Người tình trong ca khúc “Thu, Hát Cho Người” ( Tác giả theo VC, đã nhiều lần chối bỏ tác phẩm của mình )

Thứ Hai, 13 Tháng Mười Một 20176:06 SA(Xem: 6894)
Người tình trong ca khúc “Thu, Hát Cho Người” ( Tác giả theo VC, đã nhiều lần chối bỏ tác phẩm của mình )
Người tình trong ca khúc

Hồ Thị Thu ngày ấy….

–Cách đây khoảng 40 năm, trên đoạn đường từ ngã tư Hà Lam đến cổng trường trung học Tiểu La – Thăng Bình, người dân ở thị trấn nhỏ lẻ này chắc không quên cô nữ sinh tên là Thu, hàng ngày cắp sách đến trường. Hồ thị Thu, người vùng quê ngày ấy thường gọi là Thu Chuẩn (ba cô ta tên là Chuẩn) để phân biệt với những cô Thu khác. Thu học ban C, có giọng hát hay, quyến rũ và từng là hoa khôi của truờng Tiểu La lúc bấy giờ. Với mái tóc dài xõa ngang lưng, khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng, thướt tha trong tà áo dài trắng, Thu đã làm cho biết bao nhiêu chàng trai điêu đứng. Trong số đó, Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca (Mạc Phụ), những học trò chân đất, nhìn người đẹp rồi mơ mộng yêu đương, về nhà làm thơ viết nhạc… Đynh Trầm Ca có “Ru con tình cũ”, Vũ Đức Sao Biển có “Thu, hát cho người”, những bài thơ này đã được giới học sinh, sinh viên chép nhau rồi truyền tụng. Tên tuổi của các thi sĩ cũng nổi danh từ đó. Chỉ có một điều, đây là những mối tình trong mộng tưởng, tình yêu đơn phương, lãng mạn ở lứa tuổi học trò. Thời gian trôi đi, Thu lấy chồng sớm, chàng trung úy pháo binh tên Trần Đình Ái, một pháo đội trưởng pháo binh. Ái là sĩ quan pháo binh yểm trợ cho bộ binh hành quân ở vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Thời ấy vào khoảng năm 1973.

” Thời trung học, cứ mỗi lần đi học ở trường Tiểu La, tôi vẫn có thói quen hay uống café tại một quán rất quen thuộc tên là Café Thu. Quán giản dị với những chiếc bàn gỗ cũ kỹ theo năm tháng. Ngày ấy, ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam), ai cũng biết quán này, chủ nhân là một người đàn bà trên 30 tuổi nhưng còn đẹp và sâu lắng. Một điều đặc biệt, café ở đây rất ngon, nhạc hay và buồn như chính chủ nhân của nó. Lúc bấy giờ, thứ “nhạc vàng” này, người ta thường hay cấm nên mỗi khi nghe xong, tôi “nuốt” từng lời, về nhà chép lại và tập hát với cây đàn guitar cũ. Chính vì thế, tôi thuộc rất nhiều ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên,…Lúc rỗi, tôi thường nói chuyện với chủ quán, những lúc như thế, đôi mắt cô Thu thường đượm buồn, xa xăm, nhớ về một dĩ vãng không xa lắm…”

“Thu, hát cho người” để tặng cho Thu được Vũ Đức Sao Biển sáng tác vào năm 1968, là một trong nhạc phẩm làm nên tên tuổi của ông:

“Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt

Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa

Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ

Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó

Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư

Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió

Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ?

Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,

Trong mênh mông chiều sương

Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín

Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay…

Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người

Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi

Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi

Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người…”

(Hoa Linh Lan, loài hoa mọc rất nhiều ở Quảng Nam được ông nhắc tới trong bài hát)

Bài hát được 2 danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó, những giọng ca tên tuổi của Miền Nam như: Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long…thể hiện rất thành công. Bài hát được công chúng đón nhận nồng nhiệt và trở nên nổi tiếng lúc bấy giờ.

Vũ Đức Sao Biển  tên thật  là Vũ Hợi, sinh  ngày 12 tháng 2 năm 1948, tại  Tam Kỳ, Quảng Nam. Quê  quán tại  Duy  Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông  còn dùng  bút danh Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại khi  viết phiếm  luận. Năm 18 tuổi, ông  vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm ban Việt – Hán và Đại học Văn khoa, ban Triết học  phương Đông. Năm 1970, ông tốt nghiệp  và đến Bạc Liêu dạy học các môn Văn, Triết học bậc trung học tại trường Công lập Bạc Liêu. Năm 1975, ông rời Bạc Liêu và trở lại thành phố Sài Gòn  dạy học, công tác  tại Phòng giáo dục huyện Nhà Bè. Mười  năm sau trở lại Bạc Liêu và cho  ra đời các ca khúc về miền đất phương Nam. Sau đó, ông cộng  tác và làm việc ở tòa soạn báo C.A, Thanh Niên… Hiện nay, ông làm việc ở báo Pháp luật, Tuổi Trẻ Cười. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ và Hội Nhà báo Việt Nam.

Một  thời, “Thu, hát cho người” đem  đến nhiều  giai thoại  cho giới  văn nghệ  sĩ, nhất  là Quảng Nam, Đà Nẵng và TP. Sài Gòn. Tháng 1/2010, trong  chương trình “Gặp gỡ  cuối tuần” phát trên HTV7, Vũ Đức Sao Biển có đề cập đến bài hát và coi đó là tình cảm trong sáng của chính  tác giả với một người  con gái cùng quê ở Quảng Nam. Sau một thời  gian xa cách, khi trở về, cô gái ngày xưa giờ có lẽ đã có một bến bờ khác. Một mình lang thang lên đồi sim tím, nơi đã từng gắn bó với mối tình ngày xưa, cảm xúc chợt ùa về… Và “Thu, hát cho người” ra đời trong hoàn cảnh đó.

Cuối năm 2011, một lần viết về bài hát này trên báo “Người lao động”, Vũ Đức Sao Biển giải thích rằng, tựa đề ca khúc “Thu, hát cho người” là hát cho chính mình, hát cho mùa sim tím, tháp cổ và dòng sông ở vùng quê nghèo khó Thăng Bình (Quảng Nam). Lần này, không hiểu vì sao, trong bài báo “Tôi viết Thu, hát cho người”, ông không hề nhắc đến những câu chuyện về Thu ngày ấy ? Ông tâm sự, thuở học trò, tâm hồn trong sáng như dòng suối êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng lại gợi nhớ đến như vậy ? Ông nhớ hoa, nhớ người, ôm đàn và hát lên:

“Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt

Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa

Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ

Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…”

Thật ra, Vũ Đức Sao Biển đã mượn ý của thi sĩ Thôi Hiệu (đời Đường) trong bài “Hoàng hạc lâu” với câu:

“…Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du…”

(…Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại

Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không…)

Và ngẫu nhiên, những lời trong bài hát “Thu, hát cho người” cũng trùng với ý thơ của thi sĩ nổi tiếng người Pháp Guillaume Apollinaire (1880-1918) trong bài thơ để đời L’Adieu (Lời vĩnh biệt):

“…J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t’attends…”

Sau này, Bùi Giáng dịch thành:

(…Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ không tao phùng đựợc nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó … )

Năm 2007, trong một lần gặp gỡ văn nghệ, khi Vũ Đức Sao Biển nhắc lại câu hát: “…Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư…” nhà văn Sơn Nam đã “phê bình” Vũ Đức Sao Biển : “Mày nói dóc ! Cây sim ngoài Quảng Nam của mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó ? Mà cái đồi sim thì trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì ?”

Vũ Đức Sao Biển lý giải rằng, cây sim già không nhỏ, đặc biệt là khi mọc trên đồi cát, có cây cao vài ba mét, tỏa bóng mát quanh năm. Ngày ấy, tuổi 20, lòng Vũ Đức Sao Biển vô cùng trong sáng chẳng bao giờ dám nghĩ tới hai chữ “mần ăn” như ông già Nam bộ đã nói. Liên quan đến mối tình thơ mộng này, vào năm 1967, tại La Qua, Vĩnh Điện, (Quảng Nam), Đynh Trầm Ca (Mạc Phụ) đã viết tặng cho Hồ Thị Thu ca khúc “Ru con tình cũ” rất thiết tha. Năm 1970, tình cờ trong một đêm nhạc ở Sài Gòn, một người ở Nhà xuất bản âm nhạc Khai Sáng nghe xong đã chuyển bản nhạc này cho Lệ Thu, cô ca sĩ nổi tiếng này đã bật khóc ngay trong phòng thu âm khi hát đoạn đầu tiên: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru tình buồn…”

Bản nhạc cũng được ca sĩ Hà Thanh hát trên đài phát thanh Sài Gòn:

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ

Ngồi ru con như ru tình buồn

Xin một đời thôi tiếc thương nhau

Xin một đời ngủ yên dĩ vãng

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ

Ngồi ru con như ru tình sầu

Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay

Cho lòng này dài những cơn đau

Ôi ba năm qua rồi

Đời chưa nguôi gió bão

Người xa xôi phương nào

Người có trách gì không?

Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa

Đời em như rong rêu tội tình

Xin gục đầu ghi dấu ăn năn

Thôi đừng buồn em nữa nghe anh

(Vũ Đức Sao Biển)

Sau này, người con gái tên Thu cũng đi vào trong bài thơ “Cây đàn thương nhớ” của Đynh Trầm Ca với những hình ảnh rất đẹp của tuổi học trò:

“Buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ

Ai như em đứng ngó cuối hành lang

Ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp

Có lẽ nào mình còn đó sao, Thu ?…”.

Hơn 40 năm trôi qua, ca khúc “Thu hát cho người’ dường như có sức quyến rũ lạ thường. Café Thu ngày ấy cũng không còn nữa… Hồ Thị Thu bây giờ đã ngoài 60 và trở thành một bà chủ tiệm bán hàng trang trí nội thất ở thị trấn Hà Lam. Mỗi lần về lại Thăng Bình, lên những đồi sim bạt ngàn ở vùng trung du (Bình Định, Bình Trị,…), tôi lại khe khẽ hát trong hoài niệm, trong nỗi nhớ về những tháng ngày xưa cũ…

“…Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người

Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi

Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi

Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người…”

Theo Tạp Chí Non Nước – phát hành 20/6/2012

Tôi viết Thu, hát cho người

Vũ Đức Sao Biển

Thuở ấy, tôi hai mươi tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm.

Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết Thu, hát cho người.

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.

Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa.

Bản tình ca thuở đôi mươi bắt đầu với hai câu hỏi tu từ như thế. Hỏi để mà hỏi với chính mình và biết rằng không có câu trả lời. Cái tựa ca khúc là Thu, hát cho người thật ra là hát cho chính mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông.

Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.

Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ.

Bài Hoàng hạc lâu của thi sĩ Thôi Hiệu có câu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Hạc vàng bay một lần là không trở lại nữa). Tôi lấy ý thơ của người xưa để nói đến bạn mình. Ca từ như một tiên tri định mệnh; chúng tôi chẳng bao giờ được gặp lại nhau. Sao mà trùng lặp với câu thơ của Guillaume Apollinaire từng viết “nous ne nous verrons plus sur terre” (Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa. Mộng trùng lai không có trên đời – Bùi Giáng dịch).

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó.

Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.

Hai câu này làm lắm người thắc mắc. Năm 2007, nhà văn Sơn Nam từng “phê bình” tôi: “Mày nói dóc. Cây sim ngoài Quảng Nam của mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó? Mà cái đồi sim thì trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì?”. Nhiều người cũng có thắc mắc tương tự như ông già Nam Bộ.

Thực ra, cây sim già không nhỏ, đặc biệt là khi mọc trên đồi cát. Có cây cao vài ba mét, tỏa bóng mát quanh năm. Và như tôi đã nói, thuở ấy lòng tôi trong sáng lắm cho nên tôi cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới hai chữ “mần ăn” thông thường vốn thuộc phạm trù hình nhi hạ!

Bài hát thoáng một chút suy nghĩ rất Lão – Trang về số phận con người, tình yêu và sự xa biệt:

Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người.

Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.

Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi.

Nhạc hoài mong ta hát vì xa người.

Vẫn là những câu hỏi tu từ không có lời đáp. Ngay khi viết xong, tôi đã hình dung được đây là một bài tình ca hay của đời mình. Bài hát Thu, hát cho người được đưa cho ca sĩ Hà Thanh, 2 tuần sau được hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn bởi hai danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc; sau đó là Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long… Bài hát nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Cho đến bây giờ đã là 43 năm, Thu, hát cho người đã được đặt tên cho rất nhiều chương trình âm nhạc mùa thu hằng năm.

Thời đôi mươi, tôi để lại cho cuộc sống và bạn yêu nhạc Thu, hát cho người, Chiều mơ, Tiếng hát trên đồi Tăng Nhơn Phú. Thời  năm mươi, sáu mươi, tôi để lại Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, Đường về, Mùa Xuân hát trên ngọn cây tùng, Xuân ca vô tận. Điều lạ lùng là càng về già, âm nhạc của tôi càng vui lên.

Với đời tôi, Thu, hát cho người là một dấu ấn đẹp, thậm chí còn tạo nên những giai thoại, huyền thoại. Tôi thầm nghĩ 143 chữ trong bản tình ca đó là những viên ngọc quý…

http://thoibao.com/n
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 15 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD ) hết Cuội đến Bờm bấy nhiêu năm 2 thằng này độc diễn o được tích sự gì ?
Thứ Sáu, 14 Tháng Chín 20186:06 SA
uổng công rùa đội đáphi công phí củachờ mong của bá tánh thiên hạ
Thứ Tư, 12 Tháng Chín 20186:07 SA
( HNPD )bây chừ đến 3 Đặc Khu Đít dân & quần chúng lũ lượt xuống đường
Thứ Ba, 11 Tháng Chín 20186:24 SA
( HNPD ) " đù má cách mạng mùa thu "1 bọn mãi quốc cầu vinh