Danh họa Picasso trong tầm ngắm của cảnh sát nhập cư Pháp

Thứ Bảy, 14 Tháng Năm 20225:00 CH(Xem: 1470)
Danh họa Picasso trong tầm ngắm của cảnh sát nhập cư Pháp
rfi.fr

Danh họa Picasso trong tầm ngắm của cảnh sát nhập cư Pháp - Tạp chí văn hóa

Thanh Hà

Pablo Picasso ngày nay là một tượng đài văn hóa, là niềm tự hào của nước Pháp. Trong gần nửa thế kỷ, ông bị coi là kẻ ăn nhờ ở đậu, là « phần tử nước ngoài nguy hiểm ». Đã là người ngoại quốc lại có ngôn ngữ nghệ thuật « xa lạ » với viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Paris, đến cuối thập niên 1940 các phòng triển lãm và bảo tàng Pháp vẫn khóa chặt cửa với tranh của Picasso cho dù ông đã rất nổi tiếng.

Bất kỳ một thành phố nào trên đất Pháp giờ đây cũng có một con đường hay trường học mang tên danh họa Tây Ban Nha. Paris có cả một trạm métro Pablo Picasso. Bảo tàng Picasso ngay giữa lòng thủ đô đã hoạt động từ gần 40 năm nay. Hiếm ai biết rằng thiếu chút, người ta đã không thể viết nên những trang sử đẹp giữa tác giả của Guernica hay Người Đàn Bà Khóc, Những cô gái Avignon với nước Pháp. Họa sĩ này đã làm nên tội tình gì để bị cảnh sát nhập cư của Pháp theo dõi, bị xếp vào diện « đối tượng nước ngoài nguy hiểm » và bị từ chối khi Pablo Picasso xin gia nhập quốc tịch Pháp ?

Pháp và Picasso : duyên–nợ

Pablo Picasso (1881-1973) sinh ra tại thành phố Malaga, miền nam Tây Ban Nha. Ông đã dừng lại Madrid và Barcelona trước khi chọn Paris là nhà, là nơi lập nghiệp, là xưởng sáng tác. Năm 1900, Pablo Ruiz Picasso 19 tuổi đầu, để lại sau lưng gia đình và cả một con đường sự nghiệp rộng thênh thang để tìm đến kinh đô ánh sáng.

Paris là một « mê hồn trận » với muôn vàn ngõ ngách mà phải mất hàng chục năm ông mới « tìm được lối ra ».  Năm 1901 lần thứ nhì sang Pháp, trong vỏn vẹn vài tuần lễ Pablo Picasso sáng tác hơn 60 bức tranh để kịp dự một cuộc triển lãm. Một năm sau ông trở lại kinh đô ánh sáng cùng với một vài người bạn nghệ sĩ từ vùng Catalunya. Không tiền, họ lang thang từ phòng trọ tồi tàn này đến khách sạn bẩn thỉu khác. Đó là thời gian những nét cọ của Picasso « nặng trĩu nỗi buồn u ám ». Ông đưa vào hội họa hình ảnh những người ăn mày, những cô gái điếm … những góc khuất của kinh đô ánh sáng Paris.

1904 họa sĩ Tây Ban Nha quyết định không bao giờ rời xa nước Pháp. Đó là thời điểm Paris là chốn nương thân của những nghệ sĩ của thế giới bị truy bức. Pablo Ruiz Picasso là một ngoại lệ : ông không là một người tị nạn chính trị, không đến Paris với mục đích tha phương cầu thực. Nhưng ông biết Paris là người bạn đồng hành đưa ông đi rất xa trên con đường nghệ thuật, là  « nơi duy nhất trên thế gian xứng đáng để sống » như chính Pablo Picasso đã thổ lộ.

Dù không một đồng xu dính túi, không biết tiếng và hoàn toàn không hiểu biết gì về xã hội Pháp, Pablo Ruiz Picasso vẫn quyết định ở lại Paris, dù đấy là tình yêu một chiều.

Tranh của ông bị giới hàn lâm khinh rẻ, ngôn ngữ hội họa của Picasso quá « xa lạ » với quan niệm về mỹ thuật của Pháp. Tệ hơn nữa, đến năm 1940 vì thời cuộc, khi xin gia nhập quốc tích Pháp, Pablo Picasso phát hiện cảnh sát quản lý người nhập cư tại Pháp đã liên tục theo dõi ông suốt bốn thập niên và đã vin vào những tác phẩm của ông để chụp mũ Picasso là một kẻ « nổi loạn », là phần tử « nguy hiểm ».

Một trong số những "bản cáo trạng" thuộc hồ sơ 74.664 liên quan đến Pablo Ruiz Picasso của sở Cảnh sát Paris.
Một trong số những "bản cáo trạng" thuộc hồ sơ 74.664 liên quan đến Pablo Ruiz Picasso của sở Cảnh sát Paris. © Thanh Hà/RFI

Nhà sử học Annie Cohen Salal, nói về hai bức tường thành kiên cố mà họa sĩ Pablo Picasso đã phải vất vả vượt qua trong nửa đầu thế kỷ XX. Căn cứ vào những tư liệu của bên cảnh sát, năm 2021 Annie Cohen Salal ra mắt độc giả cuốn Un Etranger Nommé Picasso – Phần tử nước ngoài mang tên Picasso, NXB Fayard. Bà cũng là người điều hành triển lãm tại Bảo Tàng Quốc Gia về Lịch Sử Nhập Cư, Porte Dorée Paris vừa kết thúc. Triển lãm mang nhan đề Picasso l’Etranger. Chữ étranger ở đây có thể hiểu danh họa Tây Ban Nha là người ngoại quốc, mà cũng có thể là « kẻ xa lạ ». 

Annie Cohen Salal : « Picasso phải đương đầu với hai định chế đồ sộ, đó là Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật-Académie des Beaux Arts và bên cảnh sát quản lý người nước ngoài. Người ta gán cho ông ba nhãn hiệu : một là « đối tượng người nước ngoài ». Do là « người nước ngoài » lại nương tựa vào cộng đồng người vùng Catalunya –Tây Ban Nha định cư tại Pháp ở khu Montmartre và trong cộng đồng đó có một phần tử « vô chính phủ » thành thử sở di trú xếp Picasso vào danh sách những « phần tử vô chính phủ » dù là không có bằng chứng và điều đó hoàn toàn sai. Tì vết thứ ba đè nặng lên họa sĩ này do Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật xem Picasso là một nghệ sĩ  « theo chủ nghĩa tiền phong » tức là có tinh thần nổi loạn. Với ba « bản án » đó Pablo Picasso bị coi là một đối tượng nguy hiểm và vì thế ông bị theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên Picasso đã rất khéo léo tìm một chỗ đứng trong cái không gian tự do hạn hẹp đó. Không chỉ là một danh họa của thế giới mà còn tìm được những kẽ hở trong xã hội rất khắt khe của Pháp thời bấy giờ, để xây dựng cả một cơ đồ ».

Picasso bị cảnh sát theo dõi

Như đã nói, những năm tháng đầu tiên trên đất Pháp, Pablo Picasso sống cùng với các đồng hương vùng Catalunya ở khu bình dân Montmartre. Không nói và biết tiếng Pháp, ông đọc báo bằng tiếng Tây Ban Nha. Trong quá trình nghiên cứu nhà sử học Annie Cohen Salal tìm thấy một báo cáo mà tác giả là « ông cò » Rouquier viết về Pablo Picasso từ năm 1901 như sau :

« Đối tượng về khuya, nhận báo tiếng nước ngoài, một thứ tiếng mà chúng ta không đọc được. Hắn nói gì, mọi người gần như không hiểu. Tranh hắn vẽ những người đàn bà ăn xin, gái điếm (...) Hắn ở trọ nhà một đồng hương tên là Manach, một phần tử vô chính phủ. Vậy là Picasso chia sẻ ý tưởng của Manach. Do vậy hoàn toàn có lý do chính đáng nghi ngờ Picasso cũng thuộc thành phần vô chính phủ ».

Không cần đưa ra thêm nhiều chứng cớ, tài liệu này là một « bản án » và hồ sơ đó được lưu trữ tại Phòng quản lý người nước ngoài, trụ sở cảnh sát ở Quận 4–Paris. Tập các-tông mang số 74.664 liên quan đến Pablo Ruiz Picasso đã ngủ yên bên cạnh 2,5 triệu hồ sơ của người nước ngoài cho đến ngày 03/04/1940 khi danh họa Pablo Picasso đệ đơn lên bộ Tư Pháp xin nhập quốc tịch. 

Cần nói thêm là ở thời điểm năm 1940 Đức Quốc Xã xâm chiếm Pháp, và từ trước đó đã là điểm tựa của chế độ độc tài Franco bên Tây Ban Nha. Là một họa sĩ dấn thân, Picasso ý thức được rằng nếu bị trục xuất, chỉ nội tác phẩm phản chiến Guernica sáng tác năm 1937 cũng đủ để ông lãnh án tử hình. Do vậy ông cần vào quốc tịch Pháp để được bảo đảm là không bị trục xuất về Tây Ban Nha.

Đơn xin vào quốc tịch Pháp với chữ ký của Pablo Picasso ngày 03/04/1940.
Đơn xin vào quốc tịch Pháp với chữ ký của Pablo Picasso ngày 03/04/1940. © Thanh Hà/RFI

Picasso đã ngỡ ngàng khi đơn xin nhập quốc tịch của ông bị từ chối và càng ngỡ ngàng hơn nữa khi được biết báo cáo Rouquier 39 năm trước là bản án treo theo đuổi Pablo Picasso trong suốt thời gian ông sống và sáng tác trên đất Pháp, dù không một lần phạm tội.

Annie Cohen Salal : « Pablo Picasso nhớ rõ là cứ hai năm một lần ông phải trình diện cảnh sát để gia hạn thẻ cư trú và mỗi lần dọn nhà, đổi địa chỉ phải khai báo ngay lập tức. Nhỡ có quên, thì Picasso được nhắc nhở ngay. Khi đi nghỉ ở thành phố Royan tháng 9 năm 1939 ông được cảnh sát thành phố « mời lên nói chuyện » và chỉ khi đó mới được giấy phép để đi lại trong thành phố này. Trong vụ hồi năm 1911, cùng với thi sĩ Apollinaire, cũng người nước ngoài mua nhầm một pho tượng bị ăn cắp, đã khiến cả hai đều hết sức lo lắng là họ sẽ bị trục xuất khỏi nước Pháp. Picasso ý thức được rằng ông bị theo dõi chặt chẽ như thế nào và đó là một nhược điểm lớn đe dọa toàn bộ cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của ông. Tuy vậy Picasso không bao giờ để lộ mối lo đó. Ông cũng chẳng than thở với bất kỳ một ai và cần nhấn mạnh rằng trong cuộc đọ sức với bên cảnh sát di trú, Picasso chưa bao giờ tự coi mình là nhân ».

Hai vết thương lớn, một tấm lòng chung thủy

Pháp từ chối quy chế công dân với danh họa Pablo Picasso vào thời điểm tên tuổi của ông đã nổi lên như cồn. Ngoại trừ trên đất Pháp, các nhà phê bình nghệ thuật từ những thập niên 20 đã trông thấy Picasso là một cây đại thụ của thế giới. Vậy mà đến tận năm 1949 trên toàn nước Pháp vẫn mới chỉ có hai tác phẩm với chữ kỹ Pablo Picasso được trưng bày cho công chúng.

Annie Cohen Salal : « Những tác phẩm lập thể của Pablo Picasso đã được bán ở khắp các thủ đô của châu Âu, nhất là bên đông Âu, từ Áo cho đến Hungary hay Nga. Trong khi đó tại Pháp, mọi cặp mắt đều hướng về trường phái mỹ thuật của Pháp thừa hưởng từ thời vua Louis XIV. Bước sang Thế Chiến Thứ Hai, Picasso vẽ rất nhiều bức tranh siêu thực và không ít trong số ấy đã đến được New York qua trung gian giám đốc Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại MoMa. Đó cũng là thời điểm Pablo Picasso đã rất nổi tiếng. Ông được xem là một họa sĩ lớn của thế giới của thế kỷ XX, là một cây đại thụ của phong trào tiền phong tại châu Âu, trong suốt giai đoạn từ những năm 1900 cho đến 1940. Điều kỳ lạ ở đây là Pháp hoàn toàn « lệch pha » với phần còn lại của thế giới về vị trí của Picasso trên bầu trời nghệ thuật. Mãi đến năm 1947, thời điểm Pablo Picasso hiến cả trăm tác phẩm cho các viện bảo tàng quốc gia Pháp, mọi người mới có một cái nhìn khác về Picasso. Khi nhận cả trăm tác phẩm của Picasso cống hiến cho nước Pháp, Jean Salles, giám đốc toàn bộ các viện bảo tàng quốc gia đã có câu nói để đời ‘Hôm nay là ngày khép lại cuộc ly hôn giữa Nhà nước Pháp và một thiên tài’ ».

Vết thương không lành

Tránh được đổ vỡ nhưng Pablo Picasso không bao giờ tha thứ.

Annie Cohen Salal : « Có một cái gì đó rất đặc biệt giữa người nghệ sĩ này và tình yêu ông dành cho nước Pháp. Đây là nơi ông chọn để lập nghiệp, là tổ ấm. Pháp là mái nhà của gia đình Picasso và ông đã sống tại đây suốt cuộc đời còn lạị. Nhưng Pablo Picasso đã quay lưng lại với Paris và ông muốn công luận hiểu được điều đó. Năm 1955 ông định cư tại miền nam nước Pháp để không bao giờ quay gót về kinh đô ánh sáng nữa. Pablo Picasso tung hoành và làm tỏa sáng khung trời nghệ thuật của vùng Địa Trung Hải. Ông đã đổi mới cách nhìn về cái gọi là quốc tịch, về mối giao lưu giữa các nền văn hóa ».

Pablo Picasso từ chối vinh hạnh được chính phủ Pháp trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh. Ông cũng đã khước từ nhã ý của Nhà nước Pháp mời ông trở thành công dân Pháp để chỉ hài lòng với quy chế của một « công dân ưu đãi -citoyen privilégié » mà một vài thị trấn ở miền nam, rất xa Paris dành tặng cho ông.

Là họa sĩ đầu tiên được bảo tàng Louvre Paris tổ chức triển lãm tranh của ông khi còn sinh thời, Pablo Picasso đã vắng mặt trong buổi khai trương sự kiện với sự tham gia của đông đảo các quan chức nhà nước và giới chức sắc trong làng nghệ thuật.

Một câu trả lời muộn 

Pablo Picasso từ giữa thập niên 1950 về ở hẳn miền nam nước Pháp. Ông đã qua đời tại Mougins năm 1973 ở tuổi 90.

Đầu thể kỷ XX, Pablo Ruiz Picasso đã mơ, mơ rất nhiều về nước Pháp trước khi phải đối mặt với thực tế. Mối quan hệ phức tạp của họa sĩ Pablo Picasso với xã hội Pháp khi xưa có thể cũng là thân phận những người nhập cư của ngày hôm nay. Trong số những người chân ướt chân ráo vừa đến Pháp giờ đây, có bao nhiêu người tài hoa, có bao nhiêu kẻ si tình đủ kiên nhẫn và độ lượng để vượt lên trên những định kiến như Picasso hơn 100 năm về trước ? Tấm gương của Pablo Picasso năm nào liệu có đủ sáng để thi thoảng đạp đổ những thành kiến về « người nước ngòai » ở bất cứ xã hội nào hay không ?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn