Cung Tích Biền: Nhà Thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

Thứ Hai, 07 Tháng Năm 20186:00 SA(Xem: 4969)
Cung Tích Biền: Nhà Thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

Nhà Thơ Hữu Loan

Sau tháng Tư 1975, tôi có dịp gặp gỡ các văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào Nam. Những cuộc “gặp” lẫn “gỡ” này, cái đinh đóng vô đầu, vui ít buồn nhiều. Vui, là gặp được những người mình từ lâu mong đợi gặp. Lại khá bàng hoàng khi đụng phải những nhà văn nhà thơ từng là các tác gia được “vang bóng một thời”, nay trở thành những cán bộ tuyên truyền, “Nói mãi không thôi những điều dân miền Nam nghe muốn ói”.

Thật hạnh ngộ khi chúng tôi được gặp nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu Tím Hoa Sim, cùng một số vị trong vụ án Nhân văn – Giai phẩm, những năm từ 1957 về sau, trên đất Bắc.

Những người bị chế độ đương thời bắt bớ, tù đày là hầu hết những trí thức, văn nghệ sĩ có chủ trương, qua tác phẩm công khai của mình trên báo chí, mục đích chống lại đường lối cai trị độc đoán, đàn áp tư tưởng, thủ tiêu quyền tự do sáng tác.

Nhớ, hôm gặp nhạc sĩ Văn Cao trong một đêm nhạc Sài-gòn chào mừng ông. Ông sinh năm 1923, lúc chúng tôi gặp ông, ông chỉ vừa độ tuổi 60, nhưng quá gầy yếu, mái tóc đã trắng phau, lưng còng, trông như một cụ già gần chín mươi tuổi. Ông rất vui, lại đầy nước mắt, khi nghe-nhạc-của-mình-được-hát, khi được trao những bó hoa với đầy lòng thương yêu và kính trọng của người Sài-gòn.

Lại gặp quý ông Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đoàn Phú Tứ tác giả Màu Thời Gian… nỗi ấm áp, cùng uống cốc cà phê, nghe chuyện. Hóa ra, quý vị ấy rất “giàu chuyện”, tuy dài dặt cuộc đời bị quản chế tư tưởng, cơ cực về đời sống, gian lao trong hành xử một xã hội bị bao vây, tưởng đã “hết chuyện”.

Nhà thơ Phùng Quán gầy ốm nhưng khí lực chừng rất mạnh mẽ. Ông rất trân quý những gì là tài sản văn hóa, trí tuệ, tinh thần của Miền Nam. Nhưng ông có cái thói quen gần như một quán tính, lúc ngồi trò chuyện ông thỉnh thoảng đảo mắt nhìn quanh, lo lắng. “Chừng như sau lưng, hay bàn kế cạnh có ai đó theo dõi lời nói, tư tưởng, hành tung của mình”.

Phùng Quán, ông lớn hơn tôi bốn tuổi. Tôi đã thuộc nằm lòng bài thơ Lời Mẹ Dặn của ông từ 1960, khi thơ văn của Nhân văn – Giai phẩm được phổ biến rộng rãi tại Miền Nam:

“Bút giấy tôi ai cướp giật đi 

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”.

*

LỜI MẸ DẶN

PHÙNG QUÁN

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.


Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
– Con ơi trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.


– Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét. 


Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.


Từ đấy người lớn hỏi tôi:


– Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:


– Bé yêu những người chân thật.


Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.


Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.


Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.


Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

(1957)

*

Và, lúc đối diện ông tôi cũng liên tưởng, ngỡ ra nỗi lòng đau, qua lời thơ của nhà thơ Trần Dần:

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc 
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn Bỗng nhói ngang lưng Máu rỏ xuống bùn Lưng tôi có tên nào chém trộm?” 

*

Sau tháng Tư 1975, trước khi nhà thơ Hữu Loan có dịp vào Nam, đã có một số thân hữu từ miền Nam ra Bắc thăm ông. Khó thể mô tả cảnh nghèo khó của gia đình ông thuở ấy, lại khó thể hình dung ra cái tình cảnh cô đơn của một Hữu Loan bị chính quyền cô lập trong bao nhiêu năm.

Ông vào thăm Sài-gòn khá muộn màng, có thể do điều kiện kinh tế quá khó khăn. Anh em chúng tôi có dàn xếp một ngày để tiếp ông. Cà phê sáng, dùng cơm trưa, buổi chiều đưa ông đi dạo chơi đó đây. Thuở ấy chỉ toàn xe đạp, sang trọng tí chút là xe gắn máy. Ông rất hồi hộp khi ngồi yên sau xe gắn máy. Ông bảo, “Đèo nhau xe đạp, chậm rãi, thì bình an hơn”.

Quán cà phê vườn khá rộng. Khi Duy Th. đưa Hữu Loan tới, quanh bàn chúng tôi đã có Tô Kiều Ngân, Bùi Giáng, mấy anh em văn nghệ, có cả một lúc có hai cô, Huyền Tr. và Thúy V. một cô là ca sĩ, một kia đang là diễn ngâm thơ cho đài phát thanh, trong các chương trình thi ca.

Bùi Giáng ngạo nghễ. Hữu Loan, thoạt nhìn như một pho tượng. Sạm một màu đất nung. Khuôn mặt chữ điền, tóc dài, trán rộng, sống mũi thẳng, cao.

Tôi nghiêng người chào ông. Ông nở nụ cười.  Một nụ cười cẩn thận, nói rằng thân thiện là chưa đúng. Một cái bắt tay của giao tế, dè chừng. Sống ở miền Nam, sau cơn dâu bể, nay gặp anh trở về, gặp chị ngoài kia vô, chào một nhà văn xứ Bắc vừa chạm mặt, tôi nhận ra tất cả họ đều có một hành xử khá giống nhau.

Luôn nhìn quanh, ưa quay nhìn lui sau lưng. Nói ít, nói nho nhỏ. Cẩn trọng, đề phòng. Lâu ngày thành thói quen, trong một chế độ không thể “Trong bụng có gì ta có thể nói ra thế ấy”.

“Khó thể thật tình tỏ lòng với nhau, thì phải nói khéo, nói dối để che chắn sự thật, đậy nắp cái cốt lõi sự việc”. Mèo phải nước sôi phải biết sợ cả nước lạnh.

Hữu Loan có khác. Ông chừng là một bậc tiên đang bị đọa đày xuống cõi trần. Trong đau đớn tột cùng hãy còn phảng phất cái thanh cao. Bắt tay nhau, tôi chạm phải một bàn tay thô tháp. Những ngón to, cứng. Gân nổi trên lưng bàn tay. Sau này biết, đôi bàn tay ấy từng đẽo đá, từng đẩy xe cút kít, xe thồ, ròng rã mấy mươi năm, để sống qua ngày, nuôi vợ con trong tình thế một nhà thơ bị vây khổn, bị khủng bố, cái giá treo cổ là không vô hình. Tất cả là bóng tối, thất nghiệp cả nhà, đói khát, cơ cực. Là cả hoạn nạn thời thế, cách ly, nghiệt ngã.

*

Hữu Loan, dù gặp mặt ngay đây, cầm bàn tay ấm áp giữa lòng tay, ông vẫn là một huyền hoặc, với tôi. Như một truyện kể xa lơ, từ thưở tôi còn trẻ thơ, thời chiến tranh Việt-Pháp. Chín tuổi, tôi học thổi sáo, đàn mân-đô-lin từ người anh ruột, học thêm lý thuyết từ thầy Lê Khắc Bạc, học ghi-ta với anh Hàn Vĩ, về sau tập kết ra bắc anh là một phó khoa tại Nhạc viện Hà Nội. Theo các anh chị đánh đàn ca hát, tôi ngây thơ mê muội, nhỏ nhoi như con tằm trong nong nia, lẫn lộn với lá dâu xanh. Nhưng thuở ấy tôi đã nghe, chỉ biết nghe, chưa đủ hiểu để cảm bài thơ Màu Tím Hoa Sim của ông.

 

Thời ấy, những năm đầu khởi chiến, mọi thứ còn hoang mộng. Cả thảy một tình yêu nước nồng nàn, toàn dân một tình cảm ngây thơ trước những mưu đồ chính trị. Sinh hoạt xã hội, ý thức hệ đối kháng, chưa từng cay nghiệt như tháng ngày nội chiến về sau. Thuở ấy, ảnh hưởng một nền văn hóa cũ hãy còn. Văn thơ, là Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo của Tự Lực văn đoàn, là Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… âm nhạc với Thiên Thai, Suối Mơ, Giọt Mưa Thu, Trăng mờ bên suối, Trương Chi…

Cách sống văn hoa lãng mạn của một lối sống trí thức tiểu tư sản hãy còn in đậm. Những cụm từ ngày nay đã trở nên sáo mòn cũ rích, nhưng buổi ấy là những “thanh âm” gợi cảm, gây mê cho bao thanh niên nam nữ trên đường trường chinh, những “Chiều biên khu, trấn thủ lưu đồn, sương biên thùy, chinh phu, chiến bào, sơn khê…”

Thấp thoáng dưới ánh trăng thôn dã là những bản nhạc chép tay chuyền cho nhau, Dư âm, Nụ cười sơn cước. Tiếng hát Sông Lô. Cung Đàn Xưa, Làng Tôi… Những thơ, Tây Tiến, Đôi Bờ… Và, đã có Màu Tím Hoa Sim.

Quê tôi, nơi tôi chào đời, làng Văn An, những đồi nương thuở ấy hãy còn man mác rừng nối rừng sim. Hữu Loan, tác giả Màu Tím Hoa Sim, đã bồng bềnh hình bóng, đã vang động rất xa tình thơ trong tôi. Một sưởi ấm xanh lơ.

Bây giờ ông đang trước mặt.  Với ly cà phê đen, bữa nay tôi có cái để mà Nhớ Lại, để được Ngắm Nhìn. Hữu Loan, Ông từ đâu tới!

*

Cùng một bàn. Những tách cà phê đã vơi. Sắp mời ông đi tiệc tùng buổi trưa đây. Nhưng cuộc trò chuyện càng lúc càng gần gũi hơn, dù ông chỉ lắng nghe, ít phát biểu. Ít cả nụ cười. Ông được đón tiếp nồng hậu. Bùi Giáng khinh bạc nhưng rất mực yêu mến những tài năng, từng rất mê đắm Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tản Đà.  Lúc này, Bùi Giáng nhìn Hữu Loan một cái nhìn trôi nổi, một ánh mắt có thể gọi là thơ dại, trong ngần như ánh trăng.

Thường khi ngồi uống rượu hay cà phê cùng anh em Bùi Giáng chỉ ngồi một lúc rồi đứng dậy đi nghêu ngao, ra đường chặn xe cộ, đùa chơi. Có khi biến mất luôn chẳng chào chia tay một ai. Hôm nay, Sáu Giáng ngồi rất lâu. Bùi Trung Niên Thy Sỹ một thời trẻ chăn dê nơi núi đồi Quảng Nam, là rất đắm đuối với “Lá hoa cồn”, cùng “Đồi sim trái chín”.

Trò chuyện với Hữu Loan, mến ông là một người khá hiểu biết về văn chương, học thuật. Dễ là chốn tri âm, tương phùng. Có thể do ông là người có học hành tử tế, trưởng thành vào thời kỳ nước nhà còn lưu giữ những nền móng đạo lý, những thứ vốn văn hóa quý hiếm của giống nòi.

Gặp ông, ngoài những chia nhau nỗi oan giữa đời, còn là một điều khá thú vị, vì chúng tôi có một cái thói, rất “thoái trào” trong thời đại “cơm áo gạo tiền”, là lúc chung trà chén rượu cùng nhau, chỉ rặt bàn luận văn chương, triết học, âm nhạc nghệ thuật..

*

Một ngày gặp gỡ. Bữa trưa uống một trận bia. Chiều đưa ông thăm chơi đó đây. Buổi tối ghé một quán vườn, rất đông anh em. Sáng hôm sau ông ghé tôi. Chúng tôi cùng uống cà phê, ăn sáng. Nhà tôi ngay đường Nguyễn Huệ nên nhà hàng Givral cũng gần. Xem thực đơn, ông nói, “Tôi không biết gọi gì, anh gọi dùm”.

Tôi gọi cho ông ly cà phê sữa, bánh mì vuông, một đĩa thịt nguội, patê, xúc xích. Lúc này chúng tôi cũng đang túng thiếu, nhưng tiếp ông phải “bề thế” tí chút. Chẳng lẽ mấy mươi năm ông nhai củ mì ngoài Bắc, giờ này tôi mời ông mấy củ khoai lang trộn bo bo!

Tôi nhường ông ngồi ghế bên trong, nhìn ra đường, quang cảnh góc đại lộ Lê Lợi và Tự Do. “Sài-gòn nó to rộng thế đấy”. Bên kia là Continental khách sạn thuộc loại cổ nhất Sài-gòn, nhà Hát Tây [tòa nhà Hạ nghị viện thời Cộng Hòa], khách sạn Caravelle. Ông mãi nhìn cảnh đẹp bên ngoài, lại nhìn đĩa thịt nguội. Chừng không muốn ăn. Tôi giục ông ăn chút gì kẻo đói bụng. Ông nói:

“Anh cho tôi nhìn một hồi đã. Bao nhiêu năm tôi mới thấy cái món lạ lùng này”.

Ông ăn một cách khó khăn. Chừng từ lâu không quen với dao nĩa. Tôi gọi một đĩa tương tự rồi bốc mà ăn, ý hô hào ông cùng bốc mà ăn.

Nhìn ông, tôi lại nhớ nước mắt của ông buổi sáng hôm qua. Lúc trò chuyện, tôi nói nhỏ với Thúy V. “Em nên ngâm bài Màu Tím Hoa Sim của chính Hữu Loan để tặng ông”.

Trong quán có cây đàn ghi-ta. Vũ D. đệm đàn. Tô Kiều Ngân rút cây sáo trúc “nhà nghề”, dìu giọng người ngâm thơ. Giọng Thúy V. mượt mà, khá trữ tình. Nghe ngâm thơ của mình, từ mấy mươi  năm bị chế độ cấm hát trên đất Bắc, Hữu Loan ngậm ngùi. Bất ngờ ông bật tiếng khóc.

Khuôn mặt như một phiến đá chỗ lòng suối cạn.  Khó lòng thấm nước. Nhưng những hạt trong vắt cứ trôi xuống má. Ông có vẻ sờ soạng. Một bàn tay thò vào túi. Không có gì. Hai bàn tay thô tháp chỉ run run, ông kéo cái chéo áo ka-ki màu chàm, vải nhám, chừng cũng bẩn do mặc lâu ngày, đưa lên lau nước mắt.

Từ rất lâu, ông không có khăn tay. Nghe rằng lúc đẽo đá, những khi lao động cực nhọc, ông chỉ có một tấm áo cũ, rách không còn dùng  được nữa, giờ dùng làm tấm khăn quàng vai, để lau “cái suối mồ hôi thân mình”.

Những giọt nước mắt hiếm hoi ấy, là của ai vậy?

Của một người yêu nước, từng tham gia cách mạng rất sớm. Mặt trận Bình dân 1936. Phong trào Việt Minh từ 1943. Là Phó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn, tháng 8-1945. Rồi, Ủy viên văn hóa tỉnh Thanh Hóa. Là, anh bộ đội trong Đại đoàn 304. Về Hà Nội 1954, đất nước tuy chia đôi, nhưng buổi ấy là thời ngưng tiếng súng đôi bên, Hữu Loan lại cầm bút, tại báo Văn Nghệ.

Là ai khóc vậy? Là tác giả một bài thơ khá nổi tiếng. Ngay trên đất Bắc, nơi tác giả của nó đang dâng cả một đời mình cho đất nước, đang tận tụy phục vụ, thì bài thơ ấy bị cấm hát, cấm lưu hành dưới bất cứ hình thức nào. Lý do, một tác phẩm tiêu cực, ủy mị, thiếu tính chiến đấu, chẳng Hồng không Chuyên.

Lại lạ lùng, ngay tại Miền Nam Cộng Hòa, đất thù của phương Bắc, bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc qua nhiều tựa đề khác nhau, năm này tháng khác, đã hàng triệu người nghe. Dzũng Chinh [Những đồi hoa sim], Phạm Duy [Áo anh sứt chỉ đường tà], Anh Bằng [Chuyện hoa sim]. Duy Khánh – Song Ngọc [Màu tím hoa sim], Thu Hồ [Tím cả rừng chiều]…

Lịch sử, Người nước tôi, như tự sơ nguyên đã cài lắp những triền miên nội tình thù nghịch lẫn nhau, chẳng phép màu nào có thể hòa/hóa giải. Cho tới nay, vẫn là một chờ đợi khó khăn: “Giờ phán xét cuối cùng”.

Nhân văn – Giai phẩm. Nhà thơ Hữu Loan qua đời vào trung tuần tháng 3 năm 2010 tại quê nhà, hưởng thọ 94 tuổi. Phùng Quán ra đi ngày 22 tháng 1 năm 1995. Trần Dần mất ngày 17 tháng 1 năm 1997. Cùng những ngày của mùa xuân.  Phan Khôi, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, và nhiều nữa… những thành phần trụ cột của Phong trào “Đi Tìm tự do tư tưởng, đòi hỏi nhân quyền”, là đỉnh cao của văn hóa, cội nguồn, nay đã ra người thiên cổ.

Thiên cổ, là Bên Kia của hiện thực bên này ư? Bên kia, ai có nhớ về. Hoài niệm, bảo tôi nghĩ và viết những dòng này.

Nguồn: Diễn đàn thế kỷ

———–

Đọc thêm:

Nhà văn Cung Tích Biền: Ở quê nhà vui hơn đi Mỹ

 Tác giả: Nguyễn Tấn Cứ

Cung Tích Biền có lối nói chuyện rất có duyên và lôi cuốn – anh em trong nghề nể lão ở sự uyên bác thông kim bác cổ, những khi thù tạc ít khi thấy lão khoe khoang văn chương chữ nghĩa nhưng đụng trận lão nói đâu ra đó khúc chiết rành mạch.

Nhà văn Cung Tích Biền: Ở quê nhà vui hơn đi Mỹ

Những buổi chiều đi chầm chậm – có một người hay ngồi một mình một ghế một bàn vài ba chai bia hiu hắt nơi quán cũ, ánh mắt cô độc nhìn về một cõi xa mù. Người đó là nhà văn Cung Tích Biền.

Có lần tôi đánh bạo đến ngồi cùng vì thú thực trong cái đám đông xa lạ hỗn mang kia tôi cũng không biết ngồi với ai. Tôi sợ hãi khi biết chắc rằng mình sẽ không làm vừa lòng được ai nếu phải ngồi chung bàn chung mâm với họ. Tôi rụt rè như gà phải cáo khi mở lời “Anh cho tôi ngồi với nhé!”.

Tôi chờ đợi một sự im lặng chết người hay một lời từ chối sấm sét hay chí ít cũng là cú lắc đầu cực nhọc. Nhưng không, đáp lại là một nụ cười “vi tiếu” của đôi mắt hấp háy sau đôi kính cận dày cộp kia – lão nói nhè nhẹ thân tình “Mời em cứ tự nhiên cho, anh em cả, mình biết Nguyễn Tấn Cứ mà” – lão khuyến khích chân tình. Tôi quen biết Cung Tích Biền như vậy.

Nhà thơ Phù Hư – người đã từng “ngậm thẻ qua sông” thời trận mạc chinh chiến – người đã từng thu mua buôn bán ve chai răng vàng bạc vụn thời khó khổ sau 75 cùng với Cung Tích Biền nói với tôi rằng “Lão Biền khó tính bỏ mẹ lão mà chịu ngồi với mầy thì đúng mầy phải là thứ gì đó đấy nhé”.

Ít khoe văn chương chữ nghĩa

Cung Tích Biền là một nhà văn thuộc loại “hàng độc, hàng hiếm” – tiền bối trong làng văn chương miền nam Sài Gòn khoảng thập niên 60 – 70. Tên thật là Trần Ngọc Thao – là một cây bút thời chiến cuộc máu me cay đắng dữ dội.

Nhà văn Cung Tích Biền: Ở quê nhà vui hơn đi Mỹ - ảnh 2

Theo hồi ức của nhiều nhà văn trước 75, lão từng là một trong vài ba cây bút viết truyện ngắn và truyện dài kỳ ăn khách trên các báo tạp chí của Sài Gòn cũ – một trang viết của lão các chủ báo phải trả cao ngất ngưởng, nghe đâu tương đương một hai chỉ vàng.

Lão đã từng tham gia quân đội chế độ cũ, nhưng là lính quân nhu, và đã giải ngũ năm 1973. Nghe đồn, thời chiến tranh lão là tay ăn chơi lang bạt kỳ hồ. Có lần trong một quán bar vũ trường nọ hứng chí thế nào không biết lão móc súng Colt 45 bắn đùng đùng làm dân chơi và lính tráng chạy tán loạn.

“Tao chỉ bắn lên trời thôi, nhắm vào mấy cái bóng đèn mấy chai rượu thôi”. Hỏi sao vậy, lão bảo “cũng không nhớ nữa, đi phát lương cho lính tráng ngoài trận địa hoài về thành phố buồn quá. Thấy chúng nó ăn chơi ngứa mắt nổ chơi”. Chuyện thời chiến là vậy…

Cung Tích Biền có lối nói chuyện rất có duyên và lôi cuốn – anh em trong nghề nể lão ở sự uyên bác thông kim bác cổ, những khi thù tạc ít khi thấy lão khoe khoang văn chương chữ nghĩa nhưng đụng trận lão nói đâu ra đó khúc chiết rành mạch. Mấy tay phê bình, Hán học, Tây học và cả Phật học lỡ gặp Biền thì hãy coi chừng “ăn nói cho cẩn thận” coi chừng lão “bắt giò” như không.

Có lần một tay ngôn ngữ học ở hải ngoại về, khi nói về ý nghĩa của cái tràng hạt mà Biền đang đeo trên tay, bị lão cật vấn lại đến nỗi tay này phải chịu thua đề nghị lão lý giải và lão đã trình bày thật tường tận khiến quần hào bái phục. Ngồi nhậu chơi với lão có cái hay là học được nhiều điều, vì cái gì Cung Tích Biền cũng thích nói cho cạn nguồn cơn cuộc, rõ ràng hết nghĩa.

Vậy mà đọc văn của Cung Tích Biền người ta không thấy bóng dáng đâu là bí hiểm trập trùng của ngôn ngữ, đâu là chữ nghĩa triết thuyết. Vì như lão nói: cái này không thể áp dụng vào sáng tạo văn chương được. Và lão định nghĩa “Văn chương là cái sáng tạo, nhà văn thì làm Chữ – nó sáng lập ra một đời sống mới. Nó không phải như nhà viết sử hay nhà triết học!”.

Văn chương và rong chơi phiêu bồng là cuộc đi không bao giờ dừng của Cung Tích Biền – và hình như là của tất cả bọn văn nghệ nữa – nên viết về những kẻ “ngoài vòng pháp luật của gia giáo” này cũng không thể thiếu Biền, nhưng có một điều lạ họ vẫn có một gia đình đàng hoàng và hình bóng trụ cột không thể thiếu đó là những người vợ luôn đứng sau lưng mấy tay “gươm đàn nữa gánh, văn chương một bồ này” – những người phụ nữ mà nhà văn cung kính gọi là “Mẹ Quan thế Âm Bồ Tát” – nếu thiếu họ chắc chắn mấy “ông thần” này đã hết linh và xuống địa ngục từ lâu rồi.

Một hôm, tôi đang chạy trên đường đông đúc tấp nập, tự nhiên có một thằng cha lái xe chạy vèo vèo trước mặt, trên một chiếc DD lạc thời màu đỏ thắm. Đã vậy hắn còn “đánh võng” trước đầu xe tôi nữa.

Điên tiết tôi phóng xe theo định nạt một trận, nhưng trời đất ơi, trước mặt tôi là ông bạn già Cung Tích Biền. Lão rũ rũ cái đầu bạc phơ cười he he bảo: “Đi đâu vậy chú em, muốn đi nhậu không theo “qua”?” – “ Ừ thì chơi với ông anh luôn sợ gì!”. Chưa dứt lời lão đã phóng vút luôn, tôi chạy theo muốn hụt hơi trong khi lão vẫn “lăng ba vi bộ” dzòng dzòng lạng lách.

Bãi đáp là một phòng trà giữa trưa ở đường Lê Lợi Q1 Sài Gòn. Lão dựng xe điệu nghệ kéo tôi chui tọt vào trong cái mê cung mù mịt chớp sáng khói ảo kia, vừa đi lão vừa giới thiệu “Đây là nơi nhảy nhót của quí bà U 30-40 trở lên và chỉ có vào buổi trưa thôi, vui lắm… Suốt buổi trưa tôi chỉ ngồi lai rai và nhìn lão dìu từng “em” lịch sự đi những bước lả lướt – lúc này trông lão như một chàng đôi mươi.

Lão nhảy đẹp và chuyên nghiệp đến nỗi “em” nào cũng muốn lướt đi trong vòng tay của lão. Lợi dụng lúc nghỉ giải lao, tôi khều khều: “Rồi có… “thơ mộng” không?” – Lão cười cười “cũng không biết nữa, nhưng chị em ở đây dễ thương chịu chơi lắm, em muốn thì ở lại chơi tiếp, còn “qua” phải về với bà nhà, hề hề” – nói xong lão biến mất như chưa từng bao giờ biết cái cõi ta bà ấy…

Cung Tích Biền là một nhà văn đúng nghĩa – là lao động cật lực cô độc cho đến chết, buồn vui mơ mộng với tác phẩm của mình cho đến rách gáy – mà không cần biết nó sẽ ra sao.

Sau năm 75, anh em tưởng lão tắt tiếng sau những thị phi ngộ nhận trời ơi dập dày trầy trật, buồn khủng khiếp nhưng càng buồn lão càng lao vào trang viết như cơn bão ngầm – lão vẫn âm thầm đều đều sáng tác – thập niên 90 ở Việt Nam, làn gió đổi mới với những cây bút như Nguyễn Huy Thiệp – Phạm Thị Hoài… xuất hiện hàng loạt – lúc ấy người ta thấy hai tác phẩm của Cung Tích Biền xuất hiện “Chim cánh cụt “ và “Những ngày lưu lạc” cùng với vài truyện ngắn in trong “Truyện ngắn xuất sắc thế kỷ 20” (NXB Kim Đồng); tạp chí Sông Hương, báo Văn Nghệ.

Nhưng chưa được bao lâu, không hiểu sao lão bị một số người ở cả trong nước lẫn hải ngoại quy chụp đủ thứ trên các diễn đàn. Cũng chẳng có gì nghiêm trọng hơn nhưng sợ quá lão trốn biệt văn đàn. Nhưng lão vẫn làm việc khủng khiếp, từ sáng tinh mơ cho tới chiều tà.

Từ ngày vợ con đi định cư ở Mỹ cũng cả năm rồi, lão ở nhà một mình một bóng với cái computer, chỉ xê dịch từ nhà ra quán nhậu Mai Rừng Phú Nhuận gần đó khi cần phải hẹn với anh em văn nghệ nhậu lai rai.

Lão rất ngại đi xa, có lần lão đã bị tụi quái xế tung cho một phát “bán mạng”, phải nằm viện gần cả tháng. Lão cười khà khà cảm thán: “Chưa xong việc nên Ông Trời chưa cho “qua” đi đâu!”.

Nghe anh em kể rằng, lão cũng có Visa cùng gia đình đi xuất cảnh nhưng khi ra đến cửa khẩu Tân Sơn Nhất, lúc vào phòng cách ly lão đã lẻn trốn ra ngoài rồi dông thẳng tới quán 81 Trần Quốc Thảo – ngay trụ sở Hội LH VH-NT TPHCM ngồi nhậu ngơ ngác một mình và ở lại cho đến tận bây giờ.

Hỏi sao không đi, lão cười đọc hai câu thơ Bùi Giáng “Hỏi rằng quê ở nơi đâu/ Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà” “Đi làm quái gì khi mà ở đó anh không đi quá khỏi cái mép bàn của mình, ở đây vui hơn!”.

Gần đây Cung Tích Biền và lão họa sĩ Trịnh Cung không biết có chuyện gì vui mà hay phone cho nhau hoài, và hình như có lúc cũng giận nhau nữa. Trời đất ơi, hai con sói già của cánh rừng văn chương miền Nam còn sót lại giữa Sài Gòn bụi bặm, giận nhau làm chi? Biền than trời: “Bây giờ sức yếu quá nên muốn làm chuyện gì cũng phải suy nghĩ chắc chắn cái đã bạn tui ơi”. Trịnh Cung quặc lại: “Thằng đó mà già yếu cái gì? Còn nhậu nhẹt với tụi bây um sùm, xạo quá!”.

Cung Tích Biền cứ như một lão Đông Phương bất bại dù đã nhiều lần vào sinh ra tử, trong khi nhiều người cùng thời đã ra đi về miền tịch mịch. Mà nghe rằng trong người lão toàn là những căn bệnh nan y khủng khiếp, nhưng khi lão mà hứng lên là anh em chạy theo muốn hụt hơi.

Gần đây nghe lão “hú” qua phone, câu cửa miệng lúc nào cũng là “đang lai rai ở đâu đó?” – bảo đảm nếu gần nhà lão sẽ bay tới ngay. Cho tới khi tàn cuộc chia tay bao giờ lão cũng đọc hai câu thơ của Bùi Giáng “Chào nhau ở giữa con đường/Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”. Rồi thì lão lững thững như một lãn ông, cà tưng đi bộ tà tà về nhà… ngồi vào bàn và viết.

Chiếc ví ba ngăn

Cung Tích Biền ở lại quê nhà trong khi cả nhà đi Mỹ. Ở một mình, với những chuyến đi rong ta bà, lão biết rằng đôi khi cái gì đến cũng không ai lường trước được, nên lúc nào trong bóp của lão cũng có ba ngăn đựng tiền kèm theo số phone nhà và bạn bè.

Nhà văn Cung Tích Biền: Ở quê nhà vui hơn đi Mỹ - ảnh 3

Lão bảo “Lỡ có mệnh hệ gì người ta sẽ lấy cái tiền ấy mà làm phúc cho thằng già này. Cụ thể như sau: ngăn thứ nhất có tờ 50 USD nếu đụng chuyện lớn thì họ sẽ dùng để kêu taxi hay xe cấp cứu chuyển giùm đến nhà thương. Ngăn thứ hai đựng 30 USD nếu bị nhẹ hơn thì họ dùng nó để phone cho người thân và có phương tiện xích lô hay xe ôm đưa về nhà. Và ngăn thứ ba có 10 USD, cái này là để đi nhậu lai rai với anh em.

Anh em văn nghệ gọi ngăn nầy là ngăn “đặc biệt” tiền sinh tử của Cung Tích Biền nên hình như nó . . . không bao giờ hết ?!? Nói vui vậy thôi chứ mỗi lần ngồi với nhau anh em đều thấy lão đóng góp đàng hoàng. Nhưng nhiều khi vui quá khi nghe lão nói chuyện văn chuyện làng anh em nhiều khi quên khuấy mất – dĩ nhiên anh em gọi đây là “ nhuận nói” cho ông bạn già của mình.

———

https://www.tienphong.vn/van-nghe/nha-van-cung-tich-bien-o-que-nha-vui-hon-di-my-586411.tpo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn