Trịnh Thanh Thủy – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và những điều chưa nói hết

Thứ Tư, 18 Tháng Tư 20187:00 CH(Xem: 6540)
Trịnh Thanh Thủy – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và những điều chưa nói hết

Thế là chú ấy đã giả từ chốn này và bắt đầu cuộc rong chơi miền phương ngoại rồi. Lần cuối tôi gặp chú là tháng 12 năm 2011. Sau đó, tôi thường liên lạc bằng điện thoại và điện thư với chú nhưng bất thình lình chú thôi không trả lời, bởi vì chú sợ chính quyền theo dõi nên bặt tin chú. Giờ chú đã nằm xuống, thôi lo lắng, hết băn khoăn, khỏi lo sợ và thật sự được yên bình. Mời bạn đọc bài viết kể lại cuộc gặp gỡ của tôi với chú Nguyễn Văn Đông vào ngày tháng 12 năm 2011 đã lưu lại nhiều ấn tượng trong tôi, mà bây giờ tôi mới có thể viết, sau khi chú đã nằm xuống.

Nhân một lần về thăm Việt Nam, nhà văn Bích Huyền kiêm xướng ngôn viên đài VOA có nhờ tôi đem vài món quà biếu ông nên tôi có cơ duyên gặp và tiếp xúc với ông tại nhà riêng. Cô Bích Huyền dự định làm một buổi văn nghệ tuởng niệm những người lính VNCH ở Quận Cam Hoa Kỳ và có ý nhờ ca sĩ hát mấy bài của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tiện thể, cô nhờ tôi ghé thăm và viết bài về ông. Nhà ông nho nhỏ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, phía trước có chiếc xe bán bánh mì ổ do phu nhân ông là cô Nguyệt Thu đứng bán. Cô rất dễ thương và hiếu khách. Cô cũng là người đầu ấp tay gối đã chăm sóc ông suốt quãng đời còn lại từ ngày ông đi cải tạo về bằng chiếc xe bán bánh mì giò chả này. Bây giờ căn nhà đã thành tiệm thực phẩm và bánh mì Nhiên Hương khang trang và tươm tất hơn năm tôi ghé 2011 rất nhiều.

Tôi thuộc thế hệ con cháu, nên khi nói chuyện tôi gọi ông bằng chú. Lần ấy, ông tiếp tôi rất thân mật, niềm nở nhưng không kém phần nghiêm túc. Ông có nhấn mạnh rằng, sau 36 năm, đây là lần đầu tiên ông tiếp người lạ, từ ngày 30 tháng tư năm 1975, ông không tiếp xúc ai hết, kể cả các giới truyền thông, báo chí, nghệ sĩ, ca sĩ là những người ngày xưa đã từng quen biết ông hay khán thính giả ái mộ và thương mến ông. Vì có sự giới thiệu đặc biệt của cô Bích Huyền, ông mới tiếp tôi. Ông có nói thêm rằng sở dĩ ông không tiếp xúc hay cho ai phỏng vấn vì ông rất e ngại, dè dặt trong việc tiếp cận hay ngoại giao và ông muốn sống yên thân đừng ai nói hoặc nhắc tới ông nữa. Ông sợ sự liên hệ hay tin đồn không đúng lan rộng, bất lợi cho ông để tránh những rắc rối phiền phức sau này.

Thật ra trước đó vào mùa xuân Bính Tuất 2006, trong chương trình phát thanh Nghệ Sĩ và Đời Sống do Trường Kỳ thực hiện ông đã dành cho đài VOA một cuộc phỏng vấn rất lý thú và đầy đủ về cuộc đời binh nghiệp và âm nhạc của ông. Ông cũng không quên kể nguyên do và động cơ khiến ông sáng tác những tác phẩm như “Chiều mưa biên giới, Phiên gác đêm xuân, Hải ngoại thương ca, Thiếu nhi hành khúc …v..v..”.,trong cuộc phỏng vấn của Trường Kỳ nàyệ

Tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi với những sáng tác của ông trước năm 1975, về cuộc sống hay những mối tình của những người trai thời chiến, đã chiến đấu hy sinh cho đất nước trong các ca khúc trên. Ý định của tôi là gặp gỡ tác giả để hiểu thêm về tác phẩm, hầu viết một bài về ông cho đúng đắn và trung thực, trước khi buổi tưởng niệm diễn ra. Ông và tôi nói chuyện rất tương đắc về âm nhạc, tác phẩm của ông và những ca sĩ đã trình bày nhạc của ông thế nào và ra sao. Tuy nhiên ông vẫn dè dặt dặn tôi phải cẩn trọng vì ông không muốn gặp rắc rối kẻo lụy cho ông và người nhà.

Về đến Hoa Kỳ, tôi bắt đầu viết thì ông gởi điện thư bảo tôi, thôi đừng viết, vì ông muốn mọi người quên ông đi, ông không tha thiết gì nữa, nên đừng nhắc đến tên ông. Tuân theo ý nguyện của ông, tôi xếp lại và thầm cảm thương cho một người nhạc sĩ tài hoa chịu nhiều bất hạnh, giờ bệnh tật triền miên mà không muốn ai nhớ đến mình nữa. Có lẽ ông nghĩ đúng, biết đâu những hệ lụy của cái tài danh mang đến cho ông nhiều bất lợi hơn là thứ tiếng tăm hư ảo của người đời. Tuy nhiên, ông quên một điều là ông còn có một số lượng rất lớn người trong và ngoài nước vẫn còn mến mộ, yêu, hát, và rung động chân thành khi nghe những con Sơn Ca ngày cũ hát nhạc của ông. Những Hà Thanh, Thanh Tuyền, Thái Thanh hay Trần Văn Trạch, Duy Trác… những giọng hát thiết tha, đầy cảm xúc trong “Chiều mưa biên giới, Mấy dặm sơn khê, Khúc tình ca hàng hàng, lớp lớp, Hải ngoại thương ca, Nhớ một chiều xuân…” đã cho các tác phẩm của ông một chỗ đứng trang trọng nhưng riêng biệt trong con tim những thính giả mến mộ.

Khi hỏi đến sức khoẻ, ông bảo, ông bị đau bao tử kinh niên, đau tai, thấp khớp và cao máu, những thứ này hành hạ ông thường xuyên từ khi đi tù cải tạo về. Tôi liền hỏi lý do tại sao ông không qua Hoa Kỳ định cư theo chương trình HO. Ông bảo sau khi vào tù 9 năm, vì bị bệnh nặng sắp chết nên ông được trả về với lý do: “Đương sự bị bệnh sắp chết, nên cho phép gia đình đem về nhà chôn cất!” chứ không phải họ tha vì lý do chính trị. Khi về đến nhà, ông được cô Nguyệt Thu và gia đình chăm sóc, thuốc thang mãi và có lẽ vì chí khí kiên cường dũng mãnh lắm, ông mới sống lại được.

Đến khi có chương trình H.O., chính phủ Mỹ có gởi giấy báo cho ông biết về chương trình, ông trộm nghĩ, mình đã già lại bệnh hoạn thế này, qua Mỹ làm gì, vả lại đời sống ông cũng tạm ổn định bên người thân nên từ chối ra đi. Họ có gởi giấy cho ông nhiều lần hỏi ông đã suy nghĩ kỹ chưa? Ông quyết định chọn giải pháp ở lại, với lý do gia đình không muốn đi, nên ông ở lại với gia đình.

Sau này khi Paris By Night có ý định mời ông qua Mỹ để thực hiện cho ông một chương trình dành riêng cho dòng nhạc của ông, ông lại gặp rắc rối trong vấn đề thủ tục. Chính quyền chỉ cho phép ông đi trong 15 ngày mà chương trình họ mời cần đến ít nhất là 1 tháng. Thời gian 15 ngày không đủ cho việc phỏng vấn và thực hiện thu hình..v…v… Có người ngỏ ý bảo lãnh ông qua Canada rồi sau đó sẽ qua Mỹ. Paris By Night sẽ tổ chức show ở đó, vì ở Mỹ còn rất đông người yêu nhạc ông, việc thu nhập mới cao hơn được. Ông bảo tôi, ông có khí phách của một người nhạc sĩ ngày xưa đã từng từ chối đi Mỹ theo chương trình H.O., rồi bây giờ lại đi đường vòng như thế còn gì khí phách ngày xưa nữa. Sau họ có mời ông nhiều lần ông đã từ chối không đi. Ông tâm sự tuy mất cơ hội được có mặt và tiếp xúc cùng đám đông, vẫy vùng trong thế giới âm nhạc mà ông yêu thích nhưng ông cam chịu. Có lẽ vì ông muốn tâm được an bình, không phải lo lắng sợ sệt, bỏ danh lợi ngoài thân và yên phận trong tuổi già. Nhà văn Chu Tất Tiến là 1 bạn tù được ông nhận làm đệ tử kể tôi nghe, một trong những lý do chính là ông không muốn phải xin xỏ, lạy lục, đi lên đi xuống với chính quyền, đòi thêm thời gian, vì dù gì ông còn cái khí tiết của một người sĩ quan quân lực ngày xưa. Ông có bảo Chu Tất Tiến rằng “Anh ghét phải đi lạy lục, xin xỏ, rồi nghe hạch hỏi tra vấn, làm mất hết khí phách của mình”.

Trong lúc vui chuyện, ông kể về thời gian còn trong trại cải tạo ở Suối Máu. Ông bệnh nhiều lắm nhưng được các bạn tù thương mến và giúp đỡ ông rất nhiều vì họ biết tiếng ông, và tìm cách giúp ông. Nhắc đến trại cải tạo Suối Máu, Trong bài một bài viết cho NS Nguyễn Văn Đông của nhà văn Chu Tất Tiến có đoạn  Em nhớ lại thời gian khi còn trong tù, anh chỉ dẫn cho em từng nốt nhạc vọng cổ, và vì lúc đó anh bệnh nặng quá, nên sự cố gắng dậy bảo của anh làm anh ứa máu, em đã sợ hãi mà ngăn anh lại: “Thôi! Thôi! Anh nghỉ đi! Đừng nói nữa! Máu chẩy ra miệng anh kìa!” Anh lắc đầu, lấy vạt áo tay chùi máu miệng, và nói: “Không ngừng được! Anh phải dậy em bây giờ! Anh không biết lúc nào anh chết, nên phải truyền hết kinh nghiệm cho em, kẻo mai mốt anh chết, thì không có người tiếp tục!” Và cứ thế, bất chấp sức khỏe càng ngày càng sa sút, máu cứ chẩy ra ngoài miệng, anh đã dậy cho em từng câu nhạc Vọng cổ, từng cách viết kịch bản cho một vở tuồng cải lương, cổ nhạc. Vì các đốt ngón tay anh đã bị chất vôi phù lên, cứng ngắc, không sử dụng được, anh đã ngồi xổm trên chiếu, kẹp chiếc bút chì vào giữa ngón chân cái và ngón kế tiếp để vẽ lên các nốt nhạc to bằng quả trứng gà, cũng như các tiết tấu và kết cấu từng câu nhạc, thật công phu vô cùng. Em biết là viết như vậy, anh đau lắm và vất vả lắm, nhưng anh vẫn kiên trì truyền hết kinh nghiệm cho thằng em kém cỏi này và cũng vì biết nỗ lực của người Thầy như anh thật là hiếm có trên đời, nên em đã cố gắng làm vui lòng anh bằng cách sáng tác các bài ca Vọng cổ, cũng như các bài tân nhạc rồi hát cho anh nghe, để thấy anh mỉm cười, mãn nguyện là em mừng. Dĩ nhiên, khả năng của em không đủ để theo kịp sự dậy dỗ của anh, khiến có vài lần anh nhăn mặt, mắng: “Em cứ có cái tật phăng-tê-di! Không chịu theo khuôn phép gì cả! Hòa âm gì kỳ cục thế! Viết lại!” Để sau khi em sửa lại rồi, anh vẫn lắc đầu, thở dài: “Thôi! Cái tật ẩu không bỏ được!” rồi anh lại gật đầu, cười mỉm: “Thế mà lại hay! Mỗi người sáng tác đều có những cái riêng của mình, không ai giống ai.”

Phải nói rằng không những ông có cái khí tiết của một người lính VNCH mà còn có cái lòng tận tụy của một người thầy đam mê với âm nhạc, dạy học trò tới thổ huyết mà vẫn không chịu ngừng đến nỗi “…, anh chỉ có thể nằm trên một miếng ván nhỏ có gắn bánh xe do anh em cùng tù làm cho anh, để anh lấy tay đẩy miếng ván trôi đi, y như một người bị què cụt sắp chết. Nhìn hình ảnh đó, anh em đều sa lệ. Còn đâu người hùng năm xưa? Còn đâu hình dáng người nhạc sĩ với cây đàn và những bản nhạc tuyệt vời, hát mãi không chán?”.

Đám tang ông diễn ra đơn sơ vì có lẽ ông sống khép kín không tiếp xúc với ai và không cho phúng điếu vì hai ông bà không có con sợ không ai trả lễ.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện

Xin xem tiếp Kỳ 2

Trịnh Thanh Thủy – NS Nguyễn Văn Đông và những điều chưa nói hết (Phần 2)

NS Nguyễn Văn Đông nói về nhạc của mình

Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nằm xuống, trên mạng mọi người bắt đầu truyền nhau nghe nhạc ông sáng tác. Càng nghe lại càng yêu mến ông hơn vì tôi và biết bao nhiêu người Việt ở miền Nam trước 75 đã sống và chia sẻ cùng ông những tư duy, tâm sự, hay cảnh ngộ ngang trái của con người trong một đất nước có chiến tranh trên cả hai miền Nam và Bắc. Nhất là trong cái cảnh mưa phùn, gió rít của một mùa xuân Cali 2018, xứ người, trời gây gây lạnh, cái buồn nhè nhẹ bỗng lãng đãng trong tôi. Giọng ca mê hoặc lòng người của Hà Thanh mà người ta gọi là sang cả, quấn quít, ám ảnh óc tôi khôn nguôi.

Hình như nỗi thương, niềm nhớ một mùa xuân nó bàng bạc trong nhạc của Nguyễn Văn Đông và vận vào ông đến nỗi ông đã ra đi vào một ngày xuân và đã không bao giờ trở lại.

Trong buổi gặp gỡ tháng 12 năm 2011, tôi có nói chuyện với ông về các tác phẩm đã làm sáng danh ông vào thập niên 60 như “Chiều mưa biên giới, Mấy dặm Sơn Khê, và Về mái nhà xưa.v..v..”. Ông đem ra một cái máy hát cầm tay cũ, một tập nhạc và một chồng CD trong đó có những đĩa nhạc của ông. Ông bảo “Đây là những CD có nhạc của chú do các ca sĩ hát nhạc chú, tặng chú. Chú cho cháu thâu lại hay lấy bất cứ bản copy nhạc nào của chú nhưng không được bán hay làm thương mại”. Tôi chọn ra những bài hát tôi ưa thích và ông đã ký đề tặng tôi. Nhìn những dòng chữ như rồng bay phượng múa “Quý mến tặng cháu Trịnh Thanh Thủy”, tôi giật mình tự hỏi khi nào chữ viết tay đẹp như vậy tuyệt chủng, bởi lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy những dòng chữ viết tay đẹp như vậy, vì thời đại này, tôi và nhiều người quen nhìn những dòng chữ đánh máy của máy tính, của Iphone hằng ngày.

Tôi thấy trong các CD nhạc có rất nhiều bài do Hà Thanh hát, nhân đấy tôi hỏi “Cháu có biết và hay nói chuyện với cô Hà Thanh, cô Hà Thanh hát nhạc chú rất hay”. Nghe tôi nói vậy, mắt ông bỗng xa xăm. Ông cầm cuốn CD của Hà Thanh lên một cách trân quí, “Hà Thanh hát nhạc của chú đạt nhất”. Rồi ông mở cái máy hát cũ, giọng trong và cao của con hoạ mi xứ Huế vút lên, người nhạc sĩ chìm vào dĩ vãng và thế giới của riêng mình. Tôi bắt đầu bàn luận với ông về âm vực của Hà Thanh, tôi thích cái lối cô luyến láy. Ông bảo Hà Thanh hát dễ dàng những bài có âm vực rộng của ông viết. Từ ngày cô qua Mỹ, ông không còn gặp cô nhưng ông vẫn theo dõi theo tiếng hát của cô đều đặn. Tôi bảo tôi thích nhất là bài “Mấy dặm sơn khê” của ông nó vừa buồn vừa lãng mạn nhất là do Thái Thanh hát. Ông đồng ý nói, Thái Thanh có âm vực rất tốt, hát được những bài có nốt cao như “Mấy dặm sơn khê” của ông thật tuyệt vời. Tôi hỏi thêm, hình như những bản nhạc của chú đều viết cho những người có âm vực rộng. Ông cười nói, do đó có những bản chú phải viết lại cho các ca sĩ khác dễ hát hơn. Tôi tò mò “Trong quá trình sáng tác, chú có viết nhạc cho riêng một ca sĩ nào, hình bóng nào rõ rệt không?”. Ông bảo “Khi có, khi không, tùy lúc và tùy hứng, cháu ơi”.

Tôi bắt đầu nhắc đến thời vàng son của ông với những bản nhạc nổi tiếng như “Chiều mưa biên giới, Hải ngoại thương ca, Tình khúc hàng hàng lớp lớp ..v..v…” Tôi bảo chú là người đầu tiên trong âm nhạc trước 1975, dùng chữ “Hải ngoại” đó. Tôi tiếp tục nhận xét “Cháu yêu thích những câu kết trong nhạc của chú, câu nào cũng mang ấn tượng sâu đậm cho nguời hát và người nghe khiến họ nhớ mãi. Như câu “Em ái yêu trong chiều đông gió, mang áo xanh theo chồng sang sông, quên mái tranh quên, con đò xưa”. Tôi cười cười, dí dỏm hỏi, “vừa âu yếm, vừa nao lòng, có phải bài này chú viết cho người yêu đầu đời không?”. Chú cũng cười bảo tôi, muốn hiểu sao cũng được, nhưng bài này có hình ảnh quê cũ là Tây Ninh, ngày chú trở lại, nên trong đầu bài nhạc có ghi “Dâng mảnh đất quê nghèo -Tây Ninh-. Về sau 10 năm xa cách, ngày về vẫn với tâm hồn bơ vơ, cô độc, và tấm lòng dễ tin, dễ yêu như ở buổi ra đi. N.V. Đ. 1964.”

Ông nói thêm rằng, sau này ông nghe có những ca sĩ hát bài này, lời bị sai mà họ cứ hát khiến ý nghĩa lời hát bị méo mó. Đó là câu “Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế, qua đáy tim chưa đục sông Mê…”. Họ hát thành “qua đáy tim chưa đục “song mê” hay “song khuya”. Ông bảo trong bản nhạc phát hành hồi đó ông đã cẩn thận ghi chú “Sông Mê, nghĩa bóng, tức lòng không bợn nhơ”. Rồi ông ngồi tỉ mỉ giải thích cho tôi nghe nghĩa của Sông Mê. Khi người ta chết phải đi qua cầu Nại Hà, dưới đó là Sông Mê, rồi uống chén cháo lú để quên kiếp trước, không còn thương tiếc nuối về cảnh cũ mà lộn kiếp trở lại. Nghe ông giải thích tôi mới vỡ lẽ ra ý nghĩa sâu sắc của câu “Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế qua đáy tim chưa đục sông Mê”, có nghĩa lòng người trở về còn y như lúc đi, yêu mảnh đất quê, yêu mái tranh và chưa quên hình bóng người xưa. Nhất là còn yêu lắm lắm, thế mà nhân tình thế thái đổi thay “và em ái yêu đã mang áo xanh theo chồng sang sông mất rồi”.

Về Mái Nhà Xưa – Hà Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=cf8mEFViKkU

Tôi tấn công thêm “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi”, theo cháu, câu cuối lại là câu sâu sắc nhất trong bài nhạc “Chiều mưa Biên giới” chú ơi”. Mặt ông bỗng sa sầm, giọng đầy cảm xúc “Chính câu này đã là câu hát gây rắc rối cho đời chú.”. Ông hồi tưởng lại những giây phút gặp khó khăn phải đương đầu với chính quyền VNCH. Những câu hát trong bài “Chiều mưa biên giới” đã làm ông khó xử. Ông tiếp “Những gì chú viết đều là cảm xúc thật, những câu hát trong bài “Chiều mưa biên giới” là những câu hát nói lên nỗi lòng thương nhớ của người đi chiến đấu, dành lại non sông, mà chính chúng lại khiến chú khó xử với chính quyền đương thời ngày đó”. Ông không kể tôi nghe chi tiết, nhưng sau này tôi đọc các bài viết thì biết ông bị phạt trọng cấm 15 ngày và tác phẩm này cùng “Mấy dặm sơn khê” bị cấm lưu hành một thời gian với lý do nội dung làm suy yếu tinh thần binh sĩ. Bản nhạc có lời đề tặng rất cảm động “Kính tặng các chiến sĩ một nắng hai sương, lao mình nơi tiền tuyến. Kỷ niệm Đồng Tháp Mười(biên giới Việt-Cambod-1956)”.

Chiều Mưa Biên Giới – Trần Văn Trạch- Shot Gun11 trước 75-https://www.youtube.com/watch?v=WQGGGMEOcu8

Thái Thanh – Mấy Dặm Sơn Khê – Thu Âm Trước 1975

https://www.youtube.com/watch?v=qm8nSILSUMk&t=15s

Thấy ông buồn tôi lãng sang chuyện khác, bảo “Nói đến nhạc lính, theo nhận xét riêng của cháu, nhạc chú có những giai điệu rất quý phái, mà vẫn gần gũi, đi thẳng vào lòng người, điều mà có nhạc sĩ được học hành chỉnh chu cũng không làm nổi, những tình khúc viết cho người lính của chú không giống với các nhạc sĩ khác như Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân, Lam Phương chẳng hạn.”. Ông nhấn mạnh rằng, ông sáng tác những bài hát về người lính khác với những nguời khác, tại ông sống thực. Ông là một sĩ quan tác chiến cùng các quân nhân xông pha trong lửa đạn nên những gì ông viết là cảm xúc thực của người lính đã ôm súng ngoài chiến trường. Còn những nhạc sĩ khác viết nhạc lính vì nhu cầu, lý do thương mại, chính trị hay bởi đơn đặt hàng, có khi cảm xúc vì cái chết, sự hy sinh của những người lính trận mà viết, nên nghe ra khác với nhạc lính của ông. Ngoài ra không có sự chi phối nào giữa một người quân nhân và một người lãnh đạo trong khi sáng tác, dù ông làm tới Trung Tá trong quân lực VNCH. Ông kể thêm ngày xưa ông đã từng làm Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân, Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, gồm có những ca nhạc sĩ tên tuổi như Thu Hồ, Mạnh Phát, Thái Thanh, Anh Ngọc và từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia. Tuy nhiên ông hiểu trong cương vị một người lãnh đạo trong quân đội lại sáng tác hay sinh hoạt tích cực trong âm nhạc thì không thể tiến xa trong quân đội. Do đó hoạt động âm nhạc chỉ là dòng phụ chứ không phải là dòng chính trong sinh hoạt của ông. Sau này ông được vinh thăng Đại Tá. Tôi thêm “Tuy nhiên những hoạt động phụ này đã làm nên tên tuổi của chú”.

Khi ông kể chuyện “sông mê”, tôi biết ông am tường triết lý nhà Phật và ông thường đi chùa, tôi nêu thắc mắc tại sao ông lại viết rất nhiều những ca khúc Thiên Chúa Giáo, cũng như chuyển ngữ lời ngoại quốc sang lời Việt. Đó là những “Đêm Thánh vô cùng, Ave Maria, Màu xanh Noel, Bóng nhỏ giáo đường, Mùa sao sáng, Giáo đường chiều chủ nhật…v..v…” Ông trả lời rằng, trong quá khứ sinh hoạt và giao tiếp với các vị cố đạo và linh mục Thiên Chúa Giáo, ông có học hỏi nghiên cứu thêm về đạo này và rất mến họ. Chính vì vậy, lòng ông rung động và cảm xúc với thánh ca và ông thường viết nhạc đạo Thiên Chúa dù ông theo đạo Phật.

Lúc tôi dở tập nhạc lấy bản sao, những tác phẩm ông đề tặng, ông vui miệng kể thêm, trong đó có mười mấy gần 20 bài được nhà nước cho phép phát hành hay lưu hành trong nước. Tuy nhiên, ông không cảm thấy đó là điều may mắn hay hài lòng vì những tác phẩm được lưu hành không phải là những tác phẩm ông ưa thích. Những bài hát như “Trái tim Việt Nam” không phải là những bài xuất sắc làm sáng chói tên tuổi ông như “Chiều mưa biên giới hay Mấy dặm sơn khê”. Thật ra, họ cũng rất dè dặt trong việc cho lưu hành các tác phẩm của ông. Tôi hỏi liền, “Bây giờ họ cho lưu hành một số nhạc của chú, vậy chú có phát hành hay tổ chức các buổi show nhạc như Phạm Duy đã từng làm không?”. Ông lắc đầu ngay “Nếu phát hành những bài hát không hay lắm hoặc không ai biết đến, thì phát hành làm gì, thôi khỏi làm”. Ông kể thêm, có lần nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ khi còn sống trở về nước gặp ông và nói HTThơ biết một nhân vật rất quan trọng trong chính quyền có thể giúp ông can thiệp và nhờ người đó cho lưu hành nhạc của ông. Ông nói với HTThơ rằng, đâu có dễ dàng như vậy và người đó làm sao có quyền hạn như vậy được, chỉ có ban Tuyên Huấn Trung Ương mới có thể cho phép lưu hành nhạc, nên cho dù có nhân vật nổi tiếng nào đó chăng nữa, cũng không thể cho phép lưu hành nhạc. Làm gì có chuyện ảo tưởng như vậy.

Tuy gặp ông có một lần trong đời, nhưng tôi cảm thấy mình rất may mắn được cơ duyên tiếp xúc với một người nhạc sĩ tài hoa. Hơn thế nữa, là một vị sĩ quan VNCH tuy thất thế nhưng vẫn khiêm cung, có khí phách và rất tư cách. Ông còn một người nghệ sĩ đầy sáng tạo khi đi tiên phong trong lãnh vực khai sinh ra “Tân cổ giao duyên” là một hình thái nghệ thật kết hợp giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây, giữa tân nhạc và vọng cổ miền Nam. Xin thắp nén hương lòng đầy quý mến của tôi gởi về NS Nguyễn Văn Đông nơi cõi tịnh.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện



Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nói về các tác phẩm của ông”

Tiểu sử

NS Nguyễn Văn Đông (19322018) nguyên là sĩ quan quân lực VNCH, cấp bậc Đại tá. Nhiều người biết đến ông với tư cách Nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975, với các ca khúc Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Nhớ Một Chiều Xuân, Sắc Hoa Màu Nhớ, Hải Ngoại Thương Ca…Một số bút danh khác của ông là Phượng Linh, Phương Hà, Vì DânĐông Phương Tử trên một số nhạc phẩm tình cảm như “Khi đã yêu“, “Thầm kín“, “Niềm đau dĩ vãng“, “Nhớ một chiều xuân“… ông cũng đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, Cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng

Ông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân, Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, và từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia

Sau 30 tháng 4, 1975, Nguyễn Văn Đông bị bắt đi học tập cải tạo 10 năm và ngừng sáng tác từ đó. Ông sống tại Phú Nhuận, cùng gia đình và mất tại đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một 201912:44 CH
Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Một 20196:12 SA