Thêm chuyện bi hài Hội Nhà văn Vẹm : đề cử giải Nobel … “hụt”

Chủ Nhật, 20 Tháng Hai 20228:17 SA(Xem: 2444)
Thêm chuyện bi hài Hội Nhà văn Vẹm : đề cử giải Nobel … “hụt”
rfa.org

Thêm chuyện bi hài Hội Nhà văn: đề cử giải Nobel … “hụt”

Bình luận của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Có cả vui, buồn và … buồn cười lẫn lộn, nối tiếp vụ ồn ào mà bí hiểm - kết nạp rồi lại “hủy” kết nạp với tác giả bài “Lỗ thủng lịch sử” (1), mới cách đây mấy ngày.

Chỉ hơn tháng trước, Chủ tịch nước gặp các nhà văn (2), đã phát biểu rằng ông “luôn mong ước đến một ngày không xa Việt Nam ta sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel văn chương …”.

Báo chí bình luận hồ hởi, hy vọng. Còn mạng xã hội, đài nước ngoài thì ngược lại, toàn những lời mỉa mai (3), rằng là xứ Việt nếu không “cởi trói” lần nữa cho văn hóa văn nghệ thì chẳng hy vọng có những tác phẩm xứng đáng giành giải Nobel.

Thế rồi … đùng một cái, hôm qua có tin trên trang mạng của Hội Nhà văn VN: “Ủy ban Nobel đề nghị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề cử tác giả xét giải Nobel văn chương 2022; mà đặc biệt đây là lần đầu tiên tổ chức này gửi lời mời.

Thiên hạ hết cười Chủ tịch nước chưa? Các vị hay phản biện kiểu … “phản động” đã bị hố chưa? “Mình phải có thế nào người ta mới thế chứ” (như lời được cho là của Tổng bí thư, ở đâu đó); tức là ban tổ chức giải phải nhìn thấy tiềm năng của VN thì mới gửi thư mời chứ. Vui phết!

Thế nhưng, cũng bất ngờ không kém, chưa kịp nhếch mép cười vui thì lại chưng hửng. Thư đến quá muộn, những hai tháng, “do trục trặc”: được ký vào tháng 12/2021, yêu cầu thời hạn trả lời 31/1/2021, mà đến tay người nhận ngày 17/2/2022. Nên mới gọi đây là đề cử giải Nobel “hụt” là vậy. Thời đại 4.0 mà công nghệ viễn thông, dịch vụ bưu chính tệ đến vậy sao?

Thế là vừa có chuyện vui, có chuyện buồn, nhưng còn buồn cười nữa, bởi câu hỏi - mà đám báo chí quốc doanh như thể không có nghiệp vụ làm báo sơ đẳng để đặt ra – là: TẠI SAO MUỘN?

Do lối làm việc luộm thuộm của Ủy ban Nobel: Thư mời được ký nhưng sơ sót không gửi đi ngay hay sao? 

Do cách gửi không hợp lý: ví như gửi qua Sứ quán VN tại Thụy Điển, rồi sứ quán chuyển bằng thư ngoại giao, trong khi lại không gửi qua thư điện tử, thư phát nhanh, v.v. nên bị chậm? Hoặc gửi qua một văn phòng đại diện nào đó của Ủy ban trong khu vực Á châu, nên chậm?

Hai khả năng trên hầu như không thể, bởi một tổ chức quốc tế rất tiếng tăm, có bề dày lịch sử như vậy đâu có chuyện làm việc luộm thuộm như … VN.

Đó là vài giả định có tính “khách quan”, còn “chủ quan” thì sao?

Do nơi nhận trung gian, có thể là Bộ Ngoại giao VN, đã chuyển cho Hội Nhà văn chậm.

Do phải qua nhiều cấp, cấp cao VN xem xét quyết định. Có nghĩa, các cơ quan chức năng, nơi “kiểm duyệt” xét thấy phải trình các cấp “thẩm quyền” vụ này, rồi mới gửi cho ông Chủ tịch Hội nhà văn. Hoặc ngược lại, ông Chủ tịch phải bẩm báo các cấp đó trước khi làm bất cứ việc gì liên quan. Đây là chuyện dễ hiểu ở xứ này, vì vấn đề quá nhạy cảm, liên quan quốc tế.

Thêm nữa, lời gợi ý của Chủ tịch nước (9/1/2022) chứng tỏ có thể trước đó ông đã biết có bức thư mời của Ủy ban Nobel, mà ông cũng được cấp dưới hỏi ý kiến.

Cuối cùng, là do … “cố tình” làm chậm. Cũng vì lý do “nhạy cảm” nói trên, mà cấp cao quyết định VN không tham gia đề cử, dẫn đến giải pháp là “do trục trặc”? Người ta có thể cho rằng nếu để ban lãnh đạo Hội Nhà văn tiến hành bình xét, chọn lựa để đề cử (theo cách bí mật – để khỏi lộ vi phạm nguyên tắc giải), thì không khéo sẽ phát sinh vô vàn chuyện phức tạp sau này. 

Rồi sẽ có những tranh cãi, tố cáo, vu cáo, … ồn ào khó kiểm soát.

Sẽ có những đề nghị không đúng với “định hướng” của Đảng, trong khi mọi điều kiện để tiến hành tổ chức bình xét đều chưa được chuẩn bị.

Chuyện này có vẻ đáng lo nhất, vì trong nhiều năm nay, không ít nhà văn người Việt ở hải ngoại, chứ không phải trong nước, có những tác phẩm gây được tiếng vang, được giải quốc tế, như một bài viết mới đây của cây viết Việt kiều Mỹ (4) đã tạm điểm qua: “Nguyễn Thanh Việt với “The Sympathizer” đạt giải Pulitzer 2016 của Hoa Kỳ là người Mỹ gốc Việt. Nguyễn Phan Quế Mai với “The Mountains Sing” đạt giải Lannan Literary Fellowship 2020, hiện sống tại một quốc gia Trung Á. Thi sĩ Ocean Vương mang hai dòng máu Mỹ-Việt với “Night Sky With Exit Wounds” đạt các giải Whiting 2016, T.S. Eliot 2017 và MacArthur Fellow 2019 ...”.

nguyenthanhviet.jpeg
Nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt. Hình: Viet Thanh Nguyen

Chẳng lẽ sẽ “bỏ quên” họ khi đề cử hay sao? Và chắc sẽ còn nhiều những nỗi lo khác của các cơ quan chức năng, các cấp thẩm quyền mà ta khó có thể hình dung ra.

Ví như, theo thủ tục xét giải, thì một trong những người được quyền đề cử ứng viên là vị Chủ tịch Hội nhà văn, vậy nếu ông Chủ tịch Hội hiện nay lại tự ý đề cử mà không theo “định hướng” của Đảng thì sao? Vụ đích thân ông giới thiệu tác giả bài thơ “Lỗ hổng lịch sử” vào Hội (rồi bị hủy bỏ phũ phàng), trong khi nhà thơ này từng bị lệnh từ cơ quan quản lý “cấm cửa” trong nhiều năm, là ví dụ rõ nhất.

Lại nữa, theo nội dung bức thư, “đề cử” ứng viên “phải được tuyệt đối giữ bí mật bởi cả người đề cử và ứng viên”, có nghĩa họ không được tiết lộ cho một ai việc đề cử này. Vậy thì với “cơ chế” hiện nay của một tổ chức của Đảng, thì liệu có thể chấp nhận, tuân thủ nguyên tắc đó được không?

Với cách đưa tin của báo chí hôm nay, cũng như trang mạng Hội Nhà văn, thì khả năng này khá hợp lý, do thông tin không rõ ràng về lý do bức thư đến chậm, mấy bài báo đều có một nội dung na ná nhau (cùng lý do mơ hồ là “do trục trặc”), trong khi không hề có dấu hỏi từ phía báo chí nhằm truy đến cùng ai phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ tai hại đó, … thậm chí ngày chính xác bức thư được ký cũng không rõ.

Một việc quan trọng, liên quan đến cả một nền văn học, bao nhiêu nhà văn VN, đến một giải quốc tế danh giá, đặc biệt khi đã có lời gợi mở động viên của Chủ tịch nước, thì đâu có thể có cách đưa tin hời hợt đến vậy? Không lẽ ông Chủ tịch Hội là “vô tâm” hành xử theo lối coi thường cả Hội và công luận đến vậy? Không lẽ lại để “các thế lực thù địch” nó suy diễn, bảo chắc có ai đó “chơi khăm” Chủ tịch nước?

Điều cuối cùng, không thể không nói ra, là Việt Nam ta xem ra không “có duyên” với giải Nobel. Xưa đã có ông không thèm nhận rồi (5), dù với những lý do gì, thì một giải Nobel Hòa bình danh giá đến thế mà còn “chê”, nay một giải cho Văn học, không dễ để chấp nhận chuyện phải “xin xỏ”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 01 Tháng Giêng 20248:00 SA
Thứ Hai, 01 Tháng Giêng 20247:52 SA
Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai 20235:00 SA
Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai 20233:00 SA
Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 20232:38 CH
Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 20238:00 SA