“Kẻ xâm nhập”- Nỗi đau mang theo tới thế giới bên kia

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười 20211:00 CH(Xem: 2045)
“Kẻ xâm nhập”- Nỗi đau mang theo tới thế giới bên kia
rfi.fr

Tạp chí văn hóa - “Kẻ xâm nhập”- Nỗi đau mang theo tới thế giới bên kia

Lệ Thu

Những người yêu thể loại phim kinh dị hẳn sẽ không thể không nhắc tới “The Others”, tạm dịch là “Kẻ xâm nhập”, bộ phim của điện ảnh Hoa Kỳ do đạo diễn kiêm biên kịch có hai dòng máu Tây Ban Nha và Chilê, Alejandro Amenábar nhào nặn. Bộ phim ra đời vào năm 2001 thật sự gây chấn động giới phê bình lẫn khán giả trên toàn thế giới.

Nó được liệt vào danh sách phim kinh dị hay nhất năm 2001 và thập niên 2000, đồng thời đạt doanh thu hơn 200 triệu USD, gấp 12 lần số vốn bỏ ra ban đầu. Không những thế, bộ phim còn gặt hái được vô vàn giải thưởng Điện ảnh danh giá, trong đó, phải kể đến giải “Phim hay nhất” tại mùa giải Goya lần thứ 16, trở thành tác phẩm hoàn toàn bằng tiếng Anh đầu tiên thắng giải này trong lịch sử giải thưởng điện ảnh Tây Ban Nha.

Alejandro Amenábar thường đạo diễn các kịch bản do mình sáng tác, có lẽ vì thế mà hầu hết các tác phẩm của ông đều vô cùng thành công, mang những đặc điểm riêng khó lẫn, để lại trong lòng khán giả rất nhiều dấu ấn mạnh mẽ, mà “The others” là một ví dụ điển hình. Không phải thuộc kiểu kinh dị dọa người rẻ tiền, bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật thực sự được nhiều nhà phê bình xếp vào hàng kinh điển. Nó là những khái niệm bất ngờ về cõi Âm - Dương, là những ẩn dụ sâu xa về cái chết và định nghĩa khác về những hồn ma. Thông qua bộ phim, cái cách mà Amenábar lý giải về hồn ma bỗng trở nên thấu đáo và ám ảnh kì lạ.   

Sự cô độc - sát thủ thầm lặng

Truyện phim kể về Grace, một người phụ nữ Anh chuẩn mực, sống cùng hai con nhỏ là Anna và Nicolas trong tòa biệt thự cổ trên một hòn đảo hoang vắng của nước Anh vào những năm cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, khoảng năm 1945. Amenábar đã tạo nên một gia đình với biết bao những chi tiết có một không hai để chuẩn bị cho tất cả những kì bí xảy ra sau đó.

Anna và Nicolas, hai con của Grace, bị một chứng bệnh lạ lùng, đó là dị dứng với ánh sáng mặt trời. Vì vậy mà Grace luôn phải giữ lũ trẻ trong bóng tối. Cô luôn có một chùm chìa khóa lớn ở bên mình, chỉ để mở và khóa cánh cửa của những phòng họ sẽ đi tới. Tất cả các cửa đã mở ra thì phải khóa lại ngay sau đó. Tất cả đều sinh hoạt dưới ánh đèn dầu tù mù, lúc nào cũng mờ ảo nửa sáng nửa tối như sắp xảy ra chuyện gì kinh khủng. Chồng của Grace tham gia chiến trận và đã bặt tăm từ lâu. Một mình cô ở trong ngôi biệt thự cũ kĩ, lạc lõng, cô độc với nỗi lo sợ các con sẽ bị tổn thương. Người đàn bà nào có thể chịu đựng nổi điều đó, một mình? 

Trong thế giới phim kinh dị, phụ nữ và trẻ em thường là mục tiêu của những thế lực hắc ám rình rập, đe dọa. Cũng vì thế, khi phái yếu là nhân vật chính thì người xem càng rùng mình sợ hãi và lo lắng cho họ, đặc biệt là trong hoàn cảnh mà Grace bị đặt vào, cô phải chiến đấu trong đơn độc. Vừa phải chăm sóc gia đình, vừa nhớ chồng da diết, băn khoăn về sự biến mất của anh … Grace mệt mỏi, căng thẳng, kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Đó là tất cả những gì Amenábar đặt ra để cho câu chuyện chính của phim bắt đầu.  

Những vị khách không mời

Grace tỉnh giấc với một cơn đau nửa đầu và phát hiện ra những người giúp việc trong nhà bỗng biến mất, cả ngôi biệt thự chỉ còn lại ba mẹ con.

Truyện phim trở nên đáng xem hơn khi ba người giúp việc mới xuất hiện vào một buổi sáng sương mù dày đặc. Họ mang theo những bí mật và những hành động khó hiểu khiến Grace dấy lên nghi ngờ. Cùng lúc này, nhiều hiện tượng kì lạ xảy ra. Anna vẽ ra bức tranh gồm bốn người, một người đàn ông, một người đàn bà, một cậu bé tên là Victor và một bà già mù. Cô bé khẳng định nhìn thấy tất cả họ trong nhà và Victor luôn tranh giành phòng với mình. Grace không chấp nhận những câu chuyện ấy và hăm dọa con hãy dừng nói dối. Hai mẹ con bỗng chốc có mâu thuẫn gay gắt, cùng với cơn đau nửa đầu khủng khiếp, Grace luôn cau có với Anna một cách vô lí.

Thế nhưng, tiếng dương cầm vang lên trong căn phòng trống trải do chính tay Grace đã khóa kín khiến cô cảm thấy vô cùng sợ hãi. Bản thân Grace cũng có lúc nhìn thấy bà già mù ẩn hiện trên gương mặt của Anna. Cô giằng giật bà ta, bắt phải trả lại con gái cho mình nhưng hóa ra cô lại đang dày vò chính Anna và làm cho cô bé bị thương. Grace bắt đầu tin vào việc ngôi nhà không chí có mình họ.  

Những hiện tượng ghê rợn, những tiếng bước chân và giọng nói của những kẻ lạ mặt trong căn biệt thự cũ quá nhiều phòng trống, lời kể của bé Anna về những nhân vật đáng sợ, những hành động quái gở của ba người giúp việc … Tất cả đã khiến cho bộ phim được bao trùm bởi bầu không khí kinh dị đến dựng tóc gáy.  

Tài tình là, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Amenábar đã liên tục tạo nên những chi tiết làm cho khán giả tin rằng sự bí ẩn và hiểm nguy với ba mẹ con đến từ ba người giúp việc mới. Một bà trông trẻ kiêm quản gia nghiêm nghị, một ông già làm vườn lúc nào cũng lừ lừ và một cô giúp việc nhà bị câm thường xuyên trao đổi với nhau những lời thoại khó hiểu. Đến lúc ông già làm vườn che giấu những tấm bia mộ trong vườn và bị Anna cùng Nicolas phát hiện đó chính là bia mộ của họ thì tất cả dường như vỡ bung ra. Chính Grace đã nhìn thấy bức ảnh chụp xác của họ trong cuốn sổ “chết chóc” mà cô tìm thấy trong kho ảnh cũ của biệt thự.  

Nhưng nếu thật sự đó là cái kết của phim thì “The others” hẳn đã không có gì đặc biệt.

Kẻ xâm nhập thật sự

Cú twist kinh điển làm nên cái TẦM của tác phẩm điện ảnh đặc biệt này chính là nằm ở trường đoạn cuối của phim. Nó thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và phán đoán của người xem ngay từ đầu, để rồi, người ta đã phải thốt lên “Alejandro Amenábar đủ kiên nhẫn để sáng tạo một không gian u ám và mộng mị, cùng với diễn xuất của Nicole Kidman, đã thành công trong việc thuyết phục chúng ta rằng cô là một người bình thường trước nhiều tình huống kinh khủng mà cô gặp phải”. Trường đoạn cuối này, khán giả như ngạt thở khi những chi tiết đáng sợ ngày càng dồn dập, để rồi hé lộ sự thật về thân phận tất cả các nhân vật khiến mọi thứ vỡ òa.

Một buổi sáng, những tấm rèm cửa bỗng biến mất, Grace vô cùng hoảng sợ, lo lắng hai con của cô sẽ bị thiêu rụi bởi ánh nắng mặt trời nhưng bất ngờ là bọn trẻ không bị sao cả. Ba người giúp việc mới đã cho Grace biết sự thật họ là những hồn ma đã từng sống trong căn biệt thự này nhiều năm trước và Grace cùng hai con nhỏ cũng chính là những hồn ma. Vì quá căng thẳng bởi áp lực chăm sóc các con, một mình chịu đựng sự cô độc và quá nhung nhớ người chồng mất tích của mình, Grace đã giết hai con và tự sát bằng khẩu súng trường.

Chính cô và các con mới là những hồn ma đang ám ảnh căn biệt thự, còn những người mà cô tưởng là thế lực đen tối kia lại chính là người đang sống, là chủ nhân mới ở đây. Grace ngỡ ngàng, đau khổ hồi tưởng lại chuyện đã xảy ra với mình và các con. Cũng lúc này, cô biết được chồng cô đã hi sinh ngoài chiến trận. “The others” có một cái kết có hậu với Grace khi mà lũ trẻ không còn trong cơ thể sống như trước nên chúng có thể vô tư đùa giỡn dưới ánh nắng mặt trời và những người chủ mới không thể đuổi Grace đi thì cũng dọn đi nơi khác.

Đóng góp vào thành công tuyệt vời của tác phẩm, không thể không nhắc tới diễn xuất vô cùng tài tình của Nicole Kidman. Vai diễn này đã mang về cho cô giải Sao Thổ cho “nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”, một đề cử giải Quả cầu vàng và một giải BAFTA cùng hạng mục. Nicole Kidman được ví như là điểm sáng lớn nhất của phim.

Cô đã khắc họa sống động chân dung một phụ nữ Anh Quốc chuẩn mực, đẹp chỉn chu. Nét sắc sảo quý phái pha lẫn sự rụt rè vụng về và cố chấp thậm chí có phần điên rồ để bảo vệ các con khỏi hiểm nguy rình rập. Ngay cả những phút run rẩy, đôi môi luôn rung lên bần bật và đôi mắt to đầy cương quyết của cô cũng tạo nên ấn tượng khó phai về hình tượng một người Mẹ cô độc, đau khổ cùng cực đến mức tự tay hại chết các con và tự sát. Nỗi đau ấy có lẽ chính là thứ còn níu kéo họ ở lại trên dương thế, trụ lại trong căn nhà thân thương và khó có thể siêu thoát.

“The others” hóa ra không chỉ là một bộ phim kinh dị về những hồn ma. Nó khiến ta nhận ra đôi khi chỉ cần chúng ta thay đổi góc nhìn thì bản chất sự việc mới được sáng tỏ. Thế giới người chết dường như không đáng sợ như ta vẫn nghĩ. Họ, những linh hồn ấy, cũng vẫn đầy những xúc cảm, những khát khao và hi vọng. Nỗi đau ở nơi dương thế vẫn còn ám ảnh họ, theo họ sang tận thế giới bên kia, như là một sợi dây vô hình níu giữ những vấn vương chưa có lời giải đáp.  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn