• Cindy Sui
  • Phóng viên BBC tại Đài Bắc

Cảnh từ phim The Receptionist - Nhân viên lễ tân

Nguồn hình ảnh, Mirror Stage Films

Chụp lại hình ảnh,

Bộ phim kể về thế giới của những tội ác tàn bạo và những giấc mơ bị vùi dập

Năm 2009, một phụ nữ Trung Quốc với cái tên Anna đã tự tử gần sân bay Heathrow ở London. Bạn bè cô sau đó được biết cô từng làm gái mại dâm ở một cơ sở massage bất hợp pháp.

Một trong những người bạn của Anna, Jenny Lu, người tốt nghiệp một trường về nghệ thuật của Đài Loan đã thực hiện hành trình tìm hiểu về cuộc đời bí mật của Anna.

Kết quả là bộ phim truyện đầu tay của Lu mang tên The Receptionist (Nhân viên lễ tân), được công chiếu hôm thứ Sáu 23/6/2017 tại Đài Loan và tại Liên hoan phim Edinburgh ở Anh Quốc tuần này.

Một số người đọc có thể cảm thấy một vài khía cạnh của câu chuyện này là thật đáng buồn.

"Tôi gặp Anna ở Chinatown - khu Phố Tàu - trong một cuộc gặp mặt quanh bữa ăn tối. Cô trông rất bình thường" đạo diễn Lu nhớ lại.

"Cô xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở Trung Quốc, và sang Anh vì muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng cuối cùng cô lại có cuộc sống hai mặt mà chẳng ai biết cả.

"Tôi cảm thấy thực sự buồn. Làm sao không ai biết gì về chuyện đó và đã không ai có thể giúp cô ấy được?"

Giấc mơ London

Qua một người bạn chung, đạo diễn Lu đã lần tìm được những phụ nữ từng làm việc với Anna tại cơ sở massage này.

Họ là những người di trú từ Trung Quốc lục địa, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Cơ sở massage khác thuê phụ nữ từ các nước có nền kinh tế khá hơn như Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Giống một số phụ nữ kia, Anna đến Anh bằng kết hôn giả.

Cảnh từ phim The Receptionist - Nhân viên lễ tânNguồn hình ảnh, Mirror Stage Films

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều phụ nữ trả rất nhiều tiền cho các cuộc kết hôn giả hay mua hộ chiếu giả để vào Anh

"Cô lấy một người Anh nhưng ông này không có công ăn việc làm. Gia đình Anna đã trả rất nhiều tiền để thu xếp cuộc kết hôn giả này cho cô. Cô làm việc rất vất vả để hoàn trả số tiền nợ và giúp đỡ em trai cô ở Trung Quốc," cô Lu giải thích.

Những phụ nũ khác đến bằng hộ chiếu giả. Một số đã ly hôn và muốn có một cuộc sống mới tại Anh Quốc. Một số muốn kiếm tiền để nuôi con.

Những người khác, bao gồm cả những phụ nữ từ Đài Loan, là sinh viên sang Anh học tiếng nhưng bị dụ dỗ vì tiền.

Sau khi tới Anh Quốc, nhiều người nhận ra để tồn tại không thôi đã là khó khăn hơn rất nhiều so với những gì họ tưởng, chưa nói gì tới thực hiện được giấc mơ của mình, vì thế họ tìm cách làm việc tại các cơ sở massage, đạo diễn Lu nói.

Sự thức tỉnh tàn bạo

Phim The Receptionist dựa trên cuộc đời của những người làm thuê và khách hàng tại một cơ sở massage ở London qua con mắt của một sinh viên tốt nghiệp đại học người Đài Loan được thuê làm nhân viên tiếp tân tại đây.

Bộ phim miêu tả không che đậy những đối xử mà phụ nữ phải chịu đựng, bao gồm cả bị lạm dụng và chịu các hành vi tình dục cực đoan.

Các trùm băng đảng đòi tiền "bảo kê" từ những phụ nữ này và sẽ đánh, cướp giật hay hãm hiếp họ nếu họ không chịu trả tiền vì biết các phụ nữ này sẽ không dám gọi cảnh sát.

Cảnh từ phim The Receptionist - Nhân viên lễ tânNguồn hình ảnh, Mirror Stage Films

Chụp lại hình ảnh,

Những phụ nữ này bị lạm dụng, đánh đập và bị hãm hiếp chính bởi những kẻ tội phạm đang 'bảo vệ' họ

Mặc dù các cảnh trong phim là hư cấu nhưng đều dựa trên những kinh nghiệm mà Anna và các đồng nghiệp của cô trải qua.

"Diễn viên lúc đầu không tin vào bản thảo của tôi. Vì thế tôi đã thu xếp để họ gặp những phụ nữ này," cô kể.

Những phụ nữ này thu khoảng £120 ($152) từ khách cho mỗi lần bán dâm có giao hợp. Chủ cơ sở massage thu từ 50% tới 60% số tiền đó.

Trong khi một số phụ nữ cuối cùng bỏ nghề nhưng nhiều người khác tiếp tục làm mặc dù không phải họ bị buộc phải làm và thậm chí sau khi họ đã kiếm được khá tiền. Nói tiếng Anh không thạo, họ lo sợ sẽ khó tìm được công việc có lương tốt.

"Họ luôn nói rằng họ muốn bỏ nghề này sau một năm hay vài tháng... nhưng họ đã quen với việc kiếm tiền nhanh rồi," cô Lu nói.

Một cảnh trong phim The ReceptionistNguồn hình ảnh, Mirror Stage Films

Chụp lại hình ảnh,

Những phụ nữ này thực sự sống cách biệt với thế giới bên ngoài

"Họ không muốn chọn những công việc khác không kiếm được nhiều tiền như vậy. Họ nghĩ: 'Làm sao tôi có thể kiếm đủ sống nếu tôi không làm công việc này?'"

"Đó là suy nghĩ nguy hiểm. Nó giống như một cái hố mà họ từ đào cho chính mình. Vì thế nhiều người đã không thể thoát ra được."

Những phụ nữ này rất hiếm khi đi ra ngoài vì họ sợ hàng xóm phát hiện ra. Họ làm việc ngày đêm. Rèm cửa của họ luôn kéo kín.

"Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhiều phụ nữ này thực sự chưa bao giờ nhìn thấy những danh lam thắng cảnh của London," cô Lu nói.

Đánh mất tâm hồn

Nhiều người từng là niềm tự hào của gia đình họ khi họ đi ra nước ngoài. Họ cảm thấy xấu hổ không muốn trở về hay nói với gia đình sự thật.

Một số người tìm cách quên quá khứ và cuộc sống bình thường mà họ từng có.

"Nó giống như một người không còn tâm hồn. Họ không muốn suy nghĩ quá nhiều," cô Lu giải thích.

Scene from the ReceptionistNguồn hình ảnh, Mirror Stage Films

Chụp lại hình ảnh,

Tina, nhân viên lễ tân, giấu không cho bạn trai biết công việc của mình - nhưng bạn trai cô sau đó đã tìm ra sự thật

Khi Anna tự vẫn, cô 35 tuổi. Cô tới Anh mới được hai năm và làm việc trong ngành mại dâm khoảng một năm.

"Một số bạn bè của cô nghĩ cô bị áp lực vì gia đình tiếp tục đòi cô gửi tiền," đạo diễn phim cho biết. "Những người khác nghĩ rằng cô không thể chấp nhận công việc mà cô đang làm vì thế mỗi ngày là một cuộc đấu tranh."

"Và một người bạn đã vay cô tiền để mở nhà hàng. Khi cô đòi lại tiền đó, người bạn dọa sẽ mách gia đình cô việc cô kiếm tiền bằng cách nào. Cô đã hoảng sợ."

"Cô nghĩ về gia đình mình rất nhiều; cô thực sự không muốn ra nước ngoài."

'Đừng quên giấc mơ của mình'

Nó thật khác xa so với cuộc đời của chính đạo diễn Lu - gia đình cô có khả năng trợ giúp việc học của cô, có thể giúp cô theo đuổi mục tiêu của cô muốn trở thành một nhà làm phim.

"Thật là một cú sốc đối với tôi vì trước đó tôi chưa từng có dịp gặp những người như vậy," đạo diễn bộ phim này nói.

Jenny LuChụp lại hình ảnh,

Phim của Jenny Lu được đề cử vào giải thưởng phim quốc tế

Mặc dù có ngân sách nhỏ - 300.000 bảng mà phần lớn là từ hai tài trợ bao cấp của chính phủ Đài Loan và một chút được quyên góp dành cho người khởi nghiệp - phim của Jenny Lu được chọn chiếu khai mạc Liên hoan phim quốc tế Edinburgh, và đuợc đề cử Giải Phim quốc tế Milan và Giải Ngựa Vàng Đài Loan.

"Tôi rất vui khi mọi người có cảm xúc sau khi xem phim," Lu nói.

"Thông điệp mà tôi muốn gửi ra là cho dù bạn có đi xa và theo đuổi giấc mơ của mình từ lâu thì hãy ngoảnh lại và nhìn lại nơi bạn xuất thân, nhìn lại giấc mơ ban đầu của mình là gì? Nhiều người đã quên mất."

Lu dự định sẽ mời những phụ nữ đó xem bộ phim khi cô trở lại Anh để họ có thể thấy cô đã kể câu chuyện của Anna.