• Lê Quỳnh
  • BBC News Tiếng Việt

Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện với nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn, tại ngôi nhà ngoại ô của Solzhenitsyn gần Moscow vào ngày 20 tháng 9 năm 2000

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện với nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn, tại ngôi nhà ngoại ô của Solzhenitsyn gần Moscow vào ngày 20 tháng 9 năm 2000

Bị cầm tù rồi phải ra đi vì lên án sự áp bức ở Liên Xô, được đón chào ở phương Tây rồi bị ghẻ lạnh, bản thân ông thì thất vọng, chống chủ nghĩa cộng sản rồi đau đớn khi quê hương hỗn loạn thời hậu cộng sản, và sau khi qua đời, là anh hùng trong mắt nhà nước Nga của Putin.

Được nhiều người thần tượng và cũng bị nhiều người chỉ trích, Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008), người được Nobel Văn học 1970, là một trong những nhà văn, trí thức quan trọng nhất của Nga thế kỷ 20.

Trong những thành tựu quan trọng của ông, bộ ba tập Quần đảo Gulag đã tiết lộ cho thế giới biết về hệ thống trại lao động cưỡng bức của Liên Xô. Tiểu thuyết Bánh xe đỏ điểm lại nguồn gốc và hậu quả của Cách mạng Nga.

Ông đã trải qua tám năm ở trại lao cải trong hệ thống Gulag của Liên Xô từ 1945, sau khi lên án Stalin trong một bức thư gửi cho một người bạn.

Năm 1962, Nikita Khrushchev cho phép cuốn tiểu thuyết Một ngày trong đời của Ivan Denisovich, lấy bối cảnh trại lao cải của Liên Xô, được xuất bản để làm mất uy tín của những người theo Stalin. Năm 1970, Aleksandr Solzhenitsyn được trao giải Nobel văn học.

Alexander Solzhenitsyn được chụp tại Cologne trước khi ông khởi hành đến Zurich ngày 15 tháng 2 năm 1974

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Alexander Solzhenitsyn được chụp tại Cologne trước khi ông khởi hành đến Zurich ngày 15 tháng 2 năm 1974

Trong những năm 1960 và đầu thập niện 1970, ở phương Tây, Aleksandr Solzhenitsyn được xem đại diện cho cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù của tự do.

Tiếng nói của ông, cùng một số ít người khác như Andrei Sakharov (hai người thường xuyên đụng độ), đã phơi bày những sai trái và sự tàn bạo có hệ thống ở Liên Xô.

Sau khi tập một của Quần đảo Gulag được in ở Paris tháng 12/1973, Liên Xô trục xuất ông sang Tây Đức tháng 2/1974. Cùng với vợ, Natalya, và ba con trai, ông cư trú ở Zurich trong hai năm trước khi định cư ở bang Vermont, Hoa Kỳ năm 1977, cho đến khi trở về Nga vào năm 1994, nơi ông qua đời năm 2008 ở tuổi 89.

Giữa hai cối xay là hồi ký nói về giai đoạn nhiều thất vọng của ông khi sống lưu vong tại Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Bộ sách được ông viết khi còn sống tại Mỹ, sau này được đăng nhiều kỳ trên một tạp chí Nga từ 1998 đến 2003 và được Solzhenitsyn sửa đổi vào năm 2004 và 2008.

Aleksandr Solzhenitsyn đi dạo cùng vợ NatalyaNguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Aleksandr Solzhenitsyn đi dạo cùng vợ Natalya

Được dịch sang tiếng Anh với tập 1 in năm 2018 và tập 2 in tháng 11 năm 2020, bộ sách là tâm sự thẳng thắn của nhà văn về những năm lưu vong. Ông nói, "ngay từ đầu, truyền thông phương Tây và tôi không phải là bạn, đã không hiểu nhau".

Hồi ký có tựa Giữa hai cối xay, lấy ý từ một câu cách ngôn Nga, "Thật may mắn, hạt nhỏ đã rơi xuống đất giữa hai cối xay." Hạt nhỏ là ẩn dụ chỉ nhân vật chính, Solzhenitsyn, bị chèn ép hai đầu: vừa bị chỉ trích gay gắt ở phương Tây đồng thời bị lên án ở Liên Xô.

Trước đó Solzhenitsyn đã viết hồi ký có tựa "Con bê và Cây sồi", cũng viết tắt từ một câu cách ngôn khác của Nga, "Một con bê húc một cây sồi". Trong cuốn này viết từ 1967 và in năm 1975, Solzhenitsyn kể về giai đoạn sống ở Liên Xô, ví mình như một kẻ cô đơn chống lại bộ máy khổng lồ.

Tập một của Giữa hai cối xay bắt đầu vào ngày 13 tháng 2 năm 1974, khi Solzhenitsyn bị trục xuất cưỡng bức đến Tây Đức, do kết quả của việc xuất bản Quần đảo Gulag.

Solzhenitsyn chuyển đến Zurich, Thụy Sĩ một thời gian và trong thời gian ngắn, được coi là người đàn ông nổi tiếng nhất thế giới, được các nhà báo săn đón.

Giáo hoàng John Paul II gặp Alexander Solzhenitsyn tại thư viện riêng ngày 16 tháng 10 năm 1993 ở VaticanNguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Giáo hoàng John Paul II gặp Alexander Solzhenitsyn tại thư viện riêng ngày 16 tháng 10 năm 1993 ở Vatican

Solzhenitsyn choáng ngợp trước danh tiếng đột ngột. Ông bị bao vây bởi các phóng viên săn lùng, chụp ảnh mọi hành động. Rất ít ai đọc sách của ông. Đối với họ, ông chỉ là một người nổi tiếng, giống như một ngôi sao nhạc rock. "Các anh còn tệ hơn KGB!" ông cáu.

Ông viết: "Tại Liên Xô, mảnh đất gian khổ và khó khăn, các bước đi của tôi đã trở thành một chuỗi chiến thắng. Tuy nhiên, ở phương Tây, với sự tự do vô hạn của nó, mọi thứ tôi đã làm (hoặc không làm) đều kết thúc bằng một chuỗi thất bại."

Chỉ trích

Sự chỉ trích của giới tinh hoa phương Tây lập tức xảy ra sau khi ông xuất bản Thư gửi các nhà lãnh đạo Liên Xô, gửi cho Leonid Brezhnev năm 1973 và dịch sang tiếng Anh khoảng tháng Tư 1974.

Trong đó ông gợi ý rằng hệ thống chính trị của Nga cần phải phát triển dần dần từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa độc đoán rồi sang dân chủ thay vì cố gắng đột ngột đi từ chủ nghĩa cộng sản sang dân chủ.

Theo ông, kết quả thảm khốc của Cách mạng Nga năm 1917 đã cho thấy những rủi ro khi cố gắng thay đổi chính phủ nhảy vọt. Từ đó, các nhà bình luận kết luận rằng Solzhenitsyn ủng hộ "độc tài", một gán ghép mà ông quyết liệt bác bỏ.

Nhà văn từ chối tuân theo các quan điểm tự do thời thượng. Ông chỉ trích việc Mỹ hòa hoãn với Liên Xô và Mỹ từ bỏ miền Nam Việt Nam.

Sau khi Tổng thống Gerald Ford, theo lời khuyên của Ngoại trưởng Henry Kissinger, từ chối gặp gỡ công khai với Solzhenitsyn, tác giả đã phát biểu trước Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ và Đại hội các Tổ chức Công nghiệp ( AFL - CIO ), kêu gọi phương Tây thách thức chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.

"Đối với tôi, rõ ràng," ông viết, "rằng Chủ nghĩa Cộng sản không thể tồn tại mãi mãi. Nó đang suy tàn từ bên trong, ốm yếu kinh niên, nhưng bên ngoài có vẻ mạnh mẽ vô cùng, đang tiến về phía trước với những bước tiến dài."

Trong bài phát biểu tại Đại học Harvard gây tranh cãi vào năm 1978 có tựa đề "Một thế giới bị chia cắt", Solzhenitsyn đã lên án "chủ nghĩa nhân văn phi tôn giáo" của giới tinh hoa phương Tây, tuyên bố rằng chủ nghĩa tự do Khai sáng là điều đã "dẫn dắt giới trí thức phương Tây đến sự đồng cảm mạnh mẽ và kiên định đối với Chủ nghĩa Cộng sản." Ông cáo buộc truyền thông phương Tây về một "sự đồng nhất quan điểm" dựa trên "thời trang chính trị nhất thời."

Sau bài ở Harvard, Solzhenitsyn bị nhiều người xem là một nhà tiên tri lạc hậu chống lại thế giới hiện đại.

Nga cần 'con đường riêng'

Niềm tin của Solzhenitsyn rằng Nga phải đi theo một con đường riêng biệt được củng cố khi ông xem phương Tây đã quá sùng bái chủ nghĩa tiêu dùng và thiếu tâm linh. "Phương Tây cuối cùng đã đạt được các quyền của con người, và thậm chí là quá mức, nhưng ý thức trách nhiệm của con người đối với Thượng đế và xã hội ngày càng mờ nhạt."

Solzhenitsyn cũng mô tả một số cuộc chiến pháp lý mà ông buộc phải tham gia liên quan đến quyền xuất bản và thu nhập của Quần đảo Gulag và các cuốn sách khác. Ông thừa nhận rằng sự thiếu hiểu biết của mình về văn hóa và hệ thống luật pháp của phương Tây đã khiến mắc nhiều sai lầm và mất tập trung viết lách.

Solzhenitsyn đã tặng tất cả tiền bản quyền từ Quần đảo Gulag, bán được hơn 30 triệu bản, cho một quỹ hỗ trợ các nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản. Tuy nhiên, luật sư Thụy Sĩ mà ông tin tưởng đã không nộp đủ giấy tờ, và Thụy Sĩ đã buộc tội Solzhenitsyn trốn thuế. Vấn đề chỉ được giải quyết sau một năm đấu tranh với bộ máy quan liêu của Thụy Sĩ.

Phát biểu tại một cuộc họp thị trấn ở Cavendish, Vermont vào tháng 2 năm 1977, nhà văn nói về "số phận cay đắng của cuộc sống đày ải bắt buộc. Không có gì như cũ ở một vùng đất xa lạ; không có gì của bạn. Bạn cảm thấy đau khổ liên tục trong khi mọi người khác sống bình thường — và bạn bị coi như một người xa lạ."

Không thích Gorbachev và Yeltsin

Bản dịch tập 2 hồi ký của nhà văn, ra mắt cuối năm 2020, kể về thời gian ở Mỹ từ 1978 tới 1994.

Solzhenitsyn không mấy khen ngợi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ông thấy Glasnost và perestroika chẳng qua là nỗ lực vô ích cuối cùng của một đế chế đang hấp hối để tự cứu mình.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ khánh thành bức tượng của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn ở Moscow vào ngày 11 tháng 12 năm 2018.Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ khánh thành bức tượng của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn ở Moscow vào ngày 11 tháng 12 năm 2018.

Khi Liên Xô sụp đổ, Solzhenitsyn phải đối mặt với câu hỏi khi nào sẽ về nước. Ông xem những gì xảy ra ở Nga sau đó như một sự lặp lại của năm 1917.

"Năm 1992," ông viết, "Thảm họa Nga bắt đầu bùng phát: cuộc sống, đạo đức và nhận thức xã hội tan rã, không thể ngăn cản; trong văn hóa và khoa học, mất đi hoạt động hợp lý, giáo dục trường học và chăm sóc trẻ em rơi vào tình trạng rối loạn nghiêm trọng."

"Gorbachev," ông viết, "đã làm nổ ra . . một tháng Hai mới [1917]. Và Yeltsin đã khiến nó lăn hết cỡ, đập tan mọi thứ trên đường."

Tập 1 và tập 2 hồi ký Solzhenitsyn kể rất nhiều các cuộc tranh cãi, mâu thuẫn của ông với cả trí thức Liên Xô, người bất đồng chính kiến và trí thức phương Tây.

Nhưng trong tập 2, nhà văn dành những lời dịu dàng nhất cho người vợ, Natalya Svetlova: "Em là tri kỷ của tôi — và là Chắp cánh thăng hoa của cuộc đời tôi! Vì tất cả những điều này, vì mọi thứ — tôi xin cúi đầu trước trái tim vĩ đại của em."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin trao Huân chương cho Natalya Solzhenitsyna, vợ góa của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn tháng 11/2019Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin trao Huân chương cho Natalya Solzhenitsyna, vợ góa của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn tháng 11/2019

Năm 1990, ngay trước khi Liên Xô tan rã, quyền công dân của Solzhenitsyn được khôi phục và ông trở lại Nga năm 1994. Ông qua đời tại Moscow năm 2008 ở tuổi 89.

Sau sự lộn xộn của Boris Yeltsin, Solzhenitsyn tìm thấy lý tưởng của một nhà lãnh đạo mạnh ở Vladimir Putin, người lên làm tổng thống Nga năm 2000.

Ngày 11/12/2018, nhân 100 năm ngày sinh nhà văn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khánh thành tượng đài Alexander Solzhenitsyn ở quận Tagansky của Moscow.

Phát biểu hôm ấy, Tổng thống Putin nói: "Tôi nhớ rất rõ tất cả các cuộc gặp với Alexander Solzhenitsyn - sự khôn ngoan, thận trọng và hiểu biết sâu sắc về lịch sử của ông. Trái tim và tâm hồn, những suy nghĩ của ông đều đong đầy nỗi đau đối với Tổ quốc và tình yêu vô hạn đối với Tổ quốc."

"Ông đã phân định rõ ràng nước Nga chân chính của nhân dân và hệ thống độc tài toàn trị, vốn mang lại đau khổ và thử thách khốc liệt cho hàng triệu người. Nhưng ngay cả khi sống lưu vong, Solzhenitsyn sẽ không dung thứ cho bất kỳ ai nói xấu hoặc khinh miệt quê hương, và phản đối bất kỳ biểu hiện nào của chứng sợ Nga," ông Putin nói.