Đen – Trắng trong ống kính nhiếp ảnh gia Nam Phi David Goldblatt

Thứ Bảy, 28 Tháng Tư 20188:00 SA(Xem: 5640)
Đen – Trắng trong ống kính nhiếp ảnh gia Nam Phi David Goldblatt
Đen – Trắng trong ống kính nhiếp ảnh gia Nam Phi David Goldblatt
 
Nét thân thiện và gần gũi giữa con một điền chủ và vú em ở Nietverdiend - Marico Bushveld. Ảnh năm 1964.© David Goldblatt

Tại một đất nước nơi mà Đen - Trắng đã được phân chia rõ ràng như ở Nam Phi trong những năm tháng kỳ thị chủng tộc - Apartheid, lịch sử và con người không bao giờ rạch ròi Trắng-Đen. Đó là điều nhiếp ảnh gia David Goldblatt trong 60 năm sự nghiệp thu vào ống kính qua muôn ngàn bức ảnh.

Trung tâm văn hóa Georges Pompidou-Paris dành một cuộc triển lãm với hơn 250 bức ảnh đủ kích thước, hầu hết là hình đen-trắng, để giới thiệu “một trong những gương mặt hàng đầu” của làng nghệ thuật nhiếp ảnh nửa cuối thế kỷ XX. Cuộc triển lãm mang tên David Goldblatt được mở ra cho đến hết ngày 07/05/2018.

Sinh năm 1930 trong một gia đình gốc Do Thái ở Đông Âu đến Nam Phi lập nghiệp, David Goldblatt đã tận mắt nhìn thấy một thiểu số da trắng thâu tóm quyền lực, đưa vào bản Hiến Pháp chế độ kỳ thị, Apartheid. Ông đã ghi lại “một ngàn chi tiết trong những phân biệt đối xử” nhắm vào người da mầu.

Kèm theo đó là những tác động về mặt xã hội, kinh tế và kể cả qua những công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng làm nên bộ mặt của Nam Phi. Năm 1990, nhà đấu tranh Nelson Mandela được trả tự do sau 27 năm bị giam cầm. Hơn một phần tư thế kỷ từ ngày Đen-Trắng không còn phân chia tại Nam Phi, ống kính sắc sảo của nhiếp ảnh gia David Goldblatt vẫn trông thấy muôn vàn đường biên giới vô hình.

Trước và sau Apartheid

Tác phẩm đầu tiên trong gian triển lãm là một bức ảnh đen trắng, có kích cỡ lớn (98x122 cm) chụp từ dưới chân đồi. Xa xa là nhà máy luyện kim của tập đoàn Anh Lonmin. Quang cảnh khô cằn, với những tảng đá, cỏ dại và những cây thánh giá màu trắng đơn sơ, nghiêng ngả.

Tựa như một bức ảnh tài liệu, tác phẩm này được chính David Goldblatt chú thích : “Mỏ platine của hãng Lonmin, Marikana, miền tây bắc. Ảnh chụp ngày 11 tháng 5 năm 2014 - Đây là nơi mà vào ngày 16/08/2012 cảnh sát Nam Phi bắn vào công nhân biểu tình, làm 34 người chết, 78 người bị thương trong phạm vi đường bán kính 350 mét. 17 người nấp sau những tảng đá dường như đều đã bị bắn chết dù họ đã giơ tay xin hàng…”.

Hai bức ảnh khác đặt sát cạnh nhau được thực hiện năm 1963 : hai đứa trẻ một trắng một đen, chân đất ; một con chó ; một chiếc xe kéo thô sơ. Khi phải lên dốc cậu bé da đen đẩy chiếc xe kéo, thằng bạn da trắng ngồi yên trên xe.

Năm 1963, Nam Phi dưới thời kỳ Apartheid. Cùng chơi chung một trò, thằng bé da trắng là “tiểu chủ” ; thằng bé da đen là “thằng mọi nhỏ”. Tình bạn, tuổi thơ, bất công và phân biệt giai cấp, mầu da được Goldblatt thu gọn vào ống kính, qua hai tấm hình.

Karolina Ziebinska-Lewandowska giám đốc nghệ thuật gian phòng triển lãm tại trung tâm Pompidou chú ý đến một bức ảnh đen trắng khác của tác giả, thực hiện năm 1964 tại một đồn điền ở vùng Tây Bắc Nam Phi :

“Trong ảnh là một thằng bé chưa tới 10 tuổi, da trắng, đứng sau lưng chị vú em da den. Đôi tay đặt lên vai vú em. Cô ta đang ngồi, tay sờ chân. Họ tỏ ra rất thân thiện, tự nhiên, gần như hai chị em. Cả hai tươi cười và cùng nhìn vào ống kính của Goldblatt. Người ta khó hiểu được vì sao họ lại gần gũi với nhau như vậy trong lúc mà họ không được phép thân thiện”

Thằng bé da trắng là con chủ đồn điền, những người Afrikaner vốn kỳ thị. Họ xem người da đen hay da màu là tay chân, bộ hạ để phục vụ cho những người da trắng.

Trong đoạn băng video chiếu trong gian triển lãm, chính tác giả giải thích về một bức ảnh khác ông đã chụp tại Randfontein, năm 1962, thu lại cảnh, “một buổi chiều thứ Bảy, một cặp vợ chồng điền chủ và mấy người bạn tự tay đóng một chiếc áo quan bằng gỗ sơ sài cho cô người làm của ông hàng xóm. Gia đình người phụ nữ xấu số nghèo đến nỗi không có tiền mua nổi cái quan tài”.

Với David Goldblatt, tại Nam Phi trong những năm tháng Apartheid dưới sự đô hộ của một thiểu số người da trắng, đây là một cử chỉ cao đẹp và giàu lòng nhân ái mà không một người da đen nào nghĩ là có thể nảy sinh tự đáy lòng của ông chủ da trắng Afrikaner.

Biên giới Đen-Trắng ?

Đâu đó, như thể không có những đường biên giới Đen – Trắng, giữa cái Tốt và cái Xấu, Thiện và Ác. Tác giả tâm sự, trước khi cầm máy ảnh, ông từng giao tiếp với đủ mọi thành phần khi còn đứng bán hàng trong tiệm quần áo của gia đình ở Randfontein. Tại đây ông đã tận mắt trông thấy những gì “cao đẹp nhất, đê tiện nhất” của con người. Đó là chất liệu cho suốt sự nghiệp của Goldblatt sau này.

Vết tích của những năm tháng Apartheid thể hiện trên cả những công trình kiến trúc ở Nam Phi. Phần hai cuộc triển lãm David Goldblatt tại trung tâm văn hóa Georges Pompidou, mang tên “Structures” tác giả ghi nhận “mỗi công trình đều phản ánh lý tưởng, tâm trạng của những người tạo ra chúng hay sử dụng chúng (..)”.

Có phải vì vậy mà ông đã chụp ảnh nhà thờ Quellerina- Johannesburg. Đó là một tòa nhà đồ sộ kín như bưng, có tháp chuông cao chót vót, với vỏn vẹn một cửa sổ bé xíu. Ngôi nhà của Chúa không rộng mở, mà lại được thiết kế một cách kiên cố như một nhà tù, như thể những người lui tới nơi thờ phụng thiêng liêng này muốn tách biệt với thế giới bên ngoài của những người dân bản xứ.

a-david-goldblatt-30_0Cây cầu vắt ngang đường rầy xe lửa ở ngôi làng Leeu Gamka. Ảnh chụp tháng 8/2016.David Goldblatt

Một bức ảnh đen trắng khác nói về một công trình còn tồn tại từ thời Apartheid bắt người xem phải dừng lại rất lâu cho dù là khi nhìn thoáng qua, tác giả chỉ chụp lại một cây cầu tầm thường, như muôn vàn những cây cầu khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhưng không chỉ có thế. Karolina Ziebinska-Lewandowska giám đốc nghệ thuật gian triển lãm tại trung tâm Pompidou giải thích :

“Ta nhìn thấy một cây cầu, vắt ngang đường rầy xe lửa tại một thị trấn nhỏ ở Nam Phi. Chẳng có gì đáng chú ý. Đó là một bức ảnh đen trắng, cân đối … Nhưng mỗi bức ảnh của Goldblatt là một câu chuyện về đất nước ông. Cây cầu với những bậc thang lên xuống, được chia làm đôi. Thoạt nhìn, ta tưởng cầu được chia ra như vậy để dòng người tiện chiều lên và xuống như thường thấy ở khắp nơi, ngay cả trong các đường xe điện ngầm Paris. Không hẳn thế. Cây cầu này là chứng nhân, là vết tích của thời kỳ Apartheid khi mà Đen - Trắng không lẫn lộn ; người da trắng và da đen không đồng hành, không chung đụng. Đó là điều thú vị trong mỗi bức ảnh của David Goldblatt. Phải nhìn kỹ, mới hiểu được, mới cảm được chiều sâu của nó”.

Khi chế độ phân biệt chủng tộc và màu da Apartheid ở Nam Phi cáo chung, như một nhà làm phim tài liệu, David Goldblatt vẫn cầm máy ảnh để tiếp tục kể về đất nước của ông khi không còn phải sống dưới ách những người thực dân da trắng. Tác giả đã đau xót nhận ra rằng, không phải “ước”“được”.

Nam Phi đã khai tử chế độ Apartheid từ năm 1991, đã bầu lên vị tổng thống da mầu đầu tiên - Nelson Mandela. Năm 1994, quyền lực không còn trong tay một thiểu số da trắng, nhưng đất nước ấy hãy còn là một nền dân chủ mong manh, với quá nhiều chia rẽ, quá nhiều đường biên giới vô hình.

Chân đồi Marikana, nơi năm 2014 cảnh sát Nam Phi sát hại công nhân mỏ platine biểu tình, 34 người chết. Trong loạt ảnh thực hiện năm 1983 nói về cuộc đời lầm than của những người làm công từ KwaNdebele phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng, trèo lên những chiếc xe ca trong giá lạnh, đi hết 4 - 5 tiếng đồng hồ mới đến được Pretoria để làm việc. Chiều tối, họ lại rồng rắn xếp hàng trở về KwaNdebele và không khi nào về đến nhà trước 10 giờ đêm.

Năm 2012, hơn một chục năm sau khi chế độ Apartheid được xóa bỏ, cũng ngần ấy đoàn xe ca, cũng ngần ấy những con người ngủ gà ngủ gật, lầm lũi trên con đường hai chiều nối liền KwaNdebele với Pretoria. Không một gia đình người da trắng nào mua nhà ở KwaNdebele, một kiểu ghetto chỉ có những người da đen cư ngụ.

Không phê phán, không dùng nghệ thuật và hình ảnh làm những công cụ đấu tranh hay tuyên truyền, David Goldblatt tự nhận là một “ông phó nhòm … ghi lại những gì đang diễn ra trên đất nước” ông. Goldblatt chỉ muốn nói lên những gì đã “hiểu được từ một hoàn cảnh quá phức tạp”, nơi “Trắng-Đen” không rạch ròi.

Những hàng rào ngăn cách được dựng lên không chỉ do khác biệt sắc tộc, màu da hay tôn giáo, giới tính ... Ảnh của David Goldblatt thôi thúc người xem suy nghĩ về những đường biên giới do tự con người dựng lên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn