"BIRDMAN" : Nghệ thuật được làm từ máu và nước mắt

Thứ Bảy, 06 Tháng Mười Một 202111:51 SA(Xem: 2162)
"BIRDMAN" : Nghệ thuật được làm từ máu và nước mắt
rfi.fr

"BIRDMAN" : Nghệ thuật được làm từ máu và nước mắt

Lệ Thu

Chúng tôi đã ngồi lặng đi khi hình ảnh cuối cùng của bộ phim mờ dần trong tiếng trống dồn dập nổi lên và bảng tên phối màu đen đỏ của generique đang trôi. Câu hỏi và câu trả lời được đặt ra từ đầu phim bỗng vang vọng trở lại … “Bạn đã có tất cả, vậy bạn còn cần gì nữa? - Tôi cần cảm thấy mình được Yêu trên thế gian này”.

Đó là điều dẫn dắt mạch cảm xúc của bất cứ ai đã từng xem “Birdman” do đạo diễn người Mêhicô - vừa là đồng biên kịch và là nhà sản xuất - Alejandro Gonzalez Inarritu - tạo nên. Người ta nhận ra không phải tác phẩm điện ảnh nào đạt tới đài cao danh vọng như Oscar đều là “khó xem”, đặc biệt với “Birdman”, khi ngoài việc gặt hái cơn mưa giải thưởng tại lễ trao giải danh giá này vào năm 2015, tác phẩm còn đạt doanh thu cao gần gấp 10 lần.

Điều gì làm nên sức hấp dẫn lớn đến vậy cho bộ phim mà nội dung thật ra nói về một nam diễn viên đã già, đã hết thời, đang cố gắng vật lộn với những ám ảnh xưa cũ và tìm lại chính mình - ngoài lối diễn xuất tuyệt vời như đo ni đóng giày cho Micheal Keaton? Ngoài những ấn tượng với lối dựng phim hầu như không cắt cảnh, tất cả nối dài như một màn kịch trên sân khấu và âm thanh bằng những nhịp trống khi trầm khi bổng dồn dập không nguôi? Câu trả lời là hãy tự thân chiêm ngưỡng tác phẩm, tự thân chìm đắm vào 120 phút phim, tự thân cảm nhận những điều mà có lẽ chỉ diễn ra trên sân khấu ấy, chắc hẳn, khán giả sẽ không bao giờ có thể quên một nỗi ám ảnh mang tên “Birdman”.  

Khát vọng hào quang

Để tóm tắt phim thì rõ ràng đây là một câu chuyện có vẻ đã cũ. Bộ phim nói về Riggan Thomson, một ngôi sao đã từng rất thành công trong vai siêu anh hùng Người chim. Hai mươi năm sau khi hết thời, Riggan đang cố gắng tìm lại ánh hào quang cũ qua công việc đạo diễn kiêm diễn viên chính của vở “Chúng ta nói gì khi bàn tới tình yêu” trên sân khấu Broadway. Ông đã tự bỏ tiền để mời diễn viên và dàn dựng vở kịch nói này, thậm chí phải đặt cả nhà để vay ngân hàng. Nhiều người cho rằng Riggan trở lại để tìm kiếm bản thân và chính ông cũng tự thuyết phục mình như thế.

Nhưng rõ ràng, điều mà ông đi tìm lại là sự nổi tiếng, là sự chú ý mà ông từng có. Với những ai chưa chạm tới vinh quang thì có vẻ ánh hào quang của sự nổi tiếng là quá xa vời, có thể đạt được, có thể không. Còn với Riggan, tất cả đã xuất hiện, đã tồn tại trong đời. Ông đã ngấm nó, đã gặm nhấm và thích thú. Cho nên, giống như một cơn nghiện, tưởng đã dứt ra hoàn toàn, mà sự thật, nó vẫn ở đó, chỉ đợi thời cơ để tiếp tục trỗi dậy, khao khát, thèm muốn và bằng mọi giá phải đạt được. Một phần trong Riggan muốn tách ra khỏi hào quang quá khứ, tách ra khỏi nhân vật mà người ta “đóng đinh” cho mình, là siêu anh hùng Người chim, một phần khác, ông thèm khát và mong mỏi được trở lại, được sùng bái và tôn thờ như trước kia. Khao khát được Yêu.

Nỗi khao khát ấy được lặp đi lặp lại từ đầu tới cuối phim, bằng cả những chi tiết được trau chuốt tỉ mỉ, bằng cả những câu thoại được thốt lên.

Là đoạn Riggan nói chuyện với vợ cũ của mình khi hai người gặp nhau và ông đề cập tới chuyện gán ngôi nhà mà ông tính để dành cho con gái sau này cho ngân hàng. Riggan kể rằng trên một chuyến bay, ông đã ngồi sau hàng ghế của George Clooney, một ngôi sao hạng A của Hollywood. Lúc đó máy bay đi vào vùng nhiễu động, rung lắc ghê gớm. Trong lúc ai cũng hoảng sợ thì bản thân ông lại vô cùng bình tĩnh. Ý nghĩ duy nhất lóe lên trong đầu là nếu có tai nạn, thì ngày mai, con gái của ông sẽ đọc bảng tin về cái chết của George Clooney chứ không phải ông.

Rồi tới Sam, cô con gái nghiện ma túy của Riggan, tưởng như là một cô gái hời hợt, lạnh lùng với tất cả, phán xét tất cả nhưng cô cũng nhận ra cái khao khát cháy bỏng trong Cha. Chính cô đã nói thẳng vào mặt Cha rằng ông không tìm kiếm nghệ thuật gì cả, ông chỉ đang muốn hòa nhập lại với cái thế giới đã quên mất ông là ai bởi bản thân Riggan đang có nỗi sợ, sợ mình chẳng là gì hết, sợ bị lãng quên.

Chính vì nỗi sợ ấy, người ta thấy vở kịch “Chúng ta nói gì khi bàn tới tình yêu” mà Riggan đang dàn dựng cũng như một lời bộc bạch của ông. Trong vai một người chồng bị vợ phản bội, phút cuối, Riggan bắt quả tang cô vợ ngoại tình và đau đớn thốt lên “Tôi không được Yêu, tôi không tồn tại, thậm chí, tôi còn không ở đây”.

Sự thật phũ phàng

Riggan loay hoay vướng vào cái vòng tròn luẩn quẩn vớt vát hào quang đã cũ với những ám ảnh không thôi về nhân vật Người chim. Nhà làm phim thật tài tình khi ngay từ những phút mở đầu đã bày ra hình ảnh Riggan bay lơ lửng giữa phòng như một siêu nhân thực thụ. Rất nhiều đoạn trong phim khán giả mơ hồ lầm tưởng ông liệu có phải là một siêu nhân thật, liệu đây có phải một phim về siêu anh hùng khi liên tục những hành động bay nhảy, dùng ý chí điều khiển đồ vật của Riggan được sử dụng. Cho đến tận những phút thứ 90 của phim, người ta mới biết thật sự đó chỉ là những tưởng tượng của Riggan. Chính bản thân ông còn bị ám ảnh về nhân vật đến như vậy thì những người hâm mộ ông làm sao dễ dàng thoát ra được.

Chưa hết, “Birdman” dường như còn dẫn dắt người xem tới hậu trường của giới showbiz, để cho ta thấy được rất nhiều mặt trái trong đó. Thế giới của những ngôi sao, của sân khấu đằng sau ánh đèn tỏa sáng là những khoảng tối đầy mệt mỏi rệu rã và lố bịch. Những nhân vật bao quanh Riggan đều là đại diện cho một tiếng nói nào đó của thực tại muốn thức tỉnh và dội gáo nước lạnh vào ông. 

Jake, luật sư đồng thời là bạn của Riggan, mở miệng ra là Tiền. Trong đầu Jake lúc nào cũng loanh quanh tiền đầu tư, tiền bán vé, diễn viên nào sẽ mang lại lợi nhuận. Bất chấp những gì có thể diễn ra một cách tồi tệ, doanh thu là vấn đề bận tâm số Một.

Lesly, một cô diễn viên trẻ được Riggan ký hợp đồng diễn, luôn cảm thấy hoang mang về bản thân và Laura, người tình chưa từng được một lời động viên ngọt ngào của Riggan. Cả hai đều có những áp lực kinh khủng để rồi phút chốc, họ sẵn sàng ôm hôn nhau, trao cho nhau những âu yếm của một cuộc đụng chạm đồng giới không suy nghĩ.

Nhà phê bình phim có tiếng Dickinson, người luôn giữ khư khư góc nhìn định kiến với Riggan, sẵn sàng nhấn chìm vở kịch của ông dù chưa xem và cũng không có ý định xem chỉ vì ông đã thuê những diễn viên non nớt vào nghề mà không báo cho bà biết trước.     

Và một Mike, anh chàng diễn viên nổi tiếng ngang tàng, chỉ sống thật trên sân khấu, còn lại, cả cuộc đời anh ta như là một tấn trò, một vở kịch khổng lồ cho anh ta mặc sức diễn một cách chân thực nhất.

Giữa những con người ấy, Riggan xoay vần để gắng gượng hoàn thành vở kịch mà ông cho rằng sẽ níu lại những gì đã mất bằng sự trau chuốt tỉ mỉ từng đạo cụ, từng chi tiết nhỏ. Thế nhưng, thực tế cuộc sống tiếp tục kéo “ông già mặt xệ, da nhăn, cơ bắp rệu rã” ấy tỉnh giấc.

Giờ người ta không đánh giá ông như là một nghệ sĩ mà người ta đánh giá ông là một “celebrity” - người của công chúng. “Tối nay họ cười cha nhưng ngày mai họ sẽ Twitt” - Sam đã nói như thế khi Riggan e sợ mình sẽ trở thành trò đùa của thiên hạ. Thế kỉ 20 đã trôi qua được vài phần rồi, người ta có Twitter, Instagram, Facebook, Blog để mà đặt tất cả lên và phán xét, những thứ mà bản thân Riggan từ chối công nhận và cũng chưa bao giờ thử dùng tới.

Việc ông mặc đồ lót chạy cuống cuồng ra đường vì một sự cố nho nhỏ ở rạp hát không hề làm ông bị mất mặt mà trái lại, chỉ sau một đêm, có tới hàng trăm ngàn lượt xem trên mạng và họ lại nhớ tới ông, ngôi sao một thời. Lúc này, để được nhớ tới có gì khó đâu. Ngay cả việc Riggan tự bắn tung cả mũi của mình, phải vào bệnh viện lắp mũi giả cũng tạo nên hiệu ứng vô cùng đặc biệt. Sam lập tài khoản Twitter cho Cha và sau sự việc đó, có tới hơn 80 ngàn lượt follow Riggan. Người ta không nhắc tới vở kịch với biết bao công sức, nước mắt, thậm chí cả máu mà Riggan đã đổ xuống, người ta chỉ theo dõi ông vì ông tự bắn tung mũi mình ngay trên sân khấu.

Ánh hào quang ấy là Thật hay là Giả? Ai thật sự quan tâm tới Riggan và những cảm xúc của ông? Hay cả khi ông nói ông ghét nhất hoa hồng thì người hâm mộ và cả con gái ông cũng mua ngập một phòng toàn hoa hồng để chúc mừng ông sau buổi diễn? Được Yêu tức là như thế thôi ư?

Cuối phim, người ta có thể thở phào nhẹ nhõm khi Sam, cuối cùng, cũng mang tới bệnh viện một bó hoa tử đinh hương cho Riggan. Loài hoa có ý nghĩa là “càng ở gần Cha lâu thì con càng yêu cha hơn”.

Phim có một cái kết mở để người xem tự cảm nhận, là một sự hẫng hụt tiếc nuối nhưng cũng là hạnh phúc của Riggan bởi người mà ông yêu thương nhất, là con gái ông, đã nhìn thấy cái Đẹp, cái Thật, cái Thăng hoa mà Cha cô đã đạt được trong cuộc đời bằng tình yêu thật sự, trong sáng, đầy ắp thấu hiểu và sẻ chia. Dường như, nước mắt và máu của Riggan đã đổ xuống không hoàn toàn vô nghĩa!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Ba, 10 Tháng Bảy 20189:10 CH
Thơ tình yêu lãng mạn vì nhân bản tính nên mang ý nghĩa gần gũi với đời sống con người, vì có yêu đương, có đau khổ thơ rất dễ thăng hoa, dễ...
Chủ Nhật, 08 Tháng Bảy 20186:33 SA
( HNPD ) như đĩ già không còn người chứa /bên cạnh 2 thứ này /có 1 thằng gàn mát dây /chạm điện
Thứ Bảy, 07 Tháng Bảy 201810:43 SA
( HNPD )trao miền Nam vào tay tướng Dương văn Minh /thì chỉ cần 48 tiếng đồng hồ là ô hô /ai tai xong ngay ?
Thứ Tư, 04 Tháng Bảy 201812:14 CH
( HNPD ) 1 túi càn khôn xơ xác cả /kẻ thì nằm đất kẻ nằm tù / ngẫm nghĩ câu " thi trung hữu họa " /mà buồn cho tới tận ngàn thu ?