Quyển sách "Paris trong mắt đạo diễn Claude Sautet"

Thứ Hai, 30 Tháng Tám 202111:59 SA(Xem: 2285)
Quyển sách "Paris trong mắt đạo diễn Claude Sautet"
rfi.fr

Quyển sách "Paris trong mắt đạo diễn Claude Sautet"

Tuấn Thảo

Tuy sự nghiệp của Claude Sautet chỉ được phản ánh qua 13 bộ phim truyện, đạo diễn này lại chiếm một vị trí quan trọng trong làng điện ảnh Pháp, dấu gạch nối không thể thiếu giữa François Truffaut và Claude Chabrol. Gần đây, nhà xuất bản Parigramme phát hành quyển sách của nhà báo Hélène Rochette về đạo diễn Claude Sautet, mà các bộ phim đều chọn Paris.

Mang tựa đề "Le Paris de Claude Sautet" (tạm dịch Paris theo cách nhìn của Claude Sautet), quyển sách này dày 200 trang, trong đó có đăng 160 bức ảnh chụp và nhiều tài liệu minh họa. Tác phẩm này còn có tiểu tựa "Romy, Michel, Yves và những tên tuổi khác" ..... từ Romy Schneider, Michel Piccoli cho đến Yves Montand, đều là những diễn viên chủ chốt trong các bộ phim của đạo diễn Claude Sautet (1924-2000). 

Không phải ngẫu nhiên, hình bìa quyển sách chính là bức ảnh chân dung trắng đen tuyệt đẹp của Romy Schneider trích từ bộ phim "Max et les ferrailleurs" (1971), chủ yếu cũng vì ngôi sao màn bạc người Đức mang quốc tịch Pháp là diễn viên gần gũi nhất với nhà đạo diễn. Đạo diễn Claude Sautet gặp Romy tại phim trường Boulogne, trong lúc cô đang thực hiện phần lồng tiếng hậu kỳ cho bộ phim "La Piscine" (Hồ tắm) quay với thần tượng Alain Delon. Lúc còn sống, Romy Schneider từng nói rằng mối quan hệ giữa cô với nhà đạo diễn không đơn thuần là quan hệ nghề nghiệp, mà là một mối đồng cảm nghệ thuật, tâm đầu ý hợp. 

Bộ sưu tập Paris trong mắt giới văn nghệ sĩ

Quyển sách "Le Paris de Claude Sautet'' là tác phẩm thứ ba nằm trong bộ sưu tập Paris theo nhãn quan của các giới văn nghệ sĩ. Trong hai tập sách trước, nhà xuất bản Parigramme từng phát hành tác phẩm "Paris trong mắt của Michel Audiard" nhân 100 năm ngày sinh của nhà biên kịch bản và "Paris theo cách nhìn của François Truffaut", một trong gương mặt nổi bật nhất của phong trào nghệ thuật Làn sóng mới (Nouvelle Vague). Chắc hẳn là trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tựa đề hấp dẫn khác trong tủ sách này

Còn trong trường hợp của Claude Sautet, quyển sách thứ ba của Parigramme được xuất bản nhân dịp 20 năm ngày giỗ của đạo diễn người Pháp, qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2000, hưởng thọ 76 tuổi. Tên tuổi của Claude Sautet thường được gắn liền với dòng phim tình cảm xã hội những thập niên 1970 và 1980, phản ánh nếp sống sinh hoạt của giai cấp trung lưu, mô tả quan hệ đời thường của con người, trong tình yêu, tình bạn hay trong gia đình. Và tất cả những mối quan hệ ấy luôn được lồng vào bối cảnh Paris.

Do sinh trưởng ở Montrouge, vùng ngoại ô Paris, cho nên Claude Sautet đặt ống kính quay phim tại những địa điểm thân quen nhất.  Đến khi thành danh trong làng điện ảnh, ông dọn nhà về sống trên đại lộ Gobelins, Paris, giáp hai quận 5 và quận 13. Tuy nhiên, những góc phố quen thuộc nhất đối với ông vẫn là quận 14, vì thời còn nhỏ ông thường hay đến giúp việc ông nội cũng như giúp đỡ thân phụ của ông, nguyên là chủ của một quán cà phê nằm ở gần phố Montparnasse. 

Một Paris thân quen trong phim Claude Sautet

Yếu tố đời tư này được phản ánh nhiều lần sau đó trong các tác phẩm của Claude Sautet, điển hình là bộ phim "Vincent, François, Paul... et les autres" và nhất là "Garçon!" với lối mô tả sát sườn thực tế khi thực khách dùng tiếng gọi quen thuộc, kêu anh "bồi bàn" hay nhân viên phục vụ trong tiệm cà phê cũng như quán rượu. Thủ đô Paris trong mắt của Claude Sautet là không khí của những con đường nhỏ, những góc phố bình dị tiệm bánh mì thân quen, khác xa hẳn với những danh lam thắng cảnh, những địa điểm mang tính biểu tượng nhưng hơi rập khuôn thường được thấy trên bưu thiếp, hay qua bộ phim truyền hình ăn khách gần đây "Emily in Paris". 

Vào nghề điện ảnh khá sớm, nhưng thành công lại đến với ông khá muộn, Claude Sautet chỉ thật sự nổi danh vào năm 1970, tức cách đây vừa đúng nửa thế kỷ, nhờ bộ phim "Les Choses de la Vie" (Những điều của cuộc sống), với cặp diễn viên ngôi sao Romy Schneider và Michel Piccoli trên màn ảnh lớn. Trước đó, ông đã từng thực hiện hai bộ phim hình sự, nhưng đều gặp thất bại, trong những năm 1960. Claude Sautet gạt tham vọng làm đạo diễn qua một bên trong một thời gian dài, vì đa số các kịnh bản mà ông nhận được thường là đơn đặt hàng hay phim thương mại, không cho phép thể hiện quan điểm nghệ thuật của riêng ông. 

Trong thời gian này,  ông nắm giữ vai trò trợ lý đạo diễn trong khá nhiều bộ phim, kể cả  "La Vie de château" (1966), "Borsalino" (1970) hay là "Les Mariés de  l'an II" (1971). Ông chủ yếu viết lại một số kịch bản mà không phải lúc nào cũng được kể tên trên danh sách đoàn làm phim. Nhưng cũng nhờ vậy, ông làm quen với rất nhiều tên tuổi trong nghề, hợp tác với các đạo diễn Jacques Becker, Jean-Paul Rappeneau hay Philippe de Broca .....  

Claude Sautet, thợ chuyên "thay đế giày"

Đạo diễn François Truffaut từng mệnh danh ông là thợ chuyên thay đế giày (resemelleur), nhưng cũng chính cái tài "đo ni đóng giày" ấy mà khi xem lại kịch bản của người khác, Claude Sautet không sửa theo kiểu chấp vá, mà lại chỉnh với cách nhìn tổng quát, không hề phiến diện. Mãi đến năm 1970, Claude Sautet mới gặt hái thành công ở tuổi 46 nhờ chuyển thể lên màn ảnh lớn quyển tiểu thuyết "Les Choses de la vie" theo yêu cầu của tác giả Paul Guimard, nhờ vào sự hợp tác với tác giả trẻ tuổi Jean-Loup Dabadie.

Claude  Sautet rất hào hứng khi quay bộ phim với lối kể chuyện độc đáo, bắt đầu với một tai nạn giao thông và nhân vật chính trong lúc đang hấp hối, hồi tưởng lại dưới dạng flashback những điều nhỏ nhặt, nhưng đem lại nhiều ý nghĩa trong cuộc đời. Đối với nhiều nhà phê bình, bộ phim "Les Choses de la Vie" (Những điều trong cuộc sống) là bản tuyên ngôn nghệ thuật của Claude Sautet, vì rốt cuộc ông nắm lấy cơ hội để khẳng định nhãn quan của riêng mình, rất khác với phong trào Làn sóng mới.

Được Hollywood dựng lại trên màn ảnh lớn sau đó với cặp bài trùng Sharon Stone và Richard Gere (vào năm 1994), bộ phim Pháp "Les Choses de la Vie" (tiếng Anh là "The Things of Life") chính là bước đầu giúp định hình phong cách làm phim của Calude Sautet, thu vào trong khung hình ảnh những nỗi buồn vui, cay đắng lẫn ngọt bùi của nhịp sống thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng lại khá tinh tế phức tạp với muôn lớp bi hài. Đạo diễn Pháp sinh thời mê nhạc cổ điển và nhạc jazz, khi quay phim ông có lối tiếp cận tổng thể, dùng rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt để làm nổi bật bản giao hưởng. Nói cách khác, phim không chỉ đơn thuần được kể qua lời thoại, mà còn dùng không khí chung, khung cảnh, âm thanh, điệu bộ, ánh mắt để nói lên diễn biến nội tâm. Tất cả những yếu tố ấy khi gộp lại tựa như phép màu vô hình làm nổi bật cốt lõi của bộ phim, mà vẫn không nặng phần triết lý cao siêu. Trước sau gì, điều mà ông muốn nắm vẫn là quan hệ giữa người với người. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn