Vũ Mạnh Cường - Giã từ một biểu tượng nhan sắc

Thứ Bảy, 10 Tháng Chín 20226:00 SA(Xem: 1731)
Vũ Mạnh Cường - Giã từ một biểu tượng nhan sắc

06 

Sau 1975, tất cả các phim về miền Nam, đặc biệt là các tác phẩm của Hãng phim Giải Phóng đều được khán giả miền Bắc săn đón. Mọi người háo hức khám phá một cuộc sống mới với nhịp điệu, thời trang, âm nhạc, giọng nói… lạ lẫm và cuốn hút.

Làn sóng điện ảnh đô thị đó của miền Nam có sức công phá mạnh như Hàn lưu bây giờ. Và sự xuất hiện của Thẩm Thúy Hằng trên màn ảnh đúng là “trái phá con tim mù lòa”…

Chí ít là đối với lũ con trai tuổi teen học năm đầu cấp 3 ở một thị xã miền núi nghèo, trong đó có tôi.

Cái rạp Tháng Tám ở thị xã Tuyên Quang - một trong những rạp chiếu phim lớn nhất miền Bắc thời kỳ đó,  đông nghẹt người xem các suất chiếu “Như thế là tội ác”. Trong phim Thẩm Thúy Hằng chỉ đóng một vai phụ, người yêu của chàng trai bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ do Phạm Anh đóng. Nhưng hình ảnh cô gái đó lại gây ấn tượng choáng ngợp đối với khán giả. Vẻ đẹp rực rỡ và kiều mị của cô, cách cô đi lại, nói cười… chinh phục người xem ngay lập tức.

09

Trong phim có cảnh chàng trai đưa cô gái đi biển Vũng Tàu. Cô gái mặc đồ tắm, nằm trên phiến đá bên bờ biển, khoe cơ thể tuyệt mỹ. Cô cười rất tươi với những đốm nắng nhảy nhót xung quanh…

Đám con trai học sinh lớp 8 (tương đương lớp 10 bây giờ) chưa bao giờ nhìn thấy một tạo vật đẹp như vậy. Chúng bàn tán về nàng nhiều tuần sau đó và dùng tên nàng làm tính từ để chỉ bất cứ cái gì đẹp!

Một cậu bạn tôi thời đó thú nhận rằng nó đã đi xem “Như thế là tội ác” 14 lần chỉ để xem đi xem lại cảnh đó.

Sau này khi đã xem nhiều phim, tôi mới thấy chỉ có thêm hai nữ diễn viên nữa không cần diễn mà cũng gây được ấn tượng mạnh đến như vậy. Đó là Brigite Bardot (Pháp) và Monica Belluci (Ý).

08

Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng đóng không nhiều phim lắm. Ở “Ngọn lửa Krong Jung” bà đóng vai một phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Vai diễn không phù hợp, bà hầu như không có đất diễn và cũng chả ai tin là Tây Nguyên lại có phụ nữ đẹp kiểu như bà.

Nhưng ở “Cho cả ngày mai” “Nơi gặp gỡ của tình yêu”, nơi bà diễn vai của những người phụ nữ cùng thời, có cuộc sống, tính cách và số phận gắn với đời sống đô thị sau 1975, thì bà diễn rất hay. Đặc biệt vai cô kỹ sư điện toán Linda tu nghiệp ở Nhật về chung tay cùng các kỹ sư miền Bắc khôi phục lại một nhà máy điện, bà diễn rất thuyết phục.

Trong phim có đoạn cô Linda sợ ma chạy sang phòng anh kỹ sư Hà Nội (do Thế Anh đóng) xin ngủ nhờ, Thẩm Thúy Hằng diễn rất hay. Xem phim đã hơn 40 năm, nội dung quên gần hết mà riêng cảnh đó vẫn nhớ.

10

Năm 1982, Thẩm Thúy Hằng được cử tham dự các Liên hoan phim lớn của khối xã hội chủ nghĩa thời đó ở Mátxcơva và Tashkent (vinh dự mà không phải diễn viên điện ảnh nào thời đó cũng có), bà cũng tạo được sự quan tâm lớn đối với báo chí và giành giải “Nữ diễn viên khả ái nhất”. Tạp chí “Phụ nữ Liên Xô” xuất bản bằng 10 thứ tiếng với  1,25 triệu bản đã đăng hình bà tràn trang. Không ít người đã cắt tấm hình đó treo trong nhà.

Rất tiếc, không được xem những tác phẩm mà bà đóng trước 1975 mà nhờ đó bà có biệt danh “Người đẹp Bình Dương”, đoạt giải ảnh hậu tại Đài Loan, Hồng Kông…, được chào đón như ngôi sao sáng của điện ảnh Châu Á lúc đó.

Vĩnh biệt bà, một biểu tượng của nhan sắc Việt.

VŨ MẠNH CƯỜNG 07.09.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn