Chân dung nhà sưu tập Ivan Morozov

Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Hai 202110:00 SA(Xem: 2432)
Chân dung nhà sưu tập Ivan Morozov
rfi.fr

Một thời hoàng kim của hội họa Pháp trong Bộ sưu tập Morozov của Nga

Thu Hằng

Công chúng tại Pháp là những người may mắn được lần lượt chiêm ngưỡng trong vòng 5 năm hai bộ sưu tập những kiệt tác của nhiều danh họa Pháp nhưng lại được bảo quản ở Nga. Sau triển lãm bộ sưu tập của Serguei Shchukin, Fondation Louis Vuitton (Paris) tổ chức triển lãm Bộ sưu tập Morozov (La Collection Morozov), quý tộc giầu có Matxcơva đầu thế kỷ XX, từ ngày 22/09/2021 đến 22/02/2022.

Mắt thẩm mỹ, nhà sưu tập tiên phong

Anh em nhà Morozov không phải là họa sĩ mà là nhà sưu tập có mắt nghệ thuật, có kiến thức phê bình hội họa và « chịu chi ». Trả lời RFI ngày 17/09/2021, bà Souria Sadekoda, bảo tàng Nghệ thuật Shchukin, đồng phụ trách Triển lãm La Collection Morozov tại Fondation Louis Vuitton, giải thích :

« Hai nhà sáng lập bộ sưu tập là những doanh nhân Nga, gốc Matxcơva. Phải nhấn mạnh đến điểm này vì Matxcơva và Saint-Petersburg là hai thế giới khác nhau. Hai anh em Morozov xuất thân từ gia đình quý tộc giầu có Nga kinh doanh trong ngành vải sợi. Cả hai được mẹ là Varvara dạy học, bà là doanh nhân và cũng là phụ nữ đấu tranh cho nữ từ rất sớm. Chính bà là người thuê hai gia sư là họa sĩ để dạy về hội họa cho Mikhail và Ivan. Nhờ đó mà bà tôi luyện được con mắt họa sĩ, kiến thức hội họa cho hai nhà sưu tập tương lai. Mikhail là người bắt đầu sưu tập trước tiên, rồi Ivan theo bước cho đến lúc Mikhail qua đời sớm và Ivan trở thành một trong những nhà sưu tập lớn nhất thời đó ».

Cả hai cùng quan tâm đầu tư vào nền hội họa đang hình thành ở Paris trong đầu thế kỷ XX. Tại sao lại là Paris ? Theo bà Anne Baldassari, phụ trách triển lãm, « vì mọi chuyện đều phải qua Paris. Paris là thủ đô nghệ thuật thời đó ».

« Họ có sự nhạy bén mà chỉ họ mới có vì cần nhớ rằng vào thời đó, những tác phẩm mà họ mua đều mới được hoàn thiện và xuất xưởng là đã được treo trong phòng khách nhà Morozov. Ví dụ, tác phẩm đầu tiên của Matisse mà họ mua đã được treo trong phòng khách ngay năm 1907 và còn đậm mùi nhựa thông. Cần phải nhấn mạnh đến điểm này, vì lúc đó một nền hội họa đang được hình thành với các trường phái, các nhánh khác nhau. Những vấn đề có vẻ là hàn lâm với chúng ta hiện nay, thậm chí là nhàm chán, thì vào giai đoạn đó lại là cả một cuộc chiến, với những cuộc tranh cãi nảy lửa ở Paris ».

Bộ sưu tập toàn kiệt tác

Người anh Mikhail Morozov (sinh năm 1870) bắt đầu sưu tập ngay từ rất trẻ, vào năm 1890. Mikhail xấu số qua đời năm 1903 để lại bộ sưu tập gồm 44 tác phẩm hội họa Nga và 39 tác phẩm đặt mua từ Pháp, của Manet, Corot, đến Monet, Toulouse-Lautrec hay Degas, Bonnard, Denis, Gauguin và Van Gogh. Họ sở hữu nhiều tác phẩm của một Renoir lúc đó đã nổi tiếng và cũng có một tác phẩm khởi nghiệp của Picasso, mua ở Paris chỉ với giá 300 franc.

Ivan (sinh năm 1871) tiếp bước anh trai để lập một bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại Pháp. Cuối năm 1903, Ivan bắt đầu quan tâm đến trường phái ấn tượng. Chính những tác phẩm của Cézanne mà ông khám phá năm 1907 đã khiến Ivan đầu như nhiều hơn vào bộ sưu tập. Bà Souria Sadekoda giải thích :

« Tôi nghĩ là cả hai đều có khiếu nghệ sĩ, như lẽ ra họ đã trở thành nghệ sĩ. Và tâm hồn nghệ sĩ của họ đã biến thành hiện thực khi họ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất thời đại họ. Tôi nghĩ là Mikhail mạo hiểm hơn, chính ông là người mang về Nga tác phẩm hội họa đầu tiên của Van Gogh vào năm 1903. Chính ông cũng là người mua tác phẩm của Munch và hiện giờ đây vẫn là tác phẩm duy nhất của Munch có ở Nga.

Ivan thì cổ điển hơn một chút. Ông không đi trước thời đại mà theo đúng nhịp thời đại của mình. Ông tái hiện không khí Paris trong lâu đài riêng ở Matxcơva. Ông thường xuyên đến Paris và làm quen với các nhà sưu tập lớn, các nghệ sĩ thời đó. Ông cũng tính toán rất nhiều chứ không phải là người sẵn sàng mua chỉ vì chợt thích. Ông từng bước hình thành bộ sưu tập, tìm những tác phẩm cụ thể theo hướng bộ sưu tập mà ông muốn. Trong kho lưu trữ của chúng tôi có những cuốn sổ ghi chép của Ivan, ghi lại những tác phẩm ông đã xem, ông muốn mua gì với giá như nào. Đúng là ông trả giá đắt cho những tác phẩm, nhưng ông tính toán ».

Gu thẩm mỹ tinh tế, tinh thần tiên phong là những yếu tố giúp Bộ sưu tập Morozov phong phú và chỉ gồm những kiệt tác, tiêu biểu như tác phẩm Acrobate à la boule (tạm dịch : Người nhào lộn giữ thăng bằng trên quả bóng) của Picasso, với phong cách đặc trưng Maroc hoặc La Ronde de nuit (Tạm dịch : Tuần đêm) của Van Gogh… Có quá nhiều kiệt tác nổi tiếng thế giới, nhưng điều bất ngờ ít ai biết đến, đó là những tác phẩm này lại nằm trong bộ sưu tập của một người.

Cùng với bộ sưu tập của Serguei và Pavel Tretiakov, của Shchukin và anh em nhà Morozov, Nga sở hữu những kiệt tác hội họa Pháp kéo dài từ thời David đến Matisse. Bộ sưu tập Morozov có gần 300 tác phẩm, trong đó 165 tác phẩm được triển lãm tại Fondation Louis Vuitton, cùng với vài chục tác phẩm của các tác giả Nga. Đây là lần đầu tiên Bộ sưu tập Morozov được triển lãm riêng, sau triển lãm Bộ sưu tập Shchukin, cũng tại Fondation Louis Vuitton năm 2016. Bà Souria Sadekoda tỏ ra hài lòng vì « cuối cùng, sau suốt một thế kỷ, công chúng có thể hiểu được bộ sưu tập Morozov là như thế nào », vì cho đến giờ, « người ta vẫn nói gộp bộ sưu tập Shchukin-Morozov » :

« Sau cuộc Cách Mạng, hai bộ sưu tập nghệ thuật đương đại lớn nhất Shchukin và Morozov bị quốc hữu hóa. Đây là nền móng để người Xô Viết thành lập bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Matxcơva và tồn tại đến năm 1948. Sau đó là thời kỳ lưu lạc của hai bộ sưu tập vì năm 1948, Stalin ra lệnh giải thể bảo tàng này. Tất các các tác phẩm được chuyển sang bảo tàng Shchukin. Bảo tàng của chúng tôi có rất nhiều bộ sưu tập nhưng diện tích lại quá nhỏ, không đủ chỗ để chứa hết cả hai bộ sưu tập lớn Shchukin và Morozov với tổng cộng gần 600 tác phẩm. Vì thế ban giám đốc bảo tàng Shchukin đã gọi điện cho giám đốc bảo tàng Hermitage thời đó để đề xuất chia bộ sưu tập.

Vì thế, bộ sưu tập bị xé lẻ. Nhưng phải nói đây là giải pháp tốt nhất vào thời đó bởi vì sau khi bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại bị Stalin giải thể, người ta đã lo là những kiệt tác đó sẽ bị hủy. Cuối cùng, Stalin, với tất cả những sai lầm mà chúng ta thấy, cũng hiểu ra nghệ thuật là gì. Dù ông không muốn thấy những tác phẩm đó nhưng ông cũng hiểu đó là những tác phẩm rất có giá trị. Vì thế chúng được giữ trong kho, dù không được trưng bày, và được bảo quản tốt cho đến ngày nay. Chỉ sau khi Stalin qua đời, những tác phẩm trong hai bộ sưu tập Shchukin và Morozov dần được giới thiệu đến công chúng ».

Fondation Louis Vuitton : Nhà tài trợ hào phóng

Bộ sưu tập Morozov lần đầu tiên được triển lãm ở Fondation Louis Vuitton, mà thực ra lần đầu tiên trên quy mô lớn như vậy ở bên ngoài nước Nga. Hai phòng triển lãm lớn nhất dành cho những tác phẩm của Gauguin và Cézanne. Khách tham quan còn được ngắm những tác phẩm khổ lớn của Pierre Bonnard.

Bà Anne Baldassari, người từng thu hút hơn 1,3 triệu khách tham quan đến triển lãm Bộ sưu tập Shchukin năm 2016, giải thích :

« Đúng thế, thậm chí là cả ở Nga, vì bộ sưu tập này chưa bao giờ được hội tụ ở Nga dù năm 2019 đã có một triển lãm ở Saint-Petersburg, nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều. Chưa bao giờ bộ sưu tập Morozov được quy tụ các kiệt tác lớn như vậy ở cùng một địa điểm kể từ khi các tác phẩm bị phân tán vào cuối những năm 1930. Vì thế, đây là thời điểm rất được trông đợi ở Nga, cũng như ở Pháp và ở châu Âu.

Sự trở lại của những tác phẩm tuyệt vời như này luôn là khoảnh khắc rất thú vị bởi chúng giúp người xem cảm nhận được bộ sưu tập được đánh giá như thế nào vào thời kỳ đó với đúng nghĩa sức mạnh mới, một cú sốc vừa về thẩm mỹ lẫn cảm xúc do chính những tác phẩm vừa mới được hoàn thiện tạo nên, trong đó có những tác phẩm được đặt hàng vẽ tại chỗ ».

Hiếm khi nào tập giới thiệu một triển lãm lại được hai tổng thống Nga và Pháp viết chung lời nói đầu. Tối 21/09, đích thân tổng thống Emmanuel Macron khai mạc triển lãm, được đánh giá mang tính ngoại giao trong bối cảnh quan hệ giữa Matxcơva và phương Tây không ngừng xấu đi trong những năm gần đây. Còn đối với Nga, đây là một kiểu « quyền lực mềm ».

Thành công của triển lãm còn dựa vào mối quan hệ lâu năm, vào sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai người phụ nữ Suzanne Pagé, giám đốc nghệ thuật của Fondation Louis Vuitton và Anne Baldassari, phụ trách triển lãm Shchukin và tiếp theo là Morozov với những đồng nghiệp Nga. Bà Souria Sadekoda, bảo tàng Nghệ thuật Shchukin tại Nga, giải thích :

« Chúng tôi chuẩn bị cho triển lãm này trong khoảng bốn năm. Công việc khoa học được hai nhóm chuyên gia của Fondation Louis Vuitton và các bảo tàng Nga đảm nhiệm. Nhờ trợ giúp của Fondation Louis Vuitton, những chuyên gia, những nhà phục chế nổi tiếng, có tay nghề lão luyện đã đến bảo tàng của chúng tôi. Chúng tôi đã cùng nhau lập danh sách các tác phẩm. Anne Baldasari đã lập một danh mục thật tuyệt vời, bà tra cứu trong lưu trữ và có nhiều khám phá thú vị. Đúng là đằng sau triển lãm tuyệt vời này là cả một khối lượng lớn công việc của rất nhiều người ».

Tổng chi phí được Fondation Louis Vuitton đài thọ vẫn là một bí mật. Riêng những tác phẩm quá mong manh để vận chuyển thì ở lại Nga vì « trong Thế Chiến II, chúng được bảo quản ở Siberi trong cái lạnh -40°C nên một số tranh đã bị hư hỏng rất nhiều ». Theo bà Anne Baldassari, hiện vẫn chưa có những công cụ cần thiết để phục chế.

Đêm trắng. Aasgardstran (Những cô gái trên cầu) của Edvard Munch (Aasgardstran, 1903) trong Collection Morozov, triển lãm tại Fondation Louis Vuitton.
Đêm trắng. Aasgardstran (Những cô gái trên cầu) của Edvard Munch (Aasgardstran, 1903) trong Collection Morozov, triển lãm tại Fondation Louis Vuitton. © RFI / Tiếng Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn