Phố thơm

Thứ Bảy, 24 Tháng Hai 20181:30 SA(Xem: 5178)
Phố thơm
Hồi nhỏ tôi ở An Hòa, một ngôi nhà nằm bên đường cái quan phía bắc Thành nội Huế. Me tôi góa chồng từ năm 25 tuổi, ngoài những giờ đi làm công chức nuôi con, bà bỏ hết thời gian vào việc tạo lập ngôi vườn. Me thường bảo, chơi với hoa lá cho đỡ quạnh vắng.

Nhớ về ngôi vườn ấy, hình ảnh rõ nét nhất trong tâm trí tôi là mấy lùm hoa sói hai bên lối đi. Nhớ nhất, chẳng phải vì hoa sói có gì đặc biệt: mỗi bông hoa chỉ là vài cái cọng xanh lấm tấm trắng, khiêm nhường đến nỗi chẳng thấy cánh bướm nào đoái hoài ghé xuống. Nhưng tôi nhớ, vì nhiệm vụ tôi hồi đó là sáng sáng ra hái hoa sói cho bà ngoại ướp trà. Dù còn nhỏ nhưng tôi cũng đã biết thắc mắc, tại sao loài cây chẳng có gì đẹp này lại được chọn trồng ở vị trí khá trang trọng.

Gần cạnh những chậu sói thường là cây ngâu, cây nguyệt quý, cây quỳnh... Những loài cây này cũng có hoa nhỏ, giấu mình trong khe lá, không phô bày vẻ quyến rũ. Những cây bông cẩn (dâm bụt) xinh thế, rực rỡ thế thì lại bị đưa ra tận hàng rào xa tít.

Khi lớn lên, mặc dù đọc rất nhiều văn chương ca ngợi vườn Huế, nhưng tôi vẫn có ấn tượng rằng vườn Huế không đẹp. Vườn Nhật Bản chẳng hạn, được phối trí rất là thẩm mỹ, mỗi lùm cây, mỗi khóm cỏ đều được tính toán; chỗ thưa, chỗ rậm đều là những nét vẽ đậm nhạt trong toàn cảnh một bức tranh. Vườn châu Âu lại là một kiểu khác, cỏ cây được xén tỉa cẩn thận thành từng khối. Tuy lộ rõ bàn tay con người chế tác, nhưng không thể không cảm thấy dễ chịu trước sự gọn ghẽ, hài hòa của không gian xanh tươi.

Vườn của những ngôi nhà hiện đại lại theo kiểu khác, ưu tiên diện tích đất để trồng cỏ: những bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận, phẳng phiu mượt mà, cho một cảm giác thật êm dịu. Về nhìn lại những khu vườn nhà, tôi vẫn nghĩ là nhiều cây quá, thiếu khoảng trống, thiếu phối cảnh, nên tuy xanh tươi mà không đẹp, tuy phong phú mà không ấn tượng.

ab1650e0-0554-4237-8bac-8372a7eecc96

“Xu hướng chuộng hương hơn chuộng sắc là ý tưởng bên trong của từng ngôi vườn Huế”. Ảnh: TL

Vào Nam ở nhiều năm, tôi thường đến chơi nhà người bạn vong niên là chị Ngọc Lan, quê ở Kim Long - một làng Huế lâu đời đã nổi tiếng với sự tích chùa Thiên Mụ và câu ca dao: “Kim Long gái đẹp mỹ miều/Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều Trẫm đi”.

Sau mấy mươi năm đi khắp gần xa, người con gái Kim Long ngày xưa bây giờ an cư trong căn hộ ở quận 2 thành phố. Một buổi chiều chị gọi tôi với cái tin sốt dẻo: “Em ơi, cây nguyệt quý nở hoa rồi”.

Cây nguyệt quý chị đem vào từ vườn Huế, trồng trong chậu, trên ban công căn hộ tầng hai của chị. Loài hoa này trắng muốt, bé bỏng, ít khi nở, bởi muốn hoa nở cần phải có một cơn mưa mời gọi.

Ngồi bên chậu hoa đang nở trắng, cành lá còn ướt, mùi thơm tinh khiết khiến tôi nhớ đến những bông sói khiêm nhường ngày xưa. Và chợt ngộ ra một điều mà từ bé thơ đến giờ tôi mới hiểu, không thể so sánh vườn Huế với vườn của Trung Quốc, của Nhật Bản hay của châu Âu, bởi vườn Huế được tạo ra theo một tiêu chí khác, một xu hướng khác: khi tạo dựng một ngôi vườn, chủ nhân Huế thường không theo đuổi vẻ đẹp của màu sắc, mà hướng tới tạo thành một tổ hợp những mùi hương. Xu hướng chuộng hương hơn chuộng sắc là ý tưởng bên trong của từng ngôi vườn Huế.

Thời gian, một thứ vô hình vô ảnh, một thứ phi vật thể, còn có hương thơm, thì một dòng sông, tại sao không?

Vườn Huế cũng có hoa đẹp: trà mi, phù dung... nhưng giữa đẹp và thơm thì các chủ nhân thường ưu tiên cho hoa thơm. Vì vậy, hoa sói, hoa mộc, hoa ngâu mới có chỗ đứng trang trọng bên hòn non bộ, chỗ trung tâm của khu vườn. Cái loài hoa rực rỡ nhất là cây hải đường, thì lại thường bị kỳ thị là “Hải đường hữu sắc vô hương”.

Không phải chỉ “vô hương” mới bị đánh giá thấp, mà “hữu hương” cũng chỉ được trọng vọng khi là những mùi hương tinh khiết. Hoa lài, hoa hoàng lan, bởi mùi hương quá nồng nàn gay gắt, cũng bị cho là loài hoa ma mị, thường phải trồng lùi phía sau nhà, hoặc bên cạnh am miễu, hoặc trong góc vườn sâu kín.

Có phải vì chuộng hương thơm mà người Huế đặt tên cho con sông chảy qua thành phố là “dòng sông thơm”? Chị Ngọc Lan, người đã ở Kim Long từ thuở mới sinh, mỉm cười bảo tôi:

- Ai cũng nói sông Hương được gọi Hương giang là vì nước sông thoang thoảng mùi của loài cỏ thạch xương bồ trên đầu nguồn.

Chị cũng từng đi thuyền dọc từ đầu nguồn xuống đến cửa biển nhiều lần, không thấy cỏ ấy, mà nếu có thì cũng chẳng làm sao ướp thơm được cả lượng nước của một dòng sông.

Chị nhắc tôi: Nếu giở lại Đại Nam nhất thống chí, bộ địa dư chí lớn nhất và đầy đủ nhất của triều Nguyễn, thì sẽ thấy sông Hương ngày xưa được gọi là sông cái Kim Trà, bởi nó chảy qua huyện Kim Trà trước khi vào kinh đô Phú Xuân.

Từ lúc các chúa Nguyễn xưng vương ở Đàng Trong, Kim Trà phải đổi lại là Hương Trà vì kiêng tên ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Kim (hồi đó Hương Trà còn bao gồm cả một phần đất của huyện Hương Thủy bây giờ). Sông Kim Trà tất nhiên cũng phải đổi gọi là sông Hương Trà, rồi thành sông Hương từ đó. Thế rồi người Pháp đã dịch thành “La rivière des Parfums” nên mới thành hình ý tưởng về một dòng sông thơm.

930c7206-a056-4028-b815-fe5ec62b35f7

Tôi nghĩ thầm, chị Lan nói rất có lý vì đúng là “nói có sách, mách có chứng”. Nhưng đa phần người Huế nghe vậy chưa chắc đã chịu tin, bởi người ta chỉ tin những gì mình muốn tin. Mặc dầu, đố ai chỉ được đoạn nào của dòng sông là thơm ngát mùi thạch xương bồ, hay vốc được một ngụm nước sông thơm lừng như trong tưởng tượng.

Mà đâu có sao, vì xưa đã có người làm thơ: “Hương thời gian không nồng, Hương thời gian thanh thanh”. Thời gian, một thứ vô hình vô ảnh, một thứ phi vật thể, còn có hương thơm, thì một dòng sông, tại sao không? Có thể, đấy là một mùi thơm dịu dàng vương vấn mãi trong tâm tưởng, bởi dòng sông ấy chảy qua những khu vườn thanh trà, vườn bưởi thơm tho của vùng Nguyệt Biều, Thủy Xuân, những vườn thơm kiểu Huế. Hương thơm ấy không quyện vào nước, nhưng đã quyện vào ký ức.

Sài Gòn năm nay mưa nhiều. Cây nguyệt quý trên bao lơn căn hộ của chị Lan sẽ còn hứa hẹn nhiều lần đưa tôi về với ngôi vườn tuổi nhỏ. Ngôi vườn trong ký ức vẫn lửng lơ ở đó sau những lan can, nhìn ra xa một chút là những con đường tấp nập của Sài Gòn hoa lệ.

Chị khoe với tôi, sau góc khuất này còn có một cây quỳnh đang nụ: cái cây sù sì, luộm thuộm, không có một tí giá trị trang trí nào mà lại được yêu cưng vậy đó. Cũng chỉ vì mùi thơm độc đáo của bông hoa: lặng lẽ nở, lặng lẽ tỏa hương một mình lúc hai giờ sáng, để rồi ung dung khép cánh khi mặt trời vừa chớm lên. Giống như tiếng đàn Bá Nha chỉ dành cho Tử Kỳ, bông hoa quỳnh chỉ dành riêng mùi hương cho người tri kỷ...

Xa Huế nhiều năm, chiều nay tôi lại gặp những hồn hoa trong phố thơm ngày cũ của me tôi... 

Bài và ảnh: Trần Thùy Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn