Những ca khúc tiếng Pháp “hai số phận”

Thứ Bảy, 17 Tháng Bảy 20219:28 SA(Xem: 2919)
Những ca khúc tiếng Pháp “hai số phận”
rfi.fr

Những ca khúc tiếng Pháp “hai số phận” - Tạp chí âm nhạc

Gia Trình

Nhạc Pháp thường bị đánh giá thấp hơn giá trị thật. Khi chuyển ngữ sang tiếng Anh, nhiều ca khúc gốc Pháp lại thành công vang dội. Liệu có phải khoác chiếc áo tiếng Anh thay đổi hoàn toàn cục diện ? Tạp chí Âm Nhạc kỳ này điểm lại một số ca khúc nhạc Pháp “hai số phận” như thế.

Charles Aznavour - Tous les visages de l’amour - She - 1974

Ca khúc được Charles Aznavour sáng tác năm 1974. Nhạc sỹ, ca sỹ cũng ghi âm tới bốn phiên bản ngoại ngữ khác nhau Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Đây là nỗ lực đáng khen ngợi nhằm quảng bá tác phẩm rộng rãi đến công chúng. Ca từ đẹp, giai điệu lịch lãm là ấn tượng khó phai về bài hát. Charles Aznavour còn gây bất ngờ hơn khi ông giới thiệu một phiên bản tempo nhanh hơn, hào sảng hơn. Ca khúc từng leo lên hạng 1 ở Anh Quốc nhưng lại khá thất thế tại quê nhà và cả bên bờ Đại Tây Dương.

Hai mươi tư năm sau, năm 1998, bài hát xuất hiện trong diện mạo mới, trang nhã không kém, bằng tiếng Anh. Nam nghệ sỹ Elvis Costello đã hát lại ca khúc bằng phiên bản tiếng Anh có tựa đề She (Cô ấy). Bài hát được chọn làm nhạc nền phim tình cảm lãng mạn Notting Hill có siêu sao Julia Roberts thủ vai. Thành công rực rỡ của bộ phim cùng nụ cười tỏa nắng của Julia khiến cho Cô ấy có bước đại nhẩy vọt. Tác phẩm soán ngôi trên bảng xếp hạng âm nhạc khắp châu Âu.

Ca khúc dễ dàng thoát được cái bóng nhạc Pháp 24 năm trước. Rất nhẹ nhàng, nhà sản xuất Trevor Jones giữ được linh hồn của bài hát đậm chất Pháp: tinh tế, hài hòa nhưng không nhạt nhòa. She là ví dụ khiến cho người nghe bất ngờ tìm lại bản gốc tiếng Pháp (Tous les visages de l’amour). Có lẽ nếu ra đời đúng thời điểm và soundtrack nhạc phim Notting Hill, có thể bản gốc tiếng Pháp đã có số phận khác biệt.

She may be the face I can't forget ; The trace of pleasure or regret ; May be my treasure or the price I have to pay ; She may be the song that summer sings ; Maybe the chill that autumn brings ; Maybe a hundred different things ; Within the measure of a day.

Cô ấy có gương mặt khiến tôi không thể nào quên ; Dấu vết của sự hân hoan hay hối tiếc ; Có thể kho báu hay cái giá mà tôi phải trả ; Cô ấy có thể là bản tình ca mùa hè ; Có thể là chút lạnh giá mùa thu ; Hàng trăm thứ khác nhau trong cùng một ngày.

Les Feuilles Mortes - Autumn Leaves - 1946

Quay ngược về thập niên 1940, bản nhạc Les Feuilles Mortes (Những chiếc lá úa) có lẽ chung một số phận. Ca khúc jazz kinh điển được sáng tác bởi Joseph Kosma, nhạc sỹ gốc Hungary. Phần lời tiếng Pháp do Jacques Prévert sáng tác năm 1946. Tiết tấu nhịp chậm rãi, giai điệu man mác khiến bài hát rất cuốn hút với người nghe. Sản phẩm hợp tác giữa Joseph và Jacques được sáng tác giữa lòng kinh đô ánh sáng Paris.

Ca khúc được chọn lồng trong bộ phim Les Portes de la nuit (Gates of the night). Tuy nhiên, mức độ phổ biến của Les Feuilles Mortes vẫn còn hạn chế cho đến tận 5 năm sau. Nhạc sỹ John Mercer chuyển ngữ Les Feuilles Mortes thành bản nhạc tiếng Anh Autumn Leaves. Kỳ lạ thay, sức sống của “Những chiếc lá úa” như được hồi sinh. Hơn một ngàn bản ghi âm khác nhau của Autumn Leaves ra mắt. Các ngôi sao trứ danh như Nat King Cole (1955), Doris Day (1956) và Frank Sinatra (1957) không thể bỏ qua một giai điệu trữ tình sâu lắng đến vậy.

Hơn thế nữa, mãnh lực của Autumn Leaves còn lan sang nhạc không lời. Nghệ sỹ piano Roger Williams đã lần đầu ghi tên bảng xếp hạng âm nhạc nhờ phần piano của Autumn Leaves. Bài hát tiếng Anh gặp đúng thời kỳ jazz bùng nổ ở thập niên 1940-50. Khi chuyển ngữ, ca khúc đã tiếp cận lượng khán giả trên diện rộng hơn. Sự da diết, nồng nàn trong chất tình ca Pháp tìm đường đến thẳng trái tim khán giả.

Claude François - Comme d’habitude - My way - 1967

Nhắc tới Frank Sinatra, khán giả yêu nhạc đều nhớ tới bản nhạc đỉnh cao My Way. Nhưng ít người biết rằng đó là ca khúc gốc tiếng Pháp. Bản nhạc gốc có tên gọi Comme d'habitude được nhạc sỹ Claude François sáng tác vào năm 1967. Ca khúc trở thành hiện tượng vào thời điểm đó khi leo tới hạng 1 tại Pháp. Mặc dù người yêu nhạc khá ưa thích ca khúc trên sóng radio, sức tiêu thụ lại khá chậm, chỉ được 350 nghìn bản trong vài tuần.

Khi đó, danh ca Paul Anka và nhà xuất bản hãng đĩa của Paul là Gilbert Marouani cùng có mặt tại Paris. Họ vô tình nghe ca khúc trên truyền hình và ngay lập tức “phải lòng” bản nhạc. Thỏi nam châm Comme d’habitude đã dẫn tới đề nghị Anh hóa ca khúc. Paul đã viết lời ca khúc tiếng Anh tựa đề My Way. Frank Sinatra có may mắn ghi âm ca khúc và trình làng đúng một năm sau đó, tháng 12 năm 1968. Bản nhạc có độ lan tỏa mạnh mẽ, đưa tên tuổi Frank Sinatra trở nên vô cùng nổi tiếng.

Cần phải lưu ý vai trò rất lớn của Paul Anka. Ông không dịch sát bản gốc mà sáng tạo một cuộc sống mới cho ca khúc. Bản gốc chỉ đề cập tới thói quen của cặp đôi trong mối quan hệ tình cảm. Trái ngược hẳn, bản nhạc tiếng Anh là trải lòng của một người đàn ông từng trải, đối diện với tử thần nhưng không hối tiếc về cuộc đời trải qua. Tuy dựa trên cùng một nền nhạc và cấu trúc ca từ, Comme d’habitude đã có cuộc sống mới khi được chuyển sang tiếng Anh.

Jacques Brel - Ne me quitte pas - If you go awayLe Moribond - Seasons in the sun

Nhạc sỹ người Bỉ Jacques Brel được ví như một tài năng đặc biệt. Những ca khúc u buồn tiếng Pháp của ông là nguồn cảm hứng bất tận cho các ca sỹ. Khi một số bản hit như Ne me quitte pas (If you go away) và Le Moribond (Seasons in the sun) được chuyển ngữ sang tiếng Anh, khán giả gần như quên hẳn bản gốc tiếng Pháp.

Năm 24 tuổi, Jacques Brel chuyển sang sống tại Paris vào năm 1953 sau khi quá chán nản, bế tắc với cuộc sống tại nhà máy sản xuất bìa carton của gia đình ở Bruxelles. Ông bỏ lại người vợ, cả gia đình non trẻ để ký hợp đồng hãng đĩa Philips tại Pháp. Hai ca khúc của ông được biết đến nhiều hơn nhờ hát bằng tiếng Anh. Le Moribond là ca khúc sầu não kể về người đàn ông sắp qua đời. Khi chuyển qua tiếng Anh, Season in the sun (Những mùa đầy nắng), bài hát giũ bỏ màu sắc buồn thảm để thành ca khúc vui nhộn, dí dỏm. Bản gốc “Tôi muốn họ khiêu vũ khi đưa tôi xuống hố” được đổi thành “Chúng tôi vui vẻ, chúng tôi có những mùa đầy nắng”.

Tương tự, bản hit Ne me quitte pas có giai điệu buồn khá ám ảnh, nhưng đã giảm thiểu sức mạnh u buồn trong bản tiếng Anh If you go away. Chính xác hơn phải dịch là “Đừng bỏ anh mà đi”. Nhưng giai điệu buồn ám ảnh của bài hát lại khiến cho hàng loạt ngôi sao tên tuổi muốn ghi dấu ấn riêng như Nana Mouskouri, Frank Sinatra, Barbara Streisand, Glen Campell. Cho dù có nhiều phiên bản cover bằng tiếng Anh, khó ai diễn tả chân thực hơn tác giả sáng tác ra bài hát. Có lẽ Jacques Brel quá nổi tiếng về cảm xúc tuyệt vọng trong những sáng tác thách thức tình yêu và cái chết. Vì thế, khi chuyển sang tiếng Anh, cảm xúc u buồn bị giảm nhẹ tối đa khiến cho bản nhạc “dễ thở” hơn nhiều.

Những bài hát “hai số phận” không chứng minh rằng hát tiếng Anh hấp dẫn hơn hát tiếng Pháp mà chỉ ra rằng sự thành công của một ca khúc cần sự may mắn và tính thời điểm. Ngoài ra, các tác giả chuyển ngữ rất giỏi trong việc gia giảm cảm xúc, ngữ cảnh cho phù hợp với đa số khán giả. Trong âm nhạc, sự phát triển đều có tính kế thừa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn