Nghệ thuật và vinh quang

Chủ Nhật, 25 Tháng Ba 20187:00 CH(Xem: 5768)
Nghệ thuật và vinh quang

Để một bộ phim nghệ thuật có thể lọt vào bảng đề cử Oscar hoặc giành được giải của Viện hàn lâm khoa học-nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS), người ta phải làm việc nghiêm chỉnh với tinh thần mê say cống hiến.

nghe-thuat-va-vinh-quang3
Gary Oldman trong “Darkest Hour”- newsapi

Trong phim “Darkest Hour”, để vào vai Winston Churchil, trong bối cảnh “những thời khắc đen tối nhất”, Gary Oldman đã chuẩn bị trong hai tháng. Ông đọc gần như tất cả quyển sách hay bài báo nào về Churchill. “Sự quan tâm của tôi với ông ấy (Churchill) ngày càng tăng và tôi vẫn đang tiếp tục đọc về ông sau khi bộ phim kết thúc” – Oldman nói. “Tôi đã làm việc với một học giả về Churchill và ông ấy đã giúp tôi tìm đến những nơi cần đọc và nhờ vậy tôi tìm được quyển “Churchill: A Life” của Martin Gilbert”. Oldman cũng nghiên cứu các diễn văn hùng hồn “sóng cuộn, mây trôi” của Churchill và xem lại các đoạn phim Churchill diễn trình…

Với những tài tử thượng thặng, việc nghiên cứu vai diễn là điều không bao giờ xem nhẹ. Còn nhớ, trong “The Theory of Everything” (nói về cuộc đời thiên tài khoa học Stephen Hawking), tài tử Eddie Redmayne đã diễn xuất xuất sắc đến mức kinh ngạc. Khó có thể tưởng tượng một chàng bảnh bao từng học trường danh giá Eton (nơi đào tạo nhiều chính trị gia và thủ tướng Anh), từng làm người mẫu thời trang, như Eddie Redmayne, lại có thể biến thành Stephen Hawking với bộ dạng vặt vẹo méo mó và diễn xuất một cách hoàn hảo đến vậy. Để vào vai Stephen Hawking, Eddie đã bỏ ra sáu tháng nghiên cứu mọi thứ liên quan cuộc đời Hawking. Anh xem tất cả đoạn phim phỏng vấn Hawking, đọc gần như thuộc lòng quyển “A Brief History of Time”, tìm gặp bạn học và sinh viên cũ của Hawking, đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên ngành tìm hiểu chứng teo cơ, tiếp xúc khoảng 30 bệnh nhân, và cuối cùng gặp trực tiếp nhân vật chính Hawking.

nghe-thuat-va-vinh-quang2
Eddie Redmayne vào vai Stephen Hawking trong The Theory of Everything. nguồn: Daily Mail

Khi bệnh tấn công, Hawking bắt đầu đi lại khó khăn, xiêu vẹo và lặc lìa, trước khi vĩnh viễn ngồi xe lăn. Eddie đã tập tư thế đi này bằng sự khổ công đáng nể. Biên đạo múa Alexandra Reynolds (người tạo ra những con ma uốn éo trong phim “World War Z”) là người “biên đạo” giúp Eddie tạo ra tư thế đi cực khó này. Họ nghiên cứu mọi động tác, từ cách gập người nhặt cây viết, cách uống, cách ngồi, cách nói chuyện, cách ngồi vẹo cột sống và đầu bị lệch, đến cách đi loạng choạng như mất trọng lực… Tất cả được quay bằng iPad và hai người cùng xem lại để điều chỉnh sao cho giống thật nhất có thể. Do phim không được quay theo thứ tự thời gian cuộc đời Hawking nên Eddie có một quyển sổ tay ghi rõ ở giai đoạn nào thì căn bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt Hawking như thế nào để diễn chính xác. Quyển sổ tay là tài liệu giúp Eddie thực hiện tốt vai diễn, bên cạnh kịch bản chính thức.

Một trong những kỳ công khổ luyện của Eddie là tập nói méo tiếng và đặc biệt “điều chỉnh” cơ mặt co giật, ở giai đoạn mà Hawking bị bệnh tấn công nặng. Khi diễn Hawking vào những năm mà ông phải ngồi xe lăn, Eddie tập ngồi bắt chéo chân với cái đầu ngoẹo nghiêng – một tư thế khiến anh rất khó thở và đau cột sống. Anh còn phải tập nhướng chân mày – ở giai đoạn mà Hawking bị phẫu thuật khiến ảnh hưởng thanh quản và không còn có thể nói mà chỉ có thể ra dấu bằng cách nhướng mắt. Điều khiến Eddie Redmayne đáng được ngợi khen nhất là diễn xuất có thần khi miêu tả nội tâm Stephen Hawking. Tượng Oscar 2014 hạng mục nam tài tử xuất sắc nhất cho Eddie Redmayne là hoàn toàn xứng đáng.

Lịch sử Hollywood nói chung và Oscar nói riêng không thiếu những trường hợp làm việc trong lãnh vực nghệ thuật nghiêm chỉnh tương tự. Trong phim “Monster”, siêu mẫu Nam Phi Charlize Theron (lúc đó 28 tuổi), khi vào vai ả giang hồ Aileen Wuornos (nhân vật có thật, bị xử tử hình tại tiểu bang Florida), đã tự “hủy” ngoại hình mảnh dẻ của mình để được tăng cân thêm gần 14 kg, mang răng giả, cạo lông mày và được hóa trang với da mặt sần sùi, xám xanh… Tất nhiên tượng Oscar 2004 hạng mục nữ diễn viên chính được trao cho Charlize Theron không phải là nhờ ngoại hình ma chê quỷ hờn mà là khả  năng diễn xuất của cô (trong một vai nội tâm phức tạp với tâm lý nhân vật éo le của một phụ nữ bị “trời” đày xuống bùn nhơ xã hội, bị khinh như giẻ rách và bị ruồng rẫy như hủi; phẫn uất, ả trở thành kẻ sát nhân giết người hàng loạt)…

nghe-thuat-va-vinh-quang1
Kate Winslet trong “The Reader” – imdb

Còn trong “The Reader”, khi vào vai Hanna Schmitz, một nữ cai tù mù chữ của Đức quốc xã, Kate Winslet không chỉ tập nói tiếng Anh theo giọng Đức mà còn phải tìm tòi cách thể hiện nhân vật từ tuổi xấp xỉ trung niên đến tuổi xế chiều (một giai đoạn kéo dài 35 năm)! Và để “hiểu” nhân vật, Kate Winslet đã đào bới tư liệu về nạn diệt chủng Đức quốc xã cũng như lịch sử châu Âu trong cùng thời kỳ, trong hai tháng ròng trước khi ra phim trường cho quá trình dựng phim. Oscar (2009) cho Kate là hoàn toàn xứng đáng.

Quả thật là để diễn cho ra diễn không dễ chút nào – như đạo diễn Elia Kazan (Oscar thành tựu suốt đời 1998) từng nói, “Sống để diễn chứ không phải diễn để sống”. Bạn có nhớ “The King’s Speech”, bộ phim giành 4 Oscar (2011) trong đó có giải phim hay nhất và giải nam diễn viên chính cho Colin Firth? Để đóng phim này, Colin Firth phải tập nói… cà lăm suốt nhiều tháng trời; và trong phim, trong vai vua Anh George VI, Colin Firth phải thể hiện sao cho người ta thấy sự dày công tập luyện từ người nói cà lăm trở thành người có thể đọc diễn văn tuyên chiến với Đức (1939) bằng một giọng rất hùng hồn và trôi chảy!

Còn trong “The Revenant”, diễn xuất Leonardo DiCaprio phải nói là ở hàng thượng thừa. Là người ăn chay, DiCaprio phải nuốt gan bò rừng sống; ở hàng giờ trong thời tiết buốt giá dưới 0oC; nằm trong mặt tuyết lạnh cứng trong khi kiến bò khắp thân. Trong tổng cộng 138 lần được đề cử ở nhiều giải điện ảnh khác nhau (trong đó có 10 đề cử Quả cầu vàng và 4 đề cử Oscar) và thắng 34 lần, “The Revenant” có lẽ là phim mà DiCaprio diễn hay nhất, gai góc nhất, gian khổ nhất; trong một bối cảnh phim đầy bạo lực, khốc liệt và tàn bạo, không chỉ môi trường thiên nhiên bên ngoài mà còn với sự gian trá và tàn độc ghê rợn của con người đối với con người. Với “The Revenant”, Viện hàn lâm khoa học nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ đã không thể “làm lơ” Leonardo DiCaprio. Tại lễ trao giải Oscar đêm 28-2-2016, khi tên DiCaprio được xướng lên, gần như toàn bộ khán phòng đã đứng dậy để chúc mừng anh. Nó không chỉ là một sự chúc mừng một cá nhân từng nhiều lần bị AMPAS “bỏ sót” mà còn là sự thán phục công sức và sự lao động miệt mài cho nghệ thuật mà DiCaprio cũng như những tài tử khác đã mang đến cho khán giả màn bạc…

nghe-thuat-va-vinh-quang
Leonardo DiCaprio trong The Revenant. nguồn: acrossthemargin.com

MK

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 26 Tháng Bảy 20185:51 SA
( HNPD ) Truyện nhà tù , thì kẻ viết bài này cũng được nghe vài anh em văn nghe
Thứ Ba, 24 Tháng Bảy 20182:47 CH
( HNPD ) 90 năm đô hộ của Pháp quốc /cái đầu của chúng ta /chỉ biêt chừng đó ngoài ra thi mù tịt
Thứ Ba, 24 Tháng Bảy 20187:20 SA
( HNPD )Kể lại theo lời anh Trần Hữu Khoa , Nguyễn Quốc Thái & Hoàng Ngọc Tuân .
Chủ Nhật, 22 Tháng Bảy 20184:04 CH
( HNPD ) Văn Đuôi này ai muốn đọc chơi thì đọc mà thản không có thì giờ hoặc không thèm đọc thì cũng chả chết ông Tây bà Đầm nào cả
Chủ Nhật, 22 Tháng Bảy 20181:55 CH
( HNPD )mùa thu của nai vàng thiên đàng nơi hoang vắngmùa thu của con người ngậm 1 đời cay đắng
Thứ Bảy, 21 Tháng Bảy 201812:07 CH
Cái sự Ngu này cách đây vài trăm năm , bây giờ thì lại cho là bình thường " vì là chuyện bắt buộc ?"