Thoạt tiên là nỗi đau

Thứ Năm, 15 Tháng Ba 201810:00 CH(Xem: 5953)
Thoạt tiên là nỗi đau

Thoạt tiên là nỗi đau
Houellebecq, Michel

Michel Houellebecq (sinh 1958) là một trong những tên tuổi nổi bật của văn chương Pháp đương đại. Là tác giả những cuốn sách nổi tiếng như Hạt cơ bản (Les particules élémentaires, 1998), Plateforme (2001), ông đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt xung quanh những quan điểm cực đoan của ông về xã hội phương Tây hiện nay.

4539Bài viết này được rút từ tập Rester vivant (Còn sống), in lần đầu tiên tại NXB La Différence năm 1991.

Vũ trụ kêu gào. Bêtông bị đánh đập một cách hung dữ. Bêtông kêu gào. Cỏ rên xiết dưới hàm răng của loài vật. Thế còn con người? Chúng ta sẽ nói gì về con người?”

Thế giới là một nỗi đau bày ra đấy. Thoạt kỳ thủy, có một tâm điểm nỗi đau. Toàn bộ tồn tại là một mở rộng, và một đè nát. Mọi vật đều đau khổ, cho đến cái chúng hiện hữu. Cái hư vô rung lên đau đớn, cho đến khi vươn đến hữu thể: trong một sự cực khoái đáng kinh tởm.

Các cơ thể phân chia và phức tạp hóa, nhưng không mất đi cái chất liệu ban đầu. Bắt đầu từ một mức độ ý thức nào đó, tiếng kêu gào bật ra. Thơ ca trôi nổi. Ngôn ngữ cũng được phát ra.

Bước tiến đầu tiên của thơ ca là đi tìm cội nguồn. Cần phải biết: đi tìm nỗi đau.

Các điều kiện của nỗi đau rất quan trọng; chúng không cốt yếu. Mọi nỗi đau đều tốt; mọi nỗi đau đều cần thiết; mọi nỗi đau đều sinh sôi; mọi nỗi đau đều là một vũ trụ.

Henri một tuổi. Nó nằm trên đất, tã lấm bẩn; nó hú lên. Mẹ nó ồn ào đi qua đi lại trong căn phòng lát gạch, đi tìm xuchiêng và jupe. Bà đang bận đến chỗ hẹn tối nay. Cái thằng bé phủ đầy cứt đái, lăn lộn trên sàn nhà làm bà cú tiết. Bà cũng bắt đầu kêu gào. Henri lấy hết sức mình hú lên. Rồi bà đi.

Henri đã bắt đầu bước vào sự nghiệp của nhà thơ.

Marc mười tuổi. Bố nó sắp chết vì bệnh ung thư ở bệnh viện. Cái máy rệu rã, mấy cái ống chui vào cổ họng và vài lọ truyền huyết thanh, đó là bố nó. Chỉ cái nhìn là còn sống; nó biểu hiện sự đau đớn và nỗi sợ. Marc cũng đau đớn. Và nó cũng sợ. Nó yêu bố. Cùng lúc đó nó muốn bố nó chết đi, và tự coi mình có tội.

Marc sẽ phải làm việc. Nó sẽ phải nuôi nấng ở trong mình cái nỗi đau đặc biệt và rất phong phú đó: Tội Lỗi Rất Thánh.

Michel mười hai tuổi. Chưa có đứa con gái nào hôn nó. Nó muốn nhảy với Sylvie; nhưng Sylvie lại nhảy với Patrice và rõ ràng là rất thích nhảy với Patrice. Nó đứng chôn chân; âm nhạc len lỏi vào tận sâu thẳm con người nó. Đó là một điệu slow tuyệt vời, đẹp siêu thực. Trước đây nó không biết con người có thể đau khổ đến nhường ấy. Cho đến giờ, tuổi thơ của nó vẫn hạnh phúc.

Michel sẽ không bao giờ quên tương phản giữa trái tim mình đông cứng lại vì nỗi đau và vẻ đẹp đến điên người của âm nhạc. Sự nhạy cảm của nó đang được hình thành.

Thế giới được cấu tạo bằng nỗi đau bởi vì xét về cốt lõi nó tự do. Nỗi đau là hệ quả tất yếu của trò chơi tự do của các bộ phận của hệ thống. Bạn phải biết điều đó, và phải nói điều đó.

Bạn không thể nào biến nỗi đau thành mục đích được. Nỗi đau hiện hữu, và do đó không thể trở thành mục đích.

Trong những vết thương mà nó gây cho chúng ta, cuộc sống chao đảo giữa cái bạo tàn và cái nhạt nhẽo. Hãy tìm biết hai hình thức này. Hãy thực hành chúng. Hãy tìm cách hiểu biết thấu đáo về chúng. Hãy phân biệt những gì chia cách chúng và những gì nhập chúng lại. Nhờ đó rất nhiều mâu thuẫn sẽ được giải quyết. Lời của bạn sẽ chiến thắng một cách mạnh mẽ và rộng khắp.

Xem xét các đặc điểm của thời hiện đại, tình yêu không thể biểu hiện nhiều lắm nữa; nhưng lý tưởng tình yêu thì không giảm sút. Cũng như mọi lý tưởng, về nền tảng nó nằm ngoài thời gian, và do đó không thể giảm sút hay biến mất.

Từ đó có mối bất hòa lý tưởng - cái thực đặc biệt lớn tiếng, nguồn gốc cực kỳ phong phú của nỗi đau.

Những năm niên thiếu rất quan trọng. Một khi bạn đã xây dựng được một khái niệm tình yêu đủ lý tưởng, đủ cao quý và đủ hoàn hảo, bạn sẽ tiêu tùng. Kể từ đó với bạn sẽ không có cái gì là đủ nữa.

Nếu bạn không có nhiều quan hệ với phụ nữ (vì rụt rè, vì xấu xí hay vì lý do khác), hãy đọc các tạp chí dành cho phụ nữ. Bạn sẽ cảm thấy được những nỗi đau gần như tương đương.

Hãy đi đến tận đáy vực của nỗi thiếu vắng tình yêu. Hãy dung dưỡng niềm căm ghét chính mình. Căm ghét chính mình, khinh bỉ người khác. Căm ghét người khác, khinh bỉ chính mình. Hãy hòa trộn tất cả vào nhau. Hãy tổng hợp. Trong sự ồn ã của cuộc đời, hãy luôn là kẻ thất bại. Vũ trụ như một sàn nhảy. Hãy thu thập thật nhiều những xúc phạm. Hãy học cách trở thành nhà thơ, chứ đừng học cách sống.

Hãy yêu quá khứ của mình, hay là căm ghét nó; nhưng cố sao để lúc nào nó cũng hiện hữu. Bạn phải thu lượm được toàn bộ hiểu biết về chính mình. Như thế, dần dần cái tôi sâu thẳm của bạn sẽ tách ra, sẽ trườn đi dưới ánh mặt trời; và cơ thể bạn sẽ luôn ở đó; phồng lên, trương lên, giận dữ; chín muồi cho những nỗi đau mới.

Cuộc đời là một loạt những bài kiểm tra phá hủy. Hãy đỗ những bài đầu tiên, hãy trượt những bài cuối cùng. Hãy tự đánh trượt cuộc đời mình, nhưng thiếu ít điểm thôi. Và hãy đau khổ, lúc nào cũng đau khổ. Bạn phải học được cách cảm thấy đau đớn ở từng thớ thịt của bạn. Mỗi mảnh vũ trụ phải là một vết thương của riêng bạn. Tuy thế, bạn phải sống - chí ít là trong một khoảng thời gian.

Không có gì phải khinh khi sự rụt rè. Có thể coi nó là nguồn gốc duy nhất của sự phong phú bên trong; điều đó không sai đâu. Quả thật, chính trong cái lúc giãn cách giữa ý chí và hành động này mà các hiện tượng tinh thần thú vị bắt đầu biểu lộ ra. Kẻ nào thiếu sự giãn cách này vẫn còn rất gần với con vật. Với một nhà thơ, sự rụt rè là điểm khởi hành tuyệt diệu.

Hãy xây dựng trong bạn một cảm giác sâu sắc đối với cuộc sống. Cảm giác này là cần thiết đối với mọi sáng tạo nghệ thuật chân chính.

Đúng là đôi khi cuộc sống với bạn chỉ như là một kinh nghiệm khó chịu. Nhưng cảm giác lúc nào cũng phải ở thật gần, trong tầm tay với - ngay cả khi bạn không muốn nói nó ra.

Và hãy luôn luôn trở về nguồn, về với nỗi đau.

Khi bạn gợi lên được ở người khác một lẫn lộn giữa thương hại sợ hãi và khinh bỉ, thì nghĩa là bạn đang ở trên con đường đúng. Bạn sẽ có thể bắt đầu viết.

Cao Việt Dũng dịch từ nguyên bản tiếng Pháp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn