Đỗ Trung Quân - 1979

Thứ Bảy, 19 Tháng Hai 20224:00 SA(Xem: 2239)
Đỗ Trung Quân - 1979
 
LangSon-TQTanpha

Chiến tranh lại nổ ra khi trang phục chúng tôi chưa xả hết mùi khói lửa  biên giới Tây Nam Kampuchia. Không có đơn vị thanh niên xung phong phía Nam nào bị điều ra biên giới phía Bắc cả, nhưng ca khúc của ông Trần Tiến thì vang vọng lẫy lừng “Đoàn quân vội đi …đi về biên giới …Cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ…”.

Tôi ở yên giữa lòng hồ Duơng Minh Châu, chiều chiều nhìn mây mù đỉnh núi Bà Đen và thầm hỏi bao giờ thấy lại ánh đèn thành phố Sài Gòn.

Nhiều năm và nhiều năm sau nữa [có vẻ giống nhạc Vũ Thành An nhỉ] tôi và Nguyễn Quang Lập  gặp và trách Trần Tiến ngủ yên trong hào quang showbiz. Không có nổi một ca khúc nào khi Trung Quốc uy hiếp Biển Đông trong khi tôi, Nguyễn Quang Lập và rất nhiều người khác  đã có mặt trên mặt đường Sài Gòn những ngày sôi sục ấy. Hình ảnh Lập chống gậy đi đứng khó khăn nhưng quyết không bỏ cuộc tuần hành là hình ảnh đáng khâm phục.

Trần Tiến im lặng, thoáng buồn “Một tuần nữa hai thằng mày gặp tau ở đây cũng nhà hàng này !“ - anh trầm giọng.

Một tuần sau tôi và Lập đúng hẹn và Trần Tiến cũng đúng hẹn. Căn phòng riêng chỉ có ba nguời, khi chai rượu vơi Trần Tiến gõ nhịp bàn và hát ca khúc mới sáng tác về đề tài Biển Đông. Chúng tôi đề nghị anh hát 3 lần. Sau 3 lần, dứt bài Tiến hỏi thấy sao ? Cả hai chúng tôi nhìn nhau và đành nói “Dở !“. Trần Tiến thoáng cau mặt nhưng kịp kìm lại hỏi “Dở sao ?“ tôi bảo toàn hô khẩu hiệu, hoàn toàn mất dấu rung động và chấn động của “những đôi mắt mang hình viên đạn“. Trần Tiến im lặng, bữa rượu nhạt dần “Ừ ! Tao sẽ sửa“ - anh nói rất nhỏ.

Tôi biết quá khứ đã đi qua, cuộc chiến tranh vệ quốc 1979 đã qua, Biển Đông giờ đã khác, những cuộc xuống đường bị đàn áp đổ máu trước mũi bọn Thái thú đứng khoanh tay từ cửa sổ lãnh sự quán ngạo nghễ nhìn xuống, không có lời hiệu triệu “Hỡi chiến sĩ đồng bào …” nào như 1979.

Những ai “khóc cuời theo mệnh nước nổi trôi …” đều sẽ phải buồn.

Nhiều năm sau có dịp đến Lào Cai.

Tôi nhớ một người phụ nữ từ Sài Gòn về lại quê nhà thị xã Lào Cai, nơi tuổi thơ cô ở đấy, nơi cô bé  mỗi ngày đi học trong sương mù với chiếc lon sữa bò bỏ than hồng cầm lủng lẳng trên tay để sưởi ấm. Ngôi nhà của cô đã tan nát ngay sau trận tấn công dữ dội ngày đầu tiên của những quân đoàn sơn cước Trung Quốc.

Người dân ở đây, bên dòng Nậm Thi sát biên giới Việt-Tàu hàng bao năm qua lại, buôn bán, dân Việt quen biết với dân và lính Trung Quốc, không thiếu gia đình trở thành sui gia với nhau. Để có thể tàn phá với mức tàn nhẫn cao nhất, Đặng Tiểu Bình đã phải điều những sư đoàn sơn cước mù chữ man rợ nhất để tiến đánh Lạng Sơn, Lào Cai. Có man rợ, xa lạ, sự tàn sát mới đạt đỉnh tận diệt.

Người phụ nữ ấy nay ở đâu giữa Sài Gòn, có còn về thăm lại thị xã ngày xưa nơi tuổi thơ và chiến tranh đi qua đó ?

Tôi chỉ biết những năm sau đó, nghe kể lại hoa đào Lạng Sơn, Lào Cai và những vùng biên giới phía Bắc luôn có màu đỏ hơn ở miền xuôi khác.

Màu đỏ ấy khác thường.

Biết có thật vậy không …

ĐỖ TRUNG QUÂN
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn