Về một cuốn sách nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu

Thứ Bảy, 11 Tháng Sáu 20228:00 SA(Xem: 1877)
Về một cuốn sách nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu

VOA – Bài viết này do luật sư Winston Phan Đào Nguyên, hiện cư ngụ tại California, gởi cho mục Diễn Đàn của VOA Tiếng Việt. Bài viết có tựa đề nguyên thủy là “Lý Do Cho Sự Ra Đời Của Cuốn Sách Này.” “Cuốn sách này”, tức là cuốn "Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho 'Quan Phan' Phan Thanh Giản", là cuốn sách mà luật sư Phan Đào Nguyên sắp xuất bản, với nội dung và mục đích nguyên thủy là tham luận gởi cho, và gởi theo lời mời, của Ban Tổ Chức Hội Thảo Khoa Học Quốc Tế “Giá Trị Văn Hóa và Nhân Văn Của Nhà Thơ Nguyễn Đình Chiểu Trong Thời Đại Ngày Nay,” tổ chức tại Bến Tre. VOA Tiếng Việt đăng nguyên văn bức thư này.

Winston Phan Đào Nguyên

Cuốn sách này khởi đầu là một bài tham luận cho cuộc Hội Thảo về Nguyễn Đình Chiểu với chủ đề “Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022 tại Bến Tre, Việt Nam. Cuộc hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu nói trên đã được chính phủ Việt Nam giao cho tỉnh Bến Tre tổ chức, sau khi UNESCO đồng ý cho việc cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu.

A. Quyết Định Của UNESCO

Chiếu theo quyết định 211 EX/30 của UNESCO vào năm 2021, hồ sơ yêu cầu của Việt Nam về việc kỷ niệm 200 năm ngày sinh của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã được UNESCO chấp nhận và cho phép việc kỷ niệm đó được gắn liền với danh hiệu UNESCO. Đây là một hình thức nhìn nhận Nguyễn Đình Chiểu như một danh nhân đã có đóng góp cho văn hóa thế giới.

Nguyễn Đình Chiểu là người cuối cùng trong danh sách được UNESCO nhìn nhận theo quyết định này, thứ 60. Theo đó, hồ sơ của Nguyễn Đình Chiểu đã được sự ủng hộ của Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, và Thái Lan. Hồ sơ nhấn mạnh về những đức tính do ảnh hưởng Nho Giáo của Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có lòng trung hiếu và sự chân thật thành tín (faithfulness) của ông (1).

Sau đó, có một sự “cam kết” giữa phía Việt Nam và UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu. Và tỉnh Bến Tre đã được giao trách nhiệm tổ chức “một số hoạt động kỷ niệm” Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có cuộc Hội Thảo Quốc Tế với chủ đề “Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”.

Tranh vẽ chân dung Nguyễn Đình Chiểu. Theo nội dung trên trang wikimedia, hình này chụp lại tranh vẽ chân dung Nguyễn Đình Chiểu tại đền thờ Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả hình chụp: Không rõ.

Tranh vẽ chân dung Nguyễn Đình Chiểu. Theo nội dung trên trang wikimedia, hình này chụp lại tranh vẽ chân dung Nguyễn Đình Chiểu tại đền thờ Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả hình chụp: Không rõ.

B. Hội Thảo Quốc Tế Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 31 tháng 12 năm 2021, tỉnh Bến Tre đã có một văn bản về kế hoạch tổ chức cuộc Hội Thảo Quốc Tế Nguyễn Đình Chiểu như sau:

Kế Hoạch Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 23 tháng 11 năm 2021, tại kỳ họp thứ 41 của Đại hội đồng UNESCO, đã chính thức thông qua nghị quyết cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu;

Nhằm đảm bảo thực hiện các hoạt động theo cam kết trong hồ sơ trình UNESCO, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, như sau:

  1. Mục đích

a) Thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Công văn số 29/BTK/2021 ngày 04 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam “Về việc tiến hành các hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu”.

b) Tiếp tục khẳng định với quốc tế về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò, đóng góp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong khuyến khích tinh thần hiếu học, trong đấu tranh giải phóng con người, vì công bằng xã hội. Tiếp tục tuyên truyền các giá trị nhân văn tốt đẹp của di sản Nguyễn Đình Chiểu trong hệ giá trị đạo đức, văn hóa, con người Việt Nam.

c) Bổ sung các kết quả nghiên cứu, cách nhìn nhận, đánh giá sâu sắc và toàn diện hơn về giá trị nhân văn, cũng như những đóng góp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trên các lĩnh vực văn học, giáo dục, y học cổ truyền.

2. Yêu cầu

a) Hội thảo phải được tổ chức nghiêm túc, an toàn và đạt chất lượng khoa học cao. Tập trung vào các tính học thuật, các nhận định, đánh giá mới, góc nhìn mới, những thông tin từ quốc tế đã nghiên cứu, đã vinh danh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.

….

3. Thành phần tham dự

a) Tác giả mời viết tham luận: Các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa, văn học, sử học, giáo dục, y tế v.v… Chú trọng các nhà nghiên cứu là người Việt Nam ở nước ngoài… (2).

C. Thư Mời Viết Bài Hội Thảo Quốc Tế Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 10 tháng 1 năm 2022, Ban Tổ Chức Hội Thảo Quốc Tế Nguyễn Đình Chiểu cho gởi Thư Mời Viết Bài Hội Thảo, kèm theo một bản Thể Lệ Gửi Bài Tham Dự, cho các nhà nghiên cứu.

Tôi đã nhận được cái thư mời không chính thức để đóng góp tham luận này. Xin trích đăng dưới đây:

THƯ MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO QUỐC TẾ

Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay

1. Lý do và mục đích

* Lý do

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là nhà thơ, nhà văn hóa của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, cụ sống 26 năm cuối đời tại Bến Tre…Tỉnh Bến Tre được sự chấp nhận của Chính phủ Việt Nam, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề Giá trị văn hóa và nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay.

* Mục đích

  • Nhìn lại tình hình nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu trong các năm qua, để kế thừa phát huy trong giai đoạn mới.
  • Khẳng định những giá trị văn hóa, khoa học và lịch sử của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
  • Phân tích sức sống của tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc sống hôm nay.

2. Nội dung hội thảo

Hội thảo tập trung vào các nội dung:

- Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử Việt Nam, khu vực và quốc tế nửa sau thế kỷ XIX;

- Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với vận mệnh quốc gia, số phận con người trong chiến tranh qua nghệ thuật văn chương; Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu; Tư duy tiến bộ về giải phóng con người trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu;

- Đổi mới lý thuyết và cách tiếp cận truyện Nôm, văn tế và thơ Đường luật của Nguyễn Đình Chiểu; Nhìn lại văn bản công bố tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trong nước và nước ngoài.

- Nhân cách văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, những giá trị văn hóa trường tồn. Tinh thần hiếu học của Nguyễn Đình Chiểu trong xã hội thế kỷ XIX và dòng chảy lịch sử.

- Giá trị văn hóa, sức sống, tầm ảnh hưởng các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu với đương thời và hôm nay.

Bảo vệ và phát huy giá trị tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Di sản Nguyễn Đình Chiểu và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, du lịch danh nhân ở Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng.

3. Thời gian và địa điểm

Từ 5/4/2022 - 5/5/2022 Gửi phản biện bài viết lại tác giả

Thể Lệ Gửi Bài Tham Dự Hội Thảo Quốc Tế Về Nguyễn Đình Chiểu (26 và 27/6/2022)

1. Bài viết tham dự Hội thảo là bài chưa gửi hoặc chưa công bố trên các sách, báo, tạp chí và các hội thảo khác…

3. Ngôn ngữ: tiếng Việt hoặc tiếng Anh; dung lượng bài viết: tối thiểu 4000 từ (không bao gồm danh mục tài liệu tham khảo)...

10 … Thời hạn nhận bài: hết ngày 15/5/2022

D. Bài Tóm Tắt Cho Tham Luận

Sau khi nhận được thư mời không chính thức này vào đầu tháng 2 năm 2022, tôi đã viết một bài Tóm Tắt về nội dung bài tham luận của tôi để gởi cho Ban Tổ Chức Hội Thảo.

Ngày 13/2/2022, tôi chuyển bài Tóm Tắt này cho Ban Tổ Chức, như sau:

Thưa ban tổ chức, sau đây là bài tóm tắt của tôi:

Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản

Kể từ khi Phan Thanh Giản tự tử vào năm 1867, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tất cả các nhà nho ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, trong số đó có tú tài Nguyễn Đình Chiểu, đều tỏ lòng thương xót cho Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, người được họ gọi là “quan Phan”. Là vị tiến sĩ khai khoa của đất Nam Kỳ, là một vị quan trung trực thanh liêm và đặc biệt là thương dân hết mực, Phan Thanh Giản chính là một vị lãnh đạo thực thụ của người dân Nam Kỳ. Khi ông mất đi, rất nhiều thơ và câu đối đã được gởi đến để điếu ông. Tất cả đều để ca ngợi con người mà sống cũng như chết đều nêu gương cho hậu thế. Trong số đó, đương nhiên là có thơ văn của ông Đồ Chiểu ở Ba Tri, người đồng châu với Phan Thanh Giản. Và trong số thơ văn để điếu Phan Thanh Giản nói trên, hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu, một bằng chữ Nôm, một bằng chữ Hán, là được ưa thích hơn hết.

Và đó là hai bài thơ sau:

Bài chữ Nôm:

Non nước tan tành hệ bởi đâu
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu
Ba triều công cán vài hàng sớ
Sáu tỉnh cang thường một gánh thâu
Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
Minh sanh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ nay mặc gió thu

Và bài chữ Hán

Lịch sĩ tam triều độc khiết thân
Vi quân nan bảo nhứt phương dân
Long Hồ ninh phụ thơ sanh lão
Phượng các không quy học sĩ thần
Bỉnh tiết tằng lao sanh Phú Bật
Tận trung hà hận tử Trương Tuần
Hữu thiên Lục tỉnh tồn vong sự
An đắc thung dung tựu nghĩa thần

Hai bài thơ này đã luôn luôn được coi như là tiêu biểu cho sự kính mến của các nhà nho Nam Kỳ đối với “quan Phan”, qua ngòi bút gây xúc động rất điêu luyện về thể loại thơ văn tế của ông Đồ Chiểu. Bắt đầu từ năm 1909 với cuốn Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca của ông Nguyễn Liên Phong, hai bài thơ nói trên đã được sao lục lại rất nhiều lần và truyền bá khắp nước. Năm 1926, hai bài thơ này được nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác sao lục và đăng lại trên Tạp Chí Nam Phong của Phạm Quỳnh. Năm 1927, ông Thái Hữu Võ cho đăng lại trong cuốn sách Phan Thanh Giảng Truyện của ông.

Điều cần nói là tất cả các tài liệu kể trên đều lầm lẫn khi cho rằng bài thơ chữ Nôm là do chính Phan Thanh Giản làm. Việc này đã được ông Phan Văn Hùm đính chính trong cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu. Sau đó, vì lỗi lầm nói trên lại được ông Ngô Tất Tố lặp lại trong cuốn Thi Văn Bình Chú, các nhà nghiên cứu Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Lê Thọ Xuân, Trực Thần đã lên tiếng chỉnh sửa điều này trên tờ Tri Tân Tạp Chí. Điều cần biết là hai ông Phan Văn Hùm và Lê Thọ Xuân, những người bà con và thân hữu của ông Nguyễn Đình Chiêm, con trai của Nguyễn Đình Chiểu, đã đưa ra hai phiên bản chính xác nhất về hai bài thơ.

Tuy vậy, phiên bản sai về hai bài thơ đã được lưu truyền quá lâu, cho nên đến tận ngày hôm này mà nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn cho rằng bài thơ chữ Nôm là của Phan Thanh Giản chứ không phải của Nguyễn Đình Chiểu. Và phiên bản sai lạc của cả hai bài do ông Nguyễn Liên Phong đưa ra vẫn còn được tiếp tục trích dẫn.

Nhưng đó không phải là vấn đề ngộ nhận duy nhất về hai bài thơ này. Mặc dù đã làm tốn rất nhiều giấy mực, sự ngộ nhận nói trên vẫn không thể nào so sánh được với một sự cố tình ngộ nhận với ác ý bôi nhọ Phan Thanh Giản, mà đã được tạo ra sau này - và có lẽ sớm nhất là vào thập niên 1970 tại miền Bắc, nơi mà Phan Thanh Giản đã bị người anh cả của làng sử học là ông Trần Huy Liệu lên án bán nước với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.

Bởi vì cũng như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu đã được nhìn nhận là người Nam Kỳ yêu nước nhiệt thành, là “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, thì không thể nào lại “sai lập trường” để ca tụng Phan Thanh Giản, người được coi là bán nước qua việc “thỏa hiệp” với giặc hay dâng thành cho giặc được. Mà Nguyễn Đình Chiểu phải lên án Phan Thanh Giản, cũng như nhân dân và nghĩa quân Trương Định đã làm.

Và thế là hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu đã được đem ra và bẻ cong qua những sự giảng giải gượng ép, để biến thành hai bài thơ phê phán Phan Thanh Giản. Khởi đầu là bài của ông Trần Nghĩa, “Mấy Ý Kiến Về Công Tác Văn Bản Nhân Đọc Cuốn “Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu”, Tạp Chí Văn Học, số 4, 1972. Tiếp theo là bài của ông Trần Khuê “Tìm Hiểu Hai Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Của Nguyễn Đình Chiểu, Nghiên Cứu Lịch Sử số 275, 1994. Sau cùng là bài của bà Phạm Thị Hảo, “Viết Về Phan Thanh Giản Nhà Thơ Nguyễn Đình Chiểu Đã Dùng Bút Pháp Xuân Thu”, Tuần Báo Văn Nghệ TPHCM, 2017.

Và thế là từ chỗ ngợi khen Phan Thanh Giản, hai bài thơ nói trên của Nguyễn Đình Chiểu đã bị xuyên tạc làm cho trở thành hai bài thơ phê phán Phan Thanh Giản. Dù cho phần lớn những người hiểu biết khi đọc những bài viết này đều nhận ra ngay sự cố ý xuyên tạc, nhưng đến nay thì vẫn còn một số người luôn luôn sử dụng luận điệu nói trên để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chê trách thay vì ngợi khen Phan Thanh Giản. Gần đây nhất là khi Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới.

Do đó, trong bài viết này, người viết sẽ trình bày cách hiểu biết chính xác nhất của mình về hai bài thơ nói trên, sau khi tham khảo tất cả các tài liệu mới cũ về hai bài thơ này. Hơn nữa, người viết sẽ sử dụng chính những thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu để cho thấy sự sai lầm và cố ý xuyên tạc của các tác giả nói trên, khi họ ép buộc ông Đồ Chiểu phải lên án vị quan Phan mà ông hằng yêu mến và ngưỡng mộ.

Winston Phan

13/2/2022

E. Thư Mời Chính Thức Từ Ban Tổ Chức Hội Thảo Ngày 9 Tháng 3, 2022

Ngày 9 tháng 3 năm 2022, tôi nhận được Thư Mời chính thức từ Ban Tổ Chức Hội Thảo. Lá thư mời chính thức này được ký bởi ông Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Chí Bền, Phó Trưởng Ban Tổ Chức Hội Thảo. Nội dung lá thư như sau:

“Kính gửi TS. Phan Đào Nguyên (Hoa Kỳ)

Ban tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” đã nhận được tóm tắt tham luận của tác giả. Kính đề nghị tác giả viết toàn văn tham luận. Vui lòng gửi toàn văn cho Ban tổ chức chậm nhất là ngày 29 tháng 4 năm 2022.” (3)

Như vậy, rõ ràng là Ban Tổ Chức và ông Nguyễn Chí Bền đã biết tôi sẽ viết những gì. Và bài Tóm Tắt trên đây cũng chính là phần giới thiệu trong bài viết sau này của tôi. Tức là hoàn toàn không có ngạc nhiên gì hết về nội dung của bài viết. Hơn nữa, ngay tựa của bài viết cũng đã nói rõ nội dung của bài.

Ngày 29 tháng 4 năm 2022, theo đúng yêu cầu trong thư mời chính thức của ông Nguyễn Chí Bền, tôi gởi toàn văn bài viết, tức là bài “Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản” gồm 118 trang cho Ban Tổ Chức, qua email.

Đó chính là bài viết nòng cốt cho cuốn sách này.

F. Thư Phản Hồi Của GS Nguyễn Chí Bền Ngày 17/5/22, Đề Nghị Cắt Bài

Ngày 17/5//22, GSTS Nguyễn Chí Bền gửi thư phản hồi, đề nghị cắt bớt bài viết của tôi, với lý do là bài “dài quá”.

Theo đề nghị của ông, bài viết của tôi bị cắt đi gần 80-90%; biến bài viết thành một bài nghiên cứu văn bản thay vì nói lên chủ đề là Nguyễn Đình Chiểu nghĩ sao về Phan Thanh Giản. Dưới đây là thư của ông Nguyễn Chí Bền:

kính (sic) thưa TS Phan Đào Nguyên

Ban tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Cụ Đồ Chiểu, trân trọng cám ơn TS đã gởi tham luận tham gia hội thảo.

Ban tổ chức đã phân công một số thành viên của BTC đọc, có gởi phản biện kín và xin được trao đổi với TS như sau

- Cho đến giờ, ở Hoa Kỳ chỉ có 02 tác giả gởi tham luận. Chúng tôi rất muốn mời TS về dự hội thảo vào ngày 28, 29, 30/6 (hội thảo ngày 29/6, lễ kỷ niệm tối 30/6) tại Bến Tre.

- Tuy nhiên, tham luận của Ts dài quá (118 tr A4). Với 100 tham luận của các tác giả trong nước, nước ngoài, kỷ yếu hội thảo không thể in được một tham luận có số trang dài như vậy. Trân trọng đề nghị TS xem file chúng tôi kèm .

Kỷ yếu sẽ được một nhà xuất bản biên tập và cấp giấy phép để xuất bản, kịp ngày hội thảo.

Vì sự thành công của hội thảo, mong TS đồng thuận với đề nghị của Ban tổ chức.

TL Trưởng ban

Nguyễn Chí Bền

G. Thư Của Tôi Đề Nghị Dẫn Đường Link Đến Toàn Văn Bài Viết Ngày 18/5/2022

Rất ngạc nhiên với lời phản hồi này, vì bản Thể Lệ Gửi Bài Tham Dự Hội Thảo (trích lại trong phần C ở trên) không hề có giới hạn số trang hay số chữ, nhưng tôi đã lịch sự đề nghị như sau vào ngày 18/5/2022:

Kính thưa Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Chí Bền

Tôi xin thành thật cảm ơn sự ưu ái của giáo sư và ban tổ chức (BTC) hội thảo đã dành cho tôi. Về bài viết của tôi, sau khi xem lại đề nghị của BTC, tôi nhận thấy bài của tôi đã bị cắt ít nhất 80%. Và hoàn toàn không có nội dung mà tôi muốn nói, và chắc quí vị cũng biết, là sự kính trọng Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu.

Cũng chính vì điều này nên BTC đã mời tôi viết bài, và cũng chính vì điều này mà tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian để hoàn thành bài viết, trong mục tiêu làm rõ vấn đề mà từ lâu đã bị xuyên tạc bởi các nhà nghiên cứu như tôi có nhắc đến trong bài viết.

Biết rằng muốn viết cho đầy đủ thì bài phải dài, nên tôi đã coi điều lệ hội thảo cũng như hỏi trực tiếp về vấn đề có hay không có giới hạn số trang. Và BTC cũng biết rằng không có giới hạn này, mà chỉ có giới hạn là phải có ít nhất 4000 chữ cho một bài tham luận.

Do đó, tôi rất ư ngạc nhiên khi nhận được phản hồi chính thức về độ dài bài viết của tôi từ BTC. Tôi xin không đồng ý với đề nghị của BTC về việc cắt bài của tôi.

Và tôi xin có đề nghị như sau:

Nếu vì lý do là không thể in hết toàn văn bài viết trong cuốn Kỷ Yếu do số trang bị giới hạn vì ngân sách, thì BTC có thể tóm tắt nội dung bài viết của tôi, rồi chú thích rõ ràng ngay đầu bài và cho đường dẫn đến 1 trang mạng có chứa toàn văn bài viết. Vì chắc chắn là tôi sẽ công bố toàn văn bài viết lên mạng như tôi đã làm với cuốn sách về Phan Thanh Giản.

Mục đích của tôi trong bài viết này là để minh oan cho Nguyễn Đình Chiểu; đã bị những người vì mục tiêu chính trị mà xuyên tạc văn thơ của ông và đầu độc giới trẻ ở VN. Tôi mạn phép nghĩ rằng BTC cũng có ý nghĩ giống như tôi.

Hoặc nếu có nhiều người không đồng ý với những lý luận của tôi, thì tôi rất mong muốn nhận được những phản biện từ họ. Phải chăng đó cũng là mục đích chính cho bất kỳ một cuộc ... "Hội Thảo" nào khác? Nói chi đến một cuộc "hội thảo khoa học" như cuộc hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu này?

Vì những lý do trên, trân trọng xin giáo sư và BTC hãy thảo luận lại về đề nghị của tôi.

Xin cám ơn,

Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên

Tóm lại, nếu như lý do đã giải thích là vì bài “dài quá”, thì đề nghị của tôi là chỉ cần tóm tắt bài viết rồi đưa đường link đến toàn văn bài viết mà tôi sẽ đưa lên mạng. Như vậy thì chắc chắn là không có vấn đề gì nữa về độ dài của bài viết.

H. Thư Từ Chối Bài Viết Từ “Thường Trực Tiểu Ban Nội Dung” Ngày 19/5/22

Nhưng tôi lại nhận được câu trả lời rất lạ lùng như sau từ cái gọi là “Thường trực tiểu ban nội dung” vào ngày 19/5/22 như sau:

Thưa TS Phan Đào Nguyên,

Tiếp nhận email của TS, Thường trực tiểu ban nội dung của hội thảo xin thưa chuyện với với TS như sau

+ Chúng tôi rất mong các nhà khoa học nước ngoài tham dự hội thảo quốc tế về NĐC lần đầu tiên, nhất là các tác giả kính trọng Cụ Nguyễn Đình Chiểu.

+ TS đã đề nghị phương án công bố tóm tắt tham luận, sau giới thiệu đường link để bạn đọc có thể truy cập. Thường trực tiểu ban nội dung của hội thảo lấy làm tiếc thông tin lại TS, phương án này khó có thể thực hiện được.

Hy vọng sẽ được gặp TS trong các hội thảo khác về Bến Tre, về Nam Bộ, và Việt Nam .

Chúc TS mạnh khỏe, an lành và thành công mọi dự định

Trân trọng

Thường trực Tiểu ban nội dung

Nghĩa là tự nhiên xuất hiện ra cái gọi là “Thường trực tiểu ban nội dung” như trên để trả lời về việc không chấp nhận bài viết của tôi. Mặc dù từ trước đến giờ người chính thức đại diện cho Ban Tổ Chức để viết thư mời và đề nghị cắt bài chính là ông Phó Trưởng Ban Tổ Chức Hội Thảo, GSTS Nguyễn Chí Bền.

Hơn nữa, lối viết từ chối kỳ này lại càng rất ư không rõ ràng, là vì lý do gì. Bởi chắc chắn là họ không thể sử dụng vấn đề “bài dài quá” như trước đây, sau đề nghị chỉ cần cho đăng tóm tắt như trên của tôi.

I. Thư Của Tôi Xin Câu Trả Lời Chính Thức Từ Ban Tổ Chức Ngày 19/5/22

Nhưng để biết chắc hơn về ý nghĩa của lá thư trên do “Thường trực tiểu ban nội dung” viết, tôi đã gởi tiếp lá thư sau đây cho ông Nguyễn Chí Bền vào cùng ngày 19/5/2022:

Kính thưa giáo sư Nguyễn Chí Bền và Ban Tổ Chức Hội Thảo:

Tôi có gởi email cho giáo sư sau khi nhận được email của giáo sư về bài tham luận của tôi và đề nghị cắt bớt vì lý do bài quá dài. Trong đó tôi đề nghị tóm tắt và đưa đường link đến toàn văn. Tôi cũng đã chiếu theo điều lệ của Hội Thảo để cho thấy tôi đã làm đúng yêu cầu là chỉ cần ít nhất 4000 chữ.

Nhưng tôi lại không nhận được một thư trả lời từ giáo sư hay BTC, mà lại nhận được email dưới đây của "Thường trực Tiểu ban nội dung" mà tôi không biết là ai và có đại diện cho giáo sư hay BTC hay không. Ngoài ra, tôi không hiểu "phương án này khó có thể thực hiện được" là sao, vì lý do gì.

Theo thiển ý của tôi thì có lẽ giáo sư và BTC nên có một thư trả lời rõ ràng về những điểm mà tôi nêu ra trong email trước, về điều lệ hội thảo, nếu lý do thật sự là vì độ dài của bài. Và tại sao lại không đưa link được, nếu lý do thật sự là vì độ dài của bài.

Nếu tôi đã vì lời mời của giáo sư và BTC mà bỏ ra khá nhiều thời giờ và công sức để viết và giao bài đúng thời hạn, thì tôi nghĩ là ít nhất cũng phải có một câu trả lời chính thức từ giáo sư và BTC, thay vì những gì mà tôi nhận được dưới đây từ "Thường trực Tiểu ban nội dung".

Trân trọng

Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên

Thế nhưng sau lá thư qua email này là một sự im lặng hoàn toàn từ Ban Tổ Chức cũng như ông Nguyễn Chí Bền.

Vì lý do đó, tôi đã quyết định sẽ tự in bài tham luận thành sách cũng như tường thuật lại quá trình những gì đã xảy ra giữa Ban Tổ Chức Hội Thảo và tôi, một người theo lời mời của họ mà viết một bài tham luận về Nguyễn Đình Chiểu nhân dịp UNESCO đồng ý kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ.

J. Thư Của Tôi Để Chính Thức Rút Bài Ra Khỏi Hội Thảo, Ngày 25/5/2022

Và để minh bạch, tôi đã gởi thêm một email đến Ban Tổ Chức Hội Thảo vào ngày 25/5/2022, sau khi họ không hề trả lời lá thư ngày 19/5 của tôi. Với email sau cùng này, tôi thông báo chính thức việc rút bài của tôi ra khỏi hội thảo:

Kính thưa Ban Tổ Chức Hội Thảo Nguyễn Đình Chiểu:

Sau khi gởi đề nghị về bài viết này của tôi với BTC Hội Thảo và GS Nguyễn Chí Bền vào hai ngày 18/5 và 19/5 qua email, tôi đã không hề nhận được bất kỳ một hồi âm nào từ quí vị.

Vậy tôi xin trân trọng thông báo là tôi chính thức rút bài viết này của tôi ra khỏi cuộc hội thảo tại Bến Tre vào cuối tháng 6, kể từ ngày hôm nay.

Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên

Trên đây là những diễn tiến dẫn đến việc tự in cuốn sách này của tôi.

Tôi cũng xin phép nói thêm vài điều để làm rõ vấn đề.

Trước nhất, tôi đưa ra những tài liệu về UNESCO cũng như của Ban Tổ Chức Hội Thảo Nguyễn Đình Chiểu để cho thấy rằng đây là một sự kiện để vinh danh một danh nhân văn hóa thế giới, mà cũng là người Việt. Hơn nữa, hồ sơ của Nguyễn Đình Chiểu tại UNESCO còn cho thấy rằng những đức tính được đưa ra của ông là sự trung thành, là lòng chân thực.

Và như ta đã biết, lời thơ của Nguyễn Đình Chiểu luôn luôn thẳng thắn trung thực, thương ghét phân minh, cũng như con người của ông.

Do đó, khi một người mà ông cực kỳ ngưỡng mộ là Phan Thanh Giản qua đời thì Nguyễn Đình Chiểu đã làm hai bài thơ điếu để bày tỏ sự kính trọng và thương xót của ông đối với vị “quan Phan” này. Hai bài thơ đó đã từ lâu đi vào văn học sử Việt Nam, bởi giá trị văn chương cũng như giá trị lịch sử của chúng.

Thế nhưng những sử gia và các chuyên gia Hán Nôm tại miền Bắc, và sau này là tại nước CHXHCN Việt Nam, đã vì lý do chính trị mà giải thích rằng một nhà thơ “yêu nước” như Nguyễn Đình Chiểu không thể ngưỡng mộ hay thương xót một kẻ mà họ đã ngụy tạo bằng chứng để lên án “bán nước” như Phan Thanh Giản. Do đó, họ đã dùng tất cả các chiêu trò, mánh khóe để giải thích hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu thành ra những lời châm biếm, nguyền rủa Phan Thanh Giản.

Trong thời gian nghiên cứu để viết cuốn sách “Phan Thanh Giản Và Vụ Án Phan Lâm Mãi Quốc Triều Đình Khí Dân” năm 2021, tôi đã nhận thấy điều này. Do đó, khi Ban Tổ Chức Hội Thảo Nguyễn Đình Chiểu gửi thư mời viết bài cho Hội Thảo về chủ đề Nguyễn Đình Chiểu và Phan Thanh Giản, tôi đã đồng ý lập tức. Mục đích của tôi, cũng giống như mục đích mà UNESCO và Ban Tổ Chức Hội Thảo Nguyễn Đình Chiểu thông báo trên giấy tờ, là để làm rõ giá trị văn hóa của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Nhà thơ mù xứ Bến Tre đã không quản ngại việc Phan Thanh Giản đang bị vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn lên án sau cái chết của ông khi làm hai bài thơ điếu “quan Phan”. Trong đó, lòng chân thật ngưỡng mộ và xót thương Phan Thanh Giản đã được Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ. Và theo nghiên cứu mới của tôi như đã viết trong bài tham luận thì chẳng những chỉ qua hai bài thơ điếu nói trên thôi, mà sau đó Nguyễn Đình Chiểu vẫn tiếp tục ca ngợi quan Phan qua 10 bài thơ điếu Phan Tòng.

Như vậy, với bài viết Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản, tôi đã xác định lại giá trị văn hóa qua thơ văn và tấm lòng chân thật của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu; bằng cách vạch trần những thủ đoạn chính trị với mục đích bôi nhọ Phan Thanh Giản qua lời thơ Nguyễn Đình Chiểu của những nhà nghiên cứu miền Bắc từ thập niên 1970. Với bài viết này, tôi cho thấy rằng những thủ đoạn của họ đã làm cho Nguyễn Đình Chiểu hiện ra như một con người hèn hạ, muốn mắng chửi Phan Thanh Giản mà không dám nói thẳng, nên phải dấu diếm chửi xéo trong hai bài thơ điếu.

Tôi không biết cái “cam kết” giữa chính phủ Việt Nam và UNESCO về việc UNESCO chấp nhận kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu gồm có những chi tiết gì, nhưng tôi nghĩ rằng nó chắc chắn phải có nội dung chính là về phương diện “văn hóa” của nhà thơ. Và do đó, cuộc hội thảo đã được mang chủ đề này, chứ không phải là một cái nhìn “chính thống” về Nguyễn Đình Chiểu theo kiểu “nhà thơ yêu nước” hay “ngôi sao sáng” của chính quyền Việt Nam từ trước tới giờ.

Bởi vì đây là một sự kiện quốc tế, một sự kiện văn hóa thế giới được bảo trợ bởi UNESCO. Do đó, khi nhìn lại những văn bản của UNESCO và Ban Tổ Chức Hội Thảo nêu trên thì ta có thể thấy rằng đây là một sự kiện văn hóa mà cả hai bên đều muốn được sự tham dự cũng như đóng góp từ khắp thế giới. Chính vì vậy mà Ban Tổ Chức Hội Thảo đã chú trọng và nhấn mạnh là phải mời cho được các tác giả người Việt ở nước ngoài tham dự.

Thế nhưng khi từ chối không chấp nhận bài viết của tôi, họ đã mượn cớ là vì bài “dài quá” nên không thể in trong Kỷ Yếu Hội Thảo. Rồi khi tôi đề nghị là nếu vậy chỉ cần cho đăng tóm tắt và đưa đường link đến toàn văn bài viết trên mạng thôi thì họ lại không dám trả lời trực tiếp, mà chỉ ấm ớ là “khó thực hiện”. Rồi im lặng luôn.

Và đó là điều mà ai cũng hiểu, là Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Việt Nam đã không cho phép. Bởi chỉ cách đây vài tháng thì cơ quan đầy quyền uy này đã ra một công văn cấm các địa phương không được dùng tên của Phan Thanh Giản để đặt cho trường học, đường phố. Có nghĩa là Phan Thanh Giản vẫn còn bị coi như một nhân vật “bán nước” ở Việt Nam, nhờ sự bịa đặt của ông Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền tức tiền thân của Ban Tuyên Giáo Trung Ương là ông Trần Huy Liệu vào thập niên 1950 với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.

Nhưng như vậy thì điều rõ ràng là lý do chính trị của một chính quyền đã xen vào một sự kiện văn hóa được bảo trợ bởi cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc, UNESCO. Để cho vì động lực chính trị đó mà Ban Tổ Chức Hội Thảo đã phải mượn cớ này cớ nọ để từ chối và không hề dám thảo luận về nội dung bài viết của tôi.

Về phần tôi, như đã nói, tôi chỉ muốn một điều đơn giản là cho những người trong nước có một cái nhìn trung thực về giá trị văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu qua việc ông thẳng thắn ngợi khen Phan Thanh Giản; thay vì những lời dối trá cho rằng nhà thơ đã nguyền rủa Phan Thanh Giản. Vì lý do đó, tôi đã sẵn sàng chấp nhận cho Ban Tổ Chức Hội Thảo đăng bài tóm tắt nội dung bài viết của tôi trong cuốn Kỷ Yếu Hội Thảo; miễn là có đường link dẫn đến toàn văn bài viết của tôi trên mạng.

Đây là một điều rất dễ dàng thực hiện, nếu lý do từ chối đúng như ông Phó Trưởng Ban Nguyễn Chí Bền thông báo là vì bài “dài quá”. Và mặc dù thể lệ viết bài không hề có điều lệ này (mà chỉ yêu cầu viết ít nhất 4000 chữ), nhưng tôi cũng vẫn sẵn sàng chấp nhận chỉ cần đăng một tóm tắt bài viết của tôi trong Kỷ Yếu Hội Thảo mà thôi. Tức là tôi đã hết sức nhượng bộ, dù cho lý lẽ ở về phía tôi.

Thế nhưng Ban Tổ Chức Hội Thảo đã không dám làm một việc dễ dàng như vậy.

Cho dù tôi vì lý do văn hóa nên đã vạch ra âm mưu của những kẻ do mục tiêu chính trị mà hạ nhục nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản.

Và quan trọng hơn nữa, vì họ đã hạ nhục một danh nhân văn hóa đang được chính UNESCO vinh danh là Nguyễn Đình Chiểu.

Trong khi nội dung của cuộc Hội Thảo này, như phía Việt Nam đã đưa ra với UNESCO, là nói về giá trị VĂN HÓA của Nguyễn Đình Chiểu.

Tức là rõ ràng vì lý do CHÍNH TRỊ cho nên Ban Tổ Chức Hội Thảo đã hành xử như cách họ đã dùng đối với tôi, một người Việt sống ở nước ngoài, thuộc nhóm người mà họ rất muốn mời tham dự Hội Thảo.

Tôi không hiểu UNESCO sẽ nghĩ sao về vấn đề nói trên. Là phía Việt Nam đã vì lý do chính trị mà từ chối đến cả việc thảo luận về giá trị văn hóa của chính vị danh nhân văn hóa mà họ muốn tuyên dương. Tức là đi ngược lại với những gì mà họ đã cam kết với UNESCO.

Nhưng tôi vẫn có cách để đưa nghiên cứu của tôi về Nguyễn Đình Chiểu đến với độc giả trên khắp thế giới, bằng cuốn sách này.

Và đó là lý do cho sự ra đời của nó. Mặc dù mục đích ban đầu của tác giả chỉ đơn thuần là muốn đóng góp một bài tham luận cho cuộc hội thảo KHOA HỌC QUỐC TẾ về giá trị VĂN HÓA của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mà thôi.

Cho nên giống như cuốn sách về Phan Thanh Giản (Phan Thanh Giản Và Vụ Án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân) mà tôi đã để lên mạng ở đây:

https://app.box.com/s/bnfhc25c9folo172xozkv6f7oss9drjb

Cuốn sách này cũng sẽ được tôi đưa lên mạng để tặng cho tất cả độc giả.

Trân trọng,

Winston Phan Đào Nguyên

05/31/2022

Ghi chú của VOA: Ngày 8 tháng Sáu, tác giả Winston Phan Đào Nguyên gởi ra link trên mạng đến tác phẩm "Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho 'Quan Phan' Phan Thanh Giản":

https://app.box.com/s/p7e3mgfty0l1asrqkewxuck6bwqw7rny

Ghi chú:

(1) https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000375944
PROPOSALS BY MEMBER STATES FOR THE CELEBRATION OF ANNIVERSARIES IN 2022-2023 WITH WHICH UNESCO COULD BE ASSOCIATED SUMMARY
​This document provides detailed information on proposals by Member States for the celebration of anniversaries in 2022-2023 with which UNESCO could be associated, as submitted for decision in document 211 EX/30. Two hundred and eleventh session
211 EX/30.INF
MEMBER STATES’ REQUESTS DEEMED ADMISSIBLE BY THE DIRECTOR-GENERAL
The Secretariat considers that the requests listed in this document meet the procedure and the criteria adopted by the Executive Board, and proposes that UNESCO be associated with the celebration of these anniversaries, whose descriptions appear hereafter:
60.200th anniversary of the birth of Nguyen Dinh Chieu, poet (1822-1888) (Viet Nam, with the support of India, Japan, Republic of Korea and Thailand)Nguyen Dinh Chieu (1822-1888) was a Vietnamese poet known for his thought of patriotism, love of people and peace. He was also an eminent culturalist who popularized Confucian moral concepts of loyalty, filial piety and faithfulness in accordance with the philosophy of life of the Vietnamese. His poetic story, Lục Vân Tiên, which describes human morality and tolerance, remains one of the most celebrated works in Vietnamese literature and it is translated into other languages, such as French, Japanese and English. Despite his disability (blindness), he was also an admirable teacher and a great physician. Teaching and curing the people was his philosophy that he had pursued in his everyday life. Nguyễn Đình Chiểu sets an example of possibility of lifelong learning for disabled people around the world - he pursued self-study of Confucius and traditional medicine knowledge to become a teacher and a physician curing and saving people. ED).
(2) Những chỗ in đậm trong bài viết này là do người viết nhấn mạnh.
(3) Những chỗ in đậm trong thư này, cũng như trong những lá thư sau, là do tôi nhấn mạnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn