Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp tôn vinh nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz

Thứ Sáu, 25 Tháng Sáu 20218:00 SA(Xem: 2267)
Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp tôn vinh nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz
rfi.fr

Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp tôn vinh nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz

Tuấn Thảo

Năm 2021 là năm công nhận tài năng của giới nữ nghệ sĩ. Hôm 23/06 vừa qua, Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp đã thông báo trao tặng một trong giải thưởng quan trọng nhất cho nhà nhiếp ảnh người Mỹ Annie Leibovitz. Đồng thời, Viện Mỹ thuật cũng đã bỏ phiếu chọn 3 phụ nữ Pháp làm thành viên trong các ban điêu khắc, kiến trúc và nhiếp ảnh.

Giải thưởng của Viện Hàn lâm Mỹ thuật, một trong 5 cơ quan trực thuộc Hàn Lâm Viện của nước Pháp không những công nhận tài năng của một nghệ sĩ trong lãnh vực chuyên môn của họ, mà còn đánh dấu thành tựu của cả một sự nghiệp. Cách đây hai năm, Viện Mỹ thuật đã thành lập giải thưởng William Klein, nhân danh nghệ sĩ người Mỹ gốc Do Thái đa tài, giỏi trong nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau (đạo diễn, biên kịch, họa sĩ, nhà tạo hình, video thử nghiệm, thiết kế đồ họa ….)

Nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh quốc tế nhờ bộ sưu tập ảnh chụp New York 1954-1955, William Klein được giới chuyên nghiệp công nhận như một bậc thầy, tiên phong sáng tạo trong lãnh vực nhiếp ảnh đường phố. Cứ hai năm được trao một lần, giải William Klein không chỉ đơn thuần là một danh hiệu cao quý mà còn đi kèm với một phần thưởng bằng hiện kim trị giá 120.000 euro. Vào năm 2019, người đầu tiên đoạt giải này là nhà nhiếp ảnh người Ấn Độ Raghu Rai. Hai năm sau, đến phiên nữ nhiếp ảnh gia Mỹ Annie Leibovitz được xướng tên trên bảng vàng.

Bức ảnh chụp John Lennon và Yoko Ono : định mệnh trớ trêu

Sinh năm 1949 tại bang Connecticut, Hoa Kỳ, Annie Leibovitz thời còn trẻ theo học Trường cao đẳng Nghệ thuật San Francisco Art Institute. Lúc đầu bà chọn học nghề vẽ nhưng sau đó lại chuyển qua nghề nhiếp ảnh, sau khi được thầy cô khuyến khích nhờ có một nhãn quan khác lạ nhân các khóa thực tập sáng tác. Thành danh khi mới vào nghề nhờ chụp ảnh phóng sự cho "Rolling Stone", Annie Leibovitz trở thành cộng tác viên thường trực của tạp chí này trong vòng hơn một thập niên. Vào năm 1972, một tấm hình của bà đã đi vòng quanh thế giới sau khi được nhiều tờ báo lần lượt đăng lại. Đó là bức ảnh chụp Tổng thống Nixon lên trực thăng rời khỏi Nhà Trắng sau khi buộc phải từ chức do vụ Watergate.

Đến mùa đông năm 1980, Annie Leibovitz đã thực hiện điều mà bà gọi là một trong những phiên chụp ảnh quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình :  loạt ảnh chụp cặp vợ chồng nghệ sĩ Yoko Ono và John Lennon. Bức ảnh đăng trên trang bìa tạp chí Rolling Stone cho thấy một John Lennon trần như nhộng, trong tư thế nằm nghiêng, đang cuộn mình lại để ôm trọn Yoko trong vòng tay của mình. Phiên chụp ảnh này lại vô tình trở thành một khoảnh khắc định mệnh ''trớ trêu'', bởi vì đó lại là những tấm hình cuối cùng của nhạc sĩ kiêm thành viên sáng lập nhóm Tứ Quái The Beatles, mà không ai có thể biết trước. Đằng sau vòng tay tha thiết quấn quýt thương yêu, lại xuất hiện tiếng gọi oan nghiệt, ngàn thu vĩnh biệt. Chỉ vài giờ sau đó, tối hôm 08/12/1980, John Lennon bị bắn chết ngay trước cổng nhà. Ảnh chụp hai vợ chồng John và Yoko qua ống kính của Annie Leibovitz một lần nữa lại đi vòng quanh thế giới, tấm hình ''di chúc'' này được báo Rolling Stone đăng tải, sau ngày John Lennon bị sát hại.

Sau 13 năm hợp tác (từ 1970 đến 1983), Annie Leibovitz rời Rolling Stone về làm việc cho tuần báo Vanity Fair. Bà phát huy sở trường chụp ảnh chân dung các thần tượng điện ảnh và sân khấu. Một trong những cú đột phá ngoạn mục nhất vẫn là bức ảnh chụp đăng trên trang bìa Vanity Fair tháng 8 năm 1991, cho thấy ngôi sao màn bạc Demi Moore, khỏa thân và đang có bầu. Bức ảnh này cũng trở nên rất nổi tiếng, gợi hứng cho nhiều tác giả và nghệ sĩ khác sau này, trong đó có Banksy vào năm 2006.

Hai vế nổi bật trong sự nghiệp sáng tác nhiếp ảnh

Kể từ năm 1998 trở đi, Annie Leibovitz chuyển sang ngành nhiếp ảnh thời trang, nhưng trong suốt sự nghiệp của bà vẫn tồn tại hai xu hướng nổi bật : người phác họa chân dung các nhân vật nổi tiếng thời đại và đồng thời nhà nhiếp ảnh chuyên nắm bắt những khoảnh khắc riêng tư thân mật. Trong vế thứ nhất, Annie Leibovitz đã chụp chân dung của nhiều nhân vật nổi tiếng khác nhau, từ nữ hoàng Elisabeth Đệ Nhị đến tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từ gia đình tổng thống Mỹ Barack Obama đến các nhân vật như ông hoàng nhạc pop Michael Jackson, vô địch quần vợt Serena Williams…

Những bức ảnh chụp chân dung (thường là theo ''đơn đặt hàng'') lại có những yếu tố ''đột xuất'', ngoạn mục nên dễ gây bất ngờ chẳng hạn như vô địch điền kinh nam Carl Lewis đi giầy cao gót, ngôi sao màn bạc da màu Whoopi Goldberg lại tắm trong bồn sữa trắng, như thể nhà nhiếp ảnh dùng chi tiết nghịch dụ để khuynh đảo bố cục hài hòa, nhưng đồng thời dùng góc nhìn để nhấn mạnh cá tính của nhân vật trong ảnh.

Còn trong vế thứ nhì, Annie Leibovitz có một lối tiếp cận phóng khoáng, đơn giản và tự nhiên hơn. Ảnh chụp (dù có chuẩn bị từ trước) vẫn không cho thấy một sự sắp đặt nào cả. Annie Leibovitz phát huy thêm loại ảnh chụp phản ánh thực tế thường ngày, kể cả những tấm hình chụp cuộc sống riêng tư của bà với người bạn đời là nữ tác giả Susan Sontag. Lấy cảm hứng từ thể loại nhiếp ảnh ''nhật ký'' này, Annie Leibovitz lại hoàn tất một tác phẩm để đời. Bộ ảnh chụp ''Women'' (Phụ nữ) tập hợp chân dung và hình ảnh của hàng trăm phụ nữ đời thường xuất thân từ mọi tầng lớp xã hội, sợi chỉ đỏ xuyên suốt vẫn là nghị lực vươn lên trong cuộc sống, dù họ ở bất kỳ nơi đâu, trải qua bất cứ hoàn cảnh nào

Công nhận sự đóng góp của phụ nữ trên mọi phương diện

Bản thân nghệ sĩ Annie Leibovitz rất hãnh diện khi được trao giải William Klein, vì thời còn trẻ bà ngưỡng mộ ông cũng như các bậc đàn anh lẫy lừng khác là hai nhiếp ảnh gia Robert Frank (người Mỹ gốc Thụy Sĩ) và Henri Cartier-Bresson (người Pháp). Một cuộc triển lãm ''toàn tập'' bao gồm nhiều bức ảnh chụp tiêu biểu cho các thời kỳ của Annie Leibovitz sẽ được tổ chức tại trung tâm Paris trong khuôn viên Hàn Lâm Viện từ ngày 27/10 đến 28/11/2021.

Qua việc trao giải thưởng này cho nhà nhiếp ảnh người Mỹ Annie Leibovitz và đồng thời bầu 3 phụ nữ Pháp làm thành viên, trong đó có cô Anne Poirier vào trong ban Điêu khắc, Anne Demogian trong ban Kiến trúc và Dominique Issermann ban nhiếp ảnh, Viện Hàn lâm Mỹ thuật đã tham gia vào một xu hướng thịnh hành trong những năm gần đây.

Đã đến lúc các định chế văn hóa công nhận đứng mức sự đóng góp của phụ nữ trên mọi phương diện của cuộc sống, kể cả sáng tác nghệ thuật. Các bảo tàng lớn như Louvre, Orsay hay Trung tâm Pompidou đều đã có nỗ lực đề cao vai trò của phụ nữ trong các bộ môn văn hóa. Một cách để nhắc nhở rằng mãi cho đến năm 1897, tức là hơn mọt thế kỷ sau cuộc Cách mạng Pháp, Trường Mỹ thuật quốc gia mới chịu mở cửa đón nhận nữ sinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn