng vai trò quan trọng trong nền nghệ thuật hiện đại và đương đại Trung Quốc, đặc biệt là từ năm 1949.

"Họa sĩ ở Trung Hoa đại lục được học phải theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở trường học của Xô Viết, nơi tranh chân dung đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Quốc, từ Trần Dật Phi đến Trương Hiểu Cương. Người Trung Quốc, trong thế kỷ qua, đã quen với việc yêu thích tranh chân dung," ông nói.

Nhưng đó không phải yếu tố duy nhất, Wong nói. Người Trung Quốc trưởng thành với phong cách nghệ thuật đa chiều trong tranh phong cảnh truyền thống sẽ dễ cảm thụ tranh chân dung lập thể của Picasso hơn.

Trong nghiên cứu về hình ảnh đa chiều, Scott Vallance và Paul Calder từ Trường Tin học và Kỹ nghệ tại Đại học Flinders ở Nam Australia ghi nhận sự tương đồng giữa tranh phong cảnh Trung Hoa và tranh lập thể: "Tranh phong cảnh Trung Hoa chứa nhiều điểm tập trung khác nhau, hay gọi là hình ảnh phụ, được kết nối thông suốt với nhau."

Ảnh hưởng của hội họa Á châu

Các bức tranh đa chiều đã tồn tại sâu sắc trong nền nghệ thuật Trung Hoa nhiều thế kỷ, nhưng lại chỉ mới được giới thiệu đến nghệ thuật phương Tây qua những trào lưu như Lập thể do Picasso dẫn đầu, muộn hơn nhiều so với ở Trung Quốc.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Picasso chịu ảnh hưởng từ Châu Á theo một cách nào đó. Ông tiếp xúc với nghệ thuật Châu Á có lẽ còn sớm hơn thời gặp gỡ với họa sĩ Trương Đại Thiên sau này.

Masayuki Tanaka, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Nghệ thuật Musashino ở Tokyo, Nhật Bản, cho biết Picasso đã kể với họa sĩ Nhật Bản Taro Okamoto về sự kết nối của mình với Nghệ thuật Châu Á khi Okamoto tới thăm xưởng sáng tác của Picasso tại Vallauris vào đầu thập niên 1950.

Okamoto cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Picasso, và một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Myth of Tomorrow (Truyền thuyết Ngày mai), là ứng tác của ông với tác phẩm Guernica của Picasso; cả hai bức tranh đều thể hiện sự kinh hoàng mà chiến tranh gây ra.

Bản quyền hình ảnh Sotheby's
Image caption Ảnh hưởng của tranh của họa sĩ Tang Yin có thể thấy trong tranh phong cảnh của Picasso, như trong góc nhìn của ông về thị trấn bên sông Juan-les-Pins ở Pháp

"Picasso nói với Okamoto rằng ông sở hữu rất nhiều bản in khắc gỗ Nhật Bản, và chúng không phải là những bản hoàn hảo nhất mà là những bản khắc mới ở dạng sơ khai," ông cho biết.

"Truyền thống thể hiện Châu Á khác với phong cách phương Tây, và nó không thể hiện nhận thức mà thiên về ý tưởng hơn. Ở góc độ đó, phương thức biểu hiện của Picasso khá tương đồng với người Châu Á. Bạn có thể tìm ra cách thể hiện tương tự trong lối vẽ tranh truyện ngày nay như cách Picasso đã làm."

Cơn sốt Châu Á

Trong khi tình yêu của người Trung Quốc với Picasso chỉ mới là hiện tượng gần đây, thì cuộc hội ngộ của Picasso với người Nhật đã bắt đầu từ sớm hơn rất nhiều.

Giáo sư Tanaka cho biết sách về Picasso lần đầu được xuất bản tại Nhật trong thập niên 1920 và một trong những triển lãm nghệ thuật Phương Tây đầu tiên được thực hiện sau Thế Chiến thứ Hai là triển lãm tác phẩm của Picasso vào năm 1951.

Rất nhiều tập đoàn Nhật Bản đã mua tranh của Picasso trong thập niên 1980, theo giáo sư Tanaka. "Nhưng hầu hết các bức tranh đã bị bán đi trong thập niên 1990 khi nền kinh tế Nhật suy yếu." Tranh của ông vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Pola ở Hakone, là một bảo tàng tư có bộ sưu tập lớn, giáo sư nói.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Picasso đã ảnh hưởng rất nhiều đến họa sĩ ở Châu Á, như Taro Okamoto, người vẽ bức tranh tường lớn nhất thế giới, Thế giới Ngày mai, vào năm 1969

Bảo tàng Picasso ở Barcelona lần đầu cho Nhật Bản mượn bộ sưu tập 60 tác phẩm vào năm 1964 để tổ chức cuộc triển lãm về Picasso ở Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật Hiện đại ở Tokyo và Kyoto, cũng như Bảo tàng Nghệ thuật tỉnh Nagoya.

Trong nhiều thập niên sau đó, Bảo tàng Picasso đã cho mượn nhiều tác phẩm để trưng bày tại Nhật, cũng như cuộc triển lãm năm 2000 có tên Thế giới Trẻ em của Picasso tại Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật phương Tây tại Công viên Ueno, Tokyo, nơi Giáo sư Tanaka làm giám tuyển hướng dẫn. Cuộc trưng bày thu hút hơn 300.000 khách tham quan.

Nghệ thuật của Picasso cũng để lại dấu ấn tại Hàn Quốc.

Năm 2013 và 2014, Quỹ Picasso đưa triển lãm Picasso từ Malaga, Picasso Absolute đến Incheon, Seoul, Daegu và Suwon, trưng bày 226 tác phẩm của thiên tài hội họa Tây ban Nha này và 100 bức ảnh chụp họa sĩ của tác giả Juan Gyenes, thu hút 300.000 người đến xem.

Bảo tàng Museu Picasso ở Barcelona cũng cho biết số khách tham quan từ Châu Á đã tăng đáng kể, nhất là từ Hàn Quốc.

Bảo tàng Barcelona cho biết họ đón 38.591 khách tham quan từ Hàn Quốc, tăng từ hạng 15 lên hạng 7 trong số khách tham quan đông nhất của bảo tàng, theo sau là lượng khách Trung Quốc (34.011 lượt ghé thăm) và khách Nhật (30.662).

Các nhà tổ chức tour đã giới thiệu thêm 100.000 khách Châu Á đến bảo tàng.

"Toàn cầu hóa có nghĩa là giá trị phương Tây được đồng hóa ở Châu Á đang trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ngày nay," José María Luna Aguilar, giám đốc Quỹ Picasso nói.

"Picasso, hiện thân đỉnh cao của tự do sáng tạo, được tôn vinh trong xã hội ngày nay là nhân vật được yêu mến và kính trọng nhất. Cách sống không kiềm chế và thể hiện cuộc sống trong tác phẩm của ông có lẽ là một gợi ý về cuộc sống tự do hơn."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn