NÉT ĐẸP CỦA BÀI THƠ “ĐỢI” QUA LĂNG KÍNH KỸ THUẬT- PHẠM ĐỨC NHÌ

Thứ Bảy, 06 Tháng Mười Một 202110:40 SA(Xem: 2725)
NÉT ĐẸP CỦA BÀI THƠ “ĐỢI” QUA LĂNG KÍNH KỸ THUẬT- PHẠM ĐỨC NHÌ


993X

NÉT ĐẸP CỦA BÀI THƠ “ĐỢI” QUA LĂNG KÍNH KỸ THUẬT

 

ĐỢI

Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em

Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!

Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em (1) quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em.

(Vũ Quần Phương)

 

Đây không phải là một bài bình thơ mà chỉ là một số nhận xét về kỹ thuật thơ của thi sĩ. Mục đích là để tìm hiểu xem ông đã áp dụng (hay không áp dụng) những “phương tiện thẩm mỹ” nào khi sáng tác bài thơ và việc áp dụng (hay không áp dụng) những “phương tiện thẩm mỹ” ấy ảnh hưởng ra sao đến sự Hay Dở của bài thơ.

Với bài thơ Đợi tôi sẽ đưa ra 22 phương tiện thẩm mỹ để dựa vào đó “bàn” về kỹ thuật thơ của tác giả.

 

1/ Tựa Đề:

Đặt tựa đề bài thơ là Đợi rất hợp lý, đúng cốt tủy của toàn bài.

2/ Ngôn Ngữ, Hình Tượng:

Đẹp, chắt lọc, có nét cao sang.

3/ Câu:

Gọn, đúng văn phạm, diễn đạt ý một cách sâu sắc.

4/ Biện Pháp Tu Từ:

Không sử dụng biện pháp tu từ; nói thẳng điều muốn nói.

5/ Tứ Thơ:

Tâm trạng, suy nghĩ khi đứng đợi người yêu trên cầu.

6/ Câu Thơ “Không Thuận”

Đoạn cuối có câu thơ rất hay:

“Đứng một ngày đất lạ thành quen”

Nhưng câu thơ kế tiếp:

“Đứng một đời em quen thành lạ”

thì lại “không thuận” với tứ thơ, “lôi” người đọc ra xa tâm điểm của tứ thơ.

Lý do: Đang yêu em, kiên nhẫn đứng đợi em mà “phang” vào câu “Đứng một đời em quen thành lạ” thì không “khéo”, không “tâm lý” tý nào. Dù thực tế khách quan của cuộc đời – trong nhiều trường hợp - có thể đúng như thế đi nữa câu thơ ấy cũng là “cung đàn lỗi nhịp” với đoạn thơ và cả với bài thơ.

7/ Chức Năng Truyền Thông

Tôi vẫn cho là chức năng truyền thông của bài thơ thành công.

Theo tôi, người đọc “bắt” được ý câu thơ:

“Đứng một đời em quen thành lạ”

không khó khăn lắm.

Nhưng một số nhà bình thơ có nhận ra cái “không thuận” trong câu thơ “không thuận” ấy không, và nếu nhận ra mà tại sao không nói ra (trong bài bình thơ) thì tôi không biết.

8/ Kết Luận:

Không ấn tượng.

9/ Bố Cục, Thế Trận:

Câu thơ “không thuận” đã làm thế trận của bài thơ hơi xộc xệch.

10/ Thể Thơ:

Thơ Mới Trường Thiên, phân mảnh đứt đoạn

11/ Vần:

Đoạn đầu (em đêm em) và đoạn cuối (em quen em) gộp lại là 3 cặp vần. Đoạn giữa chỉ có một cặp vần gián cách (này đây). Với 12 câu thơ chia làm 3 đoạn phân cách riêng biệt thì 4 cặp vần cũng không có gì là quá ngọt. Hơn nữa, bài thơ lại ngắn nên không có hội chứng nhàm chán vần. Kỹ thuật sử dụng vần thành công.

12/ Nhịp Điệu:

Thoạt nhìn thì thấy “Đợi” có chút hơi mới lạ về hình thức. Câu thơ đầu của mỗi đoạn thay vì 7 chữ như những bài thơ thất ngôn trường thiên khác lại chỉ có 6 chữ. Nhưng sự mới lạ đó chỉ là đổi từ cái khuôn này sang cái khuôn khác.

Trong cái khuôn mới ba đoạn thơ vẫn có số câu và số chữ trong câu giống nhau (mỗi đoạn 4 câu với số chữ cùng là 6, 7, 7, 7). Chỉ nhờ bài thơ ngắn nên cảm giác tẻ nhạt không rõ nét lắm.

 

13/ Phong Thái Của Thi Sĩ Lúc Làm Thơ:

Tác giả phóng bút với tâm thế khá tỉnh táo, cho lý trí nắm quyền đạo diễn bài thơ. Tâm thế này sẽ ảnh hưởng đến việc nhen nhúm và phát triển hồn thơ, ngay cả trong trường hợp - về mặt kỹ thuật - đã tạo được dòng chảy cho thơ.

14/ Dòng Chảy Của Thơ:

Thể thơ phân mảnh, đứt đoạn nên bài thơ không có dòng chảy mà chỉ là 3 “vũng thơ” nằm 3 nơi.

15/ Dòng Tứ Thơ:

Tứ thơ đứt đoạn, chỉ là 3 mảnh tâm sự nằm riêng biệt.

16/ Dòng Âm Điệu:

Thơ có vần, nghe du dương nhưng không có dòng âm điệu.

17/ Dòng Nhịp Điệu:

Ba đọan thơ cách biệt nên cũng không có dòng nhịp điệu.

18/ Dòng Cảm Xúc:

Không có dòng cảm xúc (tôi muốn nói hồn thơ)

19/ Độ Dài Của Bài Thơ:  

Viết theo thể thơ này (phân mảnh, đứt đoạn) thì dù có dài thêm nữa cũng không có dòng cảm xúc, không có “sóng sau dồn sóng trước” và không có hồn thơ.

20/ Cảm Xúc Tầng 1 (Đến từ câu chữ):

Mạnh

21/ Cảm Xúc Tầng 2 (Đến từ bố cục, thế trận):

Trung Bình

22/ Cảm Xúc Tầng 3 (Hồn thơ):

Hoàn toàn không có.

 

Nhận Xét Tổng Thể

 

Tôi chỉ đưa ra những nhận xét về mặt kỹ thuật. Việc thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ ĐỢI xin dành cho độc giả.

 Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH

1/ Có vài bản viết là “đất quen thành lạ” nhưng theo chính lời tác giả Vũ Quần Phương thì “em quen thành lạ” mới đúng.

 

Đưới đây là một số bài viết liên quan đến ĐỢI

 

1/ Phạm Văn Chữ: Đợi – Huy Thục – Vũ Quần Phương trên trang Bài Ca Đi Cùng Năm Tháng (23/04/2012)

https://bcdcnt.net/tu-lieu/doi-huy-thuc-vu-quan-phuong-253.html

2/ Hoàng Dân: Đợi của Vũ Quần Phương Với Lời Bình Của Hoàng Dân (Hà Nội 16/10/ 1994 trên trang Vũ Nho Ninh Bình)

http://vunhonb.blogspot.com/2014/10/oi-cua-vu-quan-phuong-voi-loi-binh.html

3/ Nguyễn Thị Lan: Phía Sau Hai Câu Thơ “Đợi” Của Nhà Thơ Vũ Quần Phương trên trang Cựu Chiến Binh TPHCM  23 tháng 6/2021

http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=7689:phia-sau-hai-cau-th-i-ca-nha-th-v-qun-phng&catid=100:vn-hoa-ngh-thut&Itemid=229

4/ Bài Thơ “Đợi” - Đợi Đến Bao Giờ

https://vanhaiphong.com/bai-tho-doi-cua-vu-quan-phuong/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn