Ba Lan tháng Năm nắng vàng và điều kỳ diệu bên sông Wisla

Chủ Nhật, 08 Tháng Năm 20222:00 SA(Xem: 1827)
Ba Lan tháng Năm nắng vàng và điều kỳ diệu bên sông Wisla
bbc.com

Ba Lan tháng Năm nắng vàng và điều kỳ diệu bên sông Wisla


Ba Lan: Điều kỳ diệu ở Warsaw sau mùa dịch và trong cuộc chiến ở Ukraine

  • Nguyễn Giang
  • Viết từ Warsaw, Ba Lan

Ba Lan
Chụp lại hình ảnh,

Ngày hội trong công viên Lazienki, người dân đi chơi, ngắm cảnh, xem biểu diễn âm nhạc

Dịp nghỉ lễ đầu tháng 5/2022, tôi bay từ London về thăm Warsaw ba ngày, lần đầu kể từ tháng 10/2019.

Sau hơn hai năm chống dịch Covid và lại có thêm cuộc chiến của Nga ở láng giềng Ukraine, Ba Lan nay ra sao? Câu hỏi đó cứ vương vấn trong đầu tôi lúc ngồi trên máy bay.

Không khí đông vui

Từng học ở Ba Lan 10 năm và có gia đình bên đó, tôi hay về thăm, thường xuyên theo dõi tình hình quốc gia này, nhưng vẫn chưa hiểu kỹ vì sao người Ba Lan lại quyết tâm giúp dân Ukraine tỵ nạn, và giúp súng đạn để Ukraine kháng cự trước Nga.

Có vẻ chính giới Ba Lan, tả lẫn hữu đang coi cuộc chiến chống lại Nga ở Ukraine là của họ, đến mức các báo Anh, Mỹ nay gọi Ba Lan là "nước lãnh đạo châu Âu" trong vấn đề Ukraine.

Nhưng đầu tiên là cảm giác ở Warsaw ngày đầu tháng 5 nhiều nắng vàng, cây xanh, người dân đi lại vui chơi.

Ngày 01/05 từng là lễ lớn Mồng 1 tháng Năm, gọi là Majowka thời cộng sản, hay có diễu hành công nông binh.

Nay Ba Lan vẫn giữ ngày này (Quốc tế Lao động), nhưng cho Thánh lễ Công giáo vào, gọi là Ngày Đoàn kết của người lao động, thêm Ngày Quốc kỳ 02/05 và Ngày Hiến pháp 03/05, thành kỳ nghỉ dài ba ngày. Các yếu tố văn hóa còn lại từ thời XHCN, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cùng chung sống, nhưng dân được nghỉ là sướng.

Cà phê sáng ở Thành Cổ, phở Việt ở chợ hoa ulica Bakalarska, tối đáp xuống quán bia chỗ này, chỗ kia, tôi cùng một số bạn lượn phố Warsaw và chỉ thấy đông vui, không thấy một chút gì rằng đây là thủ đô của một quốc gia hiu quạnh vì Covid hay đang lo sợ vì chiến tranh.

Các phố đều đầy người, ngày lễ họ ra công viên xem tượng Chopin, Liszt, xem trình diễn quân nhạc, tối thì vào quán ăn chơi đến lúc muộn. Trước Dinh Tổng thống, tại cổng vào Bộ Văn hóa có một triển lãm về các danh nhân Ba Lan gốc Do Thái, dấu hiệu của sự tôn trọng khác biệt quá khứ.

Xin nhắc, năm 1968 Ba Lan có cuộc thanh trừng trí thức, đảng viên cộng sản gốc Do Thái khá tàn khốc, đẩy hàng nghìn người đi lưu vong. Nay con cháu họ trở về đầu tư, làm chuyên gia kinh tế, tài chính. Tiền từ Mỹ, Anh, Israel chảy về Ba Lan nhiều.

Có mỗi điểm dở là vào ngày lễ 01/05 họ đóng quán từ sau 10:30 nên không ngồi qua đêm được. Khu Thành Cổ luôn sáng đèn, đầy du khách. Ghi nhận nhanh: không nghe thấy tiếng Trung.

Khu Zelazna, nay được gọi là Tiểu Manhattan, đầy cao ốc hiện đại, sang trọng, bên phố để nhiều trạm xe đạp cho thuê, có hình cờ, và tiếng Ukraine. Nhiều đại công ty toàn cầu và của Mỹ sau Brexit không bỏ Anh sang Pháp, Đức mà sang luôn Ba Lan, coi đây là bàn đạp cho những thị trường mới lên. Nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân cho biết giá bất động sản khu trung tâm Warsaw lên đều, một dấu hiệu của đầu tư tiếp tục đổ vào.

Thăm một số quán trung tâm thì thấy trình độ phục vụ, các món ăn Âu, Á, các loại rượu bia đều không khác gì ở London, người phục vụ có phần thân thiện hơn. Tất nhiên, giá cả cũng cao tương ứng vì lạm phát. Ra một số nhà hàng Việt, tô phở to nay là 30 zloty, bằng gần 7 USD, thật không rẻ, tuy vẫn ngon hơn phở 15 USD ở Mỹ và 11 bảng ở Anh.

Hôm ở Anh, xem tin nói "bầu trời phía Đông Ba Lan đã đóng, dành cho phi cơ quân sự của Mỹ", tôi hy vọng đến đây sẽ thấy cảnh trực chiến toàn dân, mà chẳng thấy gì.

Thế nhưng, sự hiện diện của người Ukraine tỵ nạn, gồm cả người nghèo, và người giàu có, thì rất rõ rệt.

Ba Lan luôn tìm cách đi riêng

Điều gây ngạc nhiên cho cả châu Âu là gần 3 triệu người Ukraine đã chạy sang Ba Lan tỵ nạn mà nước này không có, và không cần một trại tỵ nạn nào cả.

Vì thấy trước các vấn đề phát sinh, gây nhức nhối về trại tỵ nạn, Ba Lan đã không làm như các nước khác trên thế giới. Xin nhắc hình ảnh trại tỵ nạn thường là các dãy lều rộng, những nhà kho mái tôn, với người nằm la liệt, đau khổ chờ lối thoát. Xây thì dễ, dọn đi thì rất khó.

Cách làm rất riêng của Ba Lan là kêu gọi toàn dân đón người Ukraine về nhà sinh sống, cho họ quyền lao động để đi làm ngay. Người Ukraine vào Ba Lan không cần visa, và đầu tiên tập trung ở các khu nhà lớn như trường học, bể bơi, cung thể thao, rồi sau đó đến dần các gia đình Ba Lan sinh sống. Người nhận tỵ nạn được chính phủ trợ cấp nhưng rất nhiều người Ba Lan không buồn nhận khoản tiền này, cho đó là một sự xúc phạm lòng hảo tâm của họ.

Chụp lại hình ảnh,

Biển trên bến xe bus ở Warsaw ghi dòng chữ 'Đừng cho Putin ăn'

Chụp lại hình ảnh,

Quân nhạc trong công viên Hoàng gia Lazienki

Nhưng để phân tán ít ra là 2,6 triệu người Ukraine vào các hộ gia đình Ba Lan (dân số 38 triệu), có những yếu tố văn hóa, ngôn ngữ gần gũi khiến bên nhận, bên đến đều vui.

Tiếng Ukraine khá gần tiếng Ba Lan và vì vùng Tây Ukraine từng thuộc Ba Lan nên dân ở đó đa số nghe hiểu và nói được ít nhiều tiếng Ba Lan.

Anh Vũ Hội Khánh, cựu lưu học sinh Việt Nam sang Lviv học và ở lại đó đã nhiều năm giải thích với tôi: "Tiếng Ukraine tạm coi là 50% Nga, và 50% là tiếng Ba Lan."

Tôi nói chuyện với anh Khánh bên lề sự kiện nhỏ, Gặp gỡ Warsaw do anh Mai Hải Lâm và bạn bè tổ chức để tác giả Nguyễn Cảnh Bình từ Hà Nội tới nói chuyện và tặng cuốn sách 'Sinh năm 1972 - Khát vọng sống'.

Tuy không phải là một 'event đông người' vì chỉ mời bạn bè, và vì như tôi viết ở trên, Ba Lan có kỳ nghỉ dài, ba ngày nên nhiều người Việt cùng gia đình đã đi chơi xa, đây là dịp lý thú để các bạn đến từ Ukraine, Anh, Thụy Điển, Đức... giao lưu với nhau và với người ở Ba Lan.

Câu chuyện về Ukraine hiển nhiên thành đề tài chính. Các bạn cho tôi biết, Ba Lan cho trẻ em Ukraine vào trường học luôn, và tạo ra một chương trình gần như là để người Ukraine hội nhập.

Ngồi trên chiếc tàu điện số 7 vẫn tuyến đường từ trung tâm Warsaw xuống phía Nam, qua các phố Grojecka (tôi từng sống ở đó trong các năm 1995-1999), tới chợ Việt ở Aleja Krakowska, tôi gặp khá nhiều người Ukraine: gia đình mẹ và hai con, các cặp thiếu niên đeo ba-lô, bế chó đi chơi ngày lễ.

Vào một quán phở Việt thấy có hai người dọn dẹp gần quầy cũng nói với nhau bằng tiếng Nga, chắc là người Ukraine.

Chính quyền Ba Lan rất biết cách tạo cơ chế thông tin giúp cho việc hội nhập của người tỵ nạn. Chiếc tàu điện nay hiện đại hơn xưa, có bảng chỉ dẫn tiếng Ba Lan, Anh và Ukraine trên màn hình điện tử.

Các kênh TV của Ba Lan có luôn chương trình thời sự hoàn toàn bằng tiếng Ukraine và tất nhiên là kênh thời tiết bằng thứ tiếng đó. Họ thuê các nhà báo Ukraine làm việc bình thường.

Đọc báo Việt Nam thấy có tin trẻ em gốc Việt từ Ukraine về Việt Nam tỵ nạn bị gặp "khó dễ" khi đi học trường công. Tôi nghĩ nếu việc đó còn tiếp diễn thì thật là một sự xấu hổ cho ngành giáo dục khi ta nhìn vào khả năng tổ chức, tinh thần từ thiện và trình độ của Ba Lan tiếp nhận cả triệu học sinh Ukraine.

Về sinh hoạt, mọi người Ukraine sang Ba Lan đều nhận được ngay số căn cước PESEL để đi làm, đóng thuế và phụ nữ, trẻ em đều nhận ngay các khoản trợ cấp trả thẳng vào tài khoản để sống. Vì thế, nếu họ ở nhờ nhà người Ba Lan thì họ cũng không phải "ăn nhờ". Nhiều người thuê nhà tự sống, tạo ra thêm một thị trường nhà cửa sôi động.

Tôi ngạc nhiên khi tiếp xúc với một số người Ukraine ngay trong khách sạn. Gần như 100% giới trẻ nói thạo tiếng Anh, và học tiếng Ba Lan rất nhanh.

Cũng phải nói là giới doanh nhân Ukraine chẳng cần Ba Lan hỗ trợ mà trả vài trăm USD một ngày để cả gia đình ở luôn khách sạn nhiều tháng.

Ngay tại hotel Radisson Blu Sobieski tôi trọ có đầy người Ukraine. Ai cũng sang trọng, lịch sự và nhìn vào hàng "xe khủng", toàn Mercedes, Porsche, BMW mang biển UA đỗ ngoài bãi thì tôi hiểu đây là tầng lớp 1% sang tỵ nạn.

Tuy thế, chính phủ Ba Lan không ôm đồm làm tất cả mà chỉ tạo hành lang pháp lý và tập trung vào hỗ trợ Ukraine về quân sự, chứ việc từ thiện là của xã hội. Đây là cách khác kiểu tư duy cũ của Nga, của Việt Nam, Trung Quốc- cái gì nhà nước cũng phải có phần mới oai.

Kinh tế Ba Lan là chìa khóa của mọi giải pháp

Ba Lan làm được như thế, ngoài lợi thế có sẵn về văn hóa, ngôn ngữ với Ukraine, còn là nhờ tiềm lực kinh tế sẵn có rất mạnh, sau hơn 30 năm chuyển từ mô hình XHCN màu xám xịt và thiếu thốn đủ thứ, sang kinh tế thị trường rất thành công.

Bạn bè chở tôi đi ra các vùng bên ngoài Warsaw: khắp nơi là cầu vượt, đường vành đai, xa lộ hiện đại, được xây mới nhờ tiền EU nên to đẹp.

Nói thật thì mình là dân chạy xe khắp châu Âu nên nhìn các xa lộ Ba Lan mà mê. Từ dải phân cách, biển hiệu, vạch trên nền đường, đèn xanh đèn đỏ, tấm chắn tiếng ồn (noise screens), tất cả đều sạch và sáng hơn nhiều so với các motorway đã cũ ở Anh.

Xe chạy điện cũng khá nhiều trên phố. Các tuyến xa lộ nhiều làn xe nay nối thủ đô với cố đô Krakow, với Lodz, Katowice, Poznan...Và bên đường là những tổng kho, các trung tâm kinh doanh, dịch vụ hàng hóa to, mới nhìn giống như ngoại ô Houston ở Mỹ mà tôi đã thăm.

Cần điểm qua vài con số chính thức về kinh tế Ba Lan và tiềm lực khiến họ có thể gánh hàng triệu người Ukraine mà chưa nhận được một xu từ EU - theo lời thủ tướng Mateusz Morawiecki cuối tháng 4.

Chụp lại hình ảnh,

Cảnh mùa xuân trong công viên Lazienki

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), tăng trưởng kinh tế Ba Lan bị chậm lại do tác động xấu từ cuộc chiến Nga gây ra ở Ukraine. Vì Ba Lan là nước xuất khẩu nhiều sang cả Ukraine và Nga, đồng thời cũng nhập đủ thứ từ hai nước láng giềng có diện tích to hơn nhiều.

Nhưng năm 2022, GDP của Ba Lan vẫn có con số tăng trưởng (dự báo) đáng nể 3,9%, và sang 2023 sẽ là 3,6%.

Để so sánh, GDP chung 2022 của cả Đông Âu và Trung Á bị giảm đi 4,1%, theo Global Economic Prospects. Các quốc gia dính vào chiến tranh bị thiệt hại lớn nhất: GDP của Ukraine giảm 45,1%; Nga giảm 11,2% và Belarus - 6,5%.

Tuy thế, để có tiềm lực tiền bạc như bây giờ nhằm hỗ trợ Ukraine, Ba Lan đã trải qua quá trình chuyển đổi ngoạn mục.

Trong suốt 26 năm qua, Ba Lan thuộc nhóm Đại bàng về tăng trưởng kinh tế cả trước và sau khủng hoảng 2018 ở châu Âu. Nói ngắn gọn thì những gì tôi chứng kiến tại Warsaw và các vùng khác chính là kết quả của sự tăng trưởng GDP: gấp đôi trong gần 30 năm, hoặc từ mức chỉ bằng 32% chuẩn EU, lên 70% chuẩn trung bình về GDP và mức sống của EU.

Nguồn hình ảnh, Minh A Nguyen

Chụp lại hình ảnh,

Đi từ cổ kính đến hiện đại: Warsaw nay là một trung tâm tài chính, kinh tế của khu vực Trung-Đông Âu

Có câu hỏi là thành công của Ba Lan đến từ cải tổ kinh tế trước, hay nhờ đổi thể chế trước.

Đây là vấn đề vẫn còn tốn nhiều giấy mực ở Việt Nam. Khi bạn bè đang say sưa chém gió, Hải Lan, một nữ doanh nhân thành đạt ở Warsaw, cười, nói với tôi "Các anh chị này vẫn tranh cãi Con gà có trước hay Quả trứng có trước."

Cứ theo kinh nghiệm Ba Lan thì phải hai chân cùng bước mới khỏi ngã. Ít ra là hai người Việt ở Warsaw nói với tôi như thế.

Không cải tổ thể chế cho phù hợp thì hệ thống chính trị dễ tạo ra tham nhũng, dễ trở thành gánh nặng cho kinh doanh.

Không cải tổ kinh tế kịp mà đòi đổi chính trị lật đổ, chỉ thay nhóm chóp bu thì dễ đổ vỡ, như Nam Tư cũ, Liên Xô cũ.

Chụp lại hình ảnh,

Buổi gặp nhân dịp tác giả Nguyễn Cảnh Bình ký tặng sách là dịp lý thú để các bạn đến từ Ukraine, Anh, Thụy Điển, Đức...giao lưu với nhau và với người ở Ba Lan.

Từ cứu trợ nhìn tới cho công cuộc tái thiết Ukraine

Nhìn thành tích của Ba Lan đón số người tỵ nạn bằng gần 10% tổng dân số mà không hề gây ra xáo trộn, lộn xộn, mâu thuẫn gì, tôi nghĩ ngoài kinh tế vững, cơ sở hạ tầng về IT tốt, toàn bộ nền hành chính, gồm cả quản lý nhân khẩu, đã số hóa, họ còn có thể chế dân chủ, có truyền thông tương đối tự do, có xã hội dân sự phát triển nên xử lý các bài toán "đơn vị triệu" về người tỵ nạn rất nhẹ nhàng.

Người Ukraine đang nhìn vào Ba Lan như một hình mẫu tạo cảm hứng cho họ vào EU.

Xã hội Ba Lan ngày nay cũng là môi trường tốt cho người Việt sinh sống, tự do làm ăn trong khuôn khổ pháp luật, tự do làm từ thiện.

Chụp lại hình ảnh,

Chùa Nhân Hòa đã đón hàng trăm người tỵ nạn Việt từ Ukraine sang trong các tháng 2, 3 năm nay

Cùng các bạn từ Việt Nam, Đức, Anh và Thuỵ Điển, tôi tới thăm chùa Nhân Hòa, ghi nhận nỗ lực giúp hàng trăm bà con Việt chạy loạn từ Ukraine sang Ba Lan dịp tháng 2, tháng 3. Một số người còn ở lại đó.

Tôi được biết các hội đoàn, gồm cả Hội người Việt Nam, báo Quê Việt có quan hệ thân thiết với Đại sứ quán, đều tích cực làm từ thiện chẳng cần xin phép ai, trong xã hội dân sự cởi mở, có chuẩn mực pháp luật ở Ba Lan.

Tôi được sư Thích Trung Đạt, anh Võ Văn Long, anh Trần Trọng Hùng, và hôm sau là anh Lê Xuân Lâm đón tiếp thân mật, vui vẻ, kể câu chuyện cứu giúp bà con Việt từ Ukraine sang như một phần việc làm bình thường của họ, "khi ai cần thì mình giúp", chứ cũng không màng lời khen.

Cùng lúc, các nhóm trẻ hơn hoạt động cùng anh Phan Châu Thành, làm công việc chuyển hàng hóa sang giúp Ukraine, rất bình thường, cũng chẳng cần ai bảo, ai cho phép.

Chụp lại hình ảnh,

Nhà hoạt động, doanh nhân Phan Châu Thành kể về một chuyến đưa hàng cứu trợ sang Ukraine

Dư luận ở Việt Nam hiện có vẻ chú ý nhiều đến chiến sự Ukraine, nhưng ở Ba Lan người ta đã nói về chương trình tái thiết dự kiến đổ vào Ukraine hàng nghìn tỷ euro.

Với cái vốn chính trị lớn đã có - Kyiv chịu ơn Warsaw ủng hộ kháng chiến chống Nga - và nhờ cơ sở hạ tầng, hậu cần, pháp luật EU có sẵn, Ba Lan sẽ đóng vai trò chủ chốt trong giai đoạn tái thiết Ukraine, có thể sẽ thành nước tân thành viên đông dân nhất của EU.

Hy vọng người Việt Nam tại Ba Lan và châu Âu sẽ tiếp nối truyền thống tốt của công việc cứu trợ để có mặt trong công tác xây lại Ukraine sau này. Đây là các hoạt động không chỉ có ý nghĩa xã hội lớn mà còn là cơ hội kinh tế khổng lồ cho các doanh nghiệp hiện đã có chân ở EU.

Chụp lại hình ảnh,

Anh Trần Trọng Hùng nói chuyện với một phụ nữ tỵ nạn từ Ukraine, hiện đang tạm trú trong chùa Nhân Hoà, ngoại ô Warsaw

Những quan sát của tôi không nhằm vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng 'lạc quan tếu' khi tin tức chiến tranh vẫn đầy màu đen của thuốc súng, của bom đạn, của những xác người.

Tuy thế, có thể tạm kết luận rằng ông Putin không thể thắng người Ukraine, người Ba Lan về kinh tế, văn hóa và lối sống. Kể cả sau khi quân Nga có chiếm giữ toàn vùng Donbas, biến nó thành vùng đệm thì về lâu dài người dân ở phần còn lại của Ukraine vẫn chọn cách đi của họ.

Chuyện người Ukraine quyết tâm "thoát Nga" và "hướng Âu" là rất thật. Để kết luận, xin trích lời một anh tài xế từ Ukraine.

Dmitry Ivanov năm nay 35 tuổi, sang Ba Lan chở hàng cứu trợ mà người Việt quyên góp về tận Kharkiv. Hiện con trai với người vợ trước di tản sang New York, nhưng anh ở lại, vì bị chấn thương khi chơi môn leo núi, không nhập ngũ được nên xung phong lo hậu cần.

Chụp lại hình ảnh,

Dmitry nói thành phố quê hương Kharkiv "rất quốc tế"

Dù là người gốc Nga, anh nói anh tự hào là công dân Ukraine, tự hào là người Kharkiv, thành phố "rất quốc tế, có đầy sinh viên châu Á, châu Phi, cả Việt Nam, cả Trung Quốc", và bảo đó là tương lai xã hội Ukraine, chứ không phải "quay lại thời xưa của Đế quốc Nga".

Nếu ông Putin muốn giữ nước Nga theo kiểu của mình, ông "nên xây một bức tường cao như ở Gaza, đừng chơi với châu Âu nữa," anh lái xe nói.

Anh nói với tôi khi chất hàng lên xe ở Stepanowo, ngoại ô Warsaw:

"Putin sẽ thua trước mùa đông năm nay, mời bạn sang Kharkiv khi hòa bình trở lại!"

Các bài phỏng vấn video với các nhân vật trong bài sẽ được đăng dần trên trang web, Facebook và YouTube của BBC News Tiếng Việt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn