Paris : Triển lãm 500 năm ngày sinh của thiên tài Tintoretto

Thứ Bảy, 31 Tháng Ba 20186:15 SA(Xem: 5253)
Paris : Triển lãm 500 năm ngày sinh của thiên tài Tintoretto
mediaTriển lãm nhân 500 năm ngày sinh Tintoretto tại bảo tàng Luxembourg© RFI / María Carolina Piña

Ở Pháp, Michel-Ange (Michelangelo) hay là Titien (Tiziano Vecellio) là những tên tuổi quen thuộc. Giới học sinh khi đến viện bảo tàng Louvre, thường ghé qua gian phòng triển lãm thời Phục Hưng để khám phá các danh họa Ý bên cạnh bức kiệt tác La Joconde. Nhưng khi nhắc tới Tintoretto, thì hầu như chẳng có học sinh nào biết đến, mặc dù năm 2018 đánh dấu 500 năm ngày sinh của họa sĩ này.

Tại gian phòng triển lãm của Louvre dành riêng cho hội họa Ý thời kỳ Phục Hưng, hàng loạt bức kiệt tác được treo san sát nhau. Ngoài bức tranh La Joconde (Mona Lisa) của Léonard de Vinci và Les Noces de Cana của Véronèse, còn có các tác phẩm của Boticelli, Raphael, Caravage (Caravaggio), Mantegna, Antonello da Messina, Piero della Francesca. Trong khi đó, tranh của Tintoretto (tiếng Pháp là Le Tintoret) ít được đề cao, còn trong sách giáo khoa cũng hiếm khi nào được nhắc tới.

Thà trễ còn hơn không, viện bảo tàng Luxembourg tổ chức từ tháng 3 cho tới đầu tháng 7 năm 2018 cuộc triển lãm mang tựa đề ‘‘Tintoretto, ngày sinh của một thiên tài’’ (Le Tintoret, la naissance d’un Génie). Gọi là Thiên tài bởi vì người Ý xếp danh họa Tintoretto vào một trong những bậc thầy thời kỳ Phục Hưng. Trong số 100 bức tranh, có khoảng 20 tấm là tranh chân dung (của tác giả cũng như của giới thượng lưu quý tộc) tập hợp lại trong một phòng triển lãm dành riêng cho thể loại này. Phần lớn còn lại là những bức vẽ gợi hứng từ Kinh Thánh.

Tất cả các tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng Luxembourg lần này đều được Tintoretto thực hiện trong khoảng thời gian 15 năm đàu sựu nghiệp. Sinh trưởng tại Venezia (Venise) trong một gia đình rất nghèo, ông tên thật là Jacopo Robusti nhưng được mệnh danh là Tintoretto, do ông có vóc dáng nhỏ nhắn, và thân phụ của ông chuyên làm nghề thợ nhuộm. Theo truyền thuyết, từ thời còn nhỏ ông dùng bột thuốc nhuộm để vẽ những bức tranh đầu tay rồi đem đi bán kiếm tiền trên Ponte di Rialto, cây cầu một nhịp bắc qua Kênh Lớn (Canal Grande). Cầu Rialto là một trong những công trình xây dựng nổi tiếng nhất của Venezia. Dù là thật hay không, nhưng có một điều chắc chắn là Tintoretto có năng lực vẽ tranh phi thường : vẽ nhiều, vẽ nhanh, vẽ liên tục không ngơi nghỉ như thể ông không biết mệt là gì.

Thời nay, con nhà nghèo một là phải học cho giỏi, hai là dựa vào năng khiếu âm nhạc hay là thể thao để tạo cho mình cơ hội đổi đời. Thời Tintoretto, ông không có gì khác ngoài bột màu thuốc nhuộm. Ông chẳng những phải tận dụng tài nghệ vẽ tranh mà còn biết vận dụng trí óc để thu hút khách hàng. Thời của ông, các họa sĩ sống chủ yếu nhờ đơn đặt hàng hay hợp đồng dài hạn, nhà thờ hay tu viện của Giáo hội, các dinh thự của dòng dõi hoàng thân, qúy tộc đều trang trí bằng thảm hay bằng tranh, đền đài của vua chúa dinh thự của Giáo hoàng thường có bích họa vẽ khắp trần nhà.

Tintoretto không ngần ngại ‘‘phá giá’’ để giành lấy các hợp đồng. Khách nào đặt hàng với ông, ông hứa vẽ thêm tranh hay bích họa để biếu tặng. Hình thức chào hàng ấ(mua một vẽ hai)y giống như kỹ thuật tiếp thị (marketing) thời nay. Tên tuổi Tintoretto lên như diều gặp gió, nhưng ông lại bị các nghệ sĩ cùng thời căm thù, ghét bỏ. Thời niên thiếu, Tintoretto từng học vẽ với thầy là danh họa Titien, nhưng khi thấy học trò của mình vì tham vọng mà có nhiều thủ đoạn tính toán, thầy Titien đã đuổi Tintoretto ra khỏi nhà.

Vào thời Phục Hưng, Tintoretto trở nên một trong những gương mặt tiêu biểu của trường phái kiểu cách, lối vẽ đầy kịch tính với các nhân vật có cổ thon cao, các bàn tay với những ngón thật dài, các cơ thể trong những tư thế xoay người, xoắn vặn đến mức kỳ lạ phi thường. Góc nhìn bắt mắt hay phối cảnh ngoạn mục của Tintoretto theo trường phái kiểu cách dự báo cho sự xuất hiện sau đó của nghệ thuật baroque. Thế nhưng về cách dùng màu sắc và ánh sáng, lối vẽ của Tintoretto lại phản ánh thời hoàng kim của trường phái Venise.

Chỉ riêng về điểm này, Tintoretto có cái tài phối màu không thua gì Titien : những màu sắc hài hòa, mịn màng tự nhiên chứ không tỏa sáng bất thường, nhờ các ‘‘thủ thuật’’ làm cho những bức tranh thêm đẹp, nhưng cũng vì thế mà trở nên gượng ép cường điệu. Với khoảng cách thời gian, tài năng của Tintoretto nay được công nhận, do ông đi trước khá nhiều nghệ sĩ châu Âu cùng thời.

Không phải ngẫu nhiên, cuộc triển lãm tại bảo tàng Luxembourg mang tựa đề ‘‘Ngày sinh của một thiên tài’’. Lúc sinh tiền, Tintoretto đã thấm nhuần ảnh hưởng của hai bậc thầy : Michel-Ange trong lối phác họa đường nét và Titien trong cách phối hợp màu sắc. Nhờ lớp bột màu thuốc nhuộm của Tintoretto, mà những bức tranh bằng vải thô sơ giờ đây lại trở nên vô giá, hiếm như gấm vóc lụa là, qúy hơn ngọc ngà, châu báu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn