Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Vào đầu mùa hè năm nay, 17 năm sau khi chia tay, Jennifer Lopez và Ben Affleck đã quay trở lại với nhau - và tạo nên một trận bão trên internet về những hoài niệm về một cuộc tình của cặp đôi nổi tiếng đầy quyến rũ thời đầu thập niên 2000.

Họ là một cặp đôi quyền lực, và báo lá cải cùng người dùng Twitter không thể bỏ qua.

Nhưng có lẽ lý do khiến mọi người hào hứng theo dõi nhất, đó là điều gì khiến cho người ta muốn quay lại với tình cũ.

Với nhiều người, việc nối lại tình xưa là chuyện lãng mạn.

Đó có thể là một cảm xúc tiêu cực với đầy những thứ khiến họ phải cảnh giác, nhất là khi người cũ khăng khăng không chấp nhận được thực tế là hai người đã chia tay.

Nhưng việc bồi đắp lại một mối quan hệ cũng có thể là một cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn, thậm chí là cái đích đối với một số người, đặc biệt là khi trong thực tế đã có những câu chuyện có hậu như trong cổ tích.

Thêm nữa, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các cặp đôi chia tay rồi quay lại với nhau cao tới 50%.

Đại dịch thậm chí thúc đẩy tiến trình này mạnh mẽ hơn đối với một số người: giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và trong tâm trạng cô đơn, thiếu thốn tình dục do phong tỏa, nhiều người nhận thấy họ đã tìm lại người cũ với hy vọng sẽ thắp lại được ngọn lửa đam mê xưa.

Các chuyên gia nói rằng nếu cả hai người đều có hứng thú, thì việc tạo ra một 'Bennifer' của riêng mình có thể sẽ đem lại những điều tích cực, nếu như bạn sẵn lòng đầu tư nhiều cho mối quan hệ này và có cái nhìn cởi mở.

Điều gì khiến người ta quay lại với tình cũ

Một trong những lợi thế lớn nhất của việc nối lại tình xưa, đó là bạn hầu như biết được mình đang bước vào kiểu quan hệ gì.

"Có một số lợi thế thực sự khi bạn biết rõ đối phương trước khi thử bước chân vào mối quan hệ dài hạn này một lần nữa," Michael McNulty, chuyên gia tư vấn tâm lý cho các cặp đôi tại Chicago và là huấn luyện viên tại Viện Gottman, một tổ chức nghiên cứu về các mối quan hệ và cung cấp dịch vụ tư vấn, nói.

McNulty nói rằng trong mọi mối quan hệ tình cảm đều tồn tại những "khác biệt vĩnh viễn". Đó là những điểm có thể gây xung đột, như việc phải chia sẻ không gian sống chung với nhau, chuyện tiền bạc, tình dục, con cái, bạn bè gia đình và nhiều thứ khác.

Ngay cả các cặp đôi hạnh phúc cũng phát sinh những vấn đề này, do một mối quan hệ về căn bản là luôn luôn tồn tại những khác biệt giữa hai người khác nhau với những tính cách và quan điểm khác nhau.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việc quay trở lại với người cũ có thể đem lại cái kết có hậu, nhưng chỉ khi cả hai bên đều nghiêm túc nhìn nhận lại những vấn đề vốn đã khiến họ chia tay khi trước, các chuyên gia nói

McNulty nói rằng theo nghiên cứu của Viện Gottman, những khác biệt vĩnh viễn này chiếm 69% các vấn đề mà hầu hết các cặp đôi phải đối diện trong quan hệ tình cảm.

Các vấn đề tồn tại âm ỉ, kéo dài mới thực sự là thuốc độc trong mối quan hệ chứ không phải là những sự kiện hay những cuộc đối đầu to lớn, bùng nổ dữ dội.

"Hầu hết các cuộc hôn nhân hay các mối quan hệ tình cảm đều kết thúc trong băng giá thay vì trong lửa hận," McNulty nói.

Một số cặp đôi "cảm thấy quá khó khăn để nói chuyện hay để xử lý các khác biệt trong những vấn đề then chốt. Thường là họ sẽ ngày càng trở nên xa cách hơn, và trở nên giống như bạn cùng nhà chứ không còn là những cặp phối ngẫu hay người tình của nhau."

Đó là lý do vì sao một số người muốn quay lại với người cũ hoặc cố gắng níu kéo quan hệ với người hiện tại.

Ta thường mong muốn rằng mối quan hệ mới sẽ tốt đẹp hơn chuyện tình cũ, nhưng McNulty khuyến cáo cần cảnh giác: "Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ và nghĩ tới việc thoát ra thì hãy cẩn thận, bởi vì bạn về căn bản là đang đánh đổi 69% "khác biệt vĩnh viễn" ở người tình này lấy 69% "khác biệt vĩnh viễn" ở một người tình khác."

Vậy nếu bạn quay trở lại với người cũ, ít nhất bạn cũng đã biết rõ những khác biệt đó là gì. Bước chân vào lối mòn của mối quan hệ này có thể khiến bạn cảm thấy sẽ ít rắc rối hơn so với việc gặp gỡ người mới và bắt đầu mọi chuyện từ đầu.

"Bạn nối lại từ điểm bạn đã bỏ đi," Judith Kuriansky, người tư vấn về quan hệ tình cảm và tình dục đồng thời là giáo sư tâm lý học và giáo dục tại Trường Sư phạm thuộc Đại học Columbia University, New York City nói.

Với một số người, việc này tạo cảm giác "quay lại với người mà mình đã biết ít nhiều thì tốt hơn là đến với ai đó mình chưa hề biết gì."

Vui mừng về những thay đổi

Một lợi ích nữa trong việc quay lại với người cũ là bạn ý thức được những gì đã thay đổi trong khoảng thời gian hai người chia tay nhau.

Bạn có thể ở trong thế bất lợi khi hẹn hò với một người hoàn toàn mới, bởi bạn không biết rằng theo năm tháng, tính tình người đó sẽ phát triển và thay đổi như thế nào, có theo chiều hướng tích cực hay không.

Với người cũ, bạn ít nhiều biết được về những gì đã xảy ra trước và sau thời điểm đó. Kuriansky nói rằng một trong những lý do quen thuộc nhất khiến mọi người muốn thổi bùng lại quan hệ tình cảm với người cũ là bởi "cảm thấy họ đã lớn lên và đã trưởng thành".

Violette Ayala là CEO của một tổ chức mạng lưới phụ nữ đặt trụ sở tại Miama, tổ chức FemCity. Bà đã nói công khai về việc tái hôn với người chồng cũ, từng bên nhau 20 năm, hồi năm 2019 ra sao.

"Khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò trở lại thì thật là dễ chịu, bởi chúng tôi biết rõ về nhau, nhưng mỗi người cũng đã có những điểm thay đổi," bà nói." Cả hai chúng tôi đều đã có những cải thiện trong những chuyện mỗi người cần phải cải thiện khi chia tay nhau, và chúng tôi có nhiều điểm mới lạ trong mắt người kia."

"Nnhững điểm thay đổi trong mỗi người chúng tôi khiến cho việc quay lại với nhau trở nên tốt đẹp, trong lúc bỏ qua được một số những đau đớn, cay đắng vốn là lý do khiến chúng tôi tan vỡ trước đây," bà nói thêm.

"Anh ấy không còn coi mối quan hệ của chúng tôi tự nhiên mà có. Anh cẩn thận đi chọn những món quà tặng cho tôi, thỉnh thoảng sẽ ngẫu nhiên dừng lại thể hiện tình yêu của anh, sự trân trọng của anh dành cho tôi. Điều đó không hề tồn tại trong thời gian trước kia."

Ngược lại, nếu như bạn đã dành một khoảng thời gian dài tách khỏi một người thì khi quay trở lại với nhau và nhận ra mình đang rơi lại vào cùng mô hình độc hại trước đây với người đó, thì việc nhận ra vấn đề cũng là một lợi thế. Nó sẽ giúp bạn tránh được việc lặp lại những sai lầm trước kia một lần nữa.

"Đôi khi với sự khôn ngoan qua năm tháng và sự từng trải trong các mối quan hệ khác, bạn cảm thấy 'ơn Trời có lẽ tôi có thể vượt qua những trở ngại mà chúng tôi từng có'," McNulty nói.

Nhưng ông nhấn mạnh rằng điều then chốt là mỗi người cần phải biết các vấn đề không thể hóa giải của họ trước đây là gì, và họ thực sự phải có cái nhìn chân thành vào việc liệu mọi việc lúc này có gì khác so với trước hay không.

'Tình yêu và tình dục ngày tận thế'

Trước khi bạn bắt đầu trượt vào cuộc tình mới với người cũ, hãy tự hỏi mình tại sao bạn lại làm vậy, bởi có rất nhiều thứ có thể không diễn ra như mong muốn.

Tuy một trong những niềm vui sướng khi trở lại với người cũ là ta có được sự dễ chịu hoặc cảm giác quen thuộc, nhưng Kuriansky nói rằng niềm khát khao được hưởng cảm xúc dễ chịu đó có thể bị đặt sai chỗ, đặc biệt là khi chúng ta dường như phải sống trong một thời kỳ xảy ra những xáo trộn liên tiếp.

Hồi tháng Năm năm ngoái, khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng ở nhiều nơi, kết quả nghiên cứu từ Viện Kinsey thuộc Đại học Indiana, nơi nghiên cứu về tình dục và các mối quan hệ tình cảm, cho thấy trong năm người thì có tới một người nhắn tin cho người cũ trong thời gian phải cách ly.

"Tôi gọi đó là 'tình yêu và tình dục ngày tận thế'," bà nói. "Một số người cảm giác như đang trong một cuộc sống 'không có ngày mai cho nên tốt hơn cả là tôi nên tìm đến sự ổn định vào lúc này."

Kuriansky đã nghiên cứu về các quan hệ tình cảm trong những giai đoạn xảy ra thảm họa, khủng bố, và nói rằng tâm lý này khiến việc mọi người nối lại tình xưa xảy ra khá phổ biến.

Họ "cảm giác là sẽ không có ngày mai - lúc này là chuyện Afghanistan, hay thiên tai xảy ra ở mọi nơi, mọi người cảm thấy họ đang sống trong ngày tận thế", cho nên họ muốn quay trở lại với một người từng có thời đem lại cho họ tình yêu và cảm giác an toàn.

Hãy xem xét lý nghiêm túc việc vì sao mọi người muốn tìm lại ngọn lửa cũ.

Đó là bởi bạn đang tìm cách cách dập tắt nỗi lo lắng phát sinh từ những dòng tin tức gây sợ hãi bằng cách tìm kiếm sự an ủi từ người cũ, hay bởi bạn thực sự nhớ tiếc mối quan hệ đó và sẵn sàng cố gắng cải thiện, bồi đắp lại? Nếu là do nuối tiếc tình cũ thì thực sự là bạn cần cảnh giác.

Kuriansky khuyên là bạn hãy tiếp nhận đánh giá từ bạn bè và gia đình trước khi định nối lại tình xưa.

Rất nhiều người sẽ phản ứng tiêu cực, đặc biệt là khi mối quan hệ đó đã kết thúc một cách tồi tệ.

Nhưng mục đích của việc này không phải là để những người thân yêu quanh bạn phán xét, mà là để họ kéo bạn trở lại với hiện thực, nhắc cho bạn nhớ lý do khiến mối quan hệ đó trước đây không ra gì.

"Hãy chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận đánh giá của mọi người. Hầu hết họ sẽ nói, 'Cái gì? Hai người quay trở lại với nhau? Đùa à? Sao mà quay lại?' Họ sẽ kể lại toàn bộ những ký ức đó, vậy bạn sẽ xử sự thế nào trong tình huống đó?" Kuriansky nói.

Hãy sẵn sàng đối đầu với những ký ức đó - không phải chỉ là giữa bạn với người thân yêu của mình, mà cả với người cũ của bạn, mà đó mới là phần khó khăn nhất.

"Có rất nhiều chuyện trong quá khứ cần được xới lại, và cần có sự đồng ý giữa hai bên rằng từ nay trở đi, cần có sự tha thứ, trao đổi, và cảm xúc cho một sự khởi đầu mới", đó sẽ là thứ đưa mối quan hệ đi xa hơn, lâu bền hơn. bà nói.

Nhiều người trong chúng ta khát khao tìm lại một tình yêu đã mất.

Nếu chúng ta đi tìm nó bằng cách thức lành mạnh và thực tế, thì tình yêu đó rất có thể sẽ sống lại, tốt đẹp cho cả hai, nếu mỗi bên đều có ý thức như nhau về chuyện này.