Một thế giới cổ tích không phải của riêng ai

Thứ Năm, 18 Tháng Mười Một 20215:00 CH(Xem: 1779)
Một thế giới cổ tích không phải của riêng ai

Trong mỗi chúng ta đều chứa đựng những mảnh ký ức tuổi thơ đầy hồn nhiên và mơ mộng. Thời còn là một đứa trẻ, chúng ta nghe bà kể câu chuyện về cõi thần tiên, hay những ngọn núi xa xôi mang trong mình kho báu bí ẩn. Thế giới cổ tích dường như chỉ tồn tại trong tâm trí trẻ em, còn với người lớn, dường như đó không còn là một điều đáng để quan tâm trước những lo toan mỗi ngày.


Quá khứ nhiều kịch tính

Từ khi ngôn ngữ xuất hiện, chúng ta bắt đầu nghe thấy những câu chuyện giải thích về mọi hiện tượng trong đời. Đó là vòng tròn sinh, lão, bệnh, tử, chu kỳ chuyển mùa, biến đổi đêm ngày, hay sự biến mất của một thứ gì đó. Chúng ta sáng tạo nên ngôn từ để truyền lại cho thế hệ sau ký ức của mình, rồi họa bằng tranh vẽ trên hang động thời xa xưa từ 30-40.000 năm trước Công nguyên về vài điều linh thiêng, những linh hồn và lễ nghi chưa thể lý giải ở thời hiện đại.

Cho đến một thời điểm trong lịch sử phát triển, loài người dần đưa vào câu chuyện các yếu tố đời thực, pha trộn với hình ảnh sinh vật huyền bí và tình tiết siêu nhiên trong tưởng tượng. Tiến sĩ Marguerite Johnson gọi đó là khởi nguồn của cổ tích - một sản phẩm tinh thần lan truyền theo chiều ngang khi các nền văn hóa đan xen, không giống gene người vốn di truyền theo chiều dọc từ cha mẹ đến đời con cái. Cho đến nay, khoa học không thể xác định chính xác niên đại của cổ tích, mà chỉ phỏng đoán độ tuổi từ 2.500 năm đến 6.000 năm.

Một thế giới cổ tích không của riêng ai -0
Hai anh học giả từng tạo ra một “phiên bản nhỏ” của “Truyện cổ Grimm” để lấy lại nguyên gốc “người lớn” theo định hướng sưu tầm ban đầu.

Thời nay, người lớn tin rằng cổ tích không phải là thứ cho mình. Thế giới trong cổ tích quá đỗi đơn giản và đầy màu sắc hư ảo. Nhưng ít ai biết rằng, khởi nguồn của cổ tích lại hướng đến những bộ não hoàn chỉnh, đã đủ lớn để nhận thức về thế giới. Marguerite Johnson vẽ lên giấy vài hình thù kì quặc tựa cái cây, mở ra vài nhánh đã hoàn toàn biến mất của nội dung cổ tích: bạo lực, tàn nhẫn, cấm kị, sắc giới và thù hằn. Theo đó, công lý của cổ tích, hay sự trừng phạt kẻ xấu, chính là trải nghiệm của đôi mắt trần tục, phản ánh một mong muốn thực tại ở mọi thế hệ loài người.

Trong những phiên bản đầu tiên của “Truyện cổ Grimm”, các yếu tố kịch tính vẫn còn được giữ nguyên bản. Phiên bản Lọ Lem của Đức (Aschenputtel), hai người chị kế chịu thảm kịch bị chim bồ câu mổ mắt, trở nên mù lòa, trả giá cho tính thâm độc và gian dối. Đôi nhân vật huyền thoại Hansel và Gretel do anh em Grimm sáng tạo cũng đem lại xúc cảm dữ dội: đẩy mụ phù thủy già vào lò lửa đang cháy sau những đàn áp tinh thần cùng thể xác đầy man rợ. Những hành động “đáng sợ với trẻ em” như thế trở thành cánh cửa giải phóng cảm xúc, giống như cách người Hy Lạp cổ đại miêu tả về quá trình “thanh tẩy” tâm hồn khi loài người chứng kiến đau đớn đến tột cùng.

Một thế giới cổ tích không của riêng ai -0
Cổ tích ẩn chứa nhiều lớp nghĩa phù hợp với tư duy của trẻ em và người trưởng thành.

Trẻ em và người lớn

Marguerite Johnson đọc trang cuối cùng “Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn” trước khi con gái nhỏ chìm vào giấc ngủ. Phiên bản này đã biến hóa nguyên tác của anh em nhà Grimm theo một cách khác, lược bỏ những chi tiết kinh dị. Một câu chuyện nhẹ nhàng, với hình ảnh Bạch Tuyết xinh đẹp sánh đôi cùng “chân ái” là vị hoàng tử điển trai, hiện lên trong tâm trí hãy còn non nớt của cô bé. Những khác biệt khiến vị tiến sĩ ngôn ngữ chú ý, thôi thúc Marguerite Johnson bắt đầu tìm hiểu về cổ tích từ chính tủ sách của con gái.

Thực tế, nhiều chuyện cổ tích ngày nay khác xa so với nguyên gốc. So với quá khứ, cổ tích hiện đại nhẹ nhàng, không gay gắt, luôn hướng tới sự nhân từ và tập trung vào đối tượng trẻ em. Các ý kiến đều nhấn mạnh cổ tích chính là phương tiện hoàn hảo để trẻ em có cơ hội phát triển tư duy, cũng như cảm xúc. Với bộ não non nớt và đang trưởng thành, chúng thường vui đùa, ngây thơ tự nghĩ ra hàng tá câu chuyện tưởng tượng dựa trên chất liệu đời sống thực tế, pha trộn yếu tố kỳ ảo, hoang đường như thế giới của tiên, ma thuật hay hoạt hình sống động.

Một thế giới cổ tích không của riêng ai -0
Cổ tích giúp trẻ em phát triển tư duy và cảm xúc, học cách phân biệt tốt xấu, hay đúng sai.

Marguerite Johnson tin rằng, để giúp trẻ em học được đúng sai, phân biệt tốt xấu, và giải trí, rất nhiều chi tiết không phù hợp đã được lược bỏ, tạo nên một thế hệ cổ tích mới có cốt truyện đơn giản, từ ngữ dễ hiểu. Thế nhưng, giới nghiên cứu lại nổ ra tranh luận gay gắt: “đơn giản hóa” vô tình khiến người trưởng thành coi nhẹ giá trị của cổ tích. Một số họa sĩ như Gustave Doré, Arthur Rackham và Edmund Dulac đã tìm cách khôi phục lại vài nét kịch tích của những tác phẩm Grimm nổi tiếng.

Hay nhà nghiên cứu Sarah Moon đã thử nghiệm phiên bản “độc ác, đau thương, đáng sợ” của “Cô bé quàng khăn đỏ” với nhóm độc giả nhí, đưa họ qua hành trình khám phá chủ đề “tâm địa xấu xa” của loài người ẩn dưới vỏ bọc một con sói. Những người như Sarah Moon dường như không có mấy thiện cảm với các phiên bản Disney cổ tích chỉ toàn... màu hồng, đã lược bỏ hoàn toàn sự tàn khốc, thực tế cuộc sống đầy toan tính và đau đớn mà nguyên tác muốn truyền tải đến người đọc.

Nhiều quan điểm cũng chỉ trích “sự mất chất” của cổ tích thời nay. “Truyện cổ Grimm” chẳng hạn, ban đầu là một kho tàng lưu trữ nét văn hóa dân gian, khắc họa nguyên bản các đặc điểm lịch sử và tôn giáo từ lời kể của người dân. Rồi theo thời gian, được chỉnh sửa, thay đổi, cho đến khi ấn bản đầu tiên “Truyện cổ tích cho trẻ em và trong gia đình”(1812) ra đời, chính thức khiến độc giả mặc nhiên coi đây như một tuyển tập dành cho thiếu nhi. Sarah Moon kêu gọi tiếp tục tái bản “phiên bản nhỏ” của “Truyện cổ Grimm” (in năm 1857), được hai em học giả chọn lọc nhằm đưa những câu chuyện trở về nguyên gốc “người lớn” theo định hướng sưu tầm ban đầu.

Cổ tích không đơn giản

Trên một diễn đàn, người ta hỏi nhau: rốt cuộc, người lớn có cần đọc truyện cổ tích hay không. Trong một bài luận, Marguerite Johnson hoài nghi liệu con trẻ có giữ mãi suy nghĩ một chiều về cổ tích chúng đã đọc, khi mà cuối cùng chúng sẽ phải lớn lên và bắt đầu cuộc sống của người trưởng thành? Không giống Peter Pan - chàng trai mãi là trẻ con, tư duy ngây thơ, cùng bản tính tò mò, sẽ dần phát triển, để hình thành năng lực phân tích và phản biện.

Cả bản gốc hay bản chỉnh sửa đều chứa đựng giá trị nghệ thuật, văn hoá và xã hội. Vì vậy, việc người lớn bỏ qua truyện cổ tích là sự thiếu sót, bởi lẽ suy cho cùng, cổ tích có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, ẩn chứa nhiều lớp nghĩa phù hợp với tư duy của trẻ em hay người trưởng thành. Một đứa trẻ coi “Người đẹp và quái vật” là hành trình biến đổi kì lạ của người đàn ông thành sinh vật có hình thù đáng sợ, nhưng phía sau câu chuyện ẩn chứa thông điệp về gia đình, tình yêu và sự lãng mạn mà chỉ người lớn mới thường chú tâm đến.

Một thế giới cổ tích không của riêng ai -0
Thuở ban đầu, nội dung của nhiều chuyện cổ tích chứa đựng các yếu tố kịch tính liên quan đến bạo lực, cấm kị, hay sắc giới.

Truyện cổ tích lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ, bất chấp thử thách của thời gian. Sự kỳ ảo làm cho cổ tích trở nên nổi bật, nhưng các yếu tố bình thường làm cho chúng dễ hiểu và dễ nhớ. Hãy tưởng tượng thế giới cổ tích đầy bình yên trong ánh mắt trẻ thơ, còn với tư duy người lớn thì phản ánh nghịch lý đời thực đầy chiều sâu. Cổ tích không phải ảo giác, nó kích thích chúng ta thay đổi, và vươn lên sau khi xem xét, tự vấn chính mình.

Ở tuổi 38, Jeff Goins vẫn miệt mài sưu tầm những phiên bản cổ tích khác nhau. Thế giới cổ tích đem tới cho nhà văn nhiều góc nhìn thú vị, ở giữa những câu chuyện dang dở đòi hỏi trí não phải đi tìm câu trả lời. Cổ tích có tất cả, như lời Jeff Goins bộc bạch, dạy cho ta sự kiên định cùng niềm tin vào cuộc sống, nhờ ngôn từ đơn giản nhưng ý nghĩa sâu sắc. Cổ tích đưa con người thoát khỏi thực tại, tạo nên một hành trình khám phá bản ngã mà không bị ràng buộc bởi ai khác, giúp độc giả nghiền ngẫm để nhận ra ý nghĩa thực sự của đời.

Như cách Jeff Goins hình dung, cổ tích như một tấm gương phản chiếu cuộc sống, buộc não bộ phải tưởng tượng qua từng câu từ tĩnh lặng, thay vì nhìn lướt qua hình ảnh và âm thanh ồn ào trên Netflix hay Amazon. Còn với Marguerite Johnson, cổ tích tựa một nhà trị liệu tâm lý, xoa dịu căng thẳng công việc và gia đình. Cô đọc truyện thiếu nhi, cũng giống cách cậu Út được trao lại phần tài sản thừa kế là một chú mèo, tưởng như vô ích. Thế nhưng chính chú mèo đi hia lại giúp cậu Út vượt qua nhiều khó khăn để cuối cùng trở thành vua, bắt đầu một cuộc sống mới.

Và Marguerite Johnson cũng dần cảm thấy hạnh phúc với những kết thúc có hậu, cùng nụ cười giòn tan của con gái mỗi lần nghe kể truyện. Cuộc sống trở lại với nguồn cảm hứng mới, thôi thúc cô theo đuổi hành trình nghiên cứu để chứng minh rằng: thực ra, cổ tích dành cho tất cả chúng ta...

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn