Marc Riboud, kẻ đứng bên lề hay người nhập cuộc ? ( VC nên xây tượng lão này )

Chủ Nhật, 26 Tháng Chín 202110:00 SA(Xem: 2406)
Marc Riboud, kẻ đứng bên lề hay người nhập cuộc ? ( VC nên xây tượng lão này )
rfi.fr

Marc Riboud, kẻ đứng bên lề hay người nhập cuộc ?

Tưởng An

Bất cứ ai lang thang rảo qua từng bức ảnh trong cuộc triển lãm mang tên « Marc Riboud, những câu chuyện khả thể » (Marc Riboud, les histoires possibles), trưng bày tại Bảo tàng Viện Châu Á Guimée, quận 16 Paris, từ ngày 19/5 đến ngày 06/09/2021, cũng sẽ sựng lại khi tình cờ bắt gặp vài nét thân quen của chính quê hương mình.

Vì vậy chắc chắn không người Việt Nam nào không xúc động khi nhìn thấy Huế tang thương qua ống kính của nhiếp ảnh gia Marc Riboud – người tự cho mình là một kẻ đứng bên lề, nhưng thật ra đã dấn thân nhập cuộc vào từng nhịp thở của con người ở những nơi ông cố ý hay vô tình đi qua.

Trong tiếng Pháp, từ « histoire » mang hai ý nghĩa : Câu chuyện và Lịch sử. Cuộc triển lãm mang đậm dấu ấn thời gian : những hình ảnh ông thực hiện trong vòng gần 50 năm từ năm 1952 đến năm 1969, từ những chuyến đi xuyên lục địa, từ nước Pháp, Châu Âu, nơi ông sinh ra, đến Châu Á, Việt Nam.

Ai đã từng biết đến Henri-Cartier Bresson và Robert Capa sẽ hiểu ảnh hưởng từ hai nhiếp ảnh gia bậc thầy này. Bresson nổi tiếng với các bức ảnh nghệ thuật Siêu Hiện Thực và cả chính trị. Capa được biết đến như một ống kính chiến tranh, nhất là các hình ảnh do ông chụp về cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1936.

Marc Riboud đã chụp khoảng 50.000 bức hình phóng sự các loại. Cuộc triển lãm lần này giới thiệu 200 bức ảnh tiêu biểu nhất của ông. Trong đó, bức « Người thợ sơn tháp Eiffel » đã từng làm ông nổi tiếng. Hình chụp người đàn ông đang sơn lại tháp Eiffel, một tay cầm cọ, miệng ngậm điếu thuốc, tư thế như thể anh đang khiêu vũ trên cao. Bức hình được đăng ở tạp chí « Đời Sống » (Life) năm 1953.

« Tôi chụp hình như một nhạc sĩ đang hát nghêu ngao. Nhìn thấy, có nghĩa là được sống, là được thở, và mọi tình cờ đều mang đến cho tôi niềm vui » - vợ của ông, bà Catherine Riboud kể lại. Bức ảnh này đã đưa ông vào Agence Magnum, được thành lập bởi Bresson và Capa, nơi chuyên sưu tầm, lưu trữ và vinh danh quảng bá hình ảnh phóng sự. Chỉ những nhiếp ảnh gia có tay nghề cao mới được có tên ở Magnum, bởi sự tuyển chọn rất khắt khe. Magnum đưa ông lên cao từ đó. Vì quá yêu nhiếp ảnh, ông đã thôi không làm việc như một kỹ sư trong xưởng thợ tại Villeurbanne (gần Lyon nơi ông sinh ra), để dành hết thời gian và cả cuộc đời còn lại cho nhiếp ảnh.

Người thợ sơn tháp Eiffel. 1953

Người thợ sơn tháp Eiffel. 1953 © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Người xem triển lãm như được dịp đi du ngoạn tại chỗ qua nhiều quốc gia, bắt đầu từ thành phố Lyon của Pháp vào những năm 1940, tiếp theo là Anh, rồi Afghanistan, Iran, bay đến tận Hàn Quốc, Nhật Bản, vòng qua Cam Bốt, Việt Nam, sang Mỹ, rồi về Cuba… Người xem được chứng kiến những giai đoạn lịch sử và hình ảnh đặc trưng của từng nước, từng dân tộc. Cách ông bấm máy không bao giờ ở vị trí của người phê bình hay chỉ trích, mà đặt người nhìn ngang tầm với hình ảnh, như thể người xem và người chụp đang chia sẻ một cái nhìn chung. Cả những ảnh chụp nước Pháp, chúng cho thấy một đất nước nghèo xác xơ những năm 1953-1954. Như tấm hình dưới đây, Paris không hề mang vẻ tráng lệ, quần áo giăng phơi đầy dẫy dọc bờ sông Seine.

Paris 1953-1954.

Paris 1953-1954. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Luân Đôn năm 1954 được gợi lại qua những bức ảnh chụp người biểu tình ở Liverpool, với bố cục rất đặc biệt. Cũng như trong các tác phẩm chụp quần chúng, ánh nhìn của đám đông bao giờ cũng chiếm đầy khung hình, nói lên được tâm trạng chung của từng cá thể vào thời điểm cảm xúc được thu vào ống kính.

Dockers biểu tình, Liverpool. 1954

Dockers biểu tình, Liverpool. 1954 © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Giờ tan trường ở một ngôi làng ven biển, miền Bắc Việt Nam, 1969.

Giờ tan trường ở một ngôi làng ven biển, miền Bắc Việt Nam, 1969. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Mỗi bức hình là một câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều mang đậm tình người. Như tấm « Siem Reap, Cam Bốt » năm 1990, Marc Riboud chụp cảnh sông nước. Trong ảnh chỉ là dáng người, không chân dung. Một phụ nữ đang ngồi giặt đồ bên bờ sông Cửu Long, cánh tay với về phía trước, mặt nước phản chiếu hình bóng người đàn bà với dáng ngồi khắc khổ, sông nước và nhân vật như hòa nhập làm một. Xa xa, một cậu bé đang đứng trên thuyền, ngây ngất nhìn xoáy nước trong cảnh thiên nhiên lung linh ánh sáng. Bức ảnh này thể hiện tất cả tâm hồn và quan niệm về cái đẹp của Marc Riboud : yêu phụ nữ, yêu sông nước (sông Cửu Long, sông Seine, sông Rhône, sông Saône, …), yêu con người trong mọi tâm trạng, mọi hoàn cảnh, mọi đất nước.

Siem Reap, Cam Bốt, 1990.

Siem Reap, Cam Bốt, 1990. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Sau khi đến Ấn Độ, năm 1957, Marc Riboud là một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc, ông đã chứng kiến sự thay đổi của cả một đất nước, lưu lại đấy đến 3 tháng trong chuyến đi đầu tiên, sau đó còn quay trở lại nhiều lần nữa đến tận năm 2010. Từ tỉnh Cam Túc đến Thượng Hải. Cái nhìn qua ống kính của Marc Riboud như xoáy sâu vào sự nghèo khổ của cả một dân tộc, dù vậy ông không hề có thái độ chỉ trích hay chê bai sự độc tài của Mao. « Phải xem những hình ảnh tôi để lại như những ghi nhận và những đánh dấu. Tôi chỉ kể lại những gì nhìn thấy bên lề » - ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn năm 1996.

Thưởng thức bức « Những cửa sổ nơi phố cổ » ông chụp năm 1965 tại Thượng Hải, chúng ta càng hiểu thêm góc máy của ông, một bác phó nhòm đứng bên lề cuộc đời nhìn vào thế giới qua ống kính vuông vức, như qua các ô cửa : kẻ ngoài cuộc là ông, chỉ quan sát và ghi nhận, không ý kiến hay quan điểm.

Những cửa sổ nơi phố cổ, Thượng Hải, 1965.

Những cửa sổ nơi phố cổ, Thượng Hải, 1965. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Marc Riboud sang Việt Nam năm 1954, giai đoạn Nam-Bắc bị chia đôi theo hiệp định Genève. Ông đã ghi lại những hình ảnh chiến tranh vào những năm 1968, tại Huế, Hoàng Thành của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Đó là cảnh hoang tàn của một Huế đổ nát. Ông đã biến tang thương thành một bức tranh thật đẹp và sống động. Tờ báo Le Monde của Pháp đã từng viết vào ngày 13 tháng 4 năm 1968 « Huế (qua ống kính của Marc Riboud) là một Guernica của Việt Nam ».

Picasso vẽ bức Guernica năm 1937 vào thời điểm chiến tranh Tây Ban Nha đã gây xúc động mãnh liệt trong lịch sử hội họa và làm mồi lửa cho các phong trào phản chiến trên thế giới. Được so sánh với Guernica, ta thấy rõ tác động vô cùng lớn của tác phẩm Huế qua các cú lia máy của Marc Riboud. Quân đội Mỹ tiêu hủy gần như toàn bộ Hoàng Thành nhưng trong cảnh chết chóc, người phụ nữ, trong chiếc áo dài thanh lịch, vẫn toát lên vẻ đẹp quý phái. Ảnh chụp hay tranh vẽ đây? Marc Riboud khiến cho tác phẩm của mình chẳng những mang nhiều ý nghĩa mà còn nói lên cả niềm khát khao của con người, luôn muốn xây dựng lại cuộc sống từ những hoang tàn đổ nát.

Hoàng Thành Huế sau cuộc dội bom tháng 5, 1968

Hoàng Thành Huế sau cuộc dội bom tháng 5, 1968 © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Dù trong giai đoạn đau thương, bức « Đôi tình nhân » với bối cảnh Hà Nội vẫn mang nét bi hài. Hai người tình ngồi bên nhau nhìn xuống hồ Hoàn Kiếm, sau lưng họ là cận cảnh một hố tránh bom.

Đôi tình nhân ở Hà Nội, 1969.

Đôi tình nhân ở Hà Nội, 1969. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Marc Riboud đã từng nhìn thấy chiến tranh ở nhiều nước khác nhau. Có lẽ chiến tranh Việt Nam để lại nơi ông rất nhiều ấn tượng. Trong số ảnh trưng bày, khá nhiều bức liên quan đến hình ảnh chiến tranh Việt Nam. Ông chụp các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở các nước khác nhau, đặc biệt tại Mỹ; những bức đặc trưng nhất : « Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, Thượng Hải, năm 1965 », « Thiếu nữ và bông hoa, Washington, 1967 », « Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, Washington 21 tháng 10 năm 1967 ».

Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, Thượng Hải, 1965.

Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, Thượng Hải, 1965. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, Washington, 1967.

Biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, Washington, 1967. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

Bức « Thiếu nữ và bông hoa » khiến ta không biết nên cười hay khóc. Bên trái là quân đội cầm súng, bên phải là người con gái với bông hoa trong tay. Người xem mang hai trạng thái : vừa lo ngại vì chiến tranh Việt Nam (cây súng mang tính chất đe dọa), vừa hy vọng một kết thúc tốt đẹp (bông hoa đại diện cho vẻ đẹp và sự bình an). Như thể cô gái không sợ súng đạn, vì tin tưởng ở những người lính trẻ, những người sẽ mang lại chiến thắng. Những người lính trong hình dường như cùng suy nghĩ với cô. Tấm hình ghi lại một cách nhìn từ Washington, trong khi một số hình ảnh khác nói lên sự tàn ác của Mỹ vì đã dội bom thành phố Huế.

Thiếu nữ và bông hoa, 1967.

Thiếu nữ và bông hoa, 1967. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".

« Ông ấy bao giờ cũng muốn làm chủ cách làm việc của mình và cả các chuyến đi của mình » - Catherine Riboud kể lại. Chính nhờ vậy, dù ông chụp con người trong bom đạn, trong thảm kịch hay trong cảnh sông nước bình an, mỗi bức hình của ông đều toát lên vẻ đẹp riêng và mang đậm tình người.

Loạt hình cuối của cuộc triển lãm là những tác phẩm Marc Riboud chụp núi Hoàng Sơn (tỉnh An Huy - Trung Quốc) đưa người xem về trạng thái tĩnh tại. Ai từng xem tranh họa sĩ Triệu Vô Cực (Zao-Wou-Ki) sẽ thấu cảm sâu sắc bức ảnh này : chập chùng cao nguyên ẩn hiện trong sương mù, chụp theo gam màu đen trắng ngược sáng, làm nổi bật các đường viền dọc triền núi, y như một bức tranh thủy mặc Trung Hoa.

Núi Hoàng Sơn, Trung Hoa những năm 1980.

Núi Hoàng Sơn, Trung Hoa những năm 1980. © Ảnh chụp tại cuộc triển lãm "Marc Riboud, les histoires possibles".
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn