Ấn tượng về một Kyiv ấm áp và xinh đẹp

Thứ Sáu, 15 Tháng Tư 20225:00 SA(Xem: 1723)
Ấn tượng về một Kyiv ấm áp và xinh đẹp

Nhìn vào những bức ảnh cũ của Kyiv, cảnh đường phố, giao thông tàu điện ngầm, đồ ăn nhẹ, phong cảnh và con người, tất cả đều được ghi lại một cách sống động. Một khi lật xem các bức ảnh, ký ức cũng trong nháy mắt được kéo về những thời không đã xa.

Vào mùa xuân, Kyiv là một biển hoa tulip, mùa hè thì tràn đầy nhiệt huyết; mùa thu, những chiếc lá dẻ ở Kyiv phản chiếu ánh sáng rực rỡ lúc mặt trời lặn; vào mùa đông, Kyiv được bao phủ bởi băng tuyết.

Ấn tượng về Kyiv
(Ảnh: Igor2008/Pixabay)

Ở Ukraine, tôi đã trải qua hơn 10 năm yên bình, đã đến thăm nhiều thành phố ở đất nước này, và đã có tình cảm gắn bó với người dân nơi đây.

Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc xuống phi cơ, ngắm nhìn những bông tuyết bay lượn và hít thở gió mát trên lãnh thổ Ukraine. Khoác trên mình chiếc áo khoác, tôi nhanh chóng lên xe buýt ở phi trường cùng với mọi người. Chào đón sự xuất hiện của các du học sinh nước ngoài là một vùng tuyết trắng xóa.

Ấn tượng về Kyiv
(Ảnh: Oleg Mityukhin/Pixabay)

Sau khi đến ký túc xá của trường, tôi mới biết rằng do sự cố rò rỉ của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cư dân ở Kyiv đều ra ngoại thành lấy nước. Trong ký túc xá của trường, du học sinh không bao giờ uống nước lã từ bếp.

Không lâu sau khi đến Kyiv, một ngày nọ, tôi mặc một chiếc váy mỏng và đi xuống cầu thang để lấy nước. Tôi nghĩ nơi lấy nước rất gần ký túc xá, cả đi và về chỉ mất vài phút mà thôi. Tuổi trẻ thích phong cách, chỉ cần phong cách, không cần quan tâm đến thời tiết. Kết quả là hôm đó có rất nhiều người xếp hàng đợi, tôi rùng mình vì lạnh. Một người phụ nữ lớn tuổi nhìn thấy vậy, đã yêu cầu những người trước mặt để tôi lấy nước trước. Mọi người đều đồng ý.

Khi tôi đến một cửa hàng ở Kyiv để mua đồ, nhân viên bán hàng thường nhắc tôi rằng, trứng và sữa là từ ngày nào, hoặc đồ ăn gì đã không còn tươi nữa, và gợi ý tôi mua những thứ khác. Ngày đó, tôi mới ra nước ngoài, tư duy của tôi vẫn còn mắc kẹt trong nền giáo dục “tất cả đều là vì tiền”. Tôi thường lẩm bẩm một câu: Người Ukraine thật ngốc, tại sao có tiền mà không biết kiếm? Cuộc sống hàng ngày ở Kyiv, theo cách nhẹ nhàng của nó, đã đảo ngược ý nghĩ “tất cả đều là vì tiền” của tôi.

Ấn tượng về Kyiv
(Ảnh: Bobby Barker/Pixabay)

Ở trường đại học, các bạn cùng lớp thỉnh thoảng sẽ vì một số thứ mà tranh chấp đến đỏ mặt tía tai, dường như là không ai nhường ai, nhưng một khi bên thứ ba đưa ra giải pháp, cuộc tranh luận sẽ dừng lại. Hai bên tranh luận với nhau, sau khi tan học lại giống như không có chút khúc mắc gì, họ vẫn sẽ tụ tập với nhau trong căng tin của trường, chia sẻ với nhau bữa trưa đơn giản như một quả táo hoặc một vài cái bánh quy. Đôi khi, một quả cam cũng có thể được cắt thành mười lát mỏng. Một lát cam mỏng manh đó cũng khiến người ta cảm thấy thỏa mãn. Sau nhiều năm, với những trải nghiệm sâu sắc, tôi mới có thể hiểu rằng trái tim vui vẻ có thể khiến người ta cảm thấy sung mãn.

Hầu hết tất cả những sinh viên này đều là chủ lực của các đài truyền hình, đài phát thanh và báo chí lớn ở Ukraine. Khi tôi còn chưa tốt nghiệp, họ đã làm việc trên nhiều kênh truyền thông và khẳng định quyền tự do ngôn luận. Quốc gia này từng bị khủng bố bởi chủ nghĩa cộng sản, vì vậy trên lập trường chống cộng sản, những người Ukraine mà tôi tiếp xúc hầu như đều mang theo một lập trường nhất quán. Và trong cuộc chiến hiện tại, tôi quan tâm đến sự an toàn của họ hơn là quyền tự do ngôn luận. Trong cuộc chiến tàn khốc, liệu họ có được an toàn hay không.

Trong ấn tượng của một số người, người phương Tây rất coi trọng tiền tài lợi ích, ngay cả các khoản giữa người thân, bạn bè thì họ cũng phân chia rõ ràng tỉ mỉ. Trong thời gian ở Ukraine, tôi có một đoạn thời gian vô cùng khó khăn, một người bạn vì giúp tôi vượt qua chuyện này mà đã đem nhẫn vàng đi bán. Vào thời điểm đó, tôi không hề hay biết. Mãi đến nhiều năm sau, tôi mới nghe nói về việc này.

Trong ý nghĩ của tôi, cuộc sống không thể có nợ nần. Nhưng đến lúc tôi muốn trả nợ thì đã quá muộn. Sự việc này khiến tôi nhận ra rằng, có một số khoản nợ vẫn không thể trả hết. Ngay cả khi có thể hoàn trả cùng số tiền đó, lòng tốt của con người vẫn không thể đong đếm bằng một mức giá nhất định. Bởi vì tâm ý của họ rất đơn giản, họ chỉ mong rằng tôi có thể vượt qua khó khăn, có thể sống bình yên và khỏe mạnh. Đây chính là “hồi báo” mà họ mong muốn.

Ấn tượng về Kyiv
(Ảnh: Yevhen Paramonov/Pixabay)

Có một lần, do không thể lên xuống bậc thang vì bị thương ở chân, tôi đứng ở lối vào trung tâm thành phố và lưỡng lự ở đó. Một phụ nữ trẻ ăn mặc thời trang đã nhận ra khó khăn của tôi và chủ động hỏi xem tôi có cần giúp đỡ không.

Khi tôi nói rằng chân của tôi bị thương nghiêm trọng và rất khó đi xuống bậc thang, cô ấy nói ngay lập tức: “Tôi có thể cõng bạn đi xuống”. Tôi xấu hổ từ chối, chỉ cần cô ấy dìu tôi xuống là được rồi. Cô ấy kiên nhẫn chờ tôi chậm chạp lê từng bước chân, và dìu tôi vào tàu điện ngầm. Cô ấy nói chuyện lưu loát và không có lời thừa, có lẽ là một quý cô ở chốn công sở.

Đây là một cảnh rất thường thấy. Giờ tôi nghĩ lại, khi trái tim một người có thể dành chỗ cho người khác, thì trái tim cô ấy tất sẽ nhạy cảm, ánh mắt của cô ấy ắt sẽ nhìn thấy cảnh tượng cần “quan tâm”, thay vì “đó không phải việc của tôi” rồi vội vàng lướt qua, dửng dưng né tránh.

Nó có thể là tướng tùy tâm sinh, cũng có thể là biểu hiện tự nhiên của phẩm chất dân tộc. Theo con mắt của tôi, tôi thấy được phần nhiều trong đó là sự thân thiện, giúp đỡ và thấu hiểu giữa con người với nhau. Vì vậy, ấn tượng của tôi về Kyiv là một thành phố xinh đẹp, yên bình, một thành phố rất ấm áp và phong độ.

Ấn tượng về Kyiv
(Ảnh: Zephyrka/Pixabay)

Có một năm, tôi đến trung tâm thành phố để in bài vở, đúng lúc có một nhóm người đang tập hợp ở quảng trường để phản đối chủ nghĩa cộng sản. Tôi bước qua đó và đưa ra những bức ảnh tra tấn tàn khốc mà tôi mang theo. Những hình ảnh đó, ban đầu là tôi muốn để làm báo cáo cho nhà trường, vì đây là bài tập giáo viên giao cho học sinh nhân ngày chống tra tấn. Cuộc biểu tình ở quảng trường đó chật kín người Ukraine vẫy cờ chống cộng sản, cảnh sát chống bạo động đứng thành hàng mấy vòng để bảo vệ hiện trường. Khi tôi rời đi, một sĩ quan cảnh sát được trang bị đầy đủ vũ khí đã giơ ngón tay cái lên với tôi. Mặc dù anh ấy là cảnh sát chống bạo động, nhưng tôi không nhìn thấy sự hung dữ trong mắt anh ấy, mà thay vào đó là sự hiểu biết và ủng hộ.

Ngay cả khi tôi đến các thành phố khác ở Ukraine, khi không quen thuộc với đường xá hoặc cần hỏi điều gì đó, tôi thích hỏi cảnh sát hơn. Tôi tin từ tận đáy lòng mình rằng họ có thể giúp tôi. Nếu bạn hỏi tôi, trong giới cảnh sát lẽ nào không có con sâu làm rầu nồi canh? Tôi sẽ nói có, nhưng là rất cá biệt. Sống ở Ukraine hơn 10 năm, tôi chỉ gặp một cảnh sát đòi tôi hối lộ, đây là việc đếm trên đầu ngón tay.

Tìm kiếm những mảnh vỡ của quá khứ từ ký ức bụi bặm, rồi lại trở về với thực tại, nhìn những người Ukraine trong bức ảnh: Các bạn cùng lớp mặc trang phục dân tộc đứng trên sân khấu của trường đại học và cất lên tiếng hát; Ở trung tâm của Kyiv, những người trẻ tuổi nhiệt tình nhảy những điệu múa dân gian vui nhộn; Ở một trường trung học, những đứa trẻ diễn một vở kịch trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Trong số họ, có những người là đối tác, có những người là bạn cùng chí hướng, và có những người là người qua đường ngẫu nhiên lọt vào trong tấm ảnh…

Ấn tượng về Kyiv
(Ảnh: Oleg Mityukhin/Pixabay)

Gương mặt của họ đều tràn ngập niềm vui và sự yên bình. Vào thời điểm đó, không ai nghĩ rằng một ngày nào đó Kyiv sẽ trở thành một bãi chiến trường và người dân sẽ bỏ mạng trên đường phố; cũng không ai có thể ngờ rằng một cuộc chiến bi thảm sẽ nổ ra giữa Ukraine và Nga, hai nước có cùng chung sắc tộc. Nhiều năm sau khi tôi rời Ukraine, nhìn lại Kyiv và tin tức từ Ukraine, những điều bất ngờ, thậm chí không thể chấp nhận được này đã dấy lên một cơn bão dữ dội trong lòng tôi.

Rất nhiều kỷ niệm đã được lưu lại trong những bức ảnh đẹp. Vẻ đẹp này giống như ấn tượng ban đầu của tôi về Ukraine, nhưng nó lại có một khoảng cách quá xa so với thực tế ở Ukraine hiện nay. Trong dòng chảy của thời gian, không ai có thể quay ngược lại quá khứ.

Ấn tượng về Kyiv
(Ảnh: Leonhard Niederwimmer/Pixabay)

Đôi khi, nhớ lại những đau khổ mà quốc gia này phải chịu đựng do cuộc đàn áp toàn trị của chủ nghĩa cộng sản, tôi thường có một loại cảm giác thương xót, muốn nắm tay họ và vỗ về.

Mặc dù đây không phải là quê hương của tôi, nó chỉ là một vùng đất xa lạ, nơi tôi tạm thời phiêu bạt. Chúng ta sinh ra là con người, kiếp này gặp gỡ nhau đều là có nhân duyên. Sự tin tưởng và hiểu biết đối với vận mệnh, ngược lại càng khiến tôi cảm thấy thanh thản. Khi thời gian qua đi, nơi thế tục cũng dần dần phủ bụi, lưu lại trong sâu thẳm ký ức. Chúng sẽ hóa thành những cánh hoa mà số phận ban cho, và điểm xuyết cho lương tri của con người.

Bạch Giản
Vương Du Duyệt biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn