Những Khúc Tình Buồn Trong Thơ Nhạc Miền Nam _ Phạm Văn Duyệt (Trần Văn Giang ghi lại )

Thứ Hai, 05 Tháng Chín 202210:06 SA(Xem: 2009)
Những Khúc Tình Buồn Trong Thơ Nhạc Miền Nam _ Phạm Văn Duyệt (Trần Văn Giang ghi lại )

3025q
Tình yêu lứa đôi, hôn nhân vợ chồng là những phạm trù triết học vô cùng mầu nhiệm. Thật khó để giải thích cho tận tường thấu đáo.

Hạnh phúc - khổ đau, Hòa thuận - xung khắc, Sum họp - chia lìa... Nhiều người thành công viên mãn, lắm kẻ thất bại ê chề.

Giới văn nghệ sĩ cũng không tránh khỏi những trường hợp buồn bã ly tan khi mà hai tâm hồn thiếu sự đồng điệu cảm thông, không chấp nhận tương nhượng đi chung về một hướng, khiến cho lực hướng tâm phải nhường bước lực ly tâm. Chỉ có điều an ủi là chính nhờ những chuyện tình buồn mà nền thi ca âm nhạc đã sản sinh biết bao tuyệt tác để đời.

Chúng ta hãy cùng thưởng thức một số tác phẩm nói về chuyện tình buồn của giới thi nhân và nhạc sĩ miền Nam mà cuộc đời họ không may mắn gặp trắc trở tình duyên.

1.Phạm Văn Bình (1940 - 2008) 

* "Nhà Thơ Phạm Văn Bình và Mối Tình Khắc Khoải trong Ca Khúc Chuyện Tình Buồn,” (nhạc xưa blog, 18.6.19):

Phạm Văn Bình  đậu Tú Tài 2 năm 62. Dạy Việt Văn trường Trung Học Bán Công Đông Hà từ 63. Nhập ngũ năm 66. Sĩ quan Tâm Lý Chiiến Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Là bạn thân với người anh cô Nguyễn Thị Túy, nữ sinh cùng lối xóm nên hay qua lại. Dần dà tình cảm thăng hoa. Tiếc thay không thành duyên nợ. Chỉ vì khác biệt tín ngưỡng. Nguyễn Thị Túy về làm vợ chàng sĩ quan Quân Y, cùng đạo Thiên Chúa. Chẳng may sau mấy năm thì chồng tử trận, để lại 4 con thơ. Còn Phạm Văn Bình cũng kết hôn với cô học trò trẻ đẹp khác. 

Tuy đôi bên đều lập gia đình riêng, nhưng mỗi khi có dịp về lại Đông Hà, Phạm Văn Bình vẫn không quên ghé thăm người tình cũ, lúc nào Ông cũng tỏ ra thân thiết đậm đà với các con cô.

Tới 75, mang cấp Đại Úy, Ông bị tù đày nhiều năm. Khi về thì nghe tin vợ hết còn chờ đợi, đã sớm dẫn dắt đàn con qua Mỹ.

* "Góp phần Dếng Tiểu sử Nhà Thơ Phạm Văn Bình." ( Hoàng Đằng, havuvhp.blogspot.com, 4.8.18)

Nguyễn Thị Túy, sinh 45, dáng người bắt mắt, biết ăn diện, sắc đẹp, duyên dáng, học thức. Bình đã nhiều lần tới nhà người tình, chuyện trò thân thiết với cả Mẹ cô. Lắm lúc tưởng chừng như sẽ thành đạt chung đôi. Thế mà rồi không tròn mộng ước. Trong cơn đau tột cùng, dòng máu thi nhân trổi dậy, Ông để con tim thổn thức qua Chuyện Tình Buồn:

Năm năm rồi không gặp 

Từ khi em lấy chồng 

Anh dặm trường mê mãi  

Đời chia như nhánh sông 

Phong thư tình ngây dại  

Và vai môi ướt mềm  

Những hẹn hò cuống quýt  

Trên lối xưa thiên đàng 

Ngày nhà em pháo nổ  

Anh cuộn mình trong chăn 

Như con sâu làm tổ  

Trong trái vải cô đơn 

Ngày nhà em pháo nổ  

Tâm hồn anh nhuốm máu  

Ôi nhát chém hư vô  

Ôi nhát chém hư vô 

Năm năm rồi đi biệt  

Đường xưa chưa lối về  

Trong đìu hiu gió cuốn  

Nằm chơ vơ gác chuông 

Năm năm rồi cách biệt 

Cỏ hoang sân giáo đường  

Chúa buồn trên thánh giá  

Mắt nhạt nhòa mưa qua 

Ngồi bâng khuâng nhớ biển  

Bên bãi đời quạnh hiu 

Anh mang lòng thủy thủ  

Cùng năm tháng phiêu du 

Anh một đời rong ruổi  

Em tay bế tay bồng  

Chiều hắt hiu xóm đạo 

Hồi chuông giáo đường vang

Năm năm rồi không gặp  

Từ khi em lấy chồng  

Bao kỷ niệm chôn kín  

Dường như đã lãng quên 

Năm năm rồi trở lại  

Một màu tang ngút trời  

Thương người em năm cũ  

Thương góa phụ bên song. 

Ra tù, Ông thành trắng tay, nhà cửa vợ con không còn, bơ vơ lạc lõng. Cô đơn, buồn bã lang thang, thần trí mất tính lạc quan, chẳng thiết tha làm việc gì, chỉ thích chuyện trò tâm sự suốt ngày với những người bạn trẻ quen biết tình cờ ở quán cà phê, vui chơi với họ, say sưa triền miên. Tâm trạng sầu bi áo não không thua chi Thi Sĩ Hà Liên Tử trong bài thơ “Đến Đây Là Chỗ Rẽ Lòng,” nhạc sĩ Anh Sơn phổ thành ca khúc “Nhà Anh Nhà Em”:  

Nhà anh nhà em 

Cách hai đoạn đường dài  

Tuy xa mà gần  

Tuy gần mà xa 

Rồi còn xa mấy nữa  

Khi em đã lấy chồng 

Một chiều thu úa lá  

Một con đò sang sông  

Một cõi lòng băng giá  

Một thoáng buồn mênh mông 

Anh đến mừng em trong tiệc cưới 

Ra về men rượu ngấm buồng tim 

Gió khuya lạnh thấy hồn đơn lẽ  

Một ánh sao rơi chìm trong đêm 

Anh ướp hồn anh men rượu đắng  

Nghe chừng men rượu đắng niềm yêu  

Bóng em chợt thoáng mờ hư ảo  

Đẹp giấc mơ tan sầu bao nhiêu

Nhà anh nhà em  

Cách hai đoạn đường dài  

Tuy xa mà gần 

Tuy gần mà xa 

Từ đây xa mấy nữa  

Khi em đã có chồng 

Dù tình còn đậm đà  

Dù lòng còn thiết tha 

Dù buồn xa cách biệt  

Thôi em đừng nhắc chuyện đôi ta.

Trước ngày qua Mỹ, lắm phụ nữ tìm tới để xin ăn theo, nhưng Ông đã quá chán ngán tình đời đen bạc, nên chỉ ra đi một mình, cõi lòng trở thành băng giá sau cuộc tình đầu dang dỡ, rồi người vợ trẻ sớm rủ áo ra đi.

Ở chốn tạm dung, Ông tiếp tục sống đời phất phơ, chẳng màng đua chen danh lợi. Sống trong sự bảo bọc của mấy người con cho đến ngày giả từ nhân thế.

Còn cô Nguyễn Thị Túy cũng tới được vùng đất hứa. Hiện nay đang định cư tại Hoa Kỳ.

2.Phạm Đình Chương (1929 - 91)

Một phần cuộc đời Phạm Đình Chương gắn liền với người vợ đầu.

* Theo tintuconline.com.vn, 1.4.22:

"Không chỉ nổi tiếng trên sân khấu, Khánh Ngọc còn được chú ý ở cả mặt diễn xuất, nổi tiếng nhờ giọng hát lẫn nhan sắc. Bà sở hữu thân hình bốc lửa, sexy, cùng lối thời trang táo bạo so với thuở bấy giờ. Gương mặt kiều diễm, kiêu sa, cùng nụ cười tỏa sáng, ánh mắt hút hồn, được mệnh danh là ca sĩ núi lửa,’ khiến bao người đê mê.” 

Kết hôn với năm 1953. Thuở đầu vô cùng hạnh phúc, lũy tiến theo đà danh vọng đang lên của cả hai vợ chồng. Sinh một con trai.

Khánh Ngọc gia nhập ban hợp ca Thăng Long bao gồm Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng, Phạm Duy. Chính môi trường gia đình nổi tiếng này đã phát sinh nghịch cảnh éo le, xảy ra quan hệ tình ái không mấy tốt đẹp giữa anh rể em dâu.

Sau nhiều ngày nghe phong thanh về tin đồn thiếu chung tình của vợ, Phạm Đình Chương cùng bạn ráo riết theo dõi rồi bắt gặp cuộc hẹn hò giữa Khánh NgọcPhạm Duy tại quán chè Nhà Bè. Báo chí Saigon làm rùm beng một dạo. Thời điểm ấy trời đất như sụp đổ trên chân nhạc sĩ họ Phạm. May có người bạn dắt dìu, Ông mới gắng gượng ra về với cõi lòng tan nát. Quá buồn đau và uất hận, Ông đệ đơn ly dị.

Một đêm mưa tầm tả, Ông nghe văng vẳng lời thơ “Lệ Đá Xanh” của Thanh Tâm Tuyền:

Đôi khi anh muốn tin 

Ôi những người khóc lẻ loi một mình.

Để rồi chỉ trong vài giờ đã viết xong: “Nửa Hồn Thương Đau.” 

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa  

Cho tôi về đường cũ nên thơ 

Cho tôi gặp người xưa ước mơ  

Hay chỉ là giấc mơ thôi  

Nghe tình đang chết trong tôi  

Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời 

Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau  

Ôi sao nghìn trùng mãi xa nhau 

Hay là còn hẹn nhau kiếp nào  

Anh ở đâu? em ở đâu? 

Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu 

Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt  

Chỉ thấy là nhớ nhung chất ngất  

Và tiếng hát và nước mắt 

Đôi khi em muốn tin 

Đôi khi em muốn tin 

Ôi những người, ôi những người  

Khóc lẻ loi một mình  

Khóc lẻ loi một mình.

* Ca sĩ Ý Lan cảm nhận về Bác Ruột Phạm Đình Chương:

"Bác ấy là người hiền lành, tử tế. Dù là nghệ sĩ lớn nhưng Bác sống đơn giản, thân mật với gia đình và mọi người. Bữa cơm chỉ cần bát canh, dĩa cà mắm, chút thịt thái hạt lựu là Bác đã hài lòng. Điều đặc biệt là phải có ly rượu đi kèm.

* Ca sĩ Phương Dung cũng đồng quan điểm: 

“Anh Chương vô cùng dễ thương, hiền từ, luôn cư xử dễ chịu với bè bạn và quần chúng xung quanh.”

Bà tiết lộ từng bật khóc theo lời ca khi nghe họ Phạm hát “Nửa Hồn Thương Đau,” vì thông cảm cho cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa. Bà còn cho biết Huỳnh AnhPhạm Đình Chương là đôi bạn tâm giao vì cùng hoàn cảnh, đổ vỡ hôn nhân, bị vợ phụ tình.

* "Nửa Hồn Thương Đau và Bi Kịch của một Gia Đình,” truongvankhoa.blogspot.com, 25.4.13:

Cuộc chia tay bất ngờ, oan trái giữa ông và Khánh Ngọc đã xảy ra. Thảm kịch gia đình dập tắt mọi tiếng cười, khép lại mọi nẻo đường của gia đình tiếng tăm. Ban Hợp ca Thăng Long gần như bị "chôn sống" sau cơn địa chấn rung động của tình ái. Phạm Đình Chương trải qua chuỗi ngày cô đơn, gần như cắt đứt mọi liên lạc với xã hội. Chỉ tiếp xúc giới hạn một số bằng hữu thân thiết. Ông lột xác thành kẻ khác. Không màng để ý ăn mặc, trở nên kiệm lời. Nhắc khoảng thời gian đó, Mai Thảo nói: "Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng, nhưng số anh em thân vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của bạn, tìm mọi cách, nghĩ mọi chuyện cốt làm sao cho bạn vui.

Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ cho ta thấy mối đau thương tột cùng của Phạm Đình Chương.”

* "Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Một Thời Đã Qua,” Quỳnh Giao, posted on 22.8.20, FB Nguyễn xuân Nghĩa:

Hoài Bắc là linh hồn của ban hợp ca một thời lừng lẫy từ Saigon ra Hà Nội, tới cả hải ngoại. Mấy chục năm qua, sau bao thay đổi về nơi chốn và nhân sự, thính giả khắp nơi vẫn nghe Thăng Long. Vắng Thái HằngKhánh Ngọc, vẫn còn Thăng Long. Không Thái Thanh, thay thế bằng Mai Hương, vẫn là Thăng Long. Ban nhạc chỉ thật sự mất khi không còn Hoài Bắc. Vì Thăng Long là Hoài Bắc, là hòa âm Phạm Đình Chương, là tinh thần yêu mến nghệ thuật ca hát của Phạm Đình Chương.

Hoài Bắc mất đi, hẳn là các tác phẩm của Ông sẽ còn được nâng niu mãi mãi. Người ái mộ không bao giờ quên những thanh âm tình tứ, ngọt ngào và thật gần gũi của Ông, nhắc họ nhớ cánh đồng, ruộng lúa, cây đa, con sông, ngọn núi, quê cha, đất mẹ, mùa xuân, ngày Tết, hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, chia ly, đêm trăng, thành phố...

Bạn hữu của Ông rất đông, họ thấy rõ một thời đã qua. Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội, Saigon, Đêm Màu Hồng, Pasadena, quận Cam... cùng với Hoài Bắc, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Điều họ quý nhất ở Ông, ngoài những tác phẩm lớn cho nghệ thuật tân nhạc Việt Nam, còn là tính tình nhũn nhặn, thân ái, hòa nhã. Ông giao thiệp nhiều, đủ mọi giới mọi ngành mà không mất lòng ai. Ông là tụ điểm cho nhiều sinh hoạt của giới nghệ sĩ trong suốt mấy chục năm qua. Ông mất đi, ngôi nhà cũ như tắt đèn đóng cửa, bạn hữu cảm thấy trống vắng quạnh hiu.

3.Vũ Hoàng Chương (1916 - 76)                 

"Thiên Tình Sử của Vũ Hoàng Chương,” Phạm Thị Nhung, tongphuochiep.com:

Một buổi chiều, Vũ Hoàng Chương tới thăm Ngãi, người bạn đang làm trợ giáo, dạy thêm cho các con Bà Tư, lớn nhứt là Trần Tố Uyển, 14 tuổi.

Vừa được vị nể, lại thêm tiếp đón ân cần, Hoàng cảm thấy đời vui như mở hội, nên hay lui tới mỗi tuần. Rồi nhận chỉ dẫn hai chị em môn Anh Ngữ. Chẳng bao lâu trở nên thân thiết như người nhà. Nhiều hôm được giữ lại ăn cơm. Tình cảm quyến luyến giữa Hoàng và Tố dần dà nẩy nở một cách hồn nhiên, cả gia đinh chẳng ai để ý.  

Hoàng thuật lại trong thơ: 

Nhà đông người vui nhộn  

Chẳng ai còn nhớ ra 

Nơi này anh có mặt 

Vì đâu tự bao giờ. 

Có thời gian bận học, Hoàng ít ghé chơi. Bỗng dưng thấy lòng nhớ nhung vời vợi. Rồi chợt nhận ra vì đâu chàng năng lui tới:

Kèm cho cả nhà học 

Đã có thầy giáo riêng  

Anh qua lại khuya sớm  

Chỉ vì anh yêu em.

Tình yêu nẩy sinh từ lòng cảm mến, hòa họp tâm hồn giữa đôi trai gái vừa mới lớn lên. Hoàng kể lại những buổi đón đưa:

Em biết anh chờ em ngã ba 

Trường Thi, Ngõ Huyện vắng người qua 

Đi chung một quãng, chiều tan học  

Chẳng nói yêu, mà yêu thiết tha.

Hay những lúc trao thư: 

  

  

Em biết anh chờ em ngã tư 

Hàng Khay, Hàng Trống để trao thư  

Lời yêu chẳng viết, nhưng trong ý  

Hai đứa cùng chia một động từ.

Hoặc tả về mấy hàng chữ của người yêu:

Mười hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập 

E dè sao mười hàng chữ đơn sơ  

Màu mực tươi xanh ngát ý mong chờ  

Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy.

Thời gian êm trôi cho đến chuỗi ngày Tố sửa soạn kỳ thi trung học. Mỗi chúa nhật, thầy Ngãi soạn đề thi thử về toán và Pháp văn, còn Hoàng tất bật lo đề thi Anh Văn cho hai chị em. Nhiều hôm chàng nấn ná ở lại tới khuya để giảng giải thêm:

Mùa thi rối gương lược  

Anh sửa soạn cho em 

Ngay từ nửa tháng trước  

Ngồi khuya đêm lại đêm.

Những lúc ấy Hoàng cảm thấy đời vui:

Thời gian rất hạnh phúc 

Bao nhiêu đêm ngồi kề  

Bấy nhiêu vòng khăng khít 

Buộc đôi hồn si mê.

Ngày đi xem bảng, thấy tên nàng, Hoàng tưởng chừng hoa mắt, vui mừng khôn xiết, vội phóng về nhà. Vừa thấy Bà Tư đứng tếa cửa, chưa kịp gác xe vào vỉa hè, chàng vội vã rối rít báo tin vui: - Tố đỗ rồi ! Tố đỗ rồi !

Reo to đến cả xóm đều nghe.

Đó là giữa năm 1939, Tố vừa tròn 18, cái tuổi thanh xuân mơn mởn đào tơ của người con gái. Lúc này Hà Thành nở rộ phong trào kén chồng theo quan điểm: "Phi cao đẳng bất thành phu phụ" của các cô gái xinh đẹp, học thức, gia thế giàu sang. Tố được nhiều chàng trai danh giá rắp tâm để ý. Bà Tư vô cùng hãnh diện về con mình.

Nhưng vì từ lâu vốn có thiện cảm với Hoàng, lại thấu rõ ân tình của đôi trẻ, nên Bà dế tính gả con cho chàng. Đã đến lúc Hoàng về thưa chuyện với thân sinh, xin đem trầu cau đến dạm hỏi. Thì hỡi ơi bị cha mẹ từ khước. Các Cụ chỉ muốn kết thông gia với quan bố chánh, viện lẽ Bà Tư mới 38 tuổi, lại làm chủ cửa hàng bách hóa, không xứng môn đăng hộ đối với Ông Bà Tri Huyện.

Trời đất quay cuồng sụp đổ, đau đớn tột cùng. Hoàng lánh mặt, biệt tăm, không dám bén mảng tới nhà Tố nữa. Chẳng tha thiết học hành, chàng tìm quên trong men rượu:

Ta say, trời đất cũng say 

Ta buồn, ta chán sự đời  

Vì đời bạc bẽo như vôi  

(Say, Lam Phương)

Bà Tư thắc mắc sao đã nửa năm không thấy Hoàng trở lại. Một cô em họ chàng, cũng là bạn học của Tố ghé chơi, kể cho nghe tự sự: Bà Tư tuy tự ái giận bố mẹ Hoàng xúc phạm coi thường, lại buồn nghe tin Hoàng bỏ học, đi làm Phó Kiểm soát viên Sở Hỏa xa Đông Dương, nhưng vẫn rủ lòng thương khi thi thoảng Hoàng chợt hiện về, tuy không ở lại lâu như ngày nào, cho nên bà còn nấn ná, chưa dứt khoát chuyện duyên tình của con. Dù thời gian này Tố và Hoàng không còn dịp nào gần nhau như trước nữa. 

Một bữa, Bà gọi Hoàng ra nói chuyện, cho biết thuận lòng gả Tố nếu bố mẹ chàng chịu hỏi cưới đường hoàng.

Thế mà cả hai năm Ông Bà Tri Huyện vẫn bặt tăm hơi. Còn Hoàng làm việc tận Cao Bằng chẳng mấy khi trở về. Tố đã 20, Ông Bà Tư không thể chờ đợi nữa. Bà khuyên lơn Tố lấy chồng cho yên bề gia thất. Gia đình Bà không phải là hạng người "Tham đó bỏ đăng, thấy lê quên lếu thấy trăng quên đèn.”

Nghe lời thủ thỉ của Mẹ, riết rồi Tố cũng xiêu lòng. Tuy không hề yêu thương quen biết, Nàng cũng nhận lời cầu hôn của ông Đào bá Cương, tiến sĩ luật khoa ở Pháp vừa về nước.

Một tháng sau thì bất ngờ Mẹ Hoàng khăn gói tới thăm nhà Bà Tư, nhưng hỡi ơi đã quá muộn màng.

Ba đồng một mớ trầu cay 

Sao anh không hỏi những ngày còn không 

Bây giờ em đã có chồng  

Như chim vào lồng, như cá cắn câu 

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ 

Chim vào lồng biết thuở nào ra.

Hay tin Tố nhận trầu cau của người khác, Hoàng rả rời tuyệt vọng, bao năm trời vun đắp tình ái, bây giờ đành chịu vỡ tan.

Tiếc công anh đào ao nuôi cá  

Ba bốn năm trường người lạ đến câu.

Từ đó mà ngày 12 tháng 6, Tố lên xe hoa về nhà chồng, trở thành nhan đề cho bài thơ bất tử. Nỗi đau tựa nhát dao sắc bén chém vào tim, khiến vết thương khắc thành mộ bia. Niềm chua cay bi phẩn làm cho chàng như cuồng như say, đến độ cao hứng gõ vào bia rồi ca "Khúc Cổ Bồn,” học đòi Trang Tử thuở nào sau khi biết vợ bội phản, kết liễu đời mình vì xấu hổ. Ông gõ vào chậu đồng mà ca, than trách tình đời cay đắng, đốt hết cơ nghiệp rồi bỏ đi xa. Hoàng cũng đang mang tâm trạng khắc khoải u hoài đó qua bài thơ:

Mười Hai Tháng Sáu 

Trăng của nhà ai trăng một phương  

Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường  

Ồ ! Đêm tháng sáu mười hai nhỉ  

Tố của Hoàng ơi ! hỡi nhớ thương ! 

Là thế, là thôi, là thế đó, 

Mười năm thôi thế mộng tan tành  

Mười năm trăng cũ ai nguyền ước  

Tố của Hoàng ơi ! Tố của Anh

Tháng sáu mười hai từ đấy nhé  

Chung đôi từ đấy nhé lìa đôi  

Em xa lạ quá đâu còn phải  

Tố của Hoàng xưa, Tố của Tôi 

Men khói đêm nay sầu dựng mộ  

Bia đề tháng sáu ghi mười hai 

Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc 

Tố của Hoàng, nay Tố của Ai

Tay gõ vào bia mười ngón rập  

Mười năm theo máu hận trào rơi 

Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp 

Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi

Kiều Thu hề Tố em ơi ! 

Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây, 

Hàm Ca nhịp gõ khói bay 

Hồ Xừ Xang Xế bàn tay điên cuồng 

Kiều Thu hề trọn kiếp thương  

Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô 

Xừ Xang Xế Xế Xang Hồ  

Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên 

Kiều Thu hề Tố hỡi em ! 

Nghiêng chân bốn bể mà xem lửa bùng  

Xế Xừ Xang khói mờ rung 

Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn.

4.Lam Phương (1937 - 2020)

Sự nghiệp âm nhạc của Lam Phương được nhắc nhở rất nhiều. Bài này xin ghi nhận một số ý kiến tiêu biểu.

* "Lam Phương và Những Sáng Tác Để Đời,” (vangson.info): 

Mới 10 tuổi, Lam Phương giả từ mái tranh nghèo xơ xác nơi miền quê Rạch Giá, tấp tểnh tới Saigon ở nhờ nhà bà Dì vùng Tân Định. Vừa học vừa làm sống qua ngày. Một thời gian sau đưa Mẹ và 5 em lên sống chung trong căn gác tồi tàn khu Đakao lầy lội. Bắt đầu sáng tác năm 15 tuổi, với nhạc phẩm đầu tay: Chiều Thu Ấy. Hai ba năm sau thêm Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Trăng Thanh Bình, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa…  Các hãng đĩa nhạc đua nhau ký hợp đồng với tác giả để thu âm. Ông để lại gia tài đồ sộ, với chừng 200 bài hát, hầu hết rất được ưa thích.

* Sách về Lam Phương, "Thoát Nghèo nhờ Kiếp Nghèo,” Nguyễn Thanh Nhã, vnexpress.net, 1.12.19:

"Giữa năm 54, những cơn mưa tầm tã phủ kín phố phường Saigon. Vùng Đakao ngập úng nặng nề. Một buổi xế chiều, Lam Phương phờ phạc đạp xe về xóm trọ. Thấy trên hiên nhà Mẹ đang loay hoay hứng từng chậu nước. Căn gác ọp ẹp hiện ra trước mắt người nhạc sĩ trẻ tuổi như một cảnh sống tối tăm của những phận đời mong manh, trôi nổi. Ngậm ngùi sầu muộn, Ông viết Kiếp Nghèo:

Thương cho số kiếp tha hương  

Thân gầy gò gởi cho gió sương  

Đôi khi muốn nói yêu ai  

Nhưng ngại ngùng đành lãng phai 

Đêm nay giấy trắng tâm tư  

Gởi về người chốn mịt mùng  

Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung.

Lam Phương hồi tưởng: Tôi viết Kiếp Nghèo trong tình cảnh thực sự của tôi lúc đó, viết trên những dòng nước mắt. Sau khi bán được bài Trăng Thanh Bình năm 1953, tôi mua chiếc xe đạp để đi học. Mỗi chiều, muốn về khu Đakao phải vòng qua đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Ngang trường Gia Long chẳng có một căn nhà nào. Đêm đó gặp trận mưa to, không chỗ ẩn trú, đành phải đi dưới mưa để về nhà. Quên cả thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết bài Kiếp Nghèo, nói về phận bạc của con người. Ông tâm sự chỉ với bài này mà mua được ngôi nhà khang trang cho mẹ với giá 40 lượng vàng.

* Đôi Điều về "Thành Phố Buồn" - Ca khúc đưa Lam Phương thành triệu phú:

Lam PhươngHạnh Dung cùng thuộc Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Năm 1970, Nhạc Sĩ thân thương của chúng ta đi công tác trên cao nguyên Dalat. Ngồi ngắm đồi thông vi vu gió lộng, không có Hạnh Dung chung đôi như ngày nào. Trong nỗi ray rứt nhớ người yêu dâng trào, Ông làm nên bài hát mà vừa phát hành một vài hôm là hết sạch. Tái bản nhiều lần vẫn không đủ cung cấp cho lượng người hâm mộ đông đảo. Tên tuổi nổi như cồn. Đâu đâu cũng nghe thoang thoảng:

"Thành phố buồn nhớ không em,  

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm.”

Điều không ai ngờ là nhạc sĩ thu về số tiền chưa nhạc sĩ nào có được: 12 triệu đồng, tương đương nửa triệu Mỹ kim.

* Về Ca khúc "Lầm":

Ngày 28.4.75, Hạnh Dung năn nỉ Lam Phương cùng đi lánh nạn cộng sản, nhưng Ông đành đoạn chối từ. 

"Hai hôm sau, chen chân với dòng người hối hả, Ông cùng vợ con vội vã chạy ra khu Khánh Hội tìm đường thoát thân theo tàu Trường Xuân. Bất chấp nhà cửa, tiền bạc gởi ngân hàng hơn 30 triệu chưa kịp lấy ra. Bỏ cả xe hơi trên bến cảng.

Như phần đông đồng bào tị nạn, tới Mỹ bước đầu bỡ ngỡ, chưa thể hội nhập vào cuộc sống mới, Ông phải làm đủ mọi chuyện, toàn là việc bằng chân tay: lau nhà, thợ tiện, thợ mài, tiệm tạp hóa, dọn dẹp, khiêng đồ, chất hàng... Đêm về còn đi đánh đàn mà cũng không dư giả gì. Hai vợ chồng thuê một nhà hàng mở phòng trà ca nhạc để đồng hương có chỗ gặp nhau, cùng giúp Lam Phương và Túy Hồng đỡ nhớ sân khấu. Công việc này không sinh lợi bao nhiêu mà oái oăm thay, chỉ sau thời gian ngắn, Lam Phương khám phá người bạn đời không còn chung thủy. Ông biết thân phận mình mất hết, đâu còn phong lưu giàu sang như hồi ở Saigon một thuở huy hoàng vương giả. Đời sống quá vất vả khó khăn, tâm hồn người vợ cũng dễ bị lung lay.

Cuối cùng là đổ vỡ, xẻ nghé tan đàn.

Với tâm hồn đa sầu đa cảm, Ông chua xót đắng cay sáng tác ca khúc Lầm mà một dạo, khắp hang cùng ngõ hẽm đâu đâu cũng nghe oang oang: 

Anh đã lầm đưa em sang đây  

Để đêm trường nghe tiếng thở dài  

Thà cuộc đời yên trong lòng đất  

Được trở về tiếng khóc ban sơ 

Hơn là mang kiếp mong chờ...

Anh đã lầm đưa em về đây  

Cho tâm hồn tan nát từng ngày  

Cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí  

Dìu lòng người sang chốn đam mê  

Đưa anh vào khổ lụy hôm nay...

Lời yêu thương nồng cháy  

Của hai mươi năm đầy  

Ngày yên vui hạnh phúc  

Ước vọng đến tương lai  

Đã vùi trong giấc ngủ say 

Cơn đau và vũng lầy.

Để anh đi, để anh viết, bằng yêu thương, bằng nước mắt, bằng con tim đọa đày, tìm quên trong miệt mài để quên nỗi buồn còn đây...

Con tim nào không hay đổi thay 

Cuộc tình nào không lắm hận sầu  

Ngọn đèn vàng lung linh hè phố  

Điệu nhạc buồn văng vẳng đâu đây  

Chỉ thêm làm giá lạnh đêm nay...

Lam Phương than thở:

"Trên đời này ai cũng có ít nhất một lần lầm lẫn, người lầm nhỏ, kẻ lầm lớn, nhưng tôi lại không may mắc phải cái lầm rất lớn trong cuộc đời mình.”

Chẳng biết có khi nào Ông cảm thấy tiếc nuối vì không chịu nghe lời nài nỉ của Hạnh Dung, người mà về sau kết hôn với ca sĩ Nhật Trường, sống chung được mấy năm.

*"Lam Phương, Người Nghệ Sĩ của Khăn Tay và Nước Mắt,” Trịnh Thanh Thủy, hungviet.org, 15.1.16:

Lam Phương đã chinh phục được số đông người mến mộ. Nhạc Ông dễ nghe, dễ hát. Ca từ giản dị, dễ hiểu, chân phương, mộc mạc. Thính giả cảm được tiếng lòng thổn thức, nhất là khi họ bị rơi vào hoàn cảnh trùng hợp bài hát. Hầu hết lời ca, chuyện kể trong các nhạc khúc của Ông đều diễn đạt những cách ngăn, hoài cảm, tiếc nuối kỷ niệm xưa của tình yêu đôi lứa, những buổi chia ly, sân ga, bến đò, vẫy biệt, khăn tay và nước mắt.

5.Đỗ Lễ (1941 - 97)

* "Tiếng Hát Ngày Xưa Cũ: Lệ Thanh với Sang Ngang và Chuyện Tình Không Suy Tư,” (Lê Quang Chác, kontumquetoi, 12.4.19):

Hằng đêm Đỗ Lễ thường hay đến các phòng trà Saigon để nghe tiếng hát Lệ Thanh. Giọng ca chan chứa nỗi lòng tan tát bởi chia ly của nữ ca sĩ đã thôi miên Đỗ Lễ đi vào bến mê.

* Theo nhà báo Lâm Tường Dũ, "Với tâm hồn đa cảm và bén nhạy yêu thương, Đỗ Lễ để hết lòng mình mở rộng đón tiếng hát Lệ Thanh đi sâu vào cõi thầm kín nhất của tình si. Yêu giọng ca, yêu cả con người. Thực sự lúc ấy, tầm vóc của Lệ Thanh, nói về tài nghệ và danh phận thì Đỗ Lễ chỉ là một bóng mờ.”

* Nhà Văn Hồ Trường An cho rằng: “Lệ Thanh hát như một người đang bị nghẹt mũi nhưng giọng vẫn vang lộng và làm mê hoặc tâm hồn khán giả.” Còn báo giới và công chúng thì nhận xét: “Lệ Thanh rất ngoan hiền, khiêm tốn, thuỳ mị, giàu lòng tế trọng.”

* Lê Quang Chác nói thêm: “Đỗ Lễ sáng tác nhiều ca khúc than thở cho thân phận người muốn leo cây bưởi, khi mà cành quá xa, hoa lung linh khêu gợi, nhưng bàn tay nhà nghệ sĩ ngắn quá, không sao với tới.”

Năm 1965, Lệ Thanh lên xe hoa cùng chàng bác sĩ, giả từ sân khấu và ánh đèn màu. Đỗ Lễ nghe tin này như sét đánh ngang tai

Trèo lên cây bưởi hái hoa  

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân  

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc 

Em có chồng anh tiếc lắm thay.

Không hơn gì nhiều người khác khi bị phụ tình, Đỗ Lễ cũng uống rượu tiêu sầu. Trong niềm đau lai láng, Ông gục đầu rên xiết, rồi gởi gắm tâm sự qua tình khúc xót xa tràn đầy nước mắt: Sang Ngang.

Thôi nín đi em,  

Lệ đẩm vai rồi,  

Buồn thương nhớ ơi ! 

Anh hỡi đôi mình,  

Mộng nay đã tan,  

Tình đã dở dang.

Anh khóc những chiều,  

Em xót xa nhiều,  

Thương cho tình yêu 

Nỗi buồn chua cay,  

Khi lòng đổi thay,  

Thôi hết sum vầy…

Nếu biết rằng tình là dây oan.  

Nếu biết rằng hợp rồi sẽ tan.  

Nếu biết rằng yêu là đau khổ.  

Thà dương gian đừng có chúng mình 

Lau mắt đi em,  

Gần hết đêm rồi,  

Buồn thêm nữa sao 

Mai bước sang ngang,  

Lòng thêm nát tan,  

Tình đã dở dang  

Thôi khóc làm gì,  

Đã lỡ duyên thề,  

Thương nhau làm chi? 

Nỗi buồn ai hay,  

Khi mình chia tay,  

Xa cách nhau rồi…

Năm tháng trôi qua,  

Nay bỗng nhớ lại,  

Chuyện tình đắng cay 

Anh nén thương đau,  

Nhìn tình dở dang,  

Lòng thêm khóc than 

Ôi xót xa nhiều,  

Lệ bỗng tuôn trào,  

Thương cho tình côi  

Trách thầm người yêu,  

Nỡ phụ tình tôi,  

Không nói nên lời 

Nếu biết rằng cuộc đời ngang trái,  

Nếu biết rằng tình này chóng phai 

Cho chúng mình mang nhiều đau khổ,  

Thì yêu đương đành cố chôn vùi 

Thôi nhé em ơi,  

Tình đã lỡ rồi,  

Buồn cũng thế thôi 

Anh nén chua cay,  

Nhìn em khóc than,  

Tình duyên bẽ bàng  

Thôi nhắc làm gì,  

Cho xót xa nhiều  

Bao nhiêu hận căm  

Mối tình ngày xưa,  

Xóa dần trong mơ,  

Chôn xuống tuyền đài.

*Theo Trần Nhật Vy, "Những Bức Thư Tuyệt Mệnh của Tác Giả Sang Ngang,” zingnews.com, 1.12.16:

“Khoảng cuối 64, Hoài Xuân là người đầu tiên trình bày nhạc phẩm này tại phòng trà nhỏ vùng Đakao. Với vóc dáng mảnh mai xinh xắn, đôi mắt buồn não nuột, cất giọng ca thê lương băng giá giữa màn đêm, giới thưởng ngoạn ngợi khen hết mình. Hôm đó, Đỗ Lễ cũng có mặt. Hai tâm hồn, một hoàn cảnh, cùng chung mối sầu. Từ đó, Đỗ Lễ vẫn đến các phòng trà nơi Hoài Xuân trình diễn, đưa đón như cặp tình nhân. Thế rồi họ kết hôn.”

Trần Nhật Vy cũng cho biết:

 "Tính tình Đỗ Lễ hiền lành, quảng giao. Nói chuyện với anh không sợ bị bắt bẻ lôi thôi. Đó là gã đàn ông trạc 50, đầy tế tin, ăn mặc chải chuốt, cao 1.60 m, dáng dấp không mấy đẹp trai.

"Bạn tôi kể cuối thập niên 80, khi đi bưu điện lãnh quà nước ngoài, cô cùng nhiều phụ nữ khác chen nhau coi mặt Đỗ Lễ. Những ca khúc đầy nước mắt của anh khiến họ liên tưởng tác giả là "người đàn ông tuyệt vời.” Nhưng sau khi thấy rõ "thần tượng,” tất cả đều thốt lên: "ổng vậy thì bị sang ngang là phải rồi.” 

1994, Đỗ Lễ qua Mỹ đoàn tụ với con. Vài năm sau trở về rồi uống thuốc tế vẫn.

6.Huỳnh Anh (1932 - 2013)

Huỳnh Anh viết chừng 20 bài rất được mến chuộng. Nhạc của Ông nói nhiều về mưa, mưa hiu hắt, mưa rơi sầu nhân thế... Suốt chặng đường dài 20 năm, Huỳnh Anh là tay trống cự phách khắp các sân khấu vũ trường và phòng trà ca nhạc Saigon. Có lẽ vì quá bận rộn với nghề nhạc công mà Ông không còn thì giờ sáng tác.

Trước 75, Huỳnh Anh kết hôn với Thanh Hằng, vừa đẹp vừa giàu sang. lắm đàn ông vây quanh. Theo suy đoán của ca sĩ Phương Dung, chính những nét phong lưu quý phái đó của bạn đời làm anh hay ghen tuông, cuối cùng sinh ra đổ vỡ, phải đi đến ly hôn. Từ đó trở nên mất phương hướng, hay uống rượu giải sầu, buông xuôi cho số kiếp.

"Lạnh Trọn Đêm Mưa" bộc lộ nỗi niềm đau thương của người nghệ sĩ hết lòng với tình yêu nhưng bị trả lại toàn cay đắng trái ngang.

Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng  

Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm  

Mưa rơi gác xưa thêm lạnh vắng  

Phòng côi lắng tiêu điều 

Đường khuya vắng đìu hiu 

Đêm sầu đi trong tủi nhớ  

Bao thương nhớ chỉ là mộng mơ  

Đêm nay tiếng mưa rơi buồn quá  

Mưa đem sầu riêng ai 

Buồn ơi đến bao giờ 

Mưa ơi! Mưa ơi!  

Mưa gieo sầu nhân thế, mưa nhớ ai? 

Biết người thương có còn nhớ hay quên.  

Riêng ta vẫn u hoài  

Đêm, đêm tiếp đêm nhớ mong người  

Đã cách xa

Mưa buồn rơi rơi ngoài phố  

Nghe như tiếng nhạc buồn triền miên 

Đêm nao chốn đây ta dìu nhau 

Trao muôn ngàn lời thơ 

Chờ mong đến kiếp nào?

Mưa trọn đêm 

Mưa trọn đêm 

Mưa trọn đêm.

* Nhạc Sĩ Trần Chí Phúc (Việt Báo.com, 19.12.13) cho biết:

"Huỳnh Anh cư trú tại San Francisco, thỉnh thoảng về San Jose tham dế những chương trình văn nghệ cộng đồng, lúc đàn, lúc hát, giọng ca của Ông thật truyền cảm, diễn tả phong cách người nhạc sĩ lão luyện từng ở trong ban nhạc trình diễn cải lương, phòng trà lừng lẫy một thời.”

Ngoài sáng tác, năm 1981, Huỳnh Anh còn điêu luyện phổ thơ Hoàng Ngọc Ẩn thành ca khúc cùng tên: Rừng Lá Thay Chưa, khiến ai nghe mà không khỏi xao xuyến bồi hồi:

Anh đi, rừng chưa thay lá  

Anh về, rừng lá thay chưa?  

Phố cũ bây chừ xa lạ  

Hắt hiu đợi gió giao mùa 

Xuân xưa mình chung đôi bóng  

Xuân này mình ngóng trông nhau 

Hun hút phương trời vô vọng  

Nhớ thương bạc trắng mái đầu 

Em có về qua phố cũ? 

Phố phường giờ đã đổi thay 

Thương em nửa đời hoang phế  

Thương ta chịu kiếp lưu đày 

Xuân nay mình em lẻ bóng  

Có còn tiếc nhớ xuân xưa? 

Dài tay đếm từng nhung nhớ  

Em ơi ! Đợi gió giao mùa...

Là người xã giao rộng rãi, bạn bè thương mến, nhiều thân hữu ghi lại những cảm nghĩ về Ông trong Tạp Chí Cỏ Thơm (sinh hoạt và đời sống.blogspot.com):

* "Huỳnh Anh và Thuở Ấy Có Em,” Lý Minh Hào: đối với Huỳnh Anh, rượu gần như môi giới, trung gian giữa âm nhạc và tình yêu, giữa viết nhạc và ca hát. Có người ví tình yêu mông lung như sợi tơ, và rượu mông lung như cơn mộng mị. Hai thứ đó không có gì xung khắc mà nhiều khi còn tương hợp nữa. Tình yêu, thơ, nhạc và rượu lắm khi quyện vào nhau như hình bóng, như ánh sáng và bóng tối, tương phùng rồi ly biệt, yêu nhau rồi xa nhau.

Người thất tình hứng chịu nỗi đau buốt từ con tim trống vắng khi "cõi lòng anh thiếu em,” như cảnh "mái lầu kia thiếu trăng.” Với giọng không quá khàn đục, vì không còn cất thành tiếng được nữa, cũng chẳng nhiều thống thiết nghẹn ngào, Huỳnh Anh diễn đạt phần điệp khúc trong bài Thuở Ấy Có Em rất chua xót, như tiếng nấc bi ai của người đau khổ không nói nên lời. Phải vươn tới những lúc đủ độ men say để buông khúc hát túy ca, Huỳnh Anh mới xuất thần hát hay thực sự.

* "Huỳnh Anh: Người Độc Hành trong Kỷ Niệm qua Nhạc, Thơ, Sân khấu và Điện ảnh,” Nguyễn Vĩnh Thanh Vân, Calitoday, 22.10.04:

Huỳnh Anh vốn không nhiều lời, nhưng lại rất giàu tình cảm. Cho nên càng giàu tình cảm bao nhiêu lại càng thiếu thốn về vật chất bấy nhiêu. Tuy không sáng tác nhiều, nhưng chỉ cần "Mưa Rừng" mà thôi, Huỳnh Anh cũng dư sức thành triệu phú cả chục lần vào những năm 60, nhất là sau khi tuồng cải lương được đưa lên màn ảnh. Thế mà Huỳnh Anh chưa lần nào là triệu phú. Ôm ấp cây đàn muôn điệu, anh đã sống một đời nghiệt ngã, chứng kiến và kinh qua những cuộc tình thơ mộng, có khi lọc lừa, những lần chia tay đẩm lệ, những chiều mây giăng kín khung trời, những nhớ nhung về quê hương mờ mịt... Đó là tâm trạng của người nghệ sĩ trong ca khúc: Mùa Thu Không Còn Nữa:

Tôi đi giữa mùa thu 

Mùa thu Cali buồn  

Buồn như cuộc đời mình  

Từ khi hai đứa hai nơi  

Mùa thu như không còn nữa   

Năm tháng hững hờ trôi 

Từ khi em đi rồi  

Còn nghe lòng chạnh buồn 

Buồn cho số kiếp đơn côi  

Những chiều buồn lạnh giá tim tôi. 

* "Vĩnh Biệt Nhạc Sĩ Huỳnh Anh,” Trần Quốc Bảo, sucmanhcongdong.net:

Ngày 6.12.13, Phương Hồng Quế gọi điện thoại tới nhạc sĩ Huỳnh Anh: "Anh Ba ơi ! Tình hình sức khỏe Anh giờ thế nào. Tụi em dưới này nghe tin Chị Trúc Mai bảo lo quá.” Huỳnh Anh trả lời rất yếu: "Mệt lắm em ơi ! Bác sĩ sẽ cho biết rõ ràng 2 ngày nữa.” Quế tiếp: "Anh rán khỏe lại, rồi xuống đây nhé. Mấy anh chị Ngọc Chánh, Thanh Thúy, Trung Nghĩa... muốn làm một đêm Huỳnh Anh vào tháng giêng tới đây. Hôm đó Anh phải bay xuống nhé.” Huỳnh Anh thều thào những câu nói rất nhỏ: "Cảm ơn mọi người ủng hộ anh. Phải coi sao đã, chứ anh mệt lắm rồi.”  

Một tuần sau, Jimmy Tòng báo hung tin Anh ra đi lúc 3 giờ chiều, ai ai cũng hết sức bàng hoàng xúc động. Vĩnh biệt Huỳnh Anh, tay trống và giòng nhạc tài hoa. Vĩnh biệt nụ cười đôn hậu khoan dung.

Nhiều ca nhạc sĩ trong ngoài nước chân thành gởi lời chia buồn cùng toàn thế tang quyến và cầu mong hương linh Anh sớm được về cõi Phật.  

7.Bảo Thu (1944 - )

Theo Wiki, Bảo Thu thuở đầu sống bằng nghề ảo thuật gia. Do có năng khiếu âm nhạc, nên những khi chờ đợi xuất diễn, Ông thích đàn hát và sáng tác cho qua thì giờ. Nhờ vậy mà Ước Vọng Tương Phùng ra đời năm 20 tuổi, thắng giải thưởng của Đài Phát Thanh Saigon.

Qua 21 tuổi, Ông phụ giúp nhạc sĩ Nguyễn Đức tập dợt cho nhóm trẻ Việt Nhi, gồm những cô gái dậy thì 14, 15 tuổi, trong đó Phương Hoài Tâm với má lúm đồng tiền, cặp mắt long lanh, mái tóc uốn cong như vầng trăng khuyết từng làm ông xao xuyến bâng khuâng. Phương Hoài Tâm là mỹ nhân của cả thế hệ học trò thập niên 60...

Bảo Thu mở lớp nhạc ở đường Trần Hưng Đạo. Hai nhà không quá cách xa, Ông hay tới chỉ dẫn Phương Hoài Tâm ca hát, cùng giới thiệu cô trình diễn tại một số phòng trà.

Rồi đến lúc Phương Hoài Tâm rời ban Việt Nhi để hát đơn ca, trở thành nổi tiếng. Do hay mặc áo dài trắng nên được khán giả và báo chí mệnh danh là "Tiếng hát học trò.”

Ở tuổi 16, Phương Hoài Tâm thừa biết và thấu hiểu tình cảm Bảo Thu dành cho mình. Xuất thân là con nhà gia giáo, Phương Hoài Tâm luôn ý tứ giữ khoảng cách chừng mực với nhạc sĩ. Một hôm cô hỏi Bảo Thu có hề nghĩ đến chuyện lập gia đình chưa? Bảo Thu lúng túng trả lời vì còn nhỏ tuổi, chẳng có công danh sự nghiệp nên chưa tính chuyện vợ con. Rồi Phương Hoài Tâm ngập ngừng thổ lộ là ba mẹ đã trót hứa hôn cho một người khác. 

Nghe xong, Bảo Thu như kẻ mất hồn. Bắt chước Hàn Mặc Tử mà thở vắn than dài:

Người đi một nửa hồn tôi mất 

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Thế là Bảo Thu tuôn trào bài hát:  Đừng Hỏi Vì Sao Tôi Buồn

Lòng buồn nhìn theo xác pháo tiễn người yêu bước ra đi.  

Lòng tôi lạnh lẽo cô đơn, chớ hỏi vì sao tôi buồn.  

Từ đó, Bảo Thu chẳng còn tập nhạc cho Phương Hoài Tâm nữa. Sầu dâng lai láng. Nhớ những ngày thơ mộng đàn hát bên  người yêu bé nhỏ, ông ray rứt gởi lời hỏi han hình bóng cũ qua bài Giọng Ca Dĩ Vãng:

Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát 

Thì anh tay phím nắn nót cung đàn  

Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ. 

Nhẹ dìu lời ca em thăng trầm theo từng lúc  

Và rồi hờn yêu em khi nào em hát sai 

Em nũng nịu cười, nói: Sai là tại anh.

Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai  

Hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi  

Rồi em đành chối tiếng giao hòa  

Từ ly là tiếng thét đau lòng sầu đơn lối.

Ai đang xây mộng cát vàng cao sang 

Ai đem cung nhạc tiếng đàn gieo hoang? 

Lời ca ngày đó đã xa rồi  

Mà ai còn chuốt mãi cung đàn vọng về tim.

Giờ đây mỗi lần em buông tiếng hát  

Thì ai thay thế nắn phím cung đàn  

Từng nhịp nhặt khoan ai sẽ dìu theo tiếng em.

Và lời hờn yêu em nay còn như ngày trước  

Và rồi tại ai trong mỗi lần em hát sai  

Cung lỡ dây chùng mấy ai đàn đừng sai.

Bảo Thu tâm sự:

“Sau khi viết xong nhạc phẩm này, ông đưa cho một số bạn bè và người quen để nghe ý kiến của họ. Có người cho rằng thầy dạy học trò hát rồi nấy sinh tình cảm là chuyện thường tình, ai cũng biết, chẳng có gì mới lạ, cho nên nếu xuất bản thì chắc khó thành công. Một số khác nghĩ rằng tuy chuyện tình khá quen thuộc đâu đây, nhưng chưa ai viết ra, họ tin là sẽ có nhiều người ưa thích nỗi niềm xót xa của tác giả.”

Quả đúng như nhóm bạn sau vừa nhận xét. Trong buổi phỏng vấn trên Jimmy Show, Ông kể lại:

“Ngày trước, khi tới thương thảo với các nhà phát hành Diên Hồng và Tinh Hoa, không ngờ bên nào cũng tranh giành độc quyền ký hợp đồng in Giọng Ca Dĩ Vãng và chấp nhận trả một số tiền bản quyền trước cho tác giả. Chỉ chưa đầy 10 năm mà họ in tới một triệu tờ nhạc, đem về cho Bảo Thu số tiền tương đương 1.000 lượng vàng. “

Tuy mộng tình không tròn ước nguyện, nhưng lúc nào Bảo Thu cũng nói rằng nhờ tình yêu đơn phương với Phương Hoài Tâm mà ông trở thành nổi tiếng trong sự nghiệp âm nhạc.

Mãi hai mươi năm sau kể từ ngày ly biệt, Bảo Thu vẫn trông ngóng người xưa. Chính vì vậy mà Ông sáng tác Giọng Ca Dĩ Vãng 2 (hay “Đàn Xưa Ngóng Đợi”):

Ngày xưa mỗi lần em hát thì có anh đàn  

Hai mươi năm rồi đàn anh vẫn thiếu em 

Nên đàn sầu bụi bám nhện giăng  

Dây chùng phím lạc nằm chơ vơ trên vách gỗ lạnh lùng  

Mãi đợi chờ tiếng hát năm xưa.

Đàn ơi đàn ơi hãy thương giùm tôi  

Trời cao đất rộng biết tìm em nơi nao  

Biết tìm em nơi nao  

Người ơi người ơi người đang ở đâu  

Đàn xưa ngóng đợi bước người về hoang ca 

Cho đàn trôi tâm ca.

Giờ đây mỗi lần em hát lòng tái tê lòng  

Cung thương nhạt nhòa người thương đã vắng xa 

Thương chiều tà phủ kín hồn ta phương trời cách biệt.

Giờ em ca ai kết thúc trao lời  

Mà đàn tình này lại nín phím im hơi  

Đàn ơi đàn ơi người ơi người ơi  

Đàn ơi người hỡi. 

8.Châu Kỳ (1923 - 2008)

Châu Kỳ thành danh rất sớm. Sáng tác cả mấy trăm nhạc phẩm được nhiều người ưa thích. Năm 1964, nghe ca sĩ Thanh Thúy lập gia đình, ông viết bài Được Tin Em Lấy Chồng, gây thành tiếng vang lớn và thu về thù lao đáng kể, mua cả chiếc xe hơi.

Khoảng 1940, lúc còn học phổ thông ở Huế, Ông biết một thiếu nữ xinh đẹp con quan thượng thư, Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh.

Thoáng thấy tiểu thơ quyền quý ngồi đan áo trên ban công tư dinh lầu son gác tía. Chàng học sinh bên dưới vừa ngước nhìn lên vừa đánh đàn tỏ tình. Chợt cô ngó xuống, buông câu phủ phàng: "Đồ xướng ca vô loài,” rồi lặng lẽ bỏ đi.

Về sau, cô lấy chồng sĩ quan người Pháp. Hiệp định Geneve, ông ta trở về cố hương, bỏ lại cô lạc lõng bơ vơ giữa Saigon hoa lệ. Năm 1970, một hôm ngồi trong quán nước bên đường Nguyễn Trãi, thấy hình bóng quen thuộc rảo bước ngang qua, ông vội vã chạy đến thì nhận ra người đẹp năm xưa sau 30 năm xa cách, giờ tàn tạ rách rưới tả tơi. Hỏi thăm mới biết hoàn cảnh đáng thương tâm, đang ở đậu nhà bạn miệt Gia Định, trong túi chỉ còn 5 đồng đủ mua bát cháo.

Xót xa số phận bi thảm, ông lấy hết 300 đồng trao cho cô, rồi ngỏ ý chở về nhà. Cô ái ngại cầm tiền, ngậm ngùi bật khóc. Sau lần tái ngộ bất ngờ đó, Ông dào dạt cảm hứng, sáng tác Giọt Lệ Đài Trang.

Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng  

Ngày xưa ai quyền quý cao sang 

Em chính em ngày xưa đó  

Ước xây đời lên tột đỉnh nhân gian.

Ngày xưa ai mến nhạc yêu đàn  

Ngày xưa ai nghệ sĩ lang thang 

Tôi chính tôi ngày xưa đó  

Cũng đèo bồng mơ người đẹp lầu quan.

Rồi một hôm tôi gặp nàng  

Đem tiếng hát cung đàn  

Với niềm yêu lai láng  

Nhưng than ôi quá bẽ bàng 

Bao tiếng hát cung đàn  

Người chẳng màng còn chê chán.

Nhìn đời thấy lắm phủ phàng  

Mượn tiếng hát cung đàn  

Quên niềm đau dĩ vãng  

Hay đâu giông tố lan tràn  

Lên gác tía huy hoàng  

Xiêu đổ theo nước mắt nàng.

Còn đâu đâu lá ngọc cành vàng  

Còn đâu đâu quyền quý cao sang 

Em hỡi em ngày xưa đó  

Đến bây giờ phiêu dạt giữa trần gian.

Gặp tôi vẫn tiếng nhạc cung đàn  

Đời tôi vẫn nghệ sĩ thênh thang  

Em em nhớ xưa rồi em khóc  

Tôi thoáng buồn thương giòng lệ đài trang.

 * “Nhạc Sĩ Châu Kỳ Ra Hải Ngoại,” Ngân Khánh, Việt Báo, 30.6.05:

Sau 75, cũng như số phận của các văn nghệ sĩ kẹt lại, Châu Kỳ phải tập trung học tập một thời gian dài. Rồi không còn được tế do sáng tác như xưa. Để kiếm sống qua ngày, trong những năm đầu mới ra tù, ông gia nhập một số đoàn hát chui đi trình diễn nhiều địa phương xa thành phố. Nhưng dần dần sân khấu bị kiểm soát chặt chẽ nên ông không thoát khỏi tình cảnh thiếu thốn chật vật. Phải bán căn nhà ở quận 3 để chuyển ra vùng ngoai ô Nhà Bè hẻo lánh. Ông thường đùa vui khi có người hỏi địa chỉ mới: Tôi hiện ở đường không tên, nhà không số, phố không đèn. Nơi chốn xa xôi vắng vẽ ấy, ông cảm tác Bỏ Phố Lên Rừng:

Người phụ tôi rồi có phải không 

Cớ sao lại bỏ phố lên rừng  

Một đi không nửa câu hò hẹn  

Người giả từ mà ánh mắt rưng rung.

Người phụ tôi rồi có phải không  

Cớ sao lại bỏ phố lên rừng  

Bỗng dưng làm kiếp chim xa lạ  

Biệt núi sầu người có thấy nhớ nhưng.

* "Little Saigon: 65 Năm Dòng Nhạc Châu Kỳ - Dấu Ấn Không Bao Giờ Phai,Văn Lan, nguoiviet.com:

Trong đêm nhạc hội này, một số người chia sẻ:

- Ca sĩ Hương Thơ: nhạc Châu Kỳ như khoác đủ sắc màu của nhiều chiếc áo khác nhau, từ nhạc sang đến nhạc buồn, bolero, đến cả những âm hưởng Tây phương. Nên có thể nói nhạc ông rất đa dạng, hát được cũng không dễ vì mình phải biết chọn lựa bài nào hợp với chất giọng của mình.

- Ông Phạm Hải Đông: Nhiều lúc tôi nghĩ một bài nhạc với những giai điệu đẹp, đi vào lòng khán giả qua bao năm tháng, đôi khi chỉ nghe mà thích có lẽ cũng đủ rồi, chắc tác giả chẳng bận tâm người ta biết tên mình, họ có bài hát lưu lại cho đời là thấy niềm vui. Như tôi "đón xuân này nhớ xuân xưa,” hồi năm 69, ngày Tết đóng quân ở tiền đồn Xa Mát, Tây Ninh, nghe qua radio mà nhớ nhà da diết. 

- Ông Văn Thế Nguyên: Cỡ tuổi tôi thì nói Châu Kỳ chắc ai cũng biết, riêng tôi thú thật hồi đó đi xe đò về quê, qua Bắc Cần Thơ nghe mấy ông mù đánh đàn, hát bài "Khuya Nay Anh Đi Rồi,” mình cho tiền giúp người ta, nghe hay quá mà cũng không tìm hiểu tác giả tên gì, hôm nay được giới thiệu mới biết là Châu Kỳ.

- Bà Châu Quyên: tụi tôi đọc báo thấy có chương trình nhạc Châu Kỳ, háo hức từ mấy ngày nay rồi. Người ta thường nói nhạc Ông là nhạc "sến.” Tôi thấy không đúng. Không thể nào xếp loại như vậy. Bởi vì nghệ thuật âm nhạc không phải phân biệt đẳng cấp sang hèn, chỉ có người nghe thích hợp với loại nhạc nào mà thôi. Dân ngoại quốc có bao giờ cho bolero là nhạc sến đâu, chỉ do người mình tế đặt ra. Đêm nhạc hôm nay quá hay, chọn bài cũng tuyệt vời, ca sĩ "yếu" sẽ không diễn tá nỗi những bài này đâu.

* Theo nhà báo Thu Hương (phapluatplus.vn): trưởng nữ nhạc sĩ Châu Kỳ, Châu Huyền Khanh cho biết tuy cha cô rất thành công trong cương vị nhạc sĩ lẫn bầu show, kiếm được nhiều tiền nhưng vì mang "tính nghệ sĩ" mà ông ít chăm lo kinh tế cho gia đình. Cứ mãi vui chơi, bỏ hết ruột gan với bạn bè. Hể có tiền rủng rỉnh là lại nhậu nhẹt, bù khú với bạn. Bởi vậy mẹ cô phải cục khổ lo cho cả nhà.

* "Cuộc Trò Chuyện với Vợ Nhạc Sĩ Châu Kỳ Nhân Đầu Năm Đinh Hợi,” Nguyễn Thiện, báo Phụ Nữ Tân Niên:

Kha Thị Đàng thổ lộ: Thực sự tôi cũng quá khổ sở với ông. Tôi đã buồn cho số phận. Vì dù sao tôi cũng là người đàn bà còn quá trẻ. Thậm chí, nhiều khi tôi cảm thấy hạnh phúc của mình quá ư mong manh. Có lúc tôi từng tuyên bố: "Tôi không ràng buộc gì anh, chấp nhận dang dở. Anh có thể ra đi, miễn là con để lại tôi nuôi.”

Có thời điểm tôi đứng bên bờ vực thẳm của nguy cơ đổ vỡ gia đình.  Bản năng hưởng thụ ngày càng thể  hiện rõ nơi con người ông ấy. Những canh rượu, bạn thơ, bạn nhạc nối tiếp nhau suốt ngày đêm. Xài tiền như nước. Ông càng huy hoàng, tôi càng thu mình lại để lo cho hai con. Bề ngoài, tôi luôn thể hiện nghị lực của một người "có học,” nên những bóng hồng lãng vãng quanh ông ấy không đáng để mình bận tâm, nhưng tận sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn là người đàn bà với nỗi buồn ray rứt thâu đêm. Tôi quyết định tế thân vận động, xin vào làm nhà máy giấy Cogivina, tiền ông ấy mặc sức ông xài, chỉ về nhà để ăn khuya và ngủ. Nhưng được một điều, dù về khuya thế nào, bao giờ ông cũng mang về món ăn ngon cho vợ con.

* "Đám Tang Nghèo của Nhạc Sĩ Châu Kỳ,” Lê Ngọc Dương Cầm, Một Thế Giới, 4.10.15:

Khi mất, nhạc sĩ họ Châu có một đám tang lặng lẽ. Trưa 6.1.08, ca sĩ Giao Linh gọi cho phóng viên Một Thế Giới: "Con ơi!  Chú Châu Kỳ mất khuya nay rồi, con tìm địa chỉ gấp. Cô chú đi viếng ngay. Thương quá, mới thấy đó mà mất rồi.”

Hỏi thăm đường, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra chỗ cư trú của nhạc sĩ ở Thủ Đức. Đó là căn nhà nhỏ nằm trong xóm lao động. Khách viếng thưa thớt, không thấy nhân vật nổi tiếng nào.

Chiếc quan tài nằm giữa gian chính, chật cả lối đi. Đám tang hiu quạnh, vắng vẽ. Theo ý nguyện người quá cố, trong đám tang mở những ca khúc do ông sáng tác, thay cho tiếng đờn cò, gõ mõ não nùng.

Kha Thị Đàng lặng lẽ ngồi một góc riêng, nâng niu sách nhạc hơn 300 bài hát của chồng, đó là tài sản quý báu duy nhất ông để lại cho vợ sau chuỗi ngày rong chơi giữa cuộc đời.

Bà cho biết: Ông có cuộc sống nhẹ nhàng, không màng danh lợi, bạc tiền. Phải nằm liệt giường hai tháng, không phải ca sĩ nào từng hát nhạc ông cũng tìm đến thăm. Những ca sĩ lớn tuổi thành danh nhờ vào ca khúc của ông đa phần sống ở hải ngoại, họa hoằn mới có người về Việt Nam ghé lại thăm. Nhiều ca sĩ hát và thu âm nhạc ông, bán đĩa thu lợi nhuận, ai có lòng thì tìm đến gởi chút tiền tác quyền, còn không ông cũng chẳng bận tâm.

Mỗi độ xuân về, người Việt lại nhớ đến ông. Mọi đường sá ngõ ngách khắp đất nước lại vang lên lời hát:

"Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa.  

Một chiều xuân em đã hẹn hò.  

Như ươm tình trong cánh hoa mơ,  

Đưa hương theo làn gió.  

Em nói rằng em viết thành thơ.

Phạm Văn Duyệt

Trần Văn Giang (ghi lại)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn