Khải Hoàn Môn bọc vải : Nơi khởi nguồn sự nghiệp Christo-Jeanne Claude

Thứ Sáu, 24 Tháng Chín 202111:53 SA(Xem: 2432)
Khải Hoàn Môn bọc vải : Nơi khởi nguồn sự nghiệp Christo-Jeanne Claude
rfi.fr

Khải Hoàn Môn bọc vải : Nơi khởi nguồn sự nghiệp Christo-Jeanne Claude - Tạp chí văn hóa

Bùi Uyên

Trung tuần tháng 9/2021, sự kiện văn hoá nghệ thuật thu hút nhiều sự chú ý nhất tại Paris đó là tác phẩm « Khải hoàn môn bọc vải» của Christo-Jeanne Claude, từ ngày 18/09 đến ngày 03/10. Chỉ hiện hữu trong thời gian ngắn ngủi 2 tuần lễ, cũng như mọi lần, tác phẩm của cặp đôi cố nghệ sỹ danh tiếng lại làm dấy lên những tranh cãi gay gắt trong công chúng.

Nhưng cũng vì thế, đây là cơ hội để những người quan tâm đến chiêm ngưỡng tác phẩm cuối cùng này, tìm hiểu lại sự nghiệp, đặc biệt là quãng thời gian Christo-Jeanne Claude sống tại Pháp, nơi đặt nền móng cho khuynh hướng sáng tác sau này của họ. 

Paris - nơi khởi nguồn sự nghiệp                  

Trốn chạy khỏi Bulgari năm 1956, Christo Vladimiroff Javacheff bỏ ngang việc theo học trường đại học Mỹ Thuật Sofia, nơi ông được đào tạo về mỹ thuật, điêu khắc và kiến trúc. Sau khi sang Praha (Tiệp Khắc), ông lần lượt tìm đến Vienna (Áo) rồi Thụy Sỹ. Sau cùng, Christo đến tị nạn ở Paris từ năm 1958 và bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật ở đây. Ông bắt đầu cuộc sống chật vật, bằng nhiều việc làm tạm bợ, rồi vẽ tranh chân dung cho các gia đình khá giả, ký tranh với gia đình họ Javacheff. Cũng chính nhờ việc vẽ tranh này, ông làm quen với gia đình tướng De Guillebon danh giá, để rồi nhen nhóm tình yêu với Jeanne-Claude, cô con gái riêng đầy cá tính của bà Guillebon. Từ đó, cặp đôi sinh cùng ngày 13/06/1935 luôn sát cánh cùng nhau trên mọi bước đường thực hiện những dự án nghệ thuật chung. Từ năm 1994, các tác phẩm của họ đồng ký tên : Christo-Jeanne Claude.   

Nhưng song song với vẽ tranh để kiếm sống, Christo còn tìm tòi con đường và dấu ấn nghệ thuật riêng, bằng việc thử nghiệm bọc mọi đồ vật thường ngày, treo kín trên các bức tường trong căn phòng trọ gác mái ở phố Saint-Sénoch, không xa Khải Hoàn Môn. Hướng sáng tác của ông nhanh chóng ngả theo trường phái hiện đại, giàu tính hình khối điêu khắc, tìm tòi các hiệu ứng trên các chất liệu như vải, nilon bằng cách gói bọc các đồ vật, người mẫu, tượng và dần phác thảo các ý tưởng quy mô lớn hơn trong không gian công cộng ... Trên những tác phẩm này, ông bắt đầu ký tên Christo. Vì thế, 6 năm sinh sống tại Paris là những năm tháng quan trọng, định hình phong cách cho cả sự nghiệp nổi tiếng thế giới, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, của cặp đôi Christo-Jeanne Claude.    

Gói gém cả thế giới, hay tâm thế của kẻ tha hương ?  

Được mệnh danh là « người muốn gói bọc cả thế giới », với những dự án đầy tham vọng và điên rồ, bao bọc những cảnh quan và công trình nổi tiếng, phong cách nghệ thuật của Christo bắt đầu từ việc bọc kín tất cả những vật dụng lớn nhỏ gần gũi quanh mình.   

Ông đào sâu khai thác vật liệu mềm bao phủ, chủ yếu là vải, phát triển, tổng hợp để tìm kiếm những hiệu ứng, màu sắc, chất cảm, sức bền, đáp ứng từng ý tưởng trên các điều kiện địa hình, khí hậu đa dạng đặc biệt khắp thế giới. Những đường xếp li mềm mại của chất liệu vải là một yếu tố chủ đạo trong hội hoạ và điêu khắc, đặc biệt lôi cuốn Christo. Lột tả vẻ đẹp tinh tế của từng nếp vải vừa thể hiện tài năng của người nghệ sỹ tạo hình, vừa để giản lược, che giấu những chi tiết vụn vặt, đồng thời tôn lên những đường nét tiêu biểu khái quát nhất.  Với các tác phẩm của mình, Christo dùng vải để tạo sự đa dạng chất cảm và độ nổi khối cho bề mặt. Sự nhạy cảm và am hiểu vật liệu vải phần nào còn được lý giải bởi bối cảnh gia đình : cha ông từng là chủ một nhà máy dệt.   

Về ý tưởng dùng vải bọc và dây cuốn kín mọi thứ, Christo nhắc đến khởi nguồn từ trải nghiệm của một người sống cuộc đời tha hương nay đây mai đó. Những vật dụng được bọc lại gợi nhớ những chuyến đi, khi người ta gói ghém đồ đạc, tài sản để mang theo. Trong khoảng thời gian nhất định đó, đồ vật được gói ghém tạm mất đi công dụng và biến thành một thứ khác (1). Để rồi, như với những kẻ du mục, tấm vải bọc lấy hành trang, khi tìm được nơi dừng chân, tấm vải lại mở ra, trở thành mái lều che chở, và đồ vật lại được trả lại chức năng vốn có.   

Rất đông khách đến ngắm nhìn “Khải Hoàn Môn bọc vải”, Paris, sáng 18/09/2021.

Rất đông khách đến ngắm nhìn “Khải Hoàn Môn bọc vải”, Paris, sáng 18/09/2021. © Bùi Uyên/RFI tiếng Việt

Christo : « Bởi Paris là thành phố của nghệ thuật và văn hoá »  

Trong những năm khởi đầu sự nghiệp ở Paris, Christo có triển lãm ở Đức các tác phẩm bọc vật dụng, đồ đạc. Ông cũng bắt đầu ấp ủ những phác thảo táo bạo tác động vào không gian công cộng và những công trình di sản lớn của Paris. « Tôi muốn làm những dự án tầm vóc hơn, những dự án liên quan đến nghệ thuật và văn hoá, bởi Paris không phải là một đô thị quân sự, tài chính, tôn giáo, mà là thành phố của nghệ thuật và văn hoá », Christo từng chia sẻ (2).   

Những dự án quá táo bạo do người nghệ sỹ trẻ tuổi chưa mấy tiếng tăm đề xuất liên tục bị chính quyền Pháp từ chối. Hơn 6 năm sau ngày đặt chân đến Paris, Christo và Jeanne Claude rời nước Pháp sang Mỹ, tìm chân trời tự do hơn nữa, hòng kiếm tìm cơ hội thực hiện những giấc mơ nghệ thuật của mình. Nhưng dù xa châu Âu, hai người vẫn tiếp tục sáng tác và theo đuổi mong ước được thực hiện tác phẩm tại Pháp và không ngừng nghỉ tìm cách vận động các nhà chức trách cho phép họ thực hiện.   

Sau nhiều thập kỷ vươn lên khẳng định, thương lượng và thuyết phục không mệt mỏi, sáng tác của Christo - Jeanne Claude cuối cùng cũng được có mặt ở Paris. Với các tác phẩm ở đây, họ đều chọn những công trình ở những vị trí tâm điểm văn hoá và giàu tính biểu tượng nhất. Ngoài hai tác phẩm được thực hiện, Christo còn có các phác thảo bọc vải hàng cây trên đại lộ Champs Elysée, hay bọc toà nhà Trường Quân sự Paris.  

Vào năm 1985, Cầu Mới - Pont Neuf, cây cầu cổ nhất của thủ đô, vắt qua đảo Ile de la Cité trên sông Seine, được bọc bằng những nếp vải ánh vàng lấp lánh, là dự án đầu tiên đánh dấu sự trở lại của họ tại châu Âu. Còn dự án bọc vải Khải Hoàn Môn, được phê duyệt năm 2017, bị trì hoãn nhiều lần do bối cảnh dịch bệnh Covid-19, là tác phẩm cuối cùng ra mắt công chúng khi hai nghệ sỹ đã từ trần. Tuy nhiên, đây lại là một trong những ý tưởng đầu tiên của họ, ra đời cách đây tròn 60 năm tại Paris.

Tìm về bản thể của sự vật   

Bản phác thảo sơ khai năm 1962 gói kín toàn bộ Khải Hoàn Môn thành một khối chữ nhật, cuốn dây buộc chằng chịt. Sau này, khi tiếp tục nghiên cứu các phác thảo phối cảnh cắt ghép ảnh và vẽ tay mới, Christo mới chọn bọc với những nếp xếp li vải mềm mại, ôm trọn và tôn hình khối cơ bản của công trình. Những sợi dây buộc giản lược hơn, chỉ đủ nhấn nổi bật những đường nét cấu trúc. Phong cách này thống nhất trong các dự án bao bọc Pont Neuf và Reichstag - toà nhà Quốc Hội Đức. Để giải thích cho cách tiếp cận này, Christo nói: « Tất cả bị xoá nhoà, làm nổi bật những đường nét thuần tuý kiến trúc, là bản thể của sự vật » (3)   

Bằng việc tìm cách bọc các công trình, ông đã khái quát hoá đường nét, để chắt lọc những mảng khối chủ đạo. Những sợi cáp níu giữ lớp vải bao bọc, đồng thời làm nhiệm vụ gợi lại những trục, cấu trúc chính. Nhờ đó mà sự giản lược chi tiết không làm mất đi vẻ đẹp của tỉ lệ, sự cân xứng của các mảng khối. Khi những chi tiết được lược bỏ, mọi sự chú ý sẽ hướng về hiệu quả thị giác của vật liệu vải, lớp áo tạm.  

Chính Christo đã nhận định khi nói về tác phẩm bọc Cầu Mới - Pont Neuf ở Paris : « Người ta không còn nhìn thấy những chi tiết, những điêu khắc, chạm trổ (...) Nhưng chính vì thế, người ta muốn lại gần, chạm tay vào tấm vải, để tìm lại những chi tiết mà nó bao bọc. Bình thường chẳng ai có ý nghĩ chạm tay vào một bức tường, những phiến đá, hay những tấm kính toà nhà. Chính lớp vải tạo ra mối nối kết bằng xúc giác, bằng cảm nhận với chính sự vật đó ». (4) 

Có lẽ để được trải nghiệm lại kinh nghiệm thị giác và xúc giác hiếm có này, được thêm một lần nữa chạm vào lớp vải óng ánh bạc, nhiều khách du lịch Đức đã sang Pháp trong hai ngày cuối tuần, chỉ nhằm mục đích được ngắm « Khải Hoàn Môn bọc vải » . Máy ảnh trên tay, ngắm nhìn tác phẩm trong ngày khai trương 18/09, một người phụ nữ đến từ Đức hào hứng kể lại với RFI Việt ngữ: « Tôi đã có mặt ở Reichstag, nó thật tuyệt vời, với chất liệu giống như thế này nhưng xám hơn. Chính vì thế tôi mới đến đây để được xem tác phẩm cuối cùng của Christo ».  

Và ngay cả lần đầu được ngắm nhìn tác phẩm, nó vẫn có thể chạm đến tim những khách tham quan. Chị Kurtava Fidanka, người Bulgari sống tại vùng Paris, đã đến ngắm nhìn từ ngày dựng tác phẩm, rồi lại có mặt thật sớm trong ngày khai trương 18/09. Chị xúc động chia sẻ với RFI tiếng Việt : « Được biết tin có một nghệ sỹ gốc Bulgari rất nổi tiếng, quyết tâm thực hiện một tác phẩm như thế này, tôi xúc động đến tận tâm can (...) Khi tôi đến đây, đứng nhìn nó,  tôi đã bật khóc, nó thật có chất lượng. Tôi tự nhủ nếu ông ấy còn sống, có lẽ cũng như tôi lúc này, chắc ông ấy sẽ vỡ oà vì vui sướng. Ông ấy đã thực hiện được giấc mơ của mình. » 

Những người thợ đang bọc vải Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 12/09/2021.

Những người thợ đang bọc vải Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 12/09/2021. AFP - THOMAS SAMSON

Thách thức những lối mòn tư duy và cảm xúc 

Về những tác phẩm phát triển ý tưởng trên những tầm vóc lớn, tác động vào cảnh quan tự nhiên, toà nhà, cây cối, giới phân tích cho rằng ý đồ này tìm cách, trong một thời gian ngắn ngủi, đột ngột làm thay đổi những cảnh quan, công trình vốn đã vô cùng quen thuộc, thậm chí là biểu tượng của nơi chốn đó. Như một lẽ hiển nhiên, con người quen với sự bất biến của chúng và khung cảnh đến độ thờ ơ, thậm chí quên lãng chúng. Những tác phẩm táo bạo của Christo và Jeanne-Claude bất ngờ « chiếm dụng » và che giấu chúng đi.   

Đó có thể bị cho là một sự thách thức ngược ngạo và điên rồ. Cũng như với tác phẩm bọc Pont Neuf cách nay hơn ba thập kỷ, « Khải Hoàn Môn bọc vải » lại khuấy lên những phản ứng sôi nổi của công chúng với những thái cực trái ngược, thậm chí gay gắt. Nhiều người chê trách các nghệ sỹ đã ích kỷ chơi đùa với những gì thiêng liêng và thân thuộc với họ, hoặc so sánh một gói bọc khổng lồ tối giản chi tiết, quá xấu xí so với công trình tuyệt tác mà nó bao bọc. Hay đơn thuần, người ta không hiểu mục đích và ý nghĩa. Thêm vào đó, khoản chi phí khổng lồ lên đến 14 triệu euro, ngay cả đều do hai nghệ sỹ chi trả mà không có nhà tài trợ, vẫn bị chỉ trích như một sự lãng phí.    

Nhưng với những con mắt khác, điều thú vị của những tác phẩm kỳ công phù du này, chính là mục đích xáo trộn thị giác, đem đến một cái nhìn tươi mới về một khung quảnh quen thuộc, đánh thức người xem khỏi lối mòn trong cái nhìn về không gian đô thị, hoặc nhắc họ nhớ đến giá trị và vẻ đẹp của những gì thân quen đã đột ngột biến mất.  

Trao đổi với RFI tiếng Việt, Elise Monceau, kiến trúc sư và nhà dàn dựng sân khấu, cho rằng: « Với tôi, các sáng tác của Christo đặt câu hỏi cho khái niệm « tác phẩm nghệ thuật », bởi đó không phải là một đồ vật người ta có thể di chuyển được, nắm bắt được. Nó là một cảnh quan được trình bầy lại (...) Khải Hoàn Môn khi khánh thành có thể được coi một tác phẩm nghệ thuật, nhưng rồi theo thời gian, nó hoà nhập dần vào không gian, công trình trở thành một bộ phận của cảnh quan đô thị. Việc làm mới nó thành một tác phẩm, là một cách, đem lại một tầm vóc khác cho công trình lịch sử này ».  

Kiến trúc sư Monceau còn đưa ra một góc nhìn mới : « Mặt khác, hình ảnh một cái gì đó bị bao bọc lại, rồi sau đó lại sẽ được gỡ bỏ, gợi lại khái niệm của một tác phẩm nghệ thuật. Hành động sau đó gỡ bỏ tấm vải bọc được cảm nhận như công trình lại được cắt băng khánh thành một lần nữa »                                                  

Chỉ là niềm hân hoan và cái đẹp để sẻ chia  

Bao công sức có khi kéo dài hàng chục năm, kỹ lưỡng và sáng tạo trong từng chi tiết, hàng ngàn người miệt mài làm việc, với chi phí chóng mặt, chỉ để “phù phép” những tác phẩm trong hai tuần lễ ngắn ngủi, như thời gian của một niềm vui, một chuyến phiêu lưu, một niềm hạnh phúc, thường luôn hữu hạn. Như chính Jeanne Claude đã luôn nói : “Những tác phẩm của chúng tôi không để thương mại hoá,  nó không có ý nghĩa gì lớn lao, nó chỉ là niềm vui, là cái đẹp chúng tôi chia sẻ với quý vị, và sự ngắn ngủi của nó nhắc chúng ta hãy trân quý sống trọn vẹn từng thời khắc” (5). 

Thủ đô Paris là nơi gặp gỡ, và ghi dấu các tác phẩm đầu tay của cặp nghệ sỹ vô danh thủa ấy. Một lần cuối, Paris chia sẻ với hai cố nghệ sỹ niềm vui thực hiện được giấc mơ thủa ban đầu. Dù tác phẩm tồn tại ngắn ngủi chỉ để góp cho đời một khoảnh khắc vui hữu hạn, nhưng sẽ để lại trong tâm trí mỗi người viếng thăm một kỷ niệm khó phai.  

Giờ đây, sự nghiệp nổi tiếng thế giới của họ đã khép lại, bằng cách quay trở về toả sáng tại chính điểm bắt đầu. Như khúc ca khải hoàn ngày về, tại Khải Hoàn Môn lịch sử, giữa quảng trường Những Vì Tinh Tú.  

Chú thích :

(1) - (3) - (4) : Phóng sự tài liệu “ Christo-Jeanne Claude - nghệ thuật che dấu - nghệ thuật hé mở”, kênh truyền hình ARTE.

https://www.arte.tv/fr/videos/101401-000-A/christo-jeanne-claude-l-art-de-cacher-l-art-de-devoiler/

(2) - (5) : Phỏng vấn do Michel Bousseyroux, Nicole Bousseyroux và André Ghighi thực hiện, New York, 29/10/2004.

https://www.cairn.info/revue-l-en-je-lacanien-2005-1-page-159.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn